tăng chi bộ
Chương năm pháp
5.191-200

XX. Phẩm Bà-La-Môn

Dịch giả

Hòa thượng Thích Minh Châu

5.191. Ví Dụ Con Chó

Có năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các con chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn. Thế nào là năm?

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn, không đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến phi nữ Bà-la-môn. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái, không đi đến không phải con chó cái. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn chỉ đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai, không có đi trong thời kỳ không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn đi đến nữ Bà-la-môn trong thời có thể thụ thai và cũng trong thời không thể thụ thai. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực chỉ đi đến con chó cái trong thời có thể thụ thai, không đi đến trong thời kỳ không thể thụ thai. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn không mua, không bán nữ Bà-la-môn cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các nam Bà-la-môn mua và bán nữ Bà-la-môn, cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó đực không mua, không bán con chó cái cọng trú trong tình tương ái, tiếp tục trong sự thuận hòa. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không thấy được giữa các Bà-la-môn.

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các loài chó không cất chứa tài sản, ngũ cốc, bạc và vàng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn ăn cho đến no nê thỏa bụng, rồi lấy các đồ ăn còn lại và mang đi. Ngày nay, này các Tỷ-kheo, các con chó, vào buổi chiều tìm đồ ăn buổi chiều, vào buổi sáng tìm đồ ăn buổi sáng. Đây là cựu Bà-la-môn pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, nay chỉ được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

Năm cựu Bà-la-môn pháp này, này các Tỷ-kheo, nay được thấy giữa các loài chó, không được thấy giữa các Bà-la-môn.

5.192. Ba-La-Môn Dona

Rồi Bà-la-môn Dona đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Dona bạch Thế Tôn:

—Thưa Tôn giả Gotama, tôi có nghe như sau: “Sa-môn Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ghế các vị Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn, trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời.” Thưa Tôn giả Gotama, sự thể là như vậy; Tôn giả Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ghế các vị Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn, trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời. Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thật là không tốt đẹp.

—Này Dona, Ông có tự cho mình là Bà-la-môn không?

—Thưa Tôn giả Gotama, nếu có ai nói một cách chân chánh, vị ấy phải nói rằng: “Vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị Đại nhân”. Thưa Tôn giả Gotama, nói về tôi, nói một cách chơn chánh là nói như vầy. Thưa Tôn giả Gotama, tôi là Bà-la-môn, thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh; là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế và tướng của vị Đại nhân.

—Này Dona, có phải các vị Bà-la-môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm? Những vị ẩn sĩ ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bharadvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà-la-môn này: “Đồng đẳng với Phạm thiên, đồng đẳng với chư Thiên, các vị biết giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà-la-môn bị vứt bỏ”. Này Dona, Ông là ai giữa các vị ấy?

—Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi không biết năm vị Bà-la-môn này. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi là Bà-la-môn. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi biết được năm vị Bà-la-môn này.

—Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói.

—Thưa vâng, Tôn giả.

Bà-la-môn Dona vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

—Thế nào, này Dona, là Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm Thiên?

Ở đây, này Dona, vị Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn (chú thuật). Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho bậc Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư, cho bậc Đạo sư, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sà, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi… với hỷ… với xả. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xã, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy, sau khi tụ tập bốn phạm trú này, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú Phạm thiên giới. Như vậy, này Dona, là vị Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm Thiên.

Và này Dona, thế nào là Bà-la-môn đồng đẳng với Chư Thiên?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả tử mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập châm ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Và này Dona, ở đây, pháp là gì? Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà-la-môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, không đi đến nữ Sát-đế-lỵ, nữ Tỳ-xá, nữ Thủ-đà, nữ Chiên-đà-la, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Và này Dona, vì sao người Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang? Này Dona, nếu người Bà-la-môn đi đến người đàn bà có mang, thời đứa đồng nam hay đồng nữ được sanh hoàn toàn bị ô uế; do vậy, này Dona, vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang. Và vì sao, này Dona, Bà-la-môn không đi đến người đàn bà cho con bú? Này Dona, nếu Bà-la-môn đi đến người đàn bà cho con bú, thời này Dona, đứa đồng nam hay đồng nữ bú sữa không được thanh tịnh; do vậy, này Dona, vị Bà-la-môn không đi đến người đàn bà cho con bú. Và vì sao, này Dona, Bà-la-môn không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai? Này Dona, nếu vị Bà-la-môn đi đến người đàn bà trong thời không thể thụ thai, thời nữ Bà-la-môn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) sinh con rồi, liền cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy, sau khi tu tập bốn Thiền, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn đồng đẳng với chư Thiên.

Và thế nào, này Dona, là một Bà-la-môn có giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Và này Dona, ở đây, pháp là gì? Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà-la-môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, không đi đến nữ Sát-đế-lỵ, nữ Tỳ-xá, nữ Thủ-đà, nữ Chiên-đà-la, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Và này Dona, vì sao người Bà-la-môn không đi đến người đàn bà có mang? Này Dona, nếu vị Bà-la-môn đi đến người đàn bà có mang…(như trên)…Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục (đúng pháp) sinh con rồi, do ưa thích con nít, sống trong gia đình, không xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Cho đến sự giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy đứng tại đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy đứng ở đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Này Dona, do vậy Bà-la-môn được gọi là có giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn có giới hạn.

Và này Dona, thế nào là một Bà-la-môn vượt qua giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ… về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà-la-môn được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến nữ Sát-đế-lỵ, cũng đi đến nữ Tỳ-xá, cũng đi đến nữ Thủ-đà, cũng đi đến nữ Chiên-đà-la, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà đang cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Nữ Bà-la-môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn có mục đích đẻ con. Cho đến sự giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không đứng tại đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không đứng ở đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Này Dona, do vậy Bà-la-môn được gọi vị đã vượt qua giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn vượt qua giới hạn.

Và này Dona, thế nào là Bà-la-môn Chiên-đà-la?

Ở đây, này Dona, Bà-la-môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong 48 năm sống Phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn. Sau khi sống 48 năm Phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Đạo Sư cho vị Đạo Sư một cách đúng pháp và phi pháp. Ở đây, này Dona, pháp là gì? Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo sư cho bậc Đạo sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà-la-môn được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà-la-môn, cũng đi đến nữ Sát-đế-lỵ, cũng đi đến nữ Tỳ-xá, cũng đi đến nữ Thủ-đà, cũng đi đến nữ Chiên-đà-la, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà đang cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai. Nữ Bà-la-môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà-la-môn đối với nam Bà-la-môn có mục đích đẻ con. Vị ấy để nuôi mạng sống, làm tất cả nghề. Rồi các Bà-la-môn nói với vị ấy như sau: “Sao Tôn giả tự cho mình là Bà-la-môn, lại làm tất cả nghề để nuôi mạng sống?” Vị ấy trả lời như sau: “Như lửa đốt vật sạch, cũng đốt vật nhớp, nhưng không phải vì vậy mà ngọn lửa bị uế nhiễm”. Cũng vậy, này các Tôn giả, nếu Bà-la-môn làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, nhưng không phải vì vậy mà Bà-la-môn bị uế nhiễm. Vì làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, này Dona, nên Bà-la-môn được gọi là Bà-la-môn Chiên-đà-la. Như vậy, này Dona, là Bà-la-môn Chiên-đà-la.

Này Dona, có phải các Bà-la-môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Những vị ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu. Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà-la-môn này: “Vị đồng đẳng với Phạm thiên, vị đồng đẳng với chư Thiên, các vị có giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà-la-môn Chiên-đà-la”. Này Dona, Ông là ai giữa các vị ấy?

—Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con chưa thành tựu đầy đủ Bà-la-môn Chiên-đà-la. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama!… Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ. Từ nay cho đến mạng chung con trọn đời quy ngưỡng.

5.193. Bà-La-Môn Sangarava

Rồi Bà-la-môn Sangàrava đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sangàrava thưa với Thế Tôn:

—Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật học thuộc lòng lâu ngày (đọc tụng) lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật không học thuộc lòng lâu ngày (đọc tụng) lại nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

—Này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, và không như thật biết rõ sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình, trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lặc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh hay màu vàng và ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía bóng mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị sân xâm chiếm…cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi hôn trầm thụy miên, đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi trạo hối đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, không thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, không như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, không thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm, không bị dục tham chi phối, lại như thật rõ biết sự xuất ly của các dục tham đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy được lợi ích của cả hai, cho nên các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ lên, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc nhuộm hoặc gôm lặc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng, và ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị dục tham xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị lửa đun sôi, không sôi lên sùng sục, không sôi lên cuồn cuộn. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị sân xâm chiếm, không bị sân chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, không bị hôn trầm thụy miên chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị trạo hối xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước không bị gió thổi, không bị dao động, không bị chấn động, không bị nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm nghía khuôn mặt của mình, có thể như thật biết được và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị trạo hối miên xâm chiếm, không bị trạo hối chi phối… còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Lại nữa, này Bà-la-môn, khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối… còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng!

Ví như, này Bà-la-môn, một bát nước thuần tịnh, trong sáng không bị khuấy động, đặt giữa ánh sáng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi trú với tâm không bị nghi hoặc xâm chiếm, không bị nghi hoặc chi phối và như thật biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích của mình; trong khi ấy như thật biết và thấy lợi ích của người; trong khi ấy, như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày được nhớ lên, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Đây là nhân, đây là duyên, này Bà-la-môn, có khi các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày, lại có thể nhớ lên được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng!

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Sangàrava bạch Thế Tôn:

—Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn…từ này cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

5.194. Ba La Môn Kàranapàli

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Mahàvana, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kàranapàli đang xây dựng nhà cho Licchavì. Bà-la-môn Kàranapàli thấy Bà-la-môn Pingiyàni từ đường xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Bà-la-môn Pingiyàni:

—Tôn giả Pingiyàni đi từ đâu đến sớm như vậy?

—Thưa Tôn giả, tôi đi từ chỗ Sa-môn Gotama về.

—Tôn giả Pingiyàni nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama? Ngài có nghĩ vị ấy là một bậc Hiền trí chăng?

—Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama. Chỉ có ai như vị ấy, mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama.

Thật là cao thượng lời Tôn giả Pingiyàni tán thán Sa-môn Gotama. “Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể nói lời tán thán Sa-môn Gotama”. Được tán thán bởi những bậc được tán thán là Tôn giả Gotama, bậc tối thắng giữa chư Thiên và loài Người. Tôn giả Pingyiàni thấy những lợi ích gì lại cực lực tin tưởng Sa-môn Gotama như vậy?

—Thưa Tôn giả, ví như một người đã thỏa mãn với vị ngọt tối thượng sẽ không còn thèm muốn các vị ngọt hạ liệt khác. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp.., thời không còn thèm muốn các lý thuyết của những người khác, của các Sa-môn, Bà-la-môn thấp kém. Ví như, thưa Tôn giả, một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp…vị ấy được hoan hỷ, tâm được tịnh tín. Ví như, thưa Tôn giả, một người tìm được một cành cây chiên-đàn, chiên-đàn vàng hay chiên-đàn đỏ, chỗ nào người ấy ngửi hoặc từ nơi rễ, hoặc từ nơi chặng giữa, hoặc từ nơi ngọn, người ấy được hương thơm thuần diệu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp…thời vị ấy được thưởng thức hân hoan, được thưởng thức hoan hỷ. Ví như, thưa Tôn giả, một người bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, rồi có vị lương y lập tức chữa cho khỏi bệnh. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp…khi ấy, sầu bi khổ ưu não đi đến tiêu diệt. Ví như, thưa Tôn giả, một hồ sen, có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước mát trong, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ, rồi một người đi đến, bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy, sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, tất cả khổ cực mệt mỏi, nhiệt não đều được lắng dịu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp…khi ấy tất cả khổ cực, mệt mỏi, nhiệt não đều được chỉ tức.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Karanapàli từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, đầu gối bên phải quỳ trên mặt đất, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và ba lần thốt lên lời cảm hứng sau đây:

—Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác!

—Thật vi diệu thay, Tôn giả Pingiyàni! Thật vi diệu thay, Tôn giả Pingiyàni! Thưa Tôn giả Pingiyàni, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Thưa Tôn giả Pingiyàni, con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Pingyàni hãy chấp nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

5.195. Bà La Môn Pingiyani

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Mahàvana, chỗ giảng đường có nóc nhọn, có khoảng 500 người Licchavi hầu hạ Thế Tôn. Một số người Licchavi toàn xanh, màu sắc xanh, mặc vải màu xanh, mang đồ trang sức màu xanh. Một số người Licchavi toàn vàng, màu sắc vàng, mặc vải màu vàng, mang đồ trang sức màu vàng. Một số người Licchavi toàn đỏ, màu sắc đỏ, mặc vải màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ. Một số người Licchavi toàn trắng, màu sắc trắng, mặc vải màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng. Nhưng thật sự Thế Tôn đã chói sáng với dung sắc và sự huy hoàng. Rồi Bà-la-môn Pingiyàni từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

—Điều này được nói lên cho con, bạch Thế Tôn! Điều này được nói lên cho con, bạch Thế Tôn!

—Hãy nói lên, này Pingiyàni!

Thế Tôn nói như vậy. Rồi Bà-la-môn Pingiyàni trước mặt Thế Tôn, nói lên bài kệ thích đáng:

Như loại hoa sen hồng,

Buổi sáng hương ngào ngạt,

Khi đóa hoa càng nở,

Hương thơm càng ngát hương.

Xem Angìrasa,

Chiếu hào quang sáng chói,

Chói sáng thật rực rỡ,

Như mặt trời trên không.

Rồi các người Licchavi ấy đem 500 thượng y dâng đắp cho Bà-la-môn Pingiyàni. Và Bà-la-môn Pingiyàni đem 500 thượng y ấy dâng đắp cho Thế Tôn. Thế Tôn nói với các vị ấy:

—Này các Licchavì, sự xuất hiện của năm châu báu khó tìm được ở đời. Thế nào là năm?

Sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác khó tìm được ở đời. Người thuyết được Pháp Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người hiểu được Pháp Luật do Như Lai tuyên bố khó tìm được ở đời. Người thực hành pháp và tùy pháp, sau khi đã hiểu rõ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, khó tìm được ở đời. Người biết ơn, nhớ ơn khó tìm được ở đời.

Này các Licchavi, sự xuất hiện của năm loại châu báu này khó tìm được ở đời.

5.196. Mộng

—Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, này các Tỷ-kheo, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, có năm mộng lớn hiện ra. Thế nào là năm?

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy đất lớn này là giường lớn, Tuyết sơn, vua các loài núi là các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Đông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân nằm trên biển phía Nam. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ tiriya mọc ra, mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ hai này được hiện ra.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy các con sâu trắng, đầu đen, bò ra từ chân cho đến đầu gối và che đậy chúng. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ ba này được hiện ra.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy Ngài đi kinh hành qua lại trên hòn núi đầy phân, nhưng không bị nhớp vì phân. Trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, mộng lớn thứ năm này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy quả đất lớn này làm giường nằm lớn, núi Tuyết sơn, vua các loài núi làm các gối, tay trái đặt nằm trên biển phía Đông, tay mặt nằm trên biển phía Tây, hai chân đặt nằm trên biển phía Nam. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Ngài chứng được Vô thượng Chánh giác ngộ, Chánh Đẳng Giác. Trong khi Ngài Chánh Đẳng giác ngộ, mộng lớn thứ nhất này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy từ nơi lỗ rún, cỏ tiriya mọc ra, mọc cho đến khi chạm đến trời rồi mới dừng lại. Này các Tỷ-kheo, đối với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Thánh đạo tám ngành được hoàn toàn giác ngộ và khéo tuyên bố cho chư Thiên và loài Người. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ hai này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy các con sâu trắng, đầu đen, bò ra từ chân cho đến đầu gối và che đậy chúng. Này các Tỷ-kheo, nhiều gia chủ bận áo trắng quy y Như Lai cho đến trọn đời. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ ba này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy bốn con chim màu sắc khác nhau, từ bốn phương bay đến, rơi xuống chân Ngài và trở thành trắng toát. Bốn giai cấp này, này các Tỷ-kheo, Sát-đế-ly, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, các vị ấy chứng ngộ vô thượng giải thoát. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ tư này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, khi chưa chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát mộng thấy Ngài đi kinh hành qua lại trên hòn núi đầy phân, nhưng không bị nhớp vì phân. Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Và ở đây, Như Lai thọ hưởng không bị trói buộc không bị tham đắm, không bị mê say, thấy sự nguy hại có trí tuệ và xuất ly. Trong khi Ngài chánh giác ngộ, mộng lớn thứ năm này được hiện ra.

Này các Tỷ-kheo, trước khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được giác ngộ, trước khi thành Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát năm mộng lớn này được hiện ra.

5.197. Mưa

—Có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn. Thế nào là năm?

Trên hư không, này các Tỷ-kheo, hỏa giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ nhất cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trên hư không, phong giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ hai cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ràhu, vua các loài A-tu-la dùng tay thây lấy nước rồi đổ xuống biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ ba cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên của các loại mây đem mưa trở thành biếng nhác. Đây là chướng ngại thứ tư cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi loài Người trở thành phi pháp, này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ năm cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

Này các Tỷ-kheo, có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.

5.198. Lời Nói

—Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?

Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích.

5.199. Gia Đình

—Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, tại đấy các người do năm trường hợp, được nhiều công đức. Thế nào là năm?

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người sau khi thấy họ tâm được tịnh tín. Này các Tỷ-kheo, như vậy là đưa đến cõi Trời, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người đứng dậy, đảnh lễ họ, mời họ ngồi. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến được sanh vào các gia đình cao sang, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người từ bỏ cấu uế của xan tham. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến đại uy lực, và gia đình ấy trong lúc ấy, đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người tùy theo khả năng, tùy theo năng lực, san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến tài sản lớn, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, các người hỏi những câu hỏi, đặt những câu hỏi, nghe pháp. Này các Tỷ-kheo, như vậy đưa đến đại trí tuệ, và gia đình ấy trong lúc ấy đã bước được trên con đường ấy.

Khi nào, này các Tỷ-kheo, các người xuất gia giữ giới đi đến với gia đình, tại đấy các người do năm trường hợp này được nhiều công đức.

5.200. Xuất Ly

—Này các Tỷ-kheo, có năm giới đưa đến xuất ly này. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về dục tâm không phấn chấn trong các dục, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến viễn ly, tâm liền phấn chấn trong viễn ly, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến dục. Và do duyên với dục, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi cái dục.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về sân, tâm không phấn chấn trong sân, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô sân, tâm liền phấn chấn trong vô sân, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến sân. Và do duyên với sân, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi sân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về hại, tâm không phấn chấn trong hại, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô hại, tâm liền phấn chấn trong vô hại, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến hại. Và do duyên với hại, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly ra khỏi hại.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về sắc, tâm không phấn chấn trong sắc, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến vô sắc, tâm liền phấn chấn trong vô sắc, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến sắc. Và do duyên với sắc, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly ra khỏi sắc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tác ý về có thân, tâm không phấn chấn trong có thân, không tịnh tín, không an trú, không quyết định. Nhưng khi tác ý đến đoạn diệt có thân, tâm liền phấn chấn trong đoạn diệt có thân, được tịnh tín, được an trú, được quyết định. Tâm ấy của vị ấy là khéo làm, khéo tụ tập, khéo tăng trưởng, khéo giải thoát, khéo không liên hệ đến có thân. Và do duyên với có thân, khởi lên các lậu hoặc não hại, nhiệt não, vị ấy giải thoát khỏi chúng, không cảm giác thọ ấy. Đây gọi là xuất ly khỏi có thân.

Đối với vị ấy, dục hỷ không có tùy miên, sân hỷ không có tùy miên, hại hỷ không có tùy miên, sắc hỷ không có tùy miên, hữu thân hỷ không có tùy miên. Vị ấy không có tùy miên đối với dục hỷ, không có tùy miên đối với sân hỷ, không có tùy miên đối với hại hỷ, không có tùy miên đối với sắc hỷ, không có tùy miên đối với hữu thân hỷ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo được giải thoát khỏi tùy miên, đã chặt đứt khát ái, giải tỏa kiết sử, do chánh pháp nhiếp phục kiêu mạn, đoạn tận khổ đau.

Này các Tỷ-kheo, có năm giới đưa đến xuất ly này.

Một số bài viết khác

MỤC LỤC

Danh sách các bài kinh

tăng chi bộ