tăng chi bộ
Chương sáu pháp
6.1

I. Phẩm Ðáng Ðược Cung Kính

Dịch giả

Hòa thượng Thích Minh Châu

6.1. Đáng Được Cung Kính (1)

Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”.—“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

—Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

Thế Tôn thuyết như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

6.2. Đáng Được Cung Kính (2)

—Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chứng được các loại thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không, độn thổ trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước, đi trên nước không … (như trên) … liền, ngồi kiết già hay đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến Phạm thiên.

Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người ở xa và gần.

Sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài Người với tâm của mình, vị ấy rõ biết như sau: “Tâm có tham, rõ biết là tâm có tham, hay tâm ly tham… hay tâm có sân… hay tâm ly sân… hay tâm có si… hay tâm ly si… hay tâm chuyên chú… hay tâm tán loạn… hay đại hành tâm… hay không phải đại hành tâm… hay tâm chưa vô thượng… hay tâm vô thượng… hay tâm Thiền định… hay tâm không Thiền định… hay tâm giải thoát… hay tâm không giải thoát, rõ biết là tâm không giải thoát”.

Nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời; nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp; vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, ngữ, ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, ngữ, ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi thiện, cõi trời, cõi đời này. Như vậy, vị ấy với Thiên nhãn, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

6.3. Các Căn

—Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Với tín căn, với tấn căn, với niệm căn, với định căn, với tuệ căn, do đoạn tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, ngay trong hiện tại chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là vô thượng phước điền ở đời.

6.4. Các Lực

—Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là sáu?

Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, do đoạn tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là vô thượng phước điền ở đời.

6.5. Con Ngựa Thuần Chủng (1)

—Thành tựu sáu chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện, thuần chủng của vua, xứng đáng cho vua dùng, là tài sản của vua, và được xem là một biểu tượng của vua. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần chủng của vua kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc, và đầy đủ dung sắc.

Thành tựu sáu chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện, thuần chủng của vua, xứng đáng cho vua dùng, là tài sản của vua, và được xem là một biểu tượng của vua. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu sáu pháp, Tỷ-kheo đáng được cúng dường… là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc, kham nhẫn các pháp.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính… là ruộng phước vô thượng ở đời.

6.6. Con Ngựa Thuần Chủng (2)

(Như kinh trên, số 5, chỉ thay đổi “đầy đủ dung sắc”, với “đầy đủ sức mạnh” cho số 6, và với “đầy đủ tốc lực” cho số 7).

6.7. Con Ngựa Thuần Chủng (2)

(Như kinh trên, số 5, chỉ thay đổi “đầy đủ dung sắc”, với “đầy đủ sức mạnh” cho số 6, và với “đầy đủ tốc lực” cho số 7).

6.8. Vô Thượng

—Có sáu vô thượng này, này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu?

Kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, học vô thượng, hành vô thượng, tùy niệm vô thượng. Này các Tỷ-kheo, có sáu vô thượng này.

6.9. Tùy Niệm Xứ

—Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm xứ này. Thế nào là sáu?

Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm Giới, tùy niệm Thí, tùy niệm Thiên.

Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm này.

6.10. Mahànàma

Một thời, Thế Tôn trú giữa các vị Thích-ca, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

—Vị Thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống một cách sung mãn?

—Này Mahànàma, Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống một cách sung mãn.

(1) Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Khi nào, này Mahànàma, Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Như Lai. Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật”.

(2) Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu!”. Này Mahànama, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Pháp. Và này Mahànama, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Pháp”.

(3) Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời”. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Tăng. Và này Mahànama, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Tăng. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Tăng”.

(4) Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm các Giới của mình: “Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định”. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Giới. Và này Mahànama, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Giới. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Giới”.

(5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tự mình niệm Thí của mình: “Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí”. Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm bố thí, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Thí. Và này Mahànama, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến Thí. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Thí”.

(6) Lại nữa, này Mahànama, Thánh đệ tử tu tập tùy niệm Thiên: “Có chư Thiên bốn Thiên vương Thiên, có chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusità (Đâu-suất), có chư Thiên Hóa lạc Thiên, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với Thí như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta. Đầy đủ với Tuệ như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng đầy đủ nơi ta”. Khi vị ấy niệm Tín, Giới, nghe Pháp, Thí và Tuệ của tự mình và chư Thiên ấy; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào chư Thiên. Và này Mahànàma, Thánh đệ tử với tâm chánh trực được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Thiên”.

Này Mahànàma, vị Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, vị ấy sống một cách sung mãn với nếp sống này.

Một số bài viết khác

MỤC LỤC

Danh sách các bài kinh

tăng chi bộ