Danh sách kinh trung bộ

1
Kinh pháp môn căn bản
2
Kinh tất cả lậu hoặc
3
Kinh thừa tự pháp
4
Kinh sợ hãi khiếp đảm
5
Kinh không uế nhiễm
6
Kinh ước nguyện
7
Kinh ví dụ tấm vải
8
Kinh đoạn giảm
9
Kinh chánh tri kiến
10
Kinh niệm xứ
11
Tiểu kinh sư tử hống
12
Đại kinh sư tử hống
13
Đại kinh khổ uẩn
14
Tiểu kinh khổ uẩn
15
Kinh tư lượng
16
Kinh Tâm hoang vu
17
Kinh Khu rừng
18
Kinh Mật hoàn
19
Kinh Song tầm
20
Kinh An trú tầm
21
Kinh Ví dụ cái cưa
22
Kinh Ví dụ con rắn
23
Kinh Gò mối
24
Kinh Trạm xe
25
Kinh Bẫy mồi
26
Kinh Thánh cầu
27
Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi
28
Đại kinh Ví dụ dấu chân voi
29
Đại kinh Ví dụ Lõi cây
30
Tiểu kinh Ví dụ lõi cây
31
Tiểu kinh Rừng sừng bò
32
Đại kinh Rừng sừng bò
33
Đại kinh Người chăn bò
34
Tiểu kinh Người chăn bò
35
Tiểu kinh Saccaka
36
Đại kinh Saccaka
37
Tiểu kinh Đoạn tận ái
38
Đại kinh Đoạn tận ái
39
Đại kinh Xóm ngựa
40
Tiểu kinh Xóm ngựa
41
Kinh Sāleyyakā
42
Kinh verañjakā
43
Đại kinh Phương quảng
44
Tiểu kinh Phương quảng
45
Tiểu kinh Pháp hành
46
Đại kinh Pháp hành
47
Kinh Tư sát
48
Kinh Kosambiya
49
Kinh Phạm Thiên cầu thỉnh
50
Kinh Hàng ma
51
Kinh Kandaraka
52
Kinh Bát thành
53
Kinh Hữu học
54
Kinh Potaliya
55
Kinh Jivaka
56
Kinh Ưu-ba-ly
57
Kinh Hạnh con chó
58
Kinh Vương tử Vô Úy
59
Kinh Nhiều cảm thọ
60
Kinh Không gì chuyển hướng
61
Kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Ambala
62
Đại kinh Giáo giới La-hầu-la
63
Tiểu kinh Māluṅkya
64
Đại kinh Māluṅkya
65
Kinh Bhaddāli
66
Kinh Ví dụ con chim cáy
67
Kinh Cātuma
68
Kinh Naḷakapāna
69
Kinh Gulissāni
70
Kinh Kīṭāgiri
71
Kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh
72
Kinh Dạy Vacchagotta về lửa
73
Đại kinh Vaccaghotta
74
Kinh Trường Trảo
75
Kinh Māgandiya
76
Kinh Sandaka
77
Đại kinh Sakuludāyi
78
Kinh Samaṇamaṇḍikā
79
Tiểu kinh Sakuludayi (Thiện sanh Ưu đà di)
80
Kinh Vekhanassa
81
Kinh Ghaṭīkāra
82
Kinh Raṭṭhapāla
83
Kinh Makhādeva
84
Kinh Madhura
85
Kinh Vương tử Bồ-đề
86
Kinh Aṅgulimāla
87
Kinh Ái sanh
88
Kinh Bāhitika
89
Kinh Pháp trang nghiêm
90
Kinh Kaṇṇakatthala
91
Kinh Brahmāyu
92
Kinh Sela
93
Kinh Assalāyana
94
Kinh Ghoṭamukha
95
Kinh Caṅkī
96
Kinh Esukārī
97
Kinh Dhanañjāni
98
Kinh Vāseṭṭha
99
Kinh Subha
100
Kinh Saṅgārava
101
Kinh Devadaha
102
Kinh Năm và Ba
103
Kinh Nghĩ như thế nào?
104
Kinh Làng Sama
105
Kinh Thiện tinh
106
Kinh Bất động lợi ích
107
Kinh Gaṇaka Moggallāna
108
Kinh Gopaka Moggallāna
109
Đại kinh Mãn nguyệt
110
Tiểu kinh Mãn nguyệt
111
Kinh Bất đoạn
112
Kinh Sáu Thanh tịnh
113
Kinh Chân nhân
114
Kinh Nên hành trì, không nên hành trì
115
Kinh Đa giới
116
Kinh Thôn tiên
117
Đại kinh Bốn mươi
118
Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm
(Kinh Quán niệm hơi thở)
119
Kinh Thân hành niệm
120
Kinh Hành sanh
121
Kinh Tiểu không
122
Kinh Đại không
123
Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp
124
Kinh Bạc-câu-la
125
Kinh Điều ngự địa
126
Kinh Phù-di
127
Kinh A-na-luật
128
Kinh Tùy phiền não
129
Kinh Hiền Ngu
130
Kinh Thiên sứ
131
Kinh Nhất dạ hiền giả
132
Kinh A-nan Nhất dạ hiền giả
133
Kinh Đại Ca-chiên-diên Nhất dạ hiền giả
134
Kinh Lomasakangiya Nhất dạ hiền giả
135
Tiểu kinh Nghiệp phân biệt
136
Đại kinh Nghiệp phân biệt
137
Kinh Phân biệt sáu xứ
138
Kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết
139
Kinh Vô tránh phân biệt
140
Kinh Giới phân biệt
141
Kinh Phân biệt về Sự thật
142
Kinh Phân biệt cúng dường
143
Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc
144
Kinh Giáo giới Channa
145
Kinh Giáo giới Phú-lâu-na
146
Kinh Giáo giới Nandaka
147
Tiểu kinh Giáo giới La-hầu-la
148
Kinh Sáu sáu
149
Đại kinh Sáu xứ
150
Kinh Nói cho dân Nagaravinda
151
Kinh Khất thực thanh tịnh
152
Kinh Căn tu tập

Mahāsakuludāyi sutta

77

.

Đại kinh Sakuludāyi

Dịch giả

Hòa thượng Thích Minh Châu

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc).

Lúc bấy giờ, có rất nhiều vị du sĩ, có thời danh, có danh tiếng trú ở Moranivapa (Khổng Tước Lâm), tu viện các du sĩ, như Anugara, Varadhara, và du sĩ Sakuludayi cùng với các vị du sĩ thời danh, danh tiếng khác.

Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Rajagaha để khất thực. Rồi Thế Tôn suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Rajagaha. Ta hãy đến Moranivapa, tu viện các du sĩ, đi đến gặp du sĩ Sakuludayi”. Rồi Thế Tôn đi đến Moranivapa, tu viện các du sĩ.

Lúc bấy giờ du sĩ Sakuludayi đang ngồi cùng với đại chúng du sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng, bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm như vương luận, tặc luận, đại thần luận, binh luận, bố úy luận, chiến đấu luận, thực luận, ẩm luận, y luận, sàng luận, hoa man luận, hương liệu luận, thân tộc luận, xa thừa luận, thôn luận, trấn luận, thị luận, quốc độ luận, phụ nữ luận, anh hùng luận, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, tạp thoại luận, thế giới luận, hải dương luận, hiện hữu, vô hiện hữu luận. Du sĩ Sakuludayi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền khuyến cáo chúng của mình:

— Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng! Các Tôn giả hãy lặng tiếng! Nay Sa-môn Gotama đang đến, vị Tôn giả ấy ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh, nếu biết chúng này an tịnh, có thể ghé tại đây.

Các du sĩ ấy đều im lặng. Rồi Thế Tôn đến chỗ du sĩ Sakuludayi. Du sĩ Sakuludayi bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến! Bạch Thế Tôn, thiện lai, Thế Tôn! Ðã lâu Thế Tôn mới tạo cơ hội này, nghĩa là đến đây. Thế Tôn hãy ngồi! Ðây là chỗ ngồi đã soạn sẵn.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ Sakuludayi lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Sakuludayi đang ngồi một bên:

— Này Udayi, nay các vị họp nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữa các vị bị gián đoạn?

— Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên vấn đề chúng tôi đang hội họp bàn luận. Về sau Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì! Bạch Thế Tôn, trong những ngày trước, nhiều ngày trước nữa, khi các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuộc nhiều ngoại đạo sai khác, ngồi lại và tập họp tại luận nghị đường, đối thoại này được khởi lên: “Thật lợi ích thay cho dân chúng Anga và Magadha, thật tốt đẹp thay cho dân chúng Anga và Magadha khi được những vị Sa-môn, Bà-la-môn nay là những vị lãnh đạo hội chúng, lãnh đạo đồ chúng, những vị sư trưởng đồ chúng, những vị thời danh, những Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa! Ngài Purana Kassapa (Bất-lan Ca-diếp) này là bậc lãnh đạo hội chúng, lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Ngài Makkhali Gosala này… Ngài Ajita Kesakambali… Ngài Pakudha Kaccayana… Ngài Saniaya Belatthiputta… Ngài Nigantha Nataputta này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị này đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Sa-môn Gotama này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị này đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Trong những bậc Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn này, những bậc lãnh đạo hội chúng, những bậc lãnh đạo đồ chúng, những bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, những bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị nào được các đệ tử cung kính tôn trọng, kính lễ, cúng dường? Và các đệ tử sau khi cung kính tôn trọng đã sống nương tựa như thế nào?”

Ở đây, có một số người đã nói như sau: “Vị Purana Kassapa này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, vị ấy không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và các đệ tử, sau khi cung kính tôn trọng đã không sống nương tựa Purana Kassapa. Thuở xưa, Purana Kassapa thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người; ở đấy, một đệ tử của Purana Kassapa nói lớn tiếng như sau: “Chư Tôn giả, chớ có hỏi Purana Kassapa về ý nghĩa này. Vị ấy không biết ý nghĩa này, chúng tôi biết ý nghĩa này. Hãy hỏi chúng tôi về ý nghĩa này. Chúng tôi sẽ trả lời về ý nghĩa này cho chư Tôn giả”. Thuở xưa, Purana Kassapa dang tay, khóc lóc nhưng không được nghe theo: “Chư tôn giả, hãy nhỏ tiếng! Chư Tôn giả hãy lặng tiếng! Những vị ấy không hỏi Chư Tôn giả. Những vị ấy hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời cho những vị ấy”. Nhiều đệ tử của Purana Kassapa, sau khi kích bác Purana Kassapa, bỏ đi và nói: “Ông không biết pháp và luật này. Ta biết pháp và luật này. Làm sao Ông có thể biết pháp và luật này? Ông theo tà hạnh. Ta theo chánh hạnh. Ðiều ta nói có tương ưng. Ðiều Ông nói không tương ưng. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Chủ trương của Ông đã bị lật ngược, câu hỏi của Ông đã bị bài bác. Ông đã bị thuyết bại. Hãy đến giải vây lời nói ấy, nếu có thể được, gắng thoát khỏi lối bí”. Như vậy, Purana Kassapa không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và sau khi không cung kính tôn trọng, các đệ tử đã không sống nương tựa Purana Kassapa. Trái lại, Purana Kassapa đã bị mạ lị với những lời mắng nhiếc vì hành động của mình.

Có một số người đã nói như sau: “Vị Makkhali Gosala này… Vị Ajita Kesakambali… Vị Pukudha Kaccayana… Vị Sanjaya Belatthiputta… Vị Nigantha Nataputta này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng. Vị ấy không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và các đệ tử sau khi cung kính, tôn trọng đã không sống nương tựa Nigantha Nataputta. Thuở xưa, Nigantha Nataputta thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người. Ở đây, một đệ tử của Nigantha Nataputta lớn tiếng nói như sau: “Chư Tôn giả, chớ có hỏi Nigantha Nataputta về ý nghĩa này. Vị ấy không biết ý nghĩa này. Chúng tôi biết ý nghĩa này. Hãy hỏi chúng tôi về ý nghĩa này. Chúng tôi trả lời về ý nghĩa này cho chư Tôn giả”. Thuở xưa Nigantha Nataputta dang tay, khóc lóc nhưng không được nghe theo: “Chư Tôn giả hãy nhỏ tiếng! Chư Tôn giả hãy lặng tiếng! Những vị ấy không hỏi chư Tôn giả. Những vị ấy hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời cho những vị ấy”. Nhiều đệ tử của Nigantha Nataputta, sau khi kích bác Nigantha Nataputta, bỏ đi và nói: “Ông không biết pháp và luật này. Ta biết pháp và luật này. Làm sao Ông có thể biết pháp và luật này? Ông theo tà hạnh. Ta theo chánh hạnh. Ðiều ta nói có tương ưng. Ðiều Ông nói không tương ưng. Ðiều đáng nói trước Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Chủ trương của Ông đã bị lật ngược. Câu nói của Ông đã bị bài bác. Ông đã bị thất bại. Hãy đến giải vây lời nói ấy. Nếu có thể được, gắng thoát khỏi lối bí”. Như vậy, Nigantha Nataputta không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và sau khi không cung kính tôn trọng, các đệ tử đã không sống nương tựa Nigantha Nataputta. Trái lại Nigantha Nataputta đã bị mạ lị với những lời mắng nhiếc vì hành động của mình.

Có một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama này là bậc lãnh đạo hội chúng, bậc lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng. Và vị này được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và các đệ tử sau khi cung kính tôn trọng, sống nương tựa Sa-môn Gotama. Thuở xưa, Sa-môn Gotama đang thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người. Ở đây, một đệ tử của Sa-môn Gotama ho (thành tiếng). Một vị đồng Phạm hạnh dùng đầu gối đập (nhẹ) vào người ấy và nói: “Tôn giả hãy lặng tiếng! Tôn giả chớ có làm ồn! Thế Tôn, bậc Ðạo sư của chúng ta đang thuyết pháp”. Trong khi Sa-môn Gotama đang thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người, trong khi ấy không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho giữa các đệ tử của Sa-môn Gotama. Từng nhóm đại thính chúng đang sống trong nhiệt tình kỳ vọng; nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ thuyết pháp cho ta và ta đã được nghe”. Ví như có người tại ngã tư đường, đang bóp vắt một bánh mật ong nhỏ trong sạch, và đại chúng đang sống nhiệt tình kỳ vọng. Cũng vậy, trong khi Sa-môn Gotama đang thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người, trong khi ấy không có một tiếng đằng hắng, không một tiếng ho giữa các đệ tử của Sa-môn Gotama. Từng nhóm đại thính chúng đang sống trong nhiệt tình kỳ vọng nghĩ rằng: “Thế Tôn sẽ thuyết pháp cho ta và ta sẽ được nghe”. Các đệ tử của Sa-môn Gotama sau khi cãi lộn với các vị đồng Phạm hạnh từ bỏ tu học, trở lại hoàn tục, các vị ấy vẫn tán thán bậc Ðạo sư, tán thán Pháp, tán thán Tăng, tự quở trách mình, không quở trách người khác: “Chính chúng ta thật bất hạnh, chính chúng ta thật thiếu phước, dầu chúng ta xuất gia trong Pháp và Lluật được khéo giảng như vậy mà không thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh cho đến trọn đời”. Họ trở thành những người giữ vườn, hay những người cư sĩ và sống thọ trì năm giới”. Như vậy Sa-môn Gotama được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường, và các đệ tử sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Sa-môn Gotama.

— Này Udayi, Ông thấy nơi ta có bao nhiêu pháp mà do các pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính tôn trọng, sống nương tựa vào Ta?

— Bạch Thế Tôn, con thấy nơi Thế Tôn có năm pháp mà do năm pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn. Thế nào là năm? Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ăn ít và tán thán hạnh ăn ít. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn ăn ít và tán thán hạnh ăn ít. Chính pháp này, bạch Thế Tôn, là pháp thứ nhất, con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào. Chính pháp này, bạch Thế Tôn là pháp thứ hai con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào. Chính pháp này, bạch Thế Tôn, là pháp thứ ba, con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào. Chính pháp này, bạch Thế Tôn, là pháp thứ tư, con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly. Chính pháp này bạch Thế Tôn, là pháp thứ năm, con thấy nơi Thế Tôn. Do pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Thế Tôn.

Chính năm pháp này, bạch Thế Tôn, con thấy nơi Thế Tôn. Do năm pháp này, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Thế Tôn, và sau khi cung kính, tôn trọng sống nương tựa vào Thế Tôn.

— “Sa-môn Gotama ăn ít và tán thán hạnh ăn ít”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta chỉ ăn với một bát (kosa), chỉ ăn với nửa bát, chỉ ăn với trái cây veluva, chỉ ăn với nửa trái cây veluva, và này Udayi. Còn Ta, có khi Ta ăn hơn một bình bát này, có khi Ta ăn nhiều hơn như vậy nữa. “Sa-môn Gotama ăn ít và tán thán hạnh ăn ít”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi tôn trọng, cung kính, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, những đệ tử ấy của Ta, sống nương tựa vào Ta chỉ ăn với một bát, chỉ ăn với nửa bát, chỉ ăn với trái cây veluva, chỉ ăn với nửa trái cây veluva; những vị ấy vì pháp hạnh này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không tôn trọng, cung kính, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta sống mặc phấn tảo y, mặc thô y. Những vị ấy lượm từng mảnh vải từ bãi tha ma, hay từng đống rác, hay từ tiệm phố, và sau khi làm thành áo sanghati (tăng-già-lê), họ mang loại áo ấy. Còn Ta, này Udayi, có khi Ta mặc vải y của cư sĩ cúng dường, các chỗ sờn mỏng được bện chắc lại với dây tơ cây bí trắng. “Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ loại y nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ loại y nào”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi tôn trọng, cung kính, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, những vị đệ tử ấy của Ta, sống mặc phấn tảo y, mặc thô y. Những vị ấy lượm từng mảnh vải từ bãi tha ma, hay từ đống rác, hay từ tiệm phố, và sau khi làm thành áo sanghati, họ mang loại áo ấy; những vị ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào”, nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta chỉ ăn những món ăn nhận trong bình bát khất thực, chỉ đi khất thực từng nhà một (không bỏ sót nhà nào); tự thỏa mãn với những món ăn mảy mún, khi đi vào trong nhà, dầu được mời ngồi, cũng không chấp nhận. Còn Ta, này Udayi, đôi khi Ta nhận ăn những chỗ được mời, nhận ăn các thứ gạo, cháo trong ấy các hạt đen được vứt bỏ, các loại canh, các loại trợ vị. “Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ món ăn khất thực nào”; này Udayi, nếu vì vậy, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, những vị đệ tử ấy của Ta, chỉ ăn những món ăn nhận trong bình bát khất thực, chỉ đi khất thực từng nhà một, tự thỏa mãn với những món ăn mảy mún, khi đi vào trong nhà, dầu được mời ngồi cũng không chấp nhận; những vị ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama sống biết đủ và bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào”; nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta sống dưới gốc cây, sống ở ngoài trời. Những vị ấy trong tám tháng không sống dưới mái che nào. Còn ta, này Udayi, có đôi khi Ta sống dưới những ngôi lầu có gác nhọn, có tô vôi trong và ngoài, được che gió, có then chốt đóng lại và có các cửa sổ khép kín. “Sa-môn Gotama sống biết đủ với bất cứ sàng tọa nào và tán thán hạnh biết đủ với bất cứ sàng tọa nào” và nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, các vị đệ tử ấy của Ta, sống dưới gốc cây, sống ở ngoài trời, trong tám tháng không sống dưới mái che nào; những vị ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

“Sa-môn Gotama là vị sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly”; này Udayi, nếu vì vậy các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, có những đệ tử của Ta sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng. Sau khi đi sâu vào trong rừng núi, trong các trú xứ xa vắng, sống tại các chỗ ấy, và nửa tháng một lần mới trở về giữa Tăng chúng để tụng đọc Giới bổn. Còn Ta, này Udayi, đôi khi ta sống đoanh vây xung quanh bởi các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, Quốc vương, Ðại thần, Ngoại đạo, đệ tử các ngoại đạo. “Sa-môn Gotama là vị sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly”; và nếu vì vậy, này Udayi, các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta, thời này Udayi, các vị đệ tử ấy của Ta, sống trong rừng núi, tại các trú xứ xa vắng. Sau khi đi sâu vào trong núi, trong các trú xứ xa vắng, sống tại các chỗ ấy và nửa tháng một lần, mới trở về giữa Tăng chúng để tụng đọc Giới bổn; những vị đệ tử ấy vì pháp (hạnh) này đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và đáng lẽ không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

Như vậy, này Udayi, các đệ tử của Ta do năm pháp này không cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và không cung kính, tôn trọng, không sống nương tựa vào Ta.

Này Udayi, lại có năm pháp khác, do năm pháp này, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta. Thế nào là năm?

(I. Giới hạnh tăng thượng)

Ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng giới: “Sa-môn Gotama là vị có giới hạnh và thành tựu giới uẩn tối thượng”. Này Udayi, chính đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng giới, nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị có giới hạnh và thành tựu giới uẩn tối thượng”, đây là pháp thứ nhất, này Udayi, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính , tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

(II. Tri kiến vi diệu)

Lại nữa, này Udayi, các đệ tử của Ta thán phục tri kiến vi diệu. Khi nói: “Ta biết”, nghĩa là Sa-môn Gotama có biết. Khi nói: “Ta thấy”, nghĩa là Sa-môn Gotama có thấy. Sa-môn Gotama thuyết pháp với thắng trí, không phải không với thắng trí. Sa-môn Gotama thuyết pháp có nhơn duyên, không phải không có nhơn duyên. Sa-môn Gotama thuyết pháp có thần thông lực (Sappatihariyam), không phải không có thần thông lực. Này Udayi, chính đệ tử của Ta thán phục tri kiến vi diệu và nghĩ rằng: “Khi nói: “Ta biết”, nghĩa là Sa-môn Gotama có biết: Khi nói: “Ta thấy”, nghĩa là Sa-môn Gotama có thấy. Sa-môn Gotama thuyết pháp với thắng trí, không phải không với thắng trí. Sa-môn thuyết pháp với nhơn duyên, không phải không có nhơn duyên. Sa-môn Gotama thuyết pháp có thần thông lực, không phải không có thần thông lực”. Ðây là pháp thứ hai, này Udayi, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

(III. Trí tuệ tăng thượng)

Lại nữa, này Udayi, đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng trí tuệ và sự kiện này không thể xảy ra khi họ nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama là vị có trí tuệ và thành tựu tuệ uẩn tối thượng. (Tuy vậy) Ngài không thấy trước một luận đạo nào ở tương lai, hay một luận nạn ngoại đạo nào khởi lên (trong hiện tại) mà Ngài không luận phá sau khi khéo léo nạn phá với Chánh pháp”. Này Udayi, Ông nghĩ thế nào? Các đệ tử của Ta, sau khi biết như vậy, thấy như vậy, có thể làm gián đoạn một cuộc đàm thoại đang diễn tiến nửa chừng không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Này Udayi, Ta không chờ đợi sự giáo giới từ nơi những đệ tử của Ta. Trái lại, chính những đệ tử của Ta chờ đợi sự giáo giới từ nơi Ta. Do vậy, này Udayi, sự kiện này không thể xảy ra khi các đệ tử của Ta thán phục Tăng thượng trí tuệ và suy nghĩ: “Sa-môn Gotama là bậc có trí tuệ và thành tựu tuệ uẩn tối thắng. (Tuy vậy) Ngài không thấy (trước) một luận đạo nào ở tương lai, hay một luận nạn ngoại đạo nào khởi lên (trong hiện tại) mà Ngài không luận phá, sau khi khéo léo nạn phá với chánh pháp”. Ðây là pháp thứ ba, này Udayi, mà các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta, và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

(IV. Tứ diệu đế)

Lại nữa, này Udayi, những đệ tử của Ta bị đắm chìm trong đau khổ, bị đau khổ chi phối, đến Ta và hỏi về khổ Thánh đế. Ðược hỏi về Khổ Thánh đế, Ta trả lời cho họ. Ta làm cho tâm của họ thỏa mãn với câu trả lời của Ta. Họ hỏi Ta về Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo Thánh đế, Ta trả lời cho họ. Ta làm cho tâm của họ thỏa mãn với câu trả lời của Ta. Ðây là pháp thứ tư, này Udayi, mà các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

(V. Con đường hành trì)

(1. Tứ Niệm xứ)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Bốn Niệm xứ. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu trên đời, quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên các tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu trên đời. Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(2. Tứ Chánh cần)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bốn Chánh cần. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm… Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(3. Tứ Thần túc)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Bốn Thần túc. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập thần túc, câu hữu với dục Thiền định tinh cần hành… tinh tấn Thiền định… tâm Thiền định tinh cần hành, tu tập thần túc, câu hữu với tư duy Thiền định tinh cần hành. Và ở đây, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(4. Ngũ căn)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Năm Căn. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập tín căn hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ, tu tập tinh tấn căn… tu tập niệm căn… tu tập định căn… tu tập tuệ căn, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(5. Ngũ lực)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ theo đường tu hành này, tu tập Năm Lực. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập tín lực, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ, tu tập tinh tấn lực… tu tập niệm lực… tu tập định lực…tu tập tuệ lực, hướng đến an tịnh, đưa đến giác ngộ. Ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(6. Thất Giác chi)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bảy Giác chi. Ở đây, này các Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ diệt, hướng đến xả, tu tập trạch pháp giác chi… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi, tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ diệt, hướng đến xả. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(7. Bát Chánh đạo)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Thánh đạo Tám ngành. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến, tu tập chánh tư duy, tu tập chánh ngữ, tu tập chánh nghiệp, tu tập chánh mạng, tu tập chánh tinh tấn, tu tập chánh niệm, tu tập chánh định. Và ở đây, này Udayi, các vị đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(8. Tám Giải thoát)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Tám Giải thoát. “Tự mình có sắc, thấy các sắc”, đó là giải thoát thứ nhất. “Quán tưởng nội sắc, thấy các ngoại sắc”, đó là giải thoát thứ hai. “Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy”, đó là giải thoát thứ ba. Vượt hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng đối ngại, không suy tư đến những tưởng khác biệt, với suy tư “Hư không là vô biên”, chứng và trú “Không vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ tư. Vượt hoàn toàn Hư không vô biên xứ, với suy tư “Thức là vô biên”, chứng và trú “Thức vô biên xứ”, đó là giải thoát thứ năm. Vượt hoàn toàn “Thức vô biên xứ”, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú “Vô sở hữu xứ”, đó là giải thoát thứ sáu. Vượt hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy. Vượt hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng, đó là giải thoát thứ tám. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(9. Tám Thắng xứ)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Tám Thắng xứ. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng. “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ nhất. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ hai. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ ba. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tư. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh… như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta thấy, ta biết”, đó là thắng xứ thứ năm. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng… như bông Kanikara màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ sáu. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc màu đỏ, ánh sáng đỏ… như bông Bandhujivaka màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ bảy. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng… như sao mai Osadhi màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng… như lụa Ba la nại, cả hai mặt láng trơn màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tám. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(10. Mười Biến xứ)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Mười Biến xứ. Một vị biết được đất biến xứ: trên dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Một vị biết được nước biến xứ… Một vị biết được lửa biến… Một vị biết được gió biến… Một vị biết được xanh biến… Một vị biết được vàng biến… Một vị biết được đỏ biến… Một vị biết được trắng biến… Một vị biết được hư không biến… Một vị biết được thức biến xứ: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí, và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(11. Bốn Thiền-na)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tu tập Bốn Thiền. Ở đây, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này Udayi, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt, cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần; tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ và các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú vào Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng; những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này Udayi, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này Udayi, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này Udayi, vị Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(12. Tuệ tri)

Lại nữa, này Udayi. Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, tuệ tri như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Ví như, này Udayi, một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và một sợi dây được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, hay màu vàng nhạt. Một người có mắt cầm hòn ngọc ấy trên tay sẽ thấy: “Hòn lưu ly bảo châu này, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo dũa, khéo mài, sáng chói, không uế trược, đầy đủ tất cả mỹ tướng. Và sợi dây này được xâu qua hòn ngọc ấy, sợi dây màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay màu vàng nhạt”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này biết được như sau: “Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(13. Thân do ý)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào. Ví như, này Udayi, một người rút một cây lau ra ngoài vỏ, người ấy nghĩ: “Ðây là vỏ, đây là cây lau, vỏ khác, cây lau khác, và cây lau từ vỏ rút ra”. Ví như, này Udayi, một người rút thanh kiếm từ bao kiếm. Người ấy nghĩ: “Ðây là thanh kiếm, đây là bao kiếm; thanh kiếm khác, bao kiếm khác; và thanh kiếm từ nơi bao kiếm rút ra. Ví như, này Udayi, một người lột xác một con rắn. Người ấy nghĩ: “Ðây là con rắn, đây là xác rắn; con rắn khác, xác rắn khác; và con rắn từ nơi xác rắn được lột ra”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử . Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, chú tâm, hướng tâm đến sự hóa hiện một thân do ý làm ra. Vị ấy tạo một thân khác từ nơi thân này, cũng là sắc pháp, do ý làm ra, đầy đủ các chi tiết lớn nhỏ, không thiếu một căn nào. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(14. Thần túc thông)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Ví như, này Udayi, một người thợ gốm khéo tay, hay đệ tử người thợ gốm, với đất sét khéo nhồi nhuyễn, có thể làm các loại đồ gốm tùy theo sở thích. Ví như, này Udayi, một người thợ ngà khéo tay, hay đệ tử người thợ ngà, với ngà khéo đẽo khéo dũa, có thể làm các loại đồ ngà tùy theo sở thích. Ví như, này Udayi, người thợ vàng khéo tay, hay đệ tử người thợ vàng, với vàng khéo tinh nhuyễn có thể làm các loại đồ vàng tùy theo sở thích; cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, dẫn tâm, hướng tâm đến các thần thông. Vị ấy chứng được các thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trong nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(15. Thiên nhĩ thông)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần. Ví như, này Udayi, một người đang đi qua đường, nghe tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng loa, tiếng xập xỏa và tiếng kiểng. Người ấy nghĩ: “Ðây là tiếng trống lớn, đây là tiếng trống nhỏ, đây là tiếng loa, tiếng xập xỏa, tiếng kiểng. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta, y cứ con đường tu hành này, với thiên nhĩ, thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và Người, xa và gần. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(16. Tha tâm thông)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình được biết như sau: “Tâm tham biết là tâm tham; tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si, biết là tâm si; tâm không si, biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú, biết là tâm không chuyên chú. Tâm đại hành, biết là tâm đại hành; tâm không đại hành, biết là tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định, biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát”. Ví như, này Udayi, một người đàn bà, một người đàn ông, một thiếu niên trẻ hay một thanh niên ưa trang sức, nhìn mặt của mình trong tấm gương trong sạch sáng suốt, hay một chậu nước trong; nếu mặt có tỳ vết, liền biết mặt có tỳ vết; nếu mặt không có tỳ vết, liền biết mặt không có tỳ vết. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta, y cứ con đường tu hành này, sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình được biết như sau: “Tâm tham, biết là tâm tham; tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm sân, biết là tâm sân; tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm si biết là tâm si; tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú; tâm không chuyên chú; biết là tâm không chuyên chú. Tâm đại hành, biết là tâm đại hành; tâm không đại hành, biết là tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định, biết là tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát; biết là tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát”. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(17. Túc mạng thông)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy các vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với nét đại cương và các chi tiết. Ví như, này Udayi, một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời… Như vậy các vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(18. Thiên nhãn thông)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, các vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Ví như, này Udayi, một tòa lầu có thượng đài giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: “Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư hay trên đài thượng”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Những vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh…  đều do hạnh nghiệp của họ. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

(19. Lậu tận thông)

Lại nữa, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ví như, này Udayi, tại dãy núi lớn có một hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt đứng trên bờ sông thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại, hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ”. Cũng vậy, này Udayi, Ta thuyết giảng con đường tu hành cho các đệ tử. Và các đệ tử của Ta y cứ con đường tu hành này, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và ở đây, này Udayi, các đệ tử của Ta phần đông an trú, sau khi chứng ngộ nhờ thắng trí và chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Này Udayi, đây là pháp thứ năm, do pháp này các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Này Udayi, do năm pháp này, các đệ tử của Ta cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường Ta và sau khi cung kính, tôn trọng, sống nương tựa vào Ta.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Du sĩ Sakuludayi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Mahāsakuludāyi sutta

Evaṁ me sutaṁ—ekaṁ samayaṁ bhagavā rājagahe viharati veḷuvane kalandakanivāpe.

Tena kho pana samayena sambahulā abhiññātā abhiññātā paribbājakā moranivāpe paribbājakārāme paṭivasanti, seyyathidaṁ—annabhāro varadharo sakuludāyī ca paribbājako aññe ca abhiññātā abhiññātā paribbājakā.

Atha kho bhagavā pubbaṇhasamayaṁ nivāsetvā pattacīvaramādāya rājagahaṁ piṇḍāya pāvisi. Atha kho bhagavato etadahosi: “atippago kho tāva rājagahe piṇḍāya carituṁ. Yannūnāhaṁ yena moranivāpo paribbājakārāmo yena sakuludāyī paribbājako tenupasaṅkameyyan”ti.

Atha kho bhagavā yena moranivāpo paribbājakārāmo tenupasaṅkami.

Tena kho pana samayena sakuludāyī paribbājako mahatiyā paribbājakaparisāya saddhiṁ nisinno hoti unnādiniyā uccāsaddamahāsaddāya anekavihitaṁ tiracchānakathaṁ kathentiyā, seyyathidaṁ—rājakathaṁ corakathaṁ mahāmattakathaṁ senākathaṁ bhayakathaṁ yuddhakathaṁ annakathaṁ pānakathaṁ vatthakathaṁ sayanakathaṁ mālākathaṁ gandhakathaṁ ñātikathaṁ yānakathaṁ gāmakathaṁ nigamakathaṁ nagarakathaṁ janapadakathaṁ itthikathaṁ sūrakathaṁ visikhākathaṁ kumbhaṭṭhānakathaṁ pubbapetakathaṁ nānattakathaṁ lokakkhāyikaṁ samuddakkhāyikaṁ itibhavābhavakathaṁ iti vā.

Addasā kho sakuludāyī paribbājako bhagavantaṁ dūratova āgacchantaṁ. Disvāna sakaṁ parisaṁ saṇṭhāpeti: “appasaddā bhonto hontu; mā bhonto saddamakattha. Ayaṁ samaṇo gotamo āgacchati; appasaddakāmo kho pana so āyasmā appasaddassa vaṇṇavādī. Appeva nāma appasaddaṁ parisaṁ viditvā upasaṅkamitabbaṁ maññeyyā”ti. Atha kho te paribbājakā tuṇhī ahesuṁ.

Atha kho bhagavā yena sakuludāyī paribbājako tenupasaṅkami. Atha kho sakuludāyī paribbājako bhagavantaṁ etadavoca: “etu kho, bhante, bhagavā. Svāgataṁ, bhante, bhagavato. Cirassaṁ kho, bhante, bhagavā imaṁ pariyāyamakāsi yadidaṁ idhāgamanāya. Nisīdatu, bhante, bhagavā; idamāsanaṁ paññattan”ti. Nisīdi bhagavā paññatte āsane. Sakuludāyīpi kho paribbājako aññataraṁ nīcaṁ āsanaṁ gahetvā ekamantaṁ nisīdi.

Ekamantaṁ nisinnaṁ kho sakuludāyiṁ paribbājakaṁ bhagavā etadavoca: “Kāya nuttha, udāyi, etarahi kathāya sannisinnā, kā ca pana vo antarākathā vippakatā”ti?

“Tiṭṭhatesā, bhante, kathā yāya mayaṁ etarahi kathāya sannisinnā. Nesā, bhante, kathā bhagavato dullabhā bhavissati pacchāpi savanāya.

Purimāni, bhante, divasāni purimatarāni nānātitthiyānaṁ samaṇabrāhmaṇānaṁ kutūhalasālāyaṁ sannisinnānaṁ sannipatitānaṁ ayamantarākathā udapādi: ‘lābhā vata, bho, aṅgamagadhānaṁ, suladdhalābhā vata, bho, aṅgamagadhānaṁ. Tatrime samaṇabrāhmaṇā saṅghino gaṇino gaṇācariyā ñātā yasassino titthakarā sādhusammatā bahujanassa rājagahaṁ vassāvāsaṁ osaṭā. Variant: Tatrime → yatthime (bj, pts1ed); yatrīme (cck); yatrime (sya1ed, sya2ed) Ayampi kho pūraṇo kassapo saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa; sopi rājagahaṁ vassāvāsaṁ osaṭo. Ayampi kho makkhali gosālo …pe… ajito kesakambalo … pakudho kaccāyano … sañjayo belaṭṭhaputto … nigaṇṭho nāṭaputto saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa; sopi rājagahaṁ vassāvāsaṁ osaṭo. Ayampi kho samaṇo gotamo saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa; sopi rājagahaṁ vassāvāsaṁ osaṭo. Ko nu kho imesaṁ bhavataṁ samaṇabrāhmaṇānaṁ saṅghīnaṁ gaṇīnaṁ gaṇācariyānaṁ ñātānaṁ yasassinaṁ titthakarānaṁ sādhusammatānaṁ bahujanassa sāvakānaṁ sakkato garukato mānito pūjito, kañca pana sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharantī’ti? Variant: garuṁ katvā → garukatvā (bj, sya-all, km, pts1ed)

Tatrekacce evamāhaṁsu: ‘ayaṁ kho pūraṇo kassapo saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa; so ca kho sāvakānaṁ na sakkato na garukato na mānito na pūjito, na ca pana pūraṇaṁ kassapaṁ sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Bhūtapubbaṁ pūraṇo kassapo anekasatāya parisāya dhammaṁ deseti. Tatraññataro pūraṇassa kassapassa sāvako saddamakāsi: “mā bhonto pūraṇaṁ kassapaṁ etamatthaṁ pucchittha; neso etaṁ jānāti; mayametaṁ jānāma, amhe etamatthaṁ pucchatha; mayametaṁ bhavantānaṁ byākarissāmā”ti. Bhūtapubbaṁ pūraṇo kassapo bāhā paggayha kandanto na labhati: “appasaddā bhonto hontu, mā bhonto saddamakattha. Nete, bhavante, pucchanti, amhe ete pucchanti; mayametesaṁ byākarissāmā”ti. Bahū kho pana pūraṇassa kassapassa sāvakā vādaṁ āropetvā apakkantā: “na tvaṁ imaṁ dhammavinayaṁ ājānāsi, ahaṁ imaṁ dhammavinayaṁ ājānāmi, kiṁ tvaṁ imaṁ dhammavinayaṁ ājānissasi? Micchāpaṭipanno tvamasi, ahamasmi sammāpaṭipanno, sahitaṁ me, asahitaṁ te, purevacanīyaṁ pacchā avaca, pacchāvacanīyaṁ pure avaca, adhiciṇṇaṁ te viparāvattaṁ, āropito te vādo, niggahitosi, cara vādappamokkhāya, nibbeṭhehi vā sace pahosī”ti. Iti pūraṇo kassapo sāvakānaṁ na sakkato na garukato na mānito na pūjito, na ca pana pūraṇaṁ kassapaṁ sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Akkuṭṭho ca pana pūraṇo kassapo dhammakkosenā’ti.

Ekacce evamāhaṁsu: ‘ayampi kho makkhali gosālo …pe… ajito kesakambalo … pakudho kaccāyano … sañjayo belaṭṭhaputto … nigaṇṭho nāṭaputto saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa; so ca kho sāvakānaṁ na sakkato na garukato na mānito na pūjito, na ca pana nigaṇṭhaṁ nāṭaputtaṁ sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Bhūtapubbaṁ nigaṇṭho nāṭaputto anekasatāya parisāya dhammaṁ deseti. Tatraññataro nigaṇṭhassa nāṭaputtassa sāvako saddamakāsi: “mā bhonto nigaṇṭhaṁ nāṭaputtaṁ etamatthaṁ pucchittha; neso etaṁ jānāti; mayametaṁ jānāma, amhe etamatthaṁ pucchatha; mayametaṁ bhavantānaṁ byākarissāmā”ti. Bhūtapubbaṁ nigaṇṭho nāṭaputto bāhā paggayha kandanto na labhati: “appasaddā bhonto hontu, mā bhonto saddamakattha. Nete bhavante pucchanti, amhe ete pucchanti; mayametesaṁ byākarissāmā”ti. Bahū kho pana nigaṇṭhassa nāṭaputtassa sāvakā vādaṁ āropetvā apakkantā: “na tvaṁ imaṁ dhammavinayaṁ ājānāsi, ahaṁ imaṁ dhammavinayaṁ ājānāmi. Kiṁ tvaṁ imaṁ dhammavinayaṁ ājānissasi? Micchāpaṭipanno tvamasi. Ahamasmi sammāpaṭipanno. Sahitaṁ me asahitaṁ te, purevacanīyaṁ pacchā avaca, pacchāvacanīyaṁ pure avaca, adhiciṇṇaṁ te viparāvattaṁ, āropito te vādo, niggahitosi, cara vādappamokkhāya, nibbeṭhehi vā sace pahosī”ti. Iti nigaṇṭho nāṭaputto sāvakānaṁ na sakkato na garukato na mānito na pūjito, na ca pana nigaṇṭhaṁ nāṭaputtaṁ sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Akkuṭṭho ca pana nigaṇṭho nāṭaputto dhammakkosenā’ti.

Ekacce evamāhaṁsu: ‘ayampi kho samaṇo gotamo saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa; so ca kho sāvakānaṁ sakkato garukato mānito pūjito, samaṇañca pana gotamaṁ sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Bhūtapubbaṁ samaṇo gotamo anekasatāya parisāya dhammaṁ desesi. Tatraññataro samaṇassa gotamassa sāvako ukkāsi. Tamenāññataro sabrahmacārī jaṇṇukena ghaṭṭesi: Variant: jaṇṇukena → jaṇṇuke (bj); jannukena (sya-all, pts1ed) “appasaddo āyasmā hotu, māyasmā saddamakāsi, satthā no bhagavā dhammaṁ desesī”ti. Yasmiṁ samaye samaṇo gotamo anekasatāya parisāya dhammaṁ deseti, neva tasmiṁ samaye samaṇassa gotamassa sāvakānaṁ khipitasaddo vā hoti ukkāsitasaddo vā. Tamenaṁ mahājanakāyo paccāsīsamānarūpo paccupaṭṭhito hoti: “yaṁ no bhagavā dhammaṁ bhāsissati taṁ no sossāmā”ti. Seyyathāpi nāma puriso cātummahāpathe khuddamadhuṁ anelakaṁ pīḷeyya. Variant: khuddamadhuṁ → khuddaṁ madhuṁ (bj, sya-all, km, pts1ed) | pīḷeyya → papīḷeyya (bj); uppiḷeyya (si) Tamenaṁ mahājanakāyo paccāsīsamānarūpo paccupaṭṭhito assa. Evameva yasmiṁ samaye samaṇo gotamo anekasatāya parisāya dhammaṁ deseti, neva tasmiṁ samaye samaṇassa gotamassa sāvakānaṁ khipitasaddo vā hoti ukkāsitasaddo vā. Tamenaṁ mahājanakāyo paccāsīsamānarūpo paccupaṭṭhito hoti: “yaṁ no bhagavā dhammaṁ bhāsissati taṁ no sossāmā”ti. Yepi samaṇassa gotamassa sāvakā sabrahmacārīhi sampayojetvā sikkhaṁ paccakkhāya hīnāyāvattanti tepi satthu ceva vaṇṇavādino honti, dhammassa ca vaṇṇavādino honti, saṅghassa ca vaṇṇavādino honti, attagarahinoyeva honti anaññagarahino, “mayamevamhā alakkhikā mayaṁ appapuññā te mayaṁ evaṁ svākkhāte dhammavinaye pabbajitvā nāsakkhimhā yāvajīvaṁ paripuṇṇaṁ parisuddhaṁ brahmacariyaṁ caritun”ti. Te ārāmikabhūtā vā upāsakabhūtā vā pañcasikkhāpade samādāya vattanti. Iti samaṇo gotamo sāvakānaṁ sakkato garukato mānito pūjito, samaṇañca pana gotamaṁ sāvakā sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharantī’”ti.

“Kati pana tvaṁ, udāyi, mayi dhamme samanupassasi, yehi mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharantī”ti? Variant: mamaṁ → mama (sabbattha) | garuṁ karonti → garukaronti (bj, sya-all, km); garūkaronti (pts1ed)

“Pañca kho ahaṁ, bhante, bhagavati dhamme samanupassāmi yehi bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Katame pañca?

Bhagavā hi, bhante, appāhāro, appāhāratāya ca vaṇṇavādī. Yampi, bhante, bhagavā appāhāro, appāhāratāya ca vaṇṇavādī imaṁ kho ahaṁ, bhante, bhagavati paṭhamaṁ dhammaṁ samanupassāmi yena bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, bhante, bhagavā santuṭṭho itarītarena cīvarena, itarītaracīvarasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī. Yampi, bhante, bhagavā santuṭṭho itarītarena cīvarena, itarītaracīvarasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī, imaṁ kho ahaṁ, bhante, bhagavati dutiyaṁ dhammaṁ samanupassāmi yena bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, bhante, bhagavā santuṭṭho itarītarena piṇḍapātena, itarītarapiṇḍapātasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī. Yampi, bhante, bhagavā santuṭṭho itarītarena piṇḍapātena, itarītarapiṇḍapātasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī, imaṁ kho ahaṁ, bhante, bhagavati tatiyaṁ dhammaṁ samanupassāmi yena bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, bhante, bhagavā santuṭṭho itarītarena senāsanena, itarītarasenāsanasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī. Yampi, bhante, bhagavā santuṭṭho itarītarena senāsanena, itarītarasenāsanasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī, imaṁ kho ahaṁ, bhante, bhagavati catutthaṁ dhammaṁ samanupassāmi yena bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, bhante, bhagavā pavivitto, pavivekassa ca vaṇṇavādī. Yampi, bhante, bhagavā pavivitto, pavivekassa ca vaṇṇavādī, imaṁ kho ahaṁ, bhante, bhagavati pañcamaṁ dhammaṁ samanupassāmi yena bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Ime kho ahaṁ, bhante, bhagavati pañca dhamme samanupassāmi yehi bhagavantaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharantī”ti.

“‘Appāhāro samaṇo gotamo, appāhāratāya ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, santi kho pana me, udāyi, sāvakā kosakāhārāpi aḍḍhakosakāhārāpi beluvāhārāpi aḍḍhabeluvāhārāpi. Ahaṁ kho pana, udāyi, appekadā iminā pattena samatittikampi bhuñjāmi bhiyyopi bhuñjāmi. ‘Appāhāro samaṇo gotamo, appāhāratāya ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, ye te, udāyi, mama sāvakā kosakāhārāpi aḍḍhakosakāhārāpi beluvāhārāpi aḍḍhabeluvāhārāpi na maṁ te iminā dhammena sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ.

‘Santuṭṭho samaṇo gotamo itarītarena cīvarena, itarītaracīvarasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, santi kho pana me, udāyi, sāvakā paṁsukūlikā lūkhacīvaradharā te susānā vā saṅkārakūṭā vā pāpaṇikā vā nantakāni uccinitvā saṅghāṭiṁ karitvā dhārenti. Variant: uccinitvā → ucciṇitvā (si); ucchinditvā (mr) | saṅkārakūṭā vā pāpaṇikā vā nantakāni → pāpaṇikāni vā nantakāni vā (si) Ahaṁ kho panudāyi, appekadā gahapaticīvarāni dhāremi daḷhāni satthalūkhāni alābulomasāni. ‘Santuṭṭho samaṇo gotamo itarītarena cīvarena, itarītaracīvarasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, ye te, udāyi, mama sāvakā paṁsukūlikā lūkhacīvaradharā te susānā vā saṅkārakūṭā vā pāpaṇikā vā nantakāni uccinitvā saṅghāṭiṁ karitvā dhārenti, na maṁ te iminā dhammena sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ.

‘Santuṭṭho samaṇo gotamo itarītarena piṇḍapātena, itarītarapiṇḍapātasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, santi kho pana me, udāyi, sāvakā piṇḍapātikā sapadānacārino uñchāsake vate ratā, te antaragharaṁ paviṭṭhā samānā āsanenapi nimantiyamānā na sādiyanti. Ahaṁ kho panudāyi, appekadā nimantanepi bhuñjāmi sālīnaṁ odanaṁ vicitakāḷakaṁ anekasūpaṁ anekabyañjanaṁ. Variant: nimantanepi → nimantanassāpi (mr) ‘Santuṭṭho samaṇo gotamo itarītarena piṇḍapātena, itarītarapiṇḍapātasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, ye te, udāyi, mama sāvakā piṇḍapātikā sapadānacārino uñchāsake vate ratā te antaragharaṁ paviṭṭhā samānā āsanenapi nimantiyamānā na sādiyanti, na maṁ te iminā dhammena sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ.

‘Santuṭṭho samaṇo gotamo itarītarena senāsanena, itarītarasenāsanasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, santi kho pana me, udāyi, sāvakā rukkhamūlikā abbhokāsikā, te aṭṭhamāse channaṁ na upenti. Ahaṁ kho panudāyi, appekadā kūṭāgāresupi viharāmi ullittāvalittesu nivātesu phusitaggaḷesu pihitavātapānesu. Variant: phusitaggaḷesu → phussitaggalesu (bj); phussitaggaḷesu (cck, pts1ed) ‘Santuṭṭho samaṇo gotamo itarītarena senāsanena, itarītarasenāsanasantuṭṭhiyā ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, ye te, udāyi, mama sāvakā rukkhamūlikā abbhokāsikā te aṭṭhamāse channaṁ na upenti, na maṁ te iminā dhammena sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ.

‘Pavivitto samaṇo gotamo, pavivekassa ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ, santi kho pana me, udāyi, sāvakā āraññikā pantasenāsanā araññavanapatthāni pantāni senāsanāni ajjhogāhetvā viharanti, te anvaddhamāsaṁ saṅghamajjhe osaranti pātimokkhuddesāya. Ahaṁ kho panudāyi, appekadā ākiṇṇo viharāmi bhikkhūhi bhikkhunīhi upāsakehi upāsikāhi raññā rājamahāmattehi titthiyehi titthiyasāvakehi. ‘Pavivitto samaṇo gotamo, pavivekassa ca vaṇṇavādī’ti, iti ce maṁ, udāyi, sāvakā sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ. Ye te, udāyi, mama sāvakā āraññakā pantasenāsanā araññavanapatthāni pantāni senāsanāni ajjhogāhetvā viharanti te anvaddhamāsaṁ saṅghamajjhe osaranti pātimokkhuddesāya, na maṁ te iminā dhammena sakkareyyuṁ garuṁ kareyyuṁ māneyyuṁ pūjeyyuṁ, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya vihareyyuṁ.

Iti kho, udāyi, na mamaṁ sāvakā imehi pañcahi dhammehi sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Atthi kho, udāyi, aññe ca pañca dhammā yehi pañcahi dhammehi mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti. Katame pañca?

Idhudāyi, mamaṁ sāvakā adhisīle sambhāventi: ‘sīlavā samaṇo gotamo paramena sīlakkhandhena samannāgato’ti. Yampudāyi, mamaṁ sāvakā adhisīle sambhāventi: Variant: Yampudāyi → yamudāyi (sya-all, mr); yaṁ panudāyi (pts1ed) ‘sīlavā samaṇo gotamo paramena sīlakkhandhena samannāgato’ti, ayaṁ kho, udāyi, paṭhamo dhammo yena mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, mamaṁ sāvakā abhikkante ñāṇadassane sambhāventi: ‘jānaṁyevāha samaṇo gotamo—jānāmīti, passaṁyevāha samaṇo gotamo—passāmīti; abhiññāya samaṇo gotamo dhammaṁ deseti no anabhiññāya; sanidānaṁ samaṇo gotamo dhammaṁ deseti no anidānaṁ; sappāṭihāriyaṁ samaṇo gotamo dhammaṁ deseti no appāṭihāriyan’ti. Yampudāyi, mamaṁ sāvakā abhikkante ñāṇadassane sambhāventi: ‘jānaṁyevāha samaṇo gotamo—jānāmīti, passaṁyevāha samaṇo gotamo—passāmīti; abhiññāya samaṇo gotamo dhammaṁ deseti no anabhiññāya; sanidānaṁ samaṇo gotamo dhammaṁ deseti no anidānaṁ; sappāṭihāriyaṁ samaṇo gotamo dhammaṁ deseti no appāṭihāriyan’ti, ayaṁ kho, udāyi, dutiyo dhammo yena mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, mamaṁ sāvakā adhipaññāya sambhāventi: ‘paññavā samaṇo gotamo paramena paññākkhandhena samannāgato; taṁ vata anāgataṁ vādapathaṁ na dakkhati, uppannaṁ vā parappavādaṁ na sahadhammena suniggahitaṁ niggaṇhissatīti—netaṁ ṭhānaṁ vijjati’. Taṁ kiṁ maññasi, udāyi, api nu me sāvakā evaṁ jānantā evaṁ passantā antarantarā kathaṁ opāteyyun”ti?

“No hetaṁ, bhante”.

“Na kho panāhaṁ, udāyi, sāvakesu anusāsaniṁ paccāsīsāmi; Variant: paccāsīsāmi → paccāsiṁsāmi (bj, sya-all, km, pts1ed) aññadatthu mamayeva sāvakā anusāsaniṁ paccāsīsanti.

Yampudāyi, mamaṁ sāvakā adhipaññāya sambhāventi: ‘paññavā samaṇo gotamo paramena paññākkhandhena samannāgato; taṁ vata anāgataṁ vādapathaṁ na dakkhati, uppannaṁ vā parappavādaṁ na sahadhammena niggahitaṁ niggaṇhissatīti—netaṁ ṭhānaṁ vijjati’. Ayaṁ kho, udāyi, tatiyo dhammo yena mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, mama sāvakā yena dukkhena dukkhotiṇṇā dukkhaparetā te maṁ upasaṅkamitvā dukkhaṁ ariyasaccaṁ pucchanti, tesāhaṁ dukkhaṁ ariyasaccaṁ puṭṭho byākaromi, tesāhaṁ cittaṁ ārādhemi pañhassa veyyākaraṇena; te maṁ dukkhasamudayaṁ … dukkhanirodhaṁ … dukkhanirodhagāminiṁ paṭipadaṁ ariyasaccaṁ pucchanti, tesāhaṁ dukkhanirodhagāminiṁ paṭipadaṁ ariyasaccaṁ puṭṭho byākaromi, tesāhaṁ cittaṁ ārādhemi pañhassa veyyākaraṇena. Yampudāyi, mama sāvakā yena dukkhena dukkhotiṇṇā dukkhaparetā te maṁ upasaṅkamitvā dukkhaṁ ariyasaccaṁ pucchanti, tesāhaṁ dukkhaṁ ariyasaccaṁ puṭṭho byākaromi, tesāhaṁ cittaṁ ārādhemi pañhassa veyyākaraṇena. Te maṁ dukkhasamudayaṁ … dukkhanirodhaṁ … dukkhanirodhagāminiṁ paṭipadaṁ ariyasaccaṁ pucchanti. Tesāhaṁ dukkhanirodhagāminiṁ paṭipadaṁ ariyasaccaṁ puṭṭho byākaromi. Tesāhaṁ cittaṁ ārādhemi pañhassa veyyākaraṇena. Ayaṁ kho, udāyi, catuttho dhammo yena mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā cattāro satipaṭṭhāne bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṁ; vedanāsu vedanānupassī viharati … citte cittānupassī viharati … dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṁ. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā cattāro sammappadhāne bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu anuppannānaṁ pāpakānaṁ akusalānaṁ dhammānaṁ anuppādāya chandaṁ janeti, vāyamati, vīriyaṁ ārabhati, cittaṁ paggaṇhāti, padahati; uppannānaṁ pāpakānaṁ akusalānaṁ dhammānaṁ pahānāya chandaṁ janeti, vāyamati, vīriyaṁ ārabhati, cittaṁ paggaṇhāti, padahati; anuppannānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ uppādāya chandaṁ janeti, vāyamati, vīriyaṁ ārabhati, cittaṁ paggaṇhāti, padahati; uppannānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ ṭhitiyā asammosāya bhiyyobhāvāya vepullāya bhāvanāya pāripūriyā chandaṁ janeti, vāyamati, vīriyaṁ ārabhati, cittaṁ paggaṇhāti, padahati. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā cattāro iddhipāde bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu chandasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṁ iddhipādaṁ bhāveti, vīriyasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṁ iddhipādaṁ bhāveti, cittasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṁ iddhipādaṁ bhāveti, vīmaṁsāsamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṁ iddhipādaṁ bhāveti. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā pañcindriyāni bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu saddhindriyaṁ bhāveti upasamagāmiṁ sambodhagāmiṁ; vīriyindriyaṁ bhāveti …pe… satindriyaṁ bhāveti … samādhindriyaṁ bhāveti … paññindriyaṁ bhāveti upasamagāmiṁ sambodhagāmiṁ. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā pañca balāni bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu saddhābalaṁ bhāveti upasamagāmiṁ sambodhagāmiṁ; vīriyabalaṁ bhāveti …pe… satibalaṁ bhāveti … samādhibalaṁ bhāveti … paññābalaṁ bhāveti upasamagāmiṁ sambodhagāmiṁ. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā sattabojjhaṅge bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu satisambojjhaṅgaṁ bhāveti vivekanissitaṁ virāganissitaṁ nirodhanissitaṁ vossaggapariṇāmiṁ; dhammavicayasambojjhaṅgaṁ bhāveti …pe… vīriyasambojjhaṅgaṁ bhāveti … pītisambojjhaṅgaṁ bhāveti … passaddhisambojjhaṅgaṁ bhāveti … samādhisambojjhaṅgaṁ bhāveti … upekkhāsambojjhaṅgaṁ bhāveti vivekanissitaṁ virāganissitaṁ nirodhanissitaṁ vossaggapariṇāmiṁ. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā ariyaṁ aṭṭhaṅgikaṁ maggaṁ bhāventi. Idhudāyi, bhikkhu sammādiṭṭhiṁ bhāveti, sammāsaṅkappaṁ bhāveti, sammāvācaṁ bhāveti, sammākammantaṁ bhāveti, sammāājīvaṁ bhāveti, sammāvāyāmaṁ bhāveti, sammāsatiṁ bhāveti, sammāsamādhiṁ bhāveti. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā aṭṭha vimokkhe bhāventi.

Rūpī rūpāni passati, ayaṁ paṭhamo vimokkho;

ajjhattaṁ arūpasaññī bahiddhā rūpāni passati, ayaṁ dutiyo vimokkho;

subhanteva adhimutto hoti, ayaṁ tatiyo vimokkho;

sabbaso rūpasaññānaṁ samatikkamā paṭighasaññānaṁ atthaṅgamā nānattasaññānaṁ amanasikārā ‘ananto ākāso’ti ākāsānañcāyatanaṁ upasampajja viharati, ayaṁ catuttho vimokkho;

sabbaso ākāsānañcāyatanaṁ samatikkamma ‘anantaṁ viññāṇan’ti viññāṇañcāyatanaṁ upasampajja viharati, ayaṁ pañcamo vimokkho;

sabbaso viññāṇañcāyatanaṁ samatikkamma ‘natthi kiñcī’ti ākiñcaññāyatanaṁ upasampajja viharati, ayaṁ chaṭṭho vimokkho;

sabbaso ākiñcaññāyatanaṁ samatikkamma nevasaññānāsaññāyatanaṁ upasampajja viharati, ayaṁ sattamo vimokkho;

sabbaso nevasaññānāsaññāyatanaṁ samatikkamma saññāvedayitanirodhaṁ upasampajja viharati, ayaṁ aṭṭhamo vimokkho.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā aṭṭha abhibhāyatanāni bhāventi.

Ajjhattaṁ rūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati parittāni suvaṇṇadubbaṇṇāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ paṭhamaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ rūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati appamāṇāni suvaṇṇadubbaṇṇāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ dutiyaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati parittāni suvaṇṇadubbaṇṇāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ tatiyaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati appamāṇāni suvaṇṇadubbaṇṇāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ catutthaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati nīlāni nīlavaṇṇāni nīlanidassanāni nīlanibhāsāni. Seyyathāpi nāma umāpupphaṁ nīlaṁ nīlavaṇṇaṁ nīlanidassanaṁ nīlanibhāsaṁ, seyyathā vā pana taṁ vatthaṁ bārāṇaseyyakaṁ ubhatobhāgavimaṭṭhaṁ nīlaṁ nīlavaṇṇaṁ nīlanidassanaṁ nīlanibhāsaṁ; evameva ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati nīlāni nīlavaṇṇāni nīlanidassanāni nīlanibhāsāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ pañcamaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati pītāni pītavaṇṇāni pītanidassanāni pītanibhāsāni. Seyyathāpi nāma kaṇikārapupphaṁ pītaṁ pītavaṇṇaṁ pītanidassanaṁ pītanibhāsaṁ, seyyathā vā pana taṁ vatthaṁ bārāṇaseyyakaṁ ubhatobhāgavimaṭṭhaṁ pītaṁ pītavaṇṇaṁ pītanidassanaṁ pītanibhāsaṁ; evameva ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati pītāni pītavaṇṇāni pītanidassanāni pītanibhāsāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ chaṭṭhaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati lohitakāni lohitakavaṇṇāni lohitakanidassanāni lohitakanibhāsāni. Seyyathāpi nāma bandhujīvakapupphaṁ lohitakaṁ lohitakavaṇṇaṁ lohitakanidassanaṁ lohitakanibhāsaṁ, seyyathā vā pana taṁ vatthaṁ bārāṇaseyyakaṁ ubhatobhāgavimaṭṭhaṁ lohitakaṁ lohitakavaṇṇaṁ lohitakanidassanaṁ lohitakanibhāsaṁ; evameva ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati lohitakāni lohitakavaṇṇāni lohitakanidassanāni lohitakanibhāsāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁ saññī hoti. Idaṁ sattamaṁ abhibhāyatanaṁ.

Ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati odātāni odātavaṇṇāni odātanidassanāni odātanibhāsāni. Seyyathāpi nāma osadhitārakā odātā odātavaṇṇā odātanidassanā odātanibhāsā, seyyathā vā pana taṁ vatthaṁ bārāṇaseyyakaṁ ubhatobhāgavimaṭṭhaṁ odātaṁ odātavaṇṇaṁ odātanidassanaṁ odātanibhāsaṁ; evameva ajjhattaṁ arūpasaññī eko bahiddhā rūpāni passati odātāni odātavaṇṇāni odātanidassanāni odātanibhāsāni. ‘Tāni abhibhuyya jānāmi, passāmī’ti evaṁsaññī hoti. Idaṁ aṭṭhamaṁ abhibhāyatanaṁ.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā dasa kasiṇāyatanāni bhāventi.

Pathavīkasiṇameko sañjānāti uddhamadho tiriyaṁ advayaṁ appamāṇaṁ;

āpokasiṇameko sañjānāti …pe… tejokasiṇameko sañjānāti … vāyokasiṇameko sañjānāti … nīlakasiṇameko sañjānāti … pītakasiṇameko sañjānāti … lohitakasiṇameko sañjānāti … odātakasiṇameko sañjānāti … ākāsakasiṇameko sañjānāti … viññāṇakasiṇameko sañjānāti uddhamadho tiriyaṁ advayaṁ appamāṇaṁ.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā cattāri jhānāni bhāventi.

Idhudāyi, bhikkhu vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṁ savicāraṁ vivekajaṁ pītisukhaṁ paṭhamaṁ jhānaṁ upasampajja viharati. So imameva kāyaṁ vivekajena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa vivekajena pītisukhena apphuṭaṁ hoti. Seyyathāpi, udāyi, dakkho nhāpako vā nhāpakantevāsī vā kaṁsathāle nhānīyacuṇṇāni ākiritvā udakena paripphosakaṁ paripphosakaṁ sanneyya, sāyaṁ nhānīyapiṇḍi snehānugatā snehaparetā santarabāhirā phuṭā snehena na ca pagghariṇī; Variant: sāyaṁ nhānīyapiṇḍi → sāssa nahānīyapiṇḍī (bj, km); sāssa ṇhāniyapiṇḍi (sya-all); sāssa nahāniyapiṇḍī (pts1ed) | nhānīyacuṇṇāni → nahānīyacuṇṇāni (bj, cck); nhāniyacuṇṇāni (sya1ed, sya2ed); nahāniyacuṇṇāni (pts1ed) | nhāpako → nahāpako (bj, cck, pts1ed) evameva kho, udāyi, bhikkhu imameva kāyaṁ vivekajena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa vivekajena pītisukhena apphuṭaṁ hoti.

Puna caparaṁ, udāyi, bhikkhu vitakkavicārānaṁ vūpasamā ajjhattaṁ sampasādanaṁ …pe… dutiyaṁ jhānaṁ upasampajja viharati. So imameva kāyaṁ samādhijena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa samādhijena pītisukhena apphuṭaṁ hoti. Seyyathāpi, udāyi, udakarahado gambhīro ubbhidodako. Tassa nevassa puratthimāya disāya udakassa āyamukhaṁ, na pacchimāya disāya udakassa āyamukhaṁ, na uttarāya disāya udakassa āyamukhaṁ, na dakkhiṇāya disāya udakassa āyamukhaṁ, devo ca na kālena kālaṁ sammā dhāraṁ anuppaveccheyya; Variant: ubbhidodako → ubbhitodako (sya-all, km, mr) atha kho tamhāva udakarahadā sītā vāridhārā ubbhijjitvā tameva udakarahadaṁ sītena vārinā abhisandeyya parisandeyya paripūreyya paripphareyya, nāssa kiñci sabbāvato udakarahadassa sītena vārinā apphuṭaṁ assa. Evameva kho, udāyi, bhikkhu imameva kāyaṁ samādhijena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa samādhijena pītisukhena apphuṭaṁ hoti.

Puna caparaṁ, udāyi, bhikkhu pītiyā ca virāgā …pe… tatiyaṁ jhānaṁ upasampajja viharati. So imameva kāyaṁ nippītikena sukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa nippītikena sukhena apphuṭaṁ hoti. Variant: nāssa → na nesaṁ (bj) Seyyathāpi, udāyi, uppaliniyaṁ vā paduminiyaṁ vā puṇḍarīkiniyaṁ vā appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṁvaḍḍhāni udakānuggatāni anto nimuggaposīni, tāni yāva caggā yāva ca mūlā sītena vārinā abhisannāni parisannāni paripūrāni paripphuṭāni, nāssa kiñci sabbāvataṁ, uppalānaṁ vā padumānaṁ vā puṇḍarīkānaṁ vā sītena vārinā apphuṭaṁ assa; evameva kho, udāyi, bhikkhu imameva kāyaṁ nippītikena sukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa nippītikena sukhena apphuṭaṁ hoti.

Puna caparaṁ, udāyi, bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā pubbeva somanassadomanassānaṁ atthaṅgamā adukkhamasukhaṁ upekkhāsatipārisuddhiṁ catutthaṁ jhānaṁ upasampajja viharati. So imameva kāyaṁ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitvā nisinno hoti, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa parisuddhena cetasā pariyodātena apphuṭaṁ hoti. Seyyathāpi, udāyi, puriso odātena vatthena sasīsaṁ pārupitvā nisinno assa, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa odātena vatthena apphuṭaṁ assa; evameva kho, udāyi, bhikkhu imameva kāyaṁ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitvā nisinno hoti, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa parisuddhena cetasā pariyodātena apphuṭaṁ hoti. Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā evaṁ pajānanti: ‘ayaṁ kho me kāyo rūpī cātumahābhūtiko mātāpettikasambhavo odanakummāsūpacayo aniccucchādanaparimaddanabhedanaviddhaṁsanadhammo; idañca pana me viññāṇaṁ ettha sitaṁ ettha paṭibaddhaṁ’. Seyyathāpi, udāyi, maṇi veḷuriyo subho jātimā aṭṭhaṁso suparikammakato accho vippasanno sabbākārasampanno; tatridaṁ suttaṁ āvutaṁ nīlaṁ vā pītaṁ vā lohitaṁ vā odātaṁ vā paṇḍusuttaṁ vā. Tamenaṁ cakkhumā puriso hatthe karitvā paccavekkheyya: ‘ayaṁ kho maṇi veḷuriyo subho jātimā aṭṭhaṁso suparikammakato accho vippasanno sabbākārasampanno; tatridaṁ suttaṁ āvutaṁ nīlaṁ vā pītaṁ vā lohitaṁ vā odātaṁ vā paṇḍusuttaṁ vā’ti.

Evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā evaṁ pajānanti: ‘ayaṁ kho me kāyo rūpī cātumahābhūtiko mātāpettikasambhavo odanakummāsūpacayo aniccucchādanaparimaddanabhedanaviddhaṁsanadhammo; idañca pana me viññāṇaṁ ettha sitaṁ ettha paṭibaddhan’ti.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā imamhā kāyā aññaṁ kāyaṁ abhinimminanti rūpiṁ manomayaṁ sabbaṅgapaccaṅgiṁ ahīnindriyaṁ. Seyyathāpi, udāyi, puriso muñjamhā īsikaṁ pabbāheyya; tassa evamassa: ‘ayaṁ muñjo, ayaṁ īsikā; añño muñjo, aññā īsikā; muñjamhā tveva īsikā pabbāḷhā’ti. Seyyathā vā panudāyi, puriso asiṁ kosiyā pabbāheyya; tassa evamassa: ‘ayaṁ asi, ayaṁ kosi; añño asi aññā kosi; kosiyā tveva asi pabbāḷho’ti. Seyyathā vā, panudāyi, puriso ahiṁ karaṇḍā uddhareyya; tassa evamassa: ‘ayaṁ ahi, ayaṁ karaṇḍo; añño ahi, añño karaṇḍo; karaṇḍā tveva ahi ubbhato’ti. Evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā imamhā kāyā aññaṁ kāyaṁ abhinimminanti rūpiṁ manomayaṁ sabbaṅgapaccaṅgiṁ ahīnindriyaṁ.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā anekavihitaṁ iddhividhaṁ paccanubhonti—ekopi hutvā bahudhā honti, bahudhāpi hutvā eko hoti; āvibhāvaṁ, tirobhāvaṁ; tirokuṭṭaṁ tiropākāraṁ tiropabbataṁ asajjamānā gacchanti, seyyathāpi ākāse; pathaviyāpi ummujjanimujjaṁ karonti, seyyathāpi udake; udakepi abhijjamāne gacchanti, seyyathāpi pathaviyaṁ; ākāsepi pallaṅkena kamanti, seyyathāpi pakkhī sakuṇo; imepi candimasūriye evaṁmahiddhike evaṁmahānubhāve pāṇinā parimasanti parimajjanti, yāva brahmalokāpi kāyena vasaṁ vattenti. Variant: abhijjamāne → abhijjamānā (mr) Seyyathāpi, udāyi, dakkho kumbhakāro vā kumbhakārantevāsī vā suparikammakatāya mattikāya yaṁ yadeva bhājanavikatiṁ ākaṅkheyya taṁ tadeva kareyya abhinipphādeyya; seyyathā vā panudāyi, dakkho dantakāro vā dantakārantevāsī vā suparikammakatasmiṁ dantasmiṁ yaṁ yadeva dantavikatiṁ ākaṅkheyya taṁ tadeva kareyya abhinipphādeyya; seyyathā vā panudāyi, dakkho suvaṇṇakāro vā suvaṇṇakārantevāsī vā suparikammakatasmiṁ suvaṇṇasmiṁ yaṁ yadeva suvaṇṇavikatiṁ ākaṅkheyya taṁ tadeva kareyya abhinipphādeyya. Evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā anekavihitaṁ iddhividhaṁ paccanubhonti—ekopi hutvā bahudhā honti, bahudhāpi hutvā eko hoti; āvibhāvaṁ, tirobhāvaṁ; tirokuṭṭaṁ tiropākāraṁ tiropabbataṁ asajjamānā gacchanti, seyyathāpi ākāse; pathaviyāpi ummujjanimujjaṁ karonti, seyyathāpi udake; udakepi abhijjamāne gacchanti, seyyathāpi pathaviyaṁ; ākāsepi pallaṅkena kamanti, seyyathāpi pakkhī sakuṇo; imepi candimasūriye evaṁmahiddhike evaṁmahānubhāve pāṇinā parimasanti parimajjanti, yāva brahmalokāpi kāyena vasaṁ vattenti.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā dibbāya sotadhātuyā visuddhāya atikkantamānusikāya ubho sadde suṇanti—dibbe ca mānuse ca, ye dūre santike ca. Seyyathāpi, udāyi, balavā saṅkhadhamo appakasireneva cātuddisā viññāpeyya; evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā dibbāya sotadhātuyā visuddhāya atikkantamānusikāya ubho sadde suṇanti—dibbe ca mānuse ca, ye dūre santike ca.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā parasattānaṁ parapuggalānaṁ cetasā ceto paricca pajānanti—sarāgaṁ vā cittaṁ ‘sarāgaṁ cittan’ti pajānanti, vītarāgaṁ vā cittaṁ ‘vītarāgaṁ cittan’ti pajānanti; sadosaṁ vā cittaṁ ‘sadosaṁ cittan’ti pajānanti, vītadosaṁ vā cittaṁ ‘vītadosaṁ cittan’ti pajānanti; samohaṁ vā cittaṁ ‘samohaṁ cittan’ti pajānanti, vītamohaṁ vā cittaṁ ‘vītamohaṁ cittan’ti pajānanti; saṅkhittaṁ vā cittaṁ ‘saṅkhittaṁ cittan’ti pajānanti, vikkhittaṁ vā cittaṁ ‘vikkhittaṁ cittan’ti pajānanti; mahaggataṁ vā cittaṁ ‘mahaggataṁ cittan’ti pajānanti, amahaggataṁ vā cittaṁ ‘amahaggataṁ cittan’ti pajānanti; sauttaraṁ vā cittaṁ ‘sauttaraṁ cittan’ti pajānanti, anuttaraṁ vā cittaṁ ‘anuttaraṁ cittan’ti pajānanti; samāhitaṁ vā cittaṁ ‘samāhitaṁ cittan’ti pajānanti, asamāhitaṁ vā cittaṁ ‘asamāhitaṁ cittan’ti pajānanti; vimuttaṁ vā cittaṁ ‘vimuttaṁ cittan’ti pajānanti, avimuttaṁ vā cittaṁ ‘avimuttaṁ cittan’ti pajānanti. Seyyathāpi, udāyi, itthī vā puriso vā daharo yuvā maṇḍanakajātiko ādāse vā parisuddhe pariyodāte acche vā udakapatte sakaṁ mukhanimittaṁ paccavekkhamāno sakaṇikaṁ vā ‘sakaṇikan’ti jāneyya, akaṇikaṁ vā ‘akaṇikan’ti jāneyya; Variant: sakaṇikaṁ vā ‘sakaṇikan’ti → sakaṇikaṅgaṁ vā sakaṇikaṅganti (si) | akaṇikaṁ vā ‘akaṇikan’ti → akaṇikaṅgaṁ vā akaṇikaṅganti (si) evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā parasattānaṁ parapuggalānaṁ cetasā ceto paricca pajānanti—sarāgaṁ vā cittaṁ ‘sarāgaṁ cittan’ti pajānanti, vītarāgaṁ vā cittaṁ …pe… sadosaṁ vā cittaṁ … vītadosaṁ vā cittaṁ … samohaṁ vā cittaṁ … vītamohaṁ vā cittaṁ … saṅkhittaṁ vā cittaṁ … vikkhittaṁ vā cittaṁ … mahaggataṁ vā cittaṁ … amahaggataṁ vā cittaṁ … sauttaraṁ vā cittaṁ … anuttaraṁ vā cittaṁ … samāhitaṁ vā cittaṁ … asamāhitaṁ vā cittaṁ … vimuttaṁ vā cittaṁ … avimuttaṁ vā cittaṁ ‘avimuttaṁ cittan’ti pajānanti.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā anekavihitaṁ pubbenivāsaṁ anussaranti, seyyathidaṁ—ekampi jātiṁ dvepi jātiyo tissopi jātiyo catassopi jātiyo pañcapi jātiyo dasapi jātiyo vīsampi jātiyo tiṁsampi jātiyo cattālīsampi jātiyo paññāsampi jātiyo jātisatampi jātisahassampi jātisatasahassampi, anekepi saṁvaṭṭakappe anekepi vivaṭṭakappe anekepi saṁvaṭṭavivaṭṭakappe: ‘amutrāsiṁ evaṁnāmo evaṅgotto evaṁvaṇṇo evamāhāro evaṁsukhadukkhappaṭisaṁvedī evamāyupariyanto, so tato cuto amutra udapādiṁ; tatrāpāsiṁ evaṁnāmo evaṅgotto evaṁvaṇṇo evamāhāro evaṁsukhadukkhappaṭisaṁvedī evamāyupariyanto, so tato cuto idhūpapanno’ti. Iti sākāraṁ sauddesaṁ anekavihitaṁ pubbenivāsaṁ anussarati. Seyyathāpi, udāyi, puriso sakamhā gāmā aññaṁ gāmaṁ gaccheyya, tamhāpi gāmā aññaṁ gāmaṁ gaccheyya; so tamhā gāmā sakaṁyeva gāmaṁ paccāgaccheyya; tassa evamassa: ‘ahaṁ kho sakamhā gāmā aññaṁ gāmaṁ agacchiṁ, tatra evaṁ aṭṭhāsiṁ evaṁ nisīdiṁ evaṁ abhāsiṁ evaṁ tuṇhī ahosiṁ; tamhāpi gāmā amuṁ gāmaṁ agacchiṁ, tatrāpi evaṁ aṭṭhāsiṁ evaṁ nisīdiṁ evaṁ abhāsiṁ evaṁ tuṇhī ahosiṁ, somhi tamhā gāmā sakaṁyeva gāmaṁ paccāgato’ti. Evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā anekavihitaṁ pubbenivāsaṁ anussaranti, seyyathidaṁ—ekampi jātiṁ …pe… iti sākāraṁ sauddesaṁ anekavihitaṁ pubbenivāsaṁ anussaranti.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passanti cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānanti: ‘ime vata bhonto sattā kāyaduccaritena samannāgatā vacīduccaritena samannāgatā manoduccaritena samannāgatā ariyānaṁ upavādakā micchādiṭṭhikā micchādiṭṭhikammasamādānā, te kāyassa bhedā paraṁ maraṇā apāyaṁ duggatiṁ vinipātaṁ nirayaṁ upapannā; ime vā pana bhonto sattā kāyasucaritena samannāgatā vacīsucaritena samannāgatā manosucaritena samannāgatā ariyānaṁ anupavādakā sammādiṭṭhikā sammādiṭṭhikammasamādānā, te kāyassa bhedā paraṁ maraṇā sugatiṁ saggaṁ lokaṁ upapannā’ti. Iti dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passanti cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānanti. Seyyathāpi, udāyi, dve agārā sadvārā. Tatra cakkhumā puriso majjhe ṭhito passeyya manusse gehaṁ pavisantepi nikkhamantepi anucaṅkamantepi anuvicarantepi; Variant: agārā sadvārā → sannadvārā (mr) evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passanti cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānanti …pe…

tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Puna caparaṁ, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā āsavānaṁ khayā anāsavaṁ cetovimuttiṁ paññāvimuttiṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharanti. Seyyathāpi, udāyi, pabbatasaṅkhepe udakarahado accho vippasanno anāvilo, tattha cakkhumā puriso tīre ṭhito passeyya sippisambukampi sakkharakaṭhalampi macchagumbampi carantampi tiṭṭhantampi. Tassa evamassa: ‘ayaṁ kho udakarahado accho vippasanno anāvilo, tatrime sippisambukāpi sakkharakaṭhalāpi macchagumbāpi carantipi tiṭṭhantipī’ti.

Evameva kho, udāyi, akkhātā mayā sāvakānaṁ paṭipadā, yathāpaṭipannā me sāvakā āsavānaṁ khayā anāsavaṁ cetovimuttiṁ paññāvimuttiṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharanti.

Tatra ca pana me sāvakā bahū abhiññāvosānapāramippattā viharanti.

Ayaṁ kho, udāyi, pañcamo dhammo yena mama sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharanti.

Ime kho, udāyi, pañca dhammā yehi mamaṁ sāvakā sakkaronti garuṁ karonti mānenti pūjenti, sakkatvā garuṁ katvā upanissāya viharantī”ti.

Idamavoca bhagavā. Attamano sakuludāyī paribbājako bhagavato bhāsitaṁ abhinandīti.

Mahāsakuludāyisuttaṁ niṭṭhitaṁ sattamaṁ.

Mahāsakuludāyi sutta

Dịch giả

Một số bài viết khác

MỤC LỤC