tăng chi bộ
Chương sáu pháp
6.11-20

II. Phẩm Cần Phải Nhớ

Dịch giả

Hòa thượng Thích Minh Châu

6.11. Cần Phải Nhớ (1)

—Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp cần phải ghi nhớ này. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú thân làm từ đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú lời nói từ đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú ý nghĩ từ đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các đồng Phạm hạnh có giới đức. Đây là pháp cần phải ghi nhớ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các đồng Phạm hạnh trước mặt lẫn sau lưng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu pháp cần phải ghi nhớ.

6.12. Cần Phải Nhớ (2)

—Có sáu pháp cần phải ghi nhớ này, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú thân làm từ đối với các vị đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú lời nói từ… ý nghĩ từ đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Đây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.

Đây là sáu pháp cần phải ghi nhớ, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

6.13. Xuất Ly Giới

—Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp xuất ly giới này. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy, trường hợp không phải như vậy. Ai tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện như vậy không xảy ra, này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát sân tâm, tức là từ tâm giải thoát”.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập, bi tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Ai tu tập bi tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát hại tâm, tức là bi tâm giải thoát”.

Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập hỷ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, bất lạc tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy. Hiền giả chớ nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập hỷ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, bất lạc tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát bất lạc tâm, tức là hỷ tâm giải thoát”.

Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập xả tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, tham tâm vẫn ngự trị tâm ta”. Vị ấy cần được nói: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập xả tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, tham tâm vẫn ngự trị an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát tham tâm, tức là xả tâm giải thoát”.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói như sau: “Ta đã tu tập vô tướng tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, thức của ta vẫn tùy niệm tướng”. Vị ấy cần phải được nói như sau: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập vô tướng tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, thức vẫn sẽ tùy niệm tướng, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát tất cả tướng, tức là vô tướng tâm giải thoát”.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nói như sau: “Tôi đã từ bỏ tư tưởng “Tôi là”. Tôi không có tùy quán “Cái này là tôi”, tuy vậy, mũi tên nghi ngờ, do sự xâm chiếm tâm tôi và an trú”. Vị ấy cần được nói như sau: “Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Với ai đã từ bỏ tư tưởng “Tôi là”, với ai không có tùy quán “Cái này là tôi”, tuy vậy, mũi tên nghi ngờ, do dự xâm chiếm tâm người ấy và an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát mũi tên nghi hoặc do dự, tức là sự nhổ lên kiêu mạn “Tôi là”.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu pháp xuất ly giới.

6.14. Hiền Thiện

Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả Tỷ-kheo”—“Thưa Hiền giả”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

—Này các Hiền giả, vị Tỷ-kheo nếu sống nếp sống như vậy, như vậy, do sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện! Và như thế nào, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện?

Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo ưa công việc, thích thú công việc, chuyên tâm ưa thích công việc; ưa nói chuyện, thích thú nói chuyện, chuyên tâm ưa thích nói chuyện; ưa ngủ, thích thú ngủ, chuyên tâm ưa thích ngủ; ưa hội chúng, thích thú hội chúng, chuyên tâm ưa thích hội chúng; ưa liên lạc giao thiệp, thích thú liên lạc giao thiệp, chuyên tâm ưa thích liên lạc giao thiệp; ưa hý luận, thích thú hý luận, chuyên tâm ưa thích hý luận. Như vậy, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện. Này các Hiền giả, đây được gọi là Tỷ-kheo ái lạc có thân, không từ bỏ có thân để chân chánh chấm dứt khổ đau.

Này các Hiền giả, Tỷ-kheo nếu sống nếp sống như vậy, như vậy, do sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung được hiền thiện, khi mệnh chung được hiền thiện. Và như thế nào, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung được hiền thiện, khi mạng chung được hiền thiện?

Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không ưa công việc, không thích thú công việc, không chuyên tâm ưa thích công việc; không ưa nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không chuyên tâm ưa thích nói chuyện; không ưa ngủ, không thích thú ngủ, không chuyên tâm ưa thích ngủ; không ưa hội chúng, không thích thú hội chúng, không chuyên tâm ưa thích hội chúng; không ưa liên lạc giao thiệp, không thích thú liên lạc giao thiệp, không chuyên tâm ưa thích liên lạc giao thiệp; không ưa hý luận, không thích thú hý luận, không chuyên tâm ưa thích hý luận. Như vậy, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung được hiền thiện, khi mệnh chung được hiền thiện. Này các Hiền giả, đây được gọi là Tỷ-kheo ái lạc Niết-bàn, từ bỏ có thân để chân chánh chấm dứt khổ đau.

Ai chuyên ưa hý luận,

Như thích thú hý luận,

Đi ngược lại Niết-bàn,

Nơi an ổn vô thượng.

Ai từ bỏ hý luận,

Ưa thích không hý luận.

Thuận hướng đến Niết-bàn,

Nơi an ổn vô thượng.

6.15. Không Hối Hận

Ở nơi đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

—Này chư Hiền, Tỷ-kheo nếu sống nếp sống như vậy, như vậy, do nếp sống như vậy, khi lâm chung có hối hận, khi mệnh chung có hối hận. Và như thế nào, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung có hối hận, khi mệnh chung có hối hận?

(Giống như kinh số 14, chỉ khác là thay thế không hiền thiện bằng có hối hận, thay thế có hiền thiện bằng không hối hận)…

6.16. Cha Mẹ Của NakuLa (1)

Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi nữ gia chủ, mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:

—Thưa Gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu ái luyến. Thưa Gia chủ, đau khổ là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cấu ái luyến. Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa”. Thưa Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa Gia chủ, sau khi Gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cấu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ Gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, Gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành Phạm hạnh như thế nào. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung, còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn giữ Giới Luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay, Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula không có chứng được nội tâm tịnh chỉ”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn chứng được nội tâm tịnh chỉ, tôi sẽ là một trong những vị ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, trong Pháp và Luật này không đạt được thể nhập, không đạt được an trú, không đạt được thoải mái, không vượt khỏi nghi hoặc, không rời được do dự, không đạt được vô úy, còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư”. Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, tôi sẽ là một trong những người ấy. Nếu có ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Đau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Rồi cha của Nakula được nữ gia chủ, mẹ của Nakula giáo giới với lời giáo giới này, bệnh hoạn liền khi ấy được khinh an và gia chủ, cha của Nakula thoát khỏi bệnh ấy. Được đoạn tận như vậy là bệnh ấy của gia chủ, cha của Nakula. Rồi gia chủ, cha của Nakula được lành bệnh, sau khi lành bệnh không bao lâu, chống gậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ, cha của Nakula đang ngồi xuống một bên:

—Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Được nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng gìn giữ Giới Luật viên mãn, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng chứng được nội tâm tịnh chỉ, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ, được nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông.

6.17. Cha mẹ Của Nakula (2)

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều, sau khi từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến giảng đường; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Mahàmoggallàna, Tôn giả Mahàkassapa, Tôn giả Mahàkaccàna, Tôn giả Mahàkotthita, Tôn giả Mahàcunda, Tôn giả Mahàkappina, Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Revata, Tôn giả Ananda vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy đi đến giảng đường; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi như vậy đến quá phần lớn của đêm, từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tinh xá. Các Tôn giả ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về tinh xá của mình. Nhưng tại đấy, các Tỷ-kheo tân học xuất gia không bao lâu, đi đến Pháp và Luật này chưa nhiều thời gian, ngáy và ngủ tại chỗ cho đến sáng. Rồi Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy các Tỷ-kheo ấy ngáy và ngủ tại chỗ cho đến sáng, thấy vậy liền đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo ấy:

—Này các Tỷ-kheo, Sàriputta ở đâu? Mahàmoggallàna ở đâu? Mahàkassapa ở đâu? Mahàkaccàna ở đâu? Mahàkotthita ở đâu? Mahàcunda ở đâu? Mahàkappina ở đâu? Anuruddha ở đâu? Revata ở đâu? Ananda ở đâu? Này các Tỷ-kheo, các đệ tử trưởng lão ấy đã đi đâu?

—Bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về tinh xá của mình.

—Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy không có các Tỷ-kheo trưởng lão, các tân học Tỷ-kheo ngáy và ngủ cho đến trời sáng!

Các Thầy nghĩ thế nào? Này các Tỷ-kheo! Các Thầy có thấy và có nghe như sau: “Một vua Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, có thể cai trị cả nước cho đến trọn đời, được quốc dân ái mộ và ưa thích”?

—Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: Này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, có thể cai trị cả nước cho đến trọn đời, được quốc dân ái mộ và ưa thích.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: “Người thôn quê sống trên đất trại của người cha, vị tướng quân trong quân đội, vị thôn trưởng ở làng, vị tổ trưởng các tổ hợp sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, có thể trọn đời làm tổ trưởng các tổ hợp và được các tổ viên ái mộ, ưa thích”?

—Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau, này các Tỷ-kheo: Một người thôn quê sống trên đất trại của người cha, vị tướng quân sống trong quân đội, vị thôn trưởng ở làng, vị tổ trưởng các tổ hợp sống chuyên tâm hưởng thọ lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, có thể trọn đời làm tổ trưởng các tổ hợp và được các tổ viên ái mộ và ưa thích.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có hay có nghe như sau: “Vị Sa-môn hay Bà-la-môn sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, không phòng hộ các căn môn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không quán các thiện pháp, đầu đêm cuối đêm không sống chuyên tâm tu tập các pháp giác chi, do đoạn tận các lậu hoặc, có thể tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát”?

—Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau, này các Tỷ-kheo: Một vị Sa-môn hay Bà-la-môn sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, không phòng hộ các căn môn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không quán các thiện pháp, đầu đêm cuối đêm không sống chuyên tâm tu tập các pháp giác chi, do đoạn tận các lậu hoặc, có thể tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau:

Với căn môn được phòng hộ, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, quán các thiện pháp, đầu đêm cuối đêm sống chuyên tâm tu tập các pháp giác chi, do đoạn tận các lậu hoặc, có thể tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

6.18. Con Cá

Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

—Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá?

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

—Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: “Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, hay được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống”? Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người đánh cá ấy với ác ý nhìn các con cá bị giết, bị đem đi giết hại, vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa tài sản lớn và tài sản chất đống.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: “Một người đồ tể, sau khi giết các con bò, giết các con bò rồi đi bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Một người đồ tể, sau khi giết bò, giết bò rồi đem bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, hay được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống”? Vì sao? Người đồ tể giết bò ấy với ác ý nhìn các con bò bị giết, bị đem đi giết hại, vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa các tài sản lớn và tài sản chất đống.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: “Một người giết dê… một người giết heo… một người giết chim… hay một người giết các loài thú rừng, sau khi giết các thú rừng, giết các thú rừng rồi đem bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được cưỡi voi… hay được sống giữa các tài sản lớn và tài sản chất đống”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe… Vì sao? Người giết các loài thú rừng ấy, với ý nhìn các con thú rừng bị giết, bị đem đi giết hại; vì vậy người ấy không được cưỡi voi, không được cưỡi ngựa, không được cưỡi xe, không được cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống.

Thật vậy, này các Tỷ-kheo, ai với ác ý nhìn các loài bàng sanh bị giết, đem đi giết hại; vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, không được cưỡi ngựa, không được cưỡi xe, không được cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống. Còn nói gì về người với ác ý nhìn các loài Người bị giết, bị đem đi giết hại! Thật vậy, này các Tỷ-kheo, như vậy là bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người ấy, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

6.19. Niệm Chết (1)

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”—“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

—Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết.

Được nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.

—Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

—Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

—Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

—Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

—Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

—Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

Được nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo ấy:

—Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. Do vậy, này các Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải tu học như sau:

“Hãy sống không phóng dật! Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

6.20. Niệm Chết (2)

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo:

—Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào thời đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: “Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: “Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: “Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: “Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: “Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, hay đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: “Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung trong ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: “Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: “Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỷ-kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.

Một số bài viết khác

MỤC LỤC

Danh sách các bài kinh

tăng chi bộ