THÔNG TIN KHOÁ THIỀN

MỤC LỤC

1. Tham gia khoá thiền:

  • Chùa Phúc Minh tổ chức khoá thiền theo thời khoá biểu hàng ngày đều đặn & quanh năm. Mỗi ngày các thiền sinh đều có thể đến chùa để thực tập thiền. Chùa luôn tiếp nhận các hành giả đến đăng ký hành thiền, nhưng điều kiện là trước khi đến các hành giả phải đọc kỹ và đồng ý sẽ chấp nhận tuân thủ nghiêm túc nội quy sinh hoạt ở dưới đây (CHÚ Ý MỤC SỨC KHOẺ) [QUAN TRỌNG]:

Những lưu ý trước khi tham gia hành thiền tại chùa

  • Hiện tại BTC chỉ tiếp nhận thiền sinh trong độ tuổi từ 14-65, không có những bệnh nền về thể chất nghiêm trọng và các bệnh lý về tâm lý.
  • Thiền sinh đến tu tập được sắp xếp chỗ ăn ở tại chùa trong suốt thời gian khóa thiền và việc hành thiền tại chùa cùng thực phẩm và trú xứ là hoàn toàn miễn phí.
  • Chùa mở cổng hàng ngày từ 6h:00 đến 18h:00. Thiền sinh đến chùa tu tập vui lòng tới trong khoảng thời gian này. <QUAN TRỌNG>
  • Trong suốt quá trình tu tập tại chùa, thiền sinh sẽ cần giữ bát quan trai giới, bao gồm 8 giới:
    1. Không sát sinh, không giết hại sinh vật;
    2. Không trộm cắp, không lấy của không cho;
    3. Không hành dâm, không quan hệ tình dục;
    4. Không nói dối, không nói sai sự thật;
    5. Không uống rượu, hút thuốc và sử dụng các chất say nghiện;
    6. Không ăn uống phi thời, không ăn sau 12h trưa;
    7. Không nghe nhạc xem phim, đàn ca múa hát, trang điểm, đeo trang sức, thoa nước hoa hoặc mỹ phẩm;
    8. Không nằm và ngồi trên giường ghế cao và sang trọng.

  • Ngoài ra, các thiết bị như điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác phải được gửi lại ở Văn Phòng Chùa cho tới khi khóa thiền chấm dứt. 

  • Về sức khỏe:
    Quý hành giả nên chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi đi dự khóa thiền. Khóa thiền có thể sẽ không phù hợp để điều trị các căn bệnh về tâm lý, nếu quý hành giả đang trải qua những căn bệnh này, có thể những khóa trị liệu theo những phương pháp khác sẽ phù hợp hơn.
  • Do điều kiện y tế còn hạn chế nên Nhà Chùa chưa thể tiếp nhận những trường hợp thiền sinh:
    + Đang ăn kiêng.
    + Đang trong quá trình điều trị bệnh.
    + Không thể tự túc trong sinh hoạt.
    + Có tiền sử bệnh thần kinh hiện tại chưa khỏi.
    • Trường hợp thiền sinh biết mình đang có bệnh lây nhiễm (viêm gan siêu vi, cảm, ho,….) nên kỹ lưỡng trong sinh hoạt, ăn, uống để tránh lây nhiễm cho tập thể. Nên rửa chén bát, muỗng, đũa của mình thật kỹ sau khi dùng và nên mang theo ly uống nước dùng riêng.
  • Thực phẩm:
    Thực phẩm do nhà bếp nấu là đồ chay. Nhà chùa luôn cố gắng chuẩn bị những thực đơn bổ dưỡng và quân bình, thích hợp cho sự thực hành thiền. Nếu thiền sinh nào phải dùng những thức ăn đặc biệt vì lý do sức khỏe, nên thông báo cho văn phòng chùa biết khi đăng ký. Không được phép nhịn ăn.

2. NHỮNG VẬT DỤNG CẦN MANG THEO:

  • Giấy tờ tuỳ thân: Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước, hoặc hộ chiếu… (dùng để xác nhận danh tính và làm giấy tạm trú tạm vắng theo yêu cầu của chính quyền địa phương)<Quan trọng>
  • Quần áo phù hợp: Thiền sinh cần mang theo đầy đủ quần áo. Nếu có Pháp phục thì nên mang đến, nếu không có Pháp phục thì nên mặc trang phục kín đáo, lịch sự, rộng rãi, đơn giản, không cần phải mặc đẹp. Không mặc đồ bó sát, quá hở, mỏng, quá diêm dúa, loè loẹt.
  • Các vật dụng sinh hoạt cá nhân: Khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội,…
  • 1 đèn pin, 1 đồng hồ báo thức, và 1 ô che mưa. <QUAN TRỌNG>

3. THỜI KHÓA TU TẬP TRONG KHÓA THIỀN:

Chùa Phúc Minh tổ chức khoá thiền theo thời khoá biểu hàng ngày; trong giờ hành thiền, các hành giả không được tự ý ở trong phòng riêng mà đều phải hành thiền chung ở thiền đường hoặc hành thiền cá nhân ở vườn thiền.

Sáng:

  • 3h45-4h45: Hành thiền;
  • 4h45-5h: Tụng kinh;
  • 5h45-6h30: Ăn sáng;
  • 7h30-10h: Hành thiền;
  • 10h30-11h30: Ăn trưa;
  • 11h30-13h: Nghỉ trưa.

Chiều-tối:

  • 13h30-17h: Hành thiền;
  • 16h30-18h: Trình pháp;
  • 18h-18h30: Tụng kinh.
  • 19h-21h: Nghe giảng pháp hoặc hành thiền

4. NỘI QUY TU TẬP:

  • Hành thiền chung theo đúng thời khoá.
  • Tôn trọng và thực hành theo chỉ dẫn hành thiền.
  • Lưu ý: Vui lòng không tự thực hành theo một truyền thống hành thiền khác tại chùa. Nếu bạn muốn thực hành những truyền thống khác, bạn nên tìm đến những trú xứ khác mà có vị thầy có đủ năng lực và kinh nghiệm về truyền thống tu tập mà bạn muốn thực tập.
  • Giữ im lặng trong suốt thời gian hành thiền.
  • Không tụ tập từ hai người trở lên trong cùng một phòng.
  • Không sử dụng điện thoại trong khoá thiền.
  • Không mang và mở các thiết bị phát nhạc, loa đài.

5. QUY ĐỊNH SINH HOẠT:

  • Giữ gìn vệ sinh và yên lặng khi sinh hoạt tại chùa.
  • Sử dụng tiết kiệm điện, nước, bột giặt,…
  • Lấy vật thực vừa đủ dùng, không lấy thừa rồi đổ bỏ.
  • Không tự ý đi ra ngoài khu vực chùa.

6. ỨNG XỬ PHÙ HỢP:

  • Cung kính, tôn trọng chư Tăng Ni đang tu tập tại chùa, chắp tay đảnh lễ khi gặp các vị.
  • Đảnh lễ 3 lần trước và sau khi trình pháp với vị sư chỉ dẫn.
  • Tôn trọng và biết ơn đối với những vị cư sĩ phục vụ tự nguyện và các thí chủ đã cúng dường chỗ ở, vật thực,… những vật dụng thiết yếu cho mình.
  • Luôn giữ sự hoà nhã, tâm từ đối với mọi người xung quanh.

7. HƯỚNG DẪN ĐẾN CHÙA:

  • Lưu ý không nhầm sang chùa Phúc Minh ở xã Hiệp Hoà. Ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có hai chùa tên là chùa Phúc Minh. Để tránh nhầm lẫn, quý hành giả có thể bảo xe ôm hoặc taxi chở về Uỷ ban nhân dân xã Minh Quang, huyện Vũ Thư. Vì chùa nằm gần Uỷ ban nhân dân xã Minh Quang.

1/ Từ các tỉnh thành phía Bắc và nửa miền Trung trở vào đến Thái Bình:

  • Chùa ở cách bến xe khách Thành Phố Thái Bình khoảng 7km, nên khi đến đây thì bắt xe ôm hoặc taxi nhờ chở đến “UBND Xã Minh Quang, Vũ Thư”, chùa ở cách đó khoảng 400m, nhìn lên thấy ngôi chùa chính có 1 nóc tháp nhọn ở trên nền mái cong chùa Việt.
  • Nếu xe khách đến Thành Phố Thái Bình mà đi qua tỉnh Nam Định, thì khi vào đến tỉnh Thái Bình nhờ họ cho dừng ở “Cầu La”. Sau đó bắt xe ôm hoặc taxi chở đến UBND xã Minh Quang, Vũ Thư, hoặc đi bộ thẳng khoảng 3km là đến chùa.

2/ Từ các tỉnh thành phía Nam đến Thái Bình:

  • Hiện tại hệ thống ga tàu hoả chưa có điểm dừng tại tỉnh Thái Bình, mọi người có thể bắt đến ga tàu Nam Định là gần với chùa nhất cách 15km, sau đó bắt xe ôm hoặc taxi đến chùa.
  • Thiền sinh nào đi máy bay hoặc xe khách đến Hà Nội, rồi từ Hà Nội bắt xe ngược lại Thái Bình thì tham khảo phần hướng dẫn cho các tỉnh phía bắc. Từ sân bay Nội Bài có thể bắt các tuyến xe buýt về bến xe Giáp Bát, sau đó lại bắt tiếp xe về Thái Bình, xin dừng tại điểm dừng Cầu La, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư.