Bodhirājakumāra Sutta
.
Kinh Vương tử Bồ-đề
Dịch giả
Hòa thượng Thích Minh Châu
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển.
Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi (Bồ-đề) có một ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta và nói:
— Này Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và thưa: “Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và bạch như sau: Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo”.
— Thưa vâng, Tôn giả.
Thanh niên Sanjikaputta vâng đáp vương tử Bodhi, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Thanh niên Sanjikaputta đang ngồi một bên và bạch Thế Tôn:
— Thưa Tôn giả Gotama, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú và thưa như sau: “Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo”.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi thanh niên Sanjikaputta, sau khi biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến vương tử Bodhi, sau khi đến, thưa với vương tử Bodhi:
— Chúng tôi đã nhân danh Tôn giả, bạch lên Thế Tôn Gotama như sau: “Thưa Tôn giả Gotama, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và thưa như sau: “Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo”. Và Sa-môn Gotama đã nhận lời.
Rồi vương tử Bodhi, sau khi đêm ấy đã mãn, tại trú xá của mình cho sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, và cho trải vải trắng lâu đài Kokanada cho đến tầm cấp thấp nhất (pacchima), rồi gọi thanh niên Sanjikaputta:
— Này Thanh niên Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy báo giờ cho Thế Tôn được biết: “Bạch Thế Tôn, đã đến giờ, cơm đã sẵn sàng”.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xá của vương tử Bodhi. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi chờ đón Thế Tôn đến, đang đứng ở cửa ngoài. Vương tử Bodhi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền tiến đến đón, đảnh lễ Thế Tôn, đi đầu hướng dẫn đến lâu đài Kokanada. Rồi Thế Tôn đứng sát vào tầm cấp thấp nhất. Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn im lặng. Lần thứ hai, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Lần thứ hai, Thế Tôn im lặng. Lần thứ ba, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Rồi Thế Tôn nhìn Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda thưa với vương tử Bodhi:
— Thưa vương tử, hãy cho cuộn lại tấm vải, Thế Tôn không có đi bộ trên vải, Như Lai còn nghĩ đến những người thấp kém.
Rồi vương tử Bodhi cho cuộn lại tấm vải, cho sửa soạn các chỗ ngồi tại tầng trên lầu Kokanada. Rồi Thế Tôn bước lên lâu đài Kokanada, và ngồi trên ghế đã soạn sẵn với chúng Tỷ-kheo. Rồi vương tử Bodhi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vương tử Bodhi, khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế thấp và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: “Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ”.
— Này Vương tử, trước khi giác ngộ, thành bậc Chánh Ðẳng Giác, khi còn là vị Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: “Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ.
Và Ta, này Vương tử, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Alara Kalama ở, khi đến xong liền thưa với Alara Kalama: “Hiền giả Kalama, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này”. Này Vương tử, được nghe nói vậy, Alara Kalama nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống (và an trú). Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy), tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Này Vương tử, và không bao lâu Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này Vương tử, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.
Này Vương tử, Ta suy nghĩ như sau: “Alara Kalama tuyên bố pháp này không phải chỉ vì lòng tin: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú”. Chắc chắn Alara Kalama biết pháp này, thấy pháp này rồi mới an trú”. Này Vương tử, rồi Ta đi đến chỗ Alara Kalama ở, sau khi đến Ta nói với Alara Kalama: “Hiền giả Kalama, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố pháp này?” Này Vương tử, được nói vậy, Alara Kalama tuyên bố về Vô sở hữu xứ.
Rồi này Vương tử, Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Alara Kalama có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Alara Kalama mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Alara Kalama tuyên bố: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta an trú”.
Rồi này Vương tử, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này Vương tử, Ta đi đến chỗ Alara Kalama ở, sau khi đến, Ta nói với Alara Kalama: “Này Hiền giả Kalama, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?” –“Vâng, Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy”. –“Này Hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy”. –“Thật lợi ích thay cho chúng tôi, Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt, và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”
Như vậy, này Vương tử, Alara Kalama là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Vương tử, rồi Ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ”. Như vậy, này Vương tử, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
Rồi này Vương tử, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uddaka Ramaputta, khi đến xong Ta nói với Uddaka Ramaputta: “Hiền giả, tôi muốn sống phạm hạnh trong pháp luật này. Ðược nói vậy, này Vương tử, Uddaka Ramaputta nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống (và an trú), pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị Bổn sư của mình (chỉ dạy) tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú”. Này Vương tử, Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này Vương tử, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí, và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng Tọa), và Ta tự cho rằng Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy.
Này Vương tử, Ta suy nghĩ như sau: “Rama tuyên bố pháp này không phải vì lòng tin: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, ta mới an trú”. Chắc chắn Rama thấy pháp này, biết pháp này, rồi mới an trú”. Này Vương tử, rồi Ta đi đến chỗ Uddaka Ramaputta ở, sau khi đến Ta nói với Uddaka Ramaputta: “Hiền giả Rama, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?” Này Vương tử được nghe nói vậy, Uddaka Ramaputta tuyên bố về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Rồi này Vương tử, Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Rama mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rama mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rama mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rama mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rama mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Rama tuyên bố: “Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, tự an trú”.
Rồi này Vương tử, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này Vương tử, Ta đi đến chỗ Uddaka Ramaputta ở, sau khi đến, Ta nói với Uddaka Ramaputta: “Này Hiền giả Rama, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?” –“Vâng Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy”. –“Này Hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.” Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi, tự tri tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”
Như vậy, này Vương tử, Uddaka Ramaputta là Ðạo Sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Như vậy, này Vương tử, Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.
Này Vương tử, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma kiệt đà) và đến tại tụ lạc Uruvela (Ưu lâu tần loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này Vương tử, rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”. Và này Vương tử, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn”.
Nhưng này Vương tử, có ba ví dụ khởi lên nơi Ta, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe: Này Vương tử, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra”. Này Vương tử, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến lửa nóng hiện ra được không?
— Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì cành cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống lại bị ngâm trong nước, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.
— Cũng vậy, này Vương tử, những Sa-môn hay những Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với chúng thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác, và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Vương tử, đó là ví dụ thứ nhất, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.
Này Vương tử, rồi một ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Vương tử, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra”. Này Vương tử, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?
— Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống, dầu được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.
— Cũng vậy, này Vương tử, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôm ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt. Nếu những Tôn giả Sa-môn, hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Vương tử, đó là ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.
Này Vương tử, rồi một ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Vương tử, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, lửa nóng sẽ hiện ra”. Này Vương tử, Ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến nơi nóng hiện ra được không?
— Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy khô, không nhựa, lại được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô.
— Cũng vậy, này Vương tử, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn sống xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục, như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khác vọng, dục nhiệt não, về nội tâm được khéo đoạn trừ. Nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị này cũng có thể chứng được tri kiến vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Vương tử, đó là ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy nghiến răng, dán chặt lên lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm!” Này Vương tử, rồi Ta nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Khi Ta đang nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta. Này Vương tử, như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy. Này Vương tử, khi Ta đang nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta, này Vương tử, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu Thiền nín thở”. Và này Vương tử, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi. Này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Vương tử, ví như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bệ đang thổi của người thợ rèn. Cũng vậy, này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thời một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Vương tử, dầu cho Ta có chí tâm tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị kích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thêm Thiền nín thở”. Và này Vương tử, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi, và ngang qua tai. Này Vương tử, khi Ta nín thở vô thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Vương tử, ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với một thanh kiếm sắc, cũng vậy này Vương tử, khi ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Vương tử, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau : “Ta hãy tu thêm Thiền nín thở”. Và này Vương tử, rồi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, Ta cảm giác đau đầu, một cách kinh khủng. Này Vương tử, ví như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết mạnh; cũng vậy, này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi, và ngang qua tai, Ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng. Này Vương tử, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thêm Thiền nín thở”. Và này Vương tử, rồi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của Ta. Này Vương tử, ví như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén. Cũng vậy, này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, một ngọn kinh khủng cắt ngang bụng của Ta. Này Vương tử, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dẫu cho niệm được an trú, không dao động nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thêm Thiền nín thở”. Và này Vương tử, rồi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Vương tử, ví như hai người lực sĩ sau khi nắm cánh tay một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng. Cũng vậy, này Vương tử, khi Ta nín thở vô, thở ra, ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Vương tử, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.
Lại nữa, này Vương tử, chư Thiên thấy vậy nói như sau: “Sa-môn Gotama đã chết rồi”. Một số chư Thiên nói như sau: “Sa-môn Gotama chưa chết, nhưng Sa-môn Gotama sắp sửa chết”. Một số chư Thiên nói như sau: “Sa-môn Gotama chưa chết. Sa-môn Gotama, cũng không phải sắp chết. Sa-môn Gotama là bậc A-la-hán, đời sống của một A-la-hán là như vậy”.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực”. Rồi này Vương tử, chư Thiên đến Ta và nói như sau: “Này Thiện hữu, Hiền giả chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Này Thiện hữu, nếu Hiền giả có hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Hiền giả, và nhờ vậy Hiền giả vẫn sống”. Rồi này Vương tử, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu Ta hoàn toàn tuyệt thực và chư Thiên này đổ các món ăn chư Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Ta và nhờ vậy Ta vẫn sống, thời như vậy Ta tự dối Ta”. Này Vương tử, Ta bác bỏ chư Thiên ấy và nói: “Như vậy là đủ”.
Này Vương tử, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: “Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ”. Và này Vương tử, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những gọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Này Vương tử, nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ da bụng”, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Vương tử, da bụng của Ta đến bám chặt xương sống. Này Vương tử, nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện” thì Ta ngã qu? úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Vương tử, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Vương tử, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.
Lại nữa, này Vương tử, có người thấy vậy nói như sau: “Sa-môn Gotama có da đen”. Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama, da không đen, Sa-môn Gotama có da màu xám”. Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama da không đen, da không xám.” Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama da không đen, da không xám, Sa-môn Gotama có da màu vàng sẫm”. Cho đến mức độ như vậy, này Vương tử, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại, vì Ta ăn quá ít.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Thuở xưa có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Về tương lai, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng không thể có gì hơn nữa. Trong hiện tại, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Nhưng Ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?”
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?” Và này Vương tử, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Ðây là đạo lộ đưa đến giác ngộ”.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ: “Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?” Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện”.’
Rồi này Vương tử, Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua”. Rồi này Vương tử, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua. Này Vương tử, lúc bấy giờ, năm Tỷ-kheo đang hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa-môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết”. Này Vương tử, khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ đi và nói: “Sa-môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc”.
Và này Vương tử, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Vương tử, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Vương tử, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Vương tử, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Vương tử, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này”. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Vương tử, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Vương tử, đó là minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: “Ðây là Khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là sự Diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát” Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”. Này Vương tử, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần.
Rồi này Vương tử, Ta suy nghĩ như sau: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!” Này Vương tử, rồi những kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta:
Sao Ta nói Chánh pháp,
Ðược chứng ngộ khó khăn?
Những ai còn tham sân,
Khó chứng ngộ pháp này.
Ði ngược dòng, thâm diệu,
Khó thấy, thật tế nhị,
Kẻ ái nhiễm vô minh,
Không thấy được pháp này.
Rồi này Vương tử, với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.
Này Vương tử, lúc bấy giờ Phạm thiên Sahampati khi biết được tâm tư của Ta; với tâm tư của mình, liền suy nghĩ: “Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bi hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp”. Rồi này Vương tử, Phạm thiên Sahampati, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co, hay co cánh tay đang duỗi; cũng vậy, vị ấy biến mất từ thế giới Phạm thiên, và hiện ra trước mặt Ta. Này Vương tử, rồi Phạm thiên Sahampati đắp thượng y một bên vai chắp tay hướng vái Ta và bạch với Ta: “Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu được nghe, những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp”. Này Vương tử, Phạm thiện Sahampati nói như vậy. Sau khi nói vậy, lại nói thêm như sau:
Xưa tại Magadha,
Hiện ra pháp bất tịnh,
Pháp do tâm cấu uế,
Do suy tư tác thành.
Hãy mở tung mở rộng,
Cánh cửa bất tử này.
Hãy để họ nghe Pháp,
Bậc Thanh tịnh Chứng Ngộ.
Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi tột cao
Có người đứng nhìn xuống,
Ðám chúng sanh quây quần.
Cũng vậy, ôi Thiện Tuệ,
Bậc Biến Nhãn cùng khắp,
Leo lên ngôi lâu đài,
Xây dựng bằng Chánh pháp
Bậc Thoát Ly sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh,
Bị sầu khổ áp bức,
Bị sanh già chi phối,
Ðứng lên vị Anh Hùng,
Bậc Chiến Thắng chiến trường.
Vị trưởng đoàn lữ khách,
Bậc Thoát Ly nợ nần.
Hãy đi khắp thế giới,
Bậc Thế Tôn Chánh Giác!
Hãy thuyết vi diệu pháp,
Người nghe sẽ thâm hiểu!
Này Vương tử, sau khi biết được lời Phạm thiên yêu cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, với Phật nhãn, Ta nhìn quanh thế giới. Này Vương tử, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này Vương tử, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Và này Vương tử, Ta nói lên bài kệ sau đây với Phạm thiên Sahampati:
Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm,
Không chính xác của mình.
Tự nghĩ đến phiền toái,
Ta đã không muốn giảng,
Tối thượng vi diệu pháp,
Giữa chúng sanh loài Người.
(Ôi Phạm thiên)
Này Vương tử, rồi Phạm thiên Sahampati tự nghĩ: “Ta đã tạo cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp”, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta, rồi biến mất tại chỗ.
Này Vương tử, rồi Ta tự suy nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?” Này Vương tử, rồi Ta tự nghĩ: “Nay có Alara Kalama là bậc trí thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Alara Kalama, vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này”. Này Vương tử, rồi chư Thiên đến Ta và nói như sau: “Bạch Thế Tôn, Alara Kalama đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: “Alara Kalama đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Này Vương tử, Ta nghĩ: “Thật là một thiệt hại lớn cho Alara Kalama: Nếu nghe pháp này, Alara Kalama sẽ mau thâm hiểu”.
Rồi này Vương tử, Ta lại nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?” Rồi này Vương tử, Ta lại nghĩ: “Nay có Uddaka Ramaputta là bậc tri thức, đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddaka Ramaputta. Vị này sẽ mau hiểu Chánh pháp này.” Rồi chư Thiên đến Ta và nói như sau: “Bạch Thế Tôn Uddaka Ramaputta đã mệnh chung ngày hôm qua”. Rồi tri kiến khởi lên nơi Ta: “Uddaka Ramaputta đã mệnh chung hôm qua”. Này Vương tử, Ta nghĩ: “Thật là một thiệt hại lớn cho Uddaka Ramaputta. Nếu nghe pháp này, Uddaka Ramaputta sẽ mau thâm hiểu”.
Này Vương tử, rồi Ta suy nghĩ: “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?” Rồi này Vương tử, Ta lại nghĩ: “Nhóm năm Tỷ-kheo này đã hầu hạ Ta khi Ta còn nỗ lực tinh cần, nhóm ấy thật giúp ích nhiều. Vậy ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho nhóm năm Tỷ-kheo!” Rồi này Vương tử, Ta lại nghĩ: “Nay nhóm năm Tỷ-kheo ở tại đâu?” Này Vương tử, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy nhóm năm Tỷ-kheo hiện ở Baranasi (Ba la nại), tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này Vương tử, sau khi ở tại Uruvela lâu cho đến khi mãn ý, Ta lên đường đi đến Baranasi.
Này Vương tử, một tà mạng ngoại đạo tên là Upaka, đã thấy Ta khi Ta còn đi trên con đường giữa Gaya và cây Bồ-đề. Sau khi thấy, vị ấy nói với Ta:
“– Các căn của Hiền giả thật sáng suốt. Da sắc của Hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này Hiền giả, vì mục đích gì, Hiền giả xuất gia? Ai là bậc Ðạo Sư của Hiền giả? Hiền giả hoan hỷ thọ trì pháp của ai?”
Này Vương tử, khi nghe nói vậy, Ta nói với tà mạng đạo Upaka bài kệ như sau:
“– Ta, bậc Thắng tất cả,
Ta, bậc Nhất thiết Trí.
Hết thảy pháp, không nhiễm,
Hết thảy pháp, xả ly.
Ta sống chân giải thoát,
Ðoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác,
Còn phải y chỉ ai?
Ta không có Ðạo Sư,
Bậc như Ta không có.
Giữa thế giới Nhơn, Thiên,
Không có ai bằng Ta.
Bậc Ứng Cúng trên đời,
Bậc Ðạo Sư vô thượng.
Tự mình Chánh Ðẳng Giác,
Ta an tịnh, thanh thoát.
Ðể chuyển bánh xe Pháp.
Ta đến thành Kàsi.
Gióng lên trống bất tử,
Trong thế giới mù lòa.”
“– Như Hiền giả đã tự xưng, Hiền giả xứng đáng là bậc Chiến thắng Vô tận. “
“– Như Ta, bậc Thắng giả,
Những ai chứng lậu tận,
Ác pháp, Ta nhiếp phục,
Do vậy, Ta vô địch”.
(Này Upaka)
Này Vương tử, sau khi được nói vậy, tà mạng ngoại đạo Upaka nói với Ta:
“– Này Hiền giả, mong rằng sự việc là vậy”.
Nói xong, Upaka lắc đầu rồi đi theo một ngã khác.
Này Vương tử, rồi Ta tuần tự đi đến Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển, đi đến chỗ nhóm năm Tỷ-kheo ở. Này Vương tử, nhóm năm Tỷ-kheo khi thấy Ta từ xa đi đến, đã cùng nhau thỏa thuận như sau: “Này các Hiền giả, nay Sa-môn Gotama đang đi đến; vị này sống trong sự sung túc, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất. Chúng ta chớ có đảnh lễ, chớ có đứng dậy, chớ có lấy y bát. Hãy đặt một chỗ ngồi, và nếu vị ấy muốn, vị ấy sẽ ngồi”. Này Vương tử, nhưng khi Ta đi đến gần, năm Tỷ-kheo ấy không thể giữ đúng điều đã thỏa thuận với nhau. Có người đến đón Ta và cầm lấy y bát, có người sắp đặt chỗ ngồi, có người đem nước rửa chân đến. Nhưng các vị ấy gọi Ta bằng tên với danh từ Hiền giả (Avuso).
Này Vương tử khi ta nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
“– Này các Tỷ-kheo, chớ có gọi Ta bằng tên và dùng danh từ Hiền giả. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú.”
Này Vương tử, khi nghe nói vậy, nhóm năm Tỷ-kheo nói Ta:
“– Hiền giả Gotama, với nếp sống này, với đạo tu này, với khổ hạnh này, Hiền giả đã không chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến, thù thắng xứng đáng bậc Thánh, thì này làm sao Hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần, với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?”
Này Vương tử, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
“– Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú.”
Này Vương tử, lại lần thứ hai, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta:
“– Hiền giả Gotama, với nếp sống này… tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?”
Này Vương tử, lại lần thứ hai Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
“– Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc… các Ông sẽ an trú.”
Này Vương tử, lại lần thứ ba, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta:
“– Hiền giả Gotama, với nếp sống này… tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh?”
Này Vương tử, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo:
“– Này các Tỷ-kheo, từ trước đến nay, các Ông có chấp nhận là Ta chưa bao giờ nói như vậy chăng?”
“– Bạch Thế Tôn chưa bao giờ như vậy. “
“– Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tư chứng, tự đạt được ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú”.
Sáu người sống, với các đồ ăn mà hai Tỳ Kheo này khất thực đem về. Như vậy, này Vương tử, chúng năm vị Tỷ-kheo được Ta giáo giới như vậy, giáo huấn như vậy, không bao lâu chứng được với thượng trí ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà con cháu các lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến.
Khi được nói vậy, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
— Ðộ bao lâu, bạch Thế Tôn, một vị Tỷ-kheo chấp nhận Như Lai là vị lãnh đạo, chứng được mục đích tối cao… và an trú.
— Này Vương tử, ở đây, Ta sẽ hỏi Vương tử. Tùy theo Vương tử có thể kham nhẫn, Vương tử hãy trả lời. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Vương tử có thiện xảo trong nghề cưỡi voi và trong kỹ thuật dùng câu móc không?
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con thiện xảo trong nghề cưỡi voi và kỹ thuật dùng câu móc.
— Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Ở đây có người đến và nói: “Vương tử Bodhi biết kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử”. Nếu người ấy không có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy nhiều bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy gian trá, xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy biếng nhác, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy có liệt tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được, người ấy không đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử không?
— Bạch Thế Tôn, người ấy, dầu thành tựu chỉ một đức tánh, người ấy cũng không có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh!
— Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Ở đây, có người đến và nói: “Vương tử Bodhi biết kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử”. Nếu người ấy có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy ít bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy không gian trá, không xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy tinh tấn, cần mẫn, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy có trí tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được, người ấy đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử không?
— Bạch Thế Tôn, người ấy, dầu cho thành tựu chỉ một đức tánh, cũng có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh.
— Cũng vậy, này Vương tử, có năm tinh tấn chi này. Thế nào là năm? Ở đây, này Vương tử, vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai. Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn.
Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như chơn đối với bậc Ðạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các vị đồng Phạm hạnh.
Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn từ bỏ các bất thiện pháp, làm cho khởi lên các thiện pháp, kiên cố, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp.
Vị ấy có trí tuệ thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt (của các pháp), với sự thể nhập bậc Thánh đưa đến sự chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này Vương Tử, như vậy là năm tinh cần chi.
Này Vương tử, vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, sau khi đã tự chứng tri với thượng trí ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và vị ấy có thể chứng ngộ, chứng đạt và an trú trong bảy năm.
Này Vương tử, đừng nói chi bảy năm, một vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này… và an trú sáu năm… năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm. Này Vương tử, đừng nói chi một năm, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này… và an trú bảy tháng. Này Vương tử, đừng nói chi bảy tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này… và an trú ngay trong sáu tháng… trong năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, nửa tháng. Này Vương tử, đừng nói chi nửa tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này… và an trú trong bảy đêm ngày. Này Vương tử, đừng nói chi bảy đêm ngày, Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này sáu đêm ngày… năm đêm ngày, bốn đêm ngày, ba đêm ngày, hai đêm ngày, một đêm ngày.
Này Vương tử, đừng nói chi một đêm ngày, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi chiều.
Khi được nghe nói vậy, Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:
— Ôi, thật là Phật! Ôi, thật là Pháp! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay! Nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng thời chứng được sự thù thắng buổi chiều.
Khi nghe nói vậy, thanh niên Sanjikaputta thưa với Vương tử Bodhi:
— Như vậy, Tôn giả Bodhi này đã nói: “Ôi, thật là Phật! Ôi, thật là Pháp! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay! ” Nhưng Vương tử không nói thêm: “Tôi quy y Tôn giả Gotama này, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng”.
— Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: “Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng”. Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẳm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng”. Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. “Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.
Bodhirājakumāra Sutta
Evaṁ me sutaṁ—ekaṁ samayaṁ bhagavā bhaggesu viharati susumāragire bhesakaḷāvane migadāye.
Tena kho pana samayena bodhissa rājakumārassa kokanado nāma pāsādo acirakārito hoti anajjhāvuṭṭho samaṇena vā brāhmaṇena vā kenaci vā manussabhūtena. Variant: kokanado → kokanudo (sya-all, km, mr)
Atha kho bodhi rājakumāro sañjikāputtaṁ māṇavaṁ āmantesi: “ehi tvaṁ, samma sañjikāputta, yena bhagavā tenupasaṅkama; upasaṅkamitvā mama vacanena bhagavato pāde sirasā vanda, appābādhaṁ appātaṅkaṁ lahuṭṭhānaṁ balaṁ phāsuvihāraṁ puccha: ‘bodhi, bhante, rājakumāro bhagavato pāde sirasā vandati, appābādhaṁ appātaṅkaṁ lahuṭṭhānaṁ balaṁ phāsuvihāraṁ pucchatī’ti. Evañca vadehi: ‘adhivāsetu kira, bhante, bhagavā bodhissa rājakumārassa svātanāya bhattaṁ saddhiṁ bhikkhusaṅghenā’”ti.
“Evaṁ, bho”ti kho sañjikāputto māṇavo bodhissa rājakumārassa paṭissutvā yena bhagavā tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṁ sammodi. Sammodanīyaṁ kathaṁ sāraṇīyaṁ vītisāretvā ekamantaṁ nisīdi. Ekamantaṁ nisinno kho sañjikāputto māṇavo bhagavantaṁ etadavoca: “bodhi kho rājakumāro bhoto gotamassa pāde sirasā vandati, appābādhaṁ appātaṅkaṁ lahuṭṭhānaṁ balaṁ phāsuvihāraṁ pucchati. Variant: bodhi kho → bodhi bho gotama (bj, sya-all, km, pts1ed) Evañca vadeti: ‘adhivāsetu kira bhavaṁ gotamo bodhissa rājakumārassa svātanāya bhattaṁ saddhiṁ bhikkhusaṅghenā’”ti. Adhivāsesi bhagavā tuṇhībhāvena.
Atha kho sañjikāputto māṇavo bhagavato adhivāsanaṁ viditvā uṭṭhāyāsanā yena bodhi rājakumāro tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bodhiṁ rājakumāraṁ etadavoca: “avocumha bhoto vacanena taṁ bhavantaṁ gotamaṁ: ‘bodhi kho rājakumāro bhoto gotamassa pāde sirasā vandati, appābādhaṁ appātaṅkaṁ lahuṭṭhānaṁ balaṁ phāsuvihāraṁ pucchati. Evañca vadeti—adhivāsetu kira bhavaṁ gotamo bodhissa rājakumārassa svātanāya bhattaṁ saddhiṁ bhikkhusaṅghenā’ti. Adhivuṭṭhañca pana samaṇena gotamenā”ti.
Atha kho bodhi rājakumāro tassā rattiyā accayena sake nivesane paṇītaṁ khādanīyaṁ bhojanīyaṁ paṭiyādāpetvā, kokanadañca pāsādaṁ odātehi dussehi santharāpetvā yāva pacchimasopānakaḷevarā, sañjikāputtaṁ māṇavaṁ āmantesi: “ehi tvaṁ, samma sañjikāputta, yena bhagavā tenupasaṅkama; upasaṅkamitvā bhagavato kālaṁ ārocehi: ‘kālo, bhante, niṭṭhitaṁ bhattan’”ti.
“Evaṁ, bho”ti kho sañjikāputto māṇavo bodhissa rājakumārassa paṭissutvā yena bhagavā tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bhagavato kālaṁ ārocesi: “kālo, bho gotama, niṭṭhitaṁ bhattan”ti.
Atha kho bhagavā pubbaṇhasamayaṁ nivāsetvā pattacīvaramādāya yena bodhissa rājakumārassa nivesanaṁ tenupasaṅkami.
Tena kho pana samayena bodhi rājakumāro bahidvārakoṭṭhake ṭhito hoti bhagavantaṁ āgamayamāno. Addasā kho bodhi rājakumāro bhagavantaṁ dūratova āgacchantaṁ. Disvāna paccuggantvā bhagavantaṁ abhivādetvā purakkhatvā yena kokanado pāsādo tenupasaṅkami. Atha kho bhagavā pacchimaṁ sopānakaḷevaraṁ nissāya aṭṭhāsi.
Atha kho bodhi rājakumāro bhagavantaṁ etadavoca: “abhiruhatu, bhante, bhagavā dussāni, abhiruhatu sugato dussāni; yaṁ mama assa dīgharattaṁ hitāya sukhāyā”ti. Evaṁ vutte, bhagavā tuṇhī ahosi.
Dutiyampi kho …pe… tatiyampi kho bodhi rājakumāro bhagavantaṁ etadavoca: “abhiruhatu, bhante, bhagavā dussāni, abhiruhatu sugato dussāni; yaṁ mama assa dīgharattaṁ hitāya sukhāyā”ti.
Atha kho bhagavā āyasmantaṁ ānandaṁ apalokesi. Atha kho āyasmā ānando bodhiṁ rājakumāraṁ etadavoca: “saṁharatu, rājakumāra, dussāni; na bhagavā celapaṭikaṁ akkamissati. Variant: celapaṭikaṁ → celapattikaṁ (bj, pts1ed) Pacchimaṁ janataṁ tathāgato anukampatī”ti. Variant: anukampatī”ti → apaloketīti (sabbattha)
Atha kho bodhi rājakumāro dussāni saṁharāpetvā uparikokanadapāsāde āsanāni paññapesi. Atha kho bhagavā kokanadaṁ pāsādaṁ abhiruhitvā paññatte āsane nisīdi saddhiṁ bhikkhusaṅghena.
Atha kho bodhi rājakumāro buddhappamukhaṁ bhikkhusaṅghaṁ paṇītena khādanīyena bhojanīyena sahatthā santappesi sampavāresi. Atha kho bodhi rājakumāro bhagavantaṁ bhuttāviṁ onītapattapāṇiṁ aññataraṁ nīcaṁ āsanaṁ gahetvā ekamantaṁ nisīdi. Ekamantaṁ nisinno kho bodhi rājakumāro bhagavantaṁ etadavoca: “mayhaṁ kho, bhante, evaṁ hoti: ‘na kho sukhena sukhaṁ adhigantabbaṁ, dukkhena kho sukhaṁ adhigantabban’”ti.
“Mayhampi kho, rājakumāra, pubbeva sambodhā anabhisambuddhassa bodhisattasseva sato etadahosi: ‘na kho sukhena sukhaṁ adhigantabbaṁ, dukkhena kho sukhaṁ adhigantabban’ti.
So kho ahaṁ, rājakumāra, aparena samayena daharova samāno susukāḷakeso bhadrena yobbanena samannāgato paṭhamena vayasā akāmakānaṁ mātāpitūnaṁ assumukhānaṁ rudantānaṁ kesamassuṁ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṁ pabbajiṁ. So evaṁ pabbajito samāno kiṅkusalagavesī anuttaraṁ santivarapadaṁ pariyesamāno yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṁ; upasaṅkamitvā āḷāraṁ kālāmaṁ etadavocaṁ: ‘icchāmahaṁ, āvuso kālāma, imasmiṁ dhammavinaye brahmacariyaṁ caritun’ti.
Evaṁ vutte, rājakumāra, āḷāro kālāmo maṁ etadavoca: ‘viharatāyasmā, tādiso ayaṁ dhammo yattha viññū puriso nacirasseva sakaṁ ācariyakaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyā’ti.
So kho ahaṁ, rājakumāra, nacirasseva khippameva taṁ dhammaṁ pariyāpuṇiṁ. So kho ahaṁ, rājakumāra, tāvatakeneva oṭṭhapahatamattena lapitalāpanamattena ñāṇavādañca vadāmi, theravādañca jānāmi passāmīti ca paṭijānāmi, ahañceva aññe ca. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘na kho āḷāro kālāmo imaṁ dhammaṁ kevalaṁ saddhāmattakena sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti; addhā āḷāro kālāmo imaṁ dhammaṁ jānaṁ passaṁ viharatī’ti.
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṁ; upasaṅkamitvā āḷāraṁ kālāmaṁ etadavocaṁ: ‘kittāvatā no, āvuso kālāma, imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesī’ti? Variant: upasampajja viharāmīti pavedesī’ti → upasampajja pavedesīti (sya-all, km, pts1ed) Evaṁ vutte, rājakumāra, āḷāro kālāmo ākiñcaññāyatanaṁ pavedesi.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘na kho āḷārasseva kālāmassa atthi saddhā, mayhampatthi saddhā; na kho āḷārasseva kālāmassa atthi vīriyaṁ …pe… sati … samādhi … paññā, mayhampatthi paññā. Yannūnāhaṁ yaṁ dhammaṁ āḷāro kālāmo sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti tassa dhammassa sacchikiriyāya padaheyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, nacirasseva khippameva taṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsiṁ.
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, yena āḷāro kālāmo tenupasaṅkamiṁ; upasaṅkamitvā āḷāraṁ kālāmaṁ etadavocaṁ: ‘ettāvatā no, āvuso kālāma, imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesī’ti?
‘Ettāvatā kho ahaṁ, āvuso, imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemī’ti.
‘Ahampi kho, āvuso, ettāvatā imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmī’ti.
‘Lābhā no, āvuso, suladdhaṁ no, āvuso, ye mayaṁ āyasmantaṁ tādisaṁ sabrahmacāriṁ passāma. Iti yāhaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemi, taṁ tvaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi. Yaṁ tvaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi, tamahaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedemi. Iti yāhaṁ dhammaṁ jānāmi taṁ tvaṁ dhammaṁ jānāsi; yaṁ tvaṁ dhammaṁ jānāsi tamahaṁ dhammaṁ jānāmi. Iti yādiso ahaṁ, tādiso tuvaṁ; yādiso tuvaṁ tādiso ahaṁ. Ehi dāni, āvuso, ubhova santā imaṁ gaṇaṁ pariharāmā’ti. Iti kho, rājakumāra, āḷāro kālāmo ācariyo me samāno attano antevāsiṁ maṁ samānaṁ attanā samasamaṁ ṭhapesi, uḷārāya ca maṁ pūjāya pūjesi. Variant: attano → idaṁ padaṁ bj, sya-all, km, pts1ed potthakesu | attanā → attano (bj, sya-all, pts1ed)
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘nāyaṁ dhammo nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṁvattati, yāvadeva ākiñcaññāyatanūpapattiyā’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, taṁ dhammaṁ analaṅkaritvā tasmā dhammā nibbijja apakkamiṁ.
So kho ahaṁ, rājakumāra, kiṅkusalagavesī anuttaraṁ santivarapadaṁ pariyesamāno yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṁ; upasaṅkamitvā udakaṁ rāmaputtaṁ etadavocaṁ: Variant: udako → uddako (bj, sya-all, km, pts1ed) ‘icchāmahaṁ, āvuso, imasmiṁ dhammavinaye brahmacariyaṁ caritun’ti. Variant: āvuso → āvuso rāma (bj, sya-all, km, mr)
Evaṁ vutte, rājakumāra, udako rāmaputto maṁ etadavoca: ‘viharatāyasmā, tādiso ayaṁ dhammo yattha viññū puriso nacirasseva sakaṁ ācariyakaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyā’ti.
So kho ahaṁ, rājakumāra, nacirasseva khippameva taṁ dhammaṁ pariyāpuṇiṁ. So kho ahaṁ, rājakumāra, tāvatakeneva oṭṭhapahatamattena lapitalāpanamattena ñāṇavādañca vadāmi, theravādañca jānāmi passāmīti ca paṭijānāmi, ahañceva aññe ca.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘na kho rāmo imaṁ dhammaṁ kevalaṁ saddhāmattakena sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesi; addhā rāmo imaṁ dhammaṁ jānaṁ passaṁ vihāsī’ti.
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṁ; upasaṅkamitvā udakaṁ rāmaputtaṁ etadavocaṁ: ‘kittāvatā no, āvuso, rāmo imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedesī’ti? Evaṁ vutte, rājakumāra, udako rāmaputto nevasaññānāsaññāyatanaṁ pavedesi.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘na kho rāmasseva ahosi saddhā, mayhampatthi saddhā; na kho rāmasseva ahosi vīriyaṁ …pe… sati … samādhi … paññā, mayhampatthi paññā. Yannūnāhaṁ yaṁ dhammaṁ rāmo sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmīti pavedeti tassa dhammassa sacchikiriyāya padaheyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, nacirasseva khippameva taṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsiṁ.
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, yena udako rāmaputto tenupasaṅkamiṁ; upasaṅkamitvā udakaṁ rāmaputtaṁ etadavocaṁ: Variant: udako rāmaputto → uddako rāmaputto (bj, sya-all) ‘ettāvatā no, āvuso, rāmo imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesī’ti?
‘Ettāvatā kho, āvuso, rāmo imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesī’ti.
‘Ahampi kho, āvuso, ettāvatā imaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharāmī’ti.
‘Lābhā no, āvuso, suladdhaṁ no, āvuso, ye mayaṁ āyasmantaṁ tādisaṁ sabrahmacāriṁ passāma. Iti yaṁ dhammaṁ rāmo sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesi taṁ tvaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi. Yaṁ tvaṁ dhammaṁ sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharasi taṁ dhammaṁ rāmo sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja pavedesi. Iti yaṁ dhammaṁ rāmo abhiññāsi taṁ tvaṁ dhammaṁ jānāsi; yaṁ tvaṁ dhammaṁ jānāsi taṁ dhammaṁ rāmo abhiññāsi. Iti yādiso rāmo ahosi tādiso tuvaṁ, yādiso tuvaṁ tādiso rāmo ahosi. Ehi dāni, āvuso, tuvaṁ imaṁ gaṇaṁ pariharā’ti. Iti kho, rājakumāra, udako rāmaputto sabrahmacārī me samāno ācariyaṭṭhāne maṁ ṭhapesi, uḷārāya ca maṁ pūjāya pūjesi.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘nāyaṁ dhammo nibbidāya na virāgāya na nirodhāya na upasamāya na abhiññāya na sambodhāya na nibbānāya saṁvattati, yāvadeva nevasaññānāsaññāyatanūpapattiyā’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, taṁ dhammaṁ analaṅkaritvā tasmā dhammā nibbijja apakkamiṁ.
So kho ahaṁ, rājakumāra, kiṅkusalagavesī anuttaraṁ santivarapadaṁ pariyesamāno, magadhesu anupubbena cārikaṁ caramāno, yena uruvelā senānigamo tadavasariṁ. Tatthaddasaṁ ramaṇīyaṁ bhūmibhāgaṁ, pāsādikañca vanasaṇḍaṁ, nadiñca sandantiṁ setakaṁ supatitthaṁ, ramaṇīyaṁ samantā ca gocaragāmaṁ. Variant: samantā → sāmantā (?)
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘ramaṇīyo vata bho bhūmibhāgo, pāsādiko ca vanasaṇḍo, nadī ca sandati setakā supatitthā, ramaṇīyā samantā ca gocaragāmo. Alaṁ vatidaṁ kulaputtassa padhānatthikassa padhānāyā’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, tattheva nisīdiṁ: ‘alamidaṁ padhānāyā’ti.
Apissu maṁ, rājakumāra, tisso upamā paṭibhaṁsu anacchariyā pubbe assutapubbā.
Seyyathāpi, rājakumāra, allaṁ kaṭṭhaṁ sasnehaṁ udake nikkhittaṁ. Atha puriso āgaccheyya uttarāraṇiṁ ādāya: ‘aggiṁ abhinibbattessāmi, tejo pātukarissāmī’ti. Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, api nu so puriso amuṁ allaṁ kaṭṭhaṁ sasnehaṁ udake nikkhittaṁ uttarāraṇiṁ ādāya abhimanthento aggiṁ abhinibbatteyya, tejo pātukareyyā”ti? Variant: abhimanthento → abhimatthanto (sya-all, km, mr)
“No hidaṁ, bhante. Taṁ kissa hetu? Aduñhi, bhante, allaṁ kaṭṭhaṁ sasnehaṁ tañca pana udake nikkhittaṁ, yāvadeva ca pana so puriso kilamathassa vighātassa bhāgī assā”ti.
“Evameva kho, rājakumāra, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā kāyena ceva cittena ca kāmehi avūpakaṭṭhā viharanti, yo ca nesaṁ kāmesu kāmacchando kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho so ca ajjhattaṁ na suppahīno hoti, na suppaṭippassaddho. Opakkamikā cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. No cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. Ayaṁ kho maṁ, rājakumāra, paṭhamā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā.
Aparāpi kho maṁ, rājakumāra, dutiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā.
Seyyathāpi, rājakumāra, allaṁ kaṭṭhaṁ sasnehaṁ ārakā udakā thale nikkhittaṁ. Atha puriso āgaccheyya uttarāraṇiṁ ādāya: ‘aggiṁ abhinibbattessāmi, tejo pātukarissāmī’ti. Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, api nu so puriso amuṁ allaṁ kaṭṭhaṁ sasnehaṁ ārakā udakā thale nikkhittaṁ uttarāraṇiṁ ādāya abhimanthento aggiṁ abhinibbatteyya, tejo pātukareyyā”ti?
“No hidaṁ, bhante. Taṁ kissa hetu? Aduñhi, bhante, allaṁ kaṭṭhaṁ sasnehaṁ kiñcāpi ārakā udakā thale nikkhittaṁ, yāvadeva ca pana so puriso kilamathassa vighātassa bhāgī assā”ti.
“Evameva kho, rājakumāra, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā kāyena ceva cittena ca kāmehi vūpakaṭṭhā viharanti, yo ca nesaṁ kāmesu kāmacchando kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho so ca ajjhattaṁ na suppahīno hoti, na suppaṭippassaddho. Opakkamikā cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. No cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, abhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. Ayaṁ kho maṁ, rājakumāra, dutiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā.
Aparāpi kho maṁ, rājakumāra, tatiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā.
Seyyathāpi, rājakumāra, sukkhaṁ kaṭṭhaṁ koḷāpaṁ ārakā udakā thale nikkhittaṁ. Atha puriso āgaccheyya uttarāraṇiṁ ādāya: ‘aggiṁ abhinibbattessāmi, tejo pātukarissāmī’ti. Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, api nu so puriso amuṁ sukkhaṁ kaṭṭhaṁ koḷāpaṁ ārakā udakā thale nikkhittaṁ uttarāraṇiṁ ādāya abhimanthento aggiṁ abhinibbatteyya, tejo pātukareyyā”ti?
“Evaṁ, bhante. Taṁ kissa hetu? Aduñhi, bhante, sukkhaṁ kaṭṭhaṁ koḷāpaṁ, tañca pana ārakā udakā thale nikkhittan”ti.
“Evameva kho, rājakumāra, ye hi keci samaṇā vā brāhmaṇā vā kāyena ceva cittena ca kāmehi vūpakaṭṭhā viharanti, yo ca nesaṁ kāmesu kāmacchando kāmasneho kāmamucchā kāmapipāsā kāmapariḷāho so ca ajjhattaṁ suppahīno hoti suppaṭippassaddho. Opakkamikā cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, bhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. No cepi te bhonto samaṇabrāhmaṇā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, bhabbāva te ñāṇāya dassanāya anuttarāya sambodhāya. Ayaṁ kho maṁ, rājakumāra, tatiyā upamā paṭibhāsi anacchariyā pubbe assutapubbā. Imā kho maṁ, rājakumāra, tisso upamā paṭibhaṁsu anacchariyā pubbe assutapubbā.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ dantebhidantamādhāya, jivhāya tāluṁ āhacca, cetasā cittaṁ abhiniggaṇheyyaṁ abhinippīḷeyyaṁ abhisantāpeyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, dantebhidantamādhāya, jivhāya tāluṁ āhacca, cetasā cittaṁ abhiniggaṇhāmi abhinippīḷemi abhisantāpemi. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, dantebhidantamādhāya, jivhāya tāluṁ āhacca, cetasā cittaṁ abhiniggaṇhato abhinippīḷayato abhisantāpayato kacchehi sedā muccanti. Seyyathāpi, rājakumāra, balavā puriso dubbalataraṁ purisaṁ sīse vā gahetvā khandhe vā gahetvā abhiniggaṇheyya abhinippīḷeyya abhisantāpeyya; evameva kho me, rājakumāra, dantebhidantamādhāya, jivhāya tāluṁ āhacca, cetasā cittaṁ abhiniggaṇhato abhinippīḷayato abhisantāpayato kacchehi sedā muccanti. Āraddhaṁ kho pana me, rājakumāra, vīriyaṁ hoti asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho, teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ appāṇakaṁyeva jhānaṁ jhāyeyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca assāsapassāse uparundhiṁ. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca assāsapassāsesu uparuddhesu kaṇṇasotehi vātānaṁ nikkhamantānaṁ adhimatto saddo hoti. Seyyathāpi nāma kammāragaggariyā dhamamānāya adhimatto saddo hoti; evameva kho me, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca assāsapassāsesu uparuddhesu kaṇṇasotehi vātānaṁ nikkhamantānaṁ adhimatto saddo hoti. Āraddhaṁ kho pana me, rājakumāra, vīriyaṁ hoti asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho, teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ appāṇakaṁyeva jhānaṁ jhāyeyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṁ. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā vātā muddhani ūhananti. Variant: ūhananti → ūhanti (bj); ohananti (sya-all, km); uhananti (mr) Seyyathāpi, rājakumāra, balavā puriso tiṇhena sikharena muddhani abhimattheyya; Variant: muddhani abhimattheyya → muddhānaṁ ūhananti (bj); muddhānaṁ abhimattheyya (sya-all, km); muddhānaṁ abhimantheyya (pts1ed) evameva kho me, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā vātā muddhani ūhananti. Āraddhaṁ kho pana me, rājakumāra, vīriyaṁ hoti asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho, teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ appāṇakaṁyeva jhānaṁ jhāyeyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṁ. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā sīse sīsavedanā honti. Seyyathāpi, rājakumāra, balavā puriso daḷhena varattakkhaṇḍena sīse sīsaveṭhaṁ dadeyya; evameva kho me, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā sīse sīsavedanā honti. Āraddhaṁ kho pana me, rājakumāra, vīriyaṁ hoti asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho, teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ appāṇakaṁyeva jhānaṁ jhāyeyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṁ. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā vātā kucchiṁ parikantanti. Seyyathāpi, rājakumāra, dakkho goghātako vā goghātakantevāsī vā tiṇhena govikantanena kucchiṁ parikanteyya; evameva kho me, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimattā, vātā kucchiṁ parikantanti. Āraddhaṁ kho pana me, rājakumāra, vīriyaṁ hoti asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho, teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ appāṇakaṁyeva jhānaṁ jhāyeyyan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāse uparundhiṁ. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimatto kāyasmiṁ ḍāho hoti. Seyyathāpi, rājakumāra, dve balavanto purisā dubbalataraṁ purisaṁ nānābāhāsu gahetvā aṅgārakāsuyā santāpeyyuṁ samparitāpeyyuṁ; evameva kho me, rājakumāra, mukhato ca nāsato ca kaṇṇato ca assāsapassāsesu uparuddhesu adhimatto kāyasmiṁ ḍāho hoti. Āraddhaṁ kho pana me, rājakumāra, vīriyaṁ hoti asallīnaṁ, upaṭṭhitā sati asammuṭṭhā, sāraddho ca pana me kāyo hoti appaṭippassaddho, teneva dukkhappadhānena padhānābhitunnassa sato.
Apissu maṁ, rājakumāra, devatā disvā evamāhaṁsu: ‘kālaṅkato samaṇo gotamo’ti. Ekaccā devatā evamāhaṁsu: ‘na kālaṅkato samaṇo gotamo, api ca kālaṁ karotī’ti. Ekaccā devatā evamāhaṁsu: ‘na kālaṅkato samaṇo gotamo, nāpi kālaṁ karoti. Arahaṁ samaṇo gotamo. Vihāro tveva so arahato evarūpo hotī’ti. Variant: arahato evarūpo hotī’ti → vihārotveveso arahato ti, Vihāro tveva so → vihārotveveso (bj)
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ sabbaso āhārupacchedāya paṭipajjeyyan’ti. Atha kho maṁ, rājakumāra, devatā upasaṅkamitvā etadavocuṁ: ‘mā kho tvaṁ, mārisa, sabbaso āhārupacchedāya paṭipajji. Sace kho tvaṁ, mārisa, sabbaso āhārupacchedāya paṭipajjissasi, tassa te mayaṁ dibbaṁ ojaṁ lomakūpehi ajjhohāressāma, tāya tvaṁ yāpessasī’ti. Variant: ajjhohāressāma → ajjhoharissāma (bj, sya-all, km, pts1ed, mr) Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘ahañceva kho pana sabbaso ajajjitaṁ paṭijāneyyaṁ. Imā ca me devatā dibbaṁ ojaṁ lomakūpehi ajjhohāreyyuṁ, tāya cāhaṁ yāpeyyaṁ, taṁ mamassa musā’ti. Variant: ajajjitaṁ → ajaddhukaṁ (bj, sya1ed, sya2ed, km, pts1ed); ajjukaṁ (cck) | ajjhohāreyyuṁ → ajjhohareyyuṁ (bj, sya-all, km, pts1ed, mr) So kho ahaṁ, rājakumāra, tā devatā paccācikkhāmi. ‘Halan’ti vadāmi.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘yannūnāhaṁ thokaṁ thokaṁ āhāraṁ āhāreyyaṁ pasataṁ pasataṁ, yadi vā muggayūsaṁ yadi vā kulatthayūsaṁ yadi vā kaḷāyayūsaṁ yadi vā hareṇukayūsan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, thokaṁ thokaṁ āhāraṁ āhāresiṁ pasataṁ pasataṁ, yadi vā muggayūsaṁ yadi vā kulatthayūsaṁ yadi vā kaḷāyayūsaṁ yadi vā hareṇukayūsaṁ. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, thokaṁ thokaṁ āhāraṁ āhārayato pasataṁ pasataṁ, yadi vā muggayūsaṁ yadi vā kulatthayūsaṁ yadi vā kaḷāyayūsaṁ yadi vā hareṇukayūsaṁ, adhimattakasimānaṁ patto kāyo hoti. Seyyathāpi nāma āsītikapabbāni vā kāḷapabbāni vā; evamevassu me aṅgapaccaṅgāni bhavanti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma oṭṭhapadaṁ; evamevassu me ānisadaṁ hoti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma vaṭṭanāvaḷī; evamevassu me piṭṭhikaṇṭako uṇṇatāvanato hoti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma jarasālāya gopānasiyo oluggaviluggā bhavanti; evamevassu me phāsuḷiyo oluggaviluggā bhavanti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma gambhīre udapāne udakatārakā gambhīragatā okkhāyikā dissanti; evamevassu me akkhikūpesu akkhitārakā gambhīragatā okkhāyikā dissanti tāyevappāhāratāya. Seyyathāpi nāma tittakālābu āmakacchinno vātātapena samphuṭito hoti sammilāto; evamevassu me sīsacchavi samphuṭitā hoti sammilātā tāyevappāhāratāya. Variant: samphuṭito → saṁpuṭito (bj, mr); saṁphusito (sya-all, km) So kho ahaṁ, rājakumāra, ‘udaracchaviṁ parimasissāmī’ti piṭṭhikaṇṭakaṁyeva pariggaṇhāmi, ‘piṭṭhikaṇṭakaṁ parimasissāmī’ti udaracchaviṁyeva pariggaṇhāmi. Yāvassu me, rājakumāra, udaracchavi piṭṭhikaṇṭakaṁ allīnā hoti tāyevappāhāratāya. So kho ahaṁ, rājakumāra, ‘vaccaṁ vā muttaṁ vā karissāmī’ti tattheva avakujjo papatāmi tāyevappāhāratāya. So kho ahaṁ, rājakumāra, imameva kāyaṁ assāsento pāṇinā gattāni anumajjāmi. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, pāṇinā gattāni anumajjato pūtimūlāni lomāni kāyasmā papatanti tāyevappāhāratāya.
Apissu maṁ, rājakumāra, manussā disvā evamāhaṁsu: ‘kāḷo samaṇo gotamo’ti, ekacce manussā evamāhaṁsu: ‘na kāḷo samaṇo gotamo, sāmo samaṇo gotamo’ti. Ekacce manussā evamāhaṁsu: ‘na kāḷo samaṇo gotamo, napi sāmo, maṅguracchavi samaṇo gotamo’ti. Yāvassu me, rājakumāra, tāva parisuddho chavivaṇṇo pariyodāto upahato hoti tāyevappāhāratāya.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘ye kho keci atītamaddhānaṁ samaṇā vā brāhmaṇā vā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayiṁsu, etāvaparamaṁ nayito bhiyyo. Variant: tibbā → tippā (bj, sya-all, pts1ed) Yepi hi keci anāgatamaddhānaṁ samaṇā vā brāhmaṇā vā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayissanti, etāvaparamaṁ nayito bhiyyo. Yepi hi keci etarahi samaṇā vā brāhmaṇā vā opakkamikā dukkhā tibbā kharā kaṭukā vedanā vedayanti, etāvaparamaṁ nayito bhiyyo. Na kho panāhaṁ imāya kaṭukāya dukkarakārikāya adhigacchāmi uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṁ; siyā nu kho añño maggo bodhāyā’ti.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘abhijānāmi kho panāhaṁ pitu sakkassa kammante sītāya jambucchāyāya nisinno vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṁ savicāraṁ vivekajaṁ pītisukhaṁ paṭhamaṁ jhānaṁ upasampajja viharitā; siyā nu kho eso maggo bodhāyā’ti. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, satānusāri viññāṇaṁ ahosi: ‘eseva maggo bodhāyā’ti.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘kiṁ nu kho ahaṁ tassa sukhassa bhāyāmi yaṁ taṁ sukhaṁ aññatreva kāmehi aññatra akusalehi dhammehī’ti? Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘na kho ahaṁ tassa sukhassa bhāyāmi yaṁ taṁ sukhaṁ aññatreva kāmehi aññatra akusalehi dhammehī’ti.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘na kho taṁ sukaraṁ sukhaṁ adhigantuṁ evaṁ adhimattakasimānaṁ pattakāyena. Yannūnāhaṁ oḷārikaṁ āhāraṁ āhāreyyaṁ odanakummāsan’ti. So kho ahaṁ, rājakumāra, oḷārikaṁ āhāraṁ āhāresiṁ odanakummāsaṁ. Tena kho pana maṁ, rājakumāra, samayena pañcavaggiyā bhikkhū paccupaṭṭhitā honti: ‘yaṁ kho samaṇo gotamo dhammaṁ adhigamissati taṁ no ārocessatī’ti. Yato kho ahaṁ, rājakumāra, oḷārikaṁ āhāraṁ āhāresiṁ odanakummāsaṁ, atha me te pañcavaggiyā bhikkhū nibbijja pakkamiṁsu: ‘bāhulliko samaṇo gotamo padhānavibbhanto, āvatto bāhullāyā’ti. Variant: bāhulliko → bāhuliko (bj, pts1ed)
So kho ahaṁ, rājakumāra, oḷārikaṁ āhāraṁ āhāretvā balaṁ gahetvā vivicceva kāmehi …pe… paṭhamaṁ jhānaṁ upasampajja vihāsiṁ. Vitakkavicārānaṁ vūpasamā … dutiyaṁ jhānaṁ … tatiyaṁ jhānaṁ … catutthaṁ jhānaṁ upasampajja vihāsiṁ. So evaṁ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte pubbenivāsānussatiñāṇāya cittaṁ abhininnāmesiṁ. So anekavihitaṁ pubbenivāsaṁ anussarāmi, seyyathidaṁ—ekampi jātiṁ dvepi jātiyo …pe… iti sākāraṁ sauddesaṁ anekavihitaṁ pubbenivāsaṁ anussarāmi. Ayaṁ kho me, rājakumāra, rattiyā paṭhame yāme paṭhamā vijjā adhigatā, avijjā vihatā, vijjā uppannā; tamo vihato, āloko uppanno—yathā taṁ appamattassa ātāpino pahitattassa viharato.
So evaṁ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte sattānaṁ cutūpapātañāṇāya cittaṁ abhininnāmesiṁ. So dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passāmi cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānāmi …pe…
ayaṁ kho me, rājakumāra, rattiyā majjhime yāme dutiyā vijjā adhigatā, avijjā vihatā, vijjā uppannā; tamo vihato, āloko uppanno—yathā taṁ appamattassa ātāpino pahitattassa viharato.
So evaṁ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte āsavānaṁ khayañāṇāya cittaṁ abhininnāmesiṁ. So ‘idaṁ dukkhan’ti yathābhūtaṁ abbhaññāsiṁ …pe… ‘ayaṁ dukkhanirodhagāminī paṭipadā’ti yathābhūtaṁ abbhaññāsiṁ; ‘ime āsavā’ti yathābhūtaṁ abbhaññāsiṁ …pe… ‘ayaṁ āsavanirodhagāminī paṭipadā’ti yathābhūtaṁ abbhaññāsiṁ.
Tassa me evaṁ jānato evaṁ passato kāmāsavāpi cittaṁ vimuccittha, bhavāsavāpi cittaṁ vimuccittha, avijjāsavāpi cittaṁ vimuccittha. Vimuttasmiṁ vimuttamiti ñāṇaṁ ahosi.
‘Khīṇā jāti, vusitaṁ brahmacariyaṁ, kataṁ karaṇīyaṁ, nāparaṁ itthattāyā’ti abbhaññāsiṁ.
Ayaṁ kho me, rājakumāra, rattiyā pacchime yāme tatiyā vijjā adhigatā, avijjā vihatā, vijjā uppannā; tamo vihato, āloko uppanno—yathā taṁ appamattassa ātāpino pahitattassa viharato.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘adhigato kho myāyaṁ dhammo gambhīro duddaso duranubodho santo paṇīto atakkāvacaro nipuṇo paṇḍitavedanīyo. Ālayarāmā kho panāyaṁ pajā ālayaratā ālayasammuditā. Ālayarāmāya kho pana pajāya ālayaratāya ālayasammuditāya duddasaṁ idaṁ ṭhānaṁ yadidaṁ—idappaccayatāpaṭiccasamuppādo. Idampi kho ṭhānaṁ duddasaṁ—yadidaṁ sabbasaṅkhārasamatho sabbūpadhipaṭinissaggo taṇhākkhayo virāgo nirodho nibbānaṁ. Ahañceva kho pana dhammaṁ deseyyaṁ, pare ca me na ājāneyyuṁ, so mamassa kilamatho, sā mamassa vihesā’ti. Apissu maṁ, rājakumāra, imā anacchariyā gāthāyo paṭibhaṁsu pubbe assutapubbā:
‘Kicchena me adhigataṁ, halaṁ dāni pakāsituṁ; Rāgadosaparetehi, nāyaṁ dhammo susambudho.
Paṭisotagāmiṁ nipuṇaṁ, gambhīraṁ duddasaṁ aṇuṁ; Rāgarattā na dakkhanti, tamokhandhena āvuṭā’ti. Variant: āvuṭā → āvaṭā (bj, pts1ed); āvutā (sya-all, km)
Itiha me, rājakumāra, paṭisañcikkhato appossukkatāya cittaṁ namati no dhammadesanāya.
Atha kho, rājakumāra, brahmuno sahampatissa mama cetasā cetoparivitakkamaññāya etadahosi: ‘nassati vata bho loko; vinassati vata bho loko. Yatra hi nāma tathāgatassa arahato sammāsambuddhassa appossukkatāya cittaṁ namati no dhammadesanāyā’ti. Variant: namati → namissati (?)
Atha kho, rājakumāra, brahmā sahampati—seyyathāpi nāma balavā puriso samiñjitaṁ vā bāhaṁ pasāreyya pasāritaṁ vā bāhaṁ samiñjeyya; evameva—brahmaloke antarahito mama purato pāturahosi. Atha kho, rājakumāra, brahmā sahampati ekaṁsaṁ uttarāsaṅgaṁ karitvā yenāhaṁ tenañjaliṁ paṇāmetvā maṁ etadavoca: ‘desetu, bhante, bhagavā dhammaṁ, desetu sugato dhammaṁ. Santi sattā apparajakkhajātikā assavanatāya dhammassa parihāyanti; bhavissanti dhammassa aññātāro’ti.
Idamavoca, rājakumāra, brahmā sahampati; idaṁ vatvā athāparaṁ etadavoca:
‘Pāturahosi magadhesu pubbe, Dhammo asuddho samalehi cintito; Apāpuretaṁ amatassa dvāraṁ, Variant: Apāpuretaṁ → avāpuretaṁ (bj) Suṇantu dhammaṁ vimalenānubuddhaṁ.
Sele yathā pabbatamuddhaniṭṭhito, Yathāpi passe janataṁ samantato; Tathūpamaṁ dhammamayaṁ sumedha, Pāsādamāruyha samantacakkhu.
Sokāvatiṇṇaṁ janatamapetasoko, Variant: Sokāvatiṇṇaṁ → sokāvakiṇṇaṁ (sya-all) Avekkhassu jātijarābhibhūtaṁ; Uṭṭhehi vīra vijitasaṅgāma, Satthavāha aṇaṇa vicara loke; Variant: aṇaṇa → anaṇa (bj, sya-all, km, pts1ed, mr) Desassu bhagavā dhammaṁ, Variant: Desassu → desessu (cck); desetu (sya1ed, sya2ed, km, mr) Aññātāro bhavissantī’ti.
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, brahmuno ca ajjhesanaṁ viditvā sattesu ca kāruññataṁ paṭicca buddhacakkhunā lokaṁ volokesiṁ. Addasaṁ kho ahaṁ, rājakumāra, buddhacakkhunā lokaṁ volokento satte apparajakkhe mahārajakkhe tikkhindriye mudindriye svākāre dvākāre suviññāpaye duviññāpaye appekacce paralokavajjabhayadassāvine viharante, appekacce na paralokavajjabhayadassāvine viharante. Seyyathāpi nāma uppaliniyaṁ vā paduminiyaṁ vā puṇḍarīkiniyaṁ vā appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṁvaḍḍhāni udakānuggatāni antonimuggaposīni, appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṁvaḍḍhāni udakānuggatāni samodakaṁ ṭhitāni, appekaccāni uppalāni vā padumāni vā puṇḍarīkāni vā udake jātāni udake saṁvaḍḍhāni udakā accuggamma ṭhitāni anupalittāni udakena; Variant: ṭhitāni → tiṭṭhanti (bj, sya-all, km) evameva kho ahaṁ, rājakumāra; buddhacakkhunā lokaṁ volokento addasaṁ satte apparajakkhe mahārajakkhe tikkhindriye mudindriye svākāre dvākāre suviññāpaye duviññāpaye, appekacce paralokavajjabhayadassāvine viharante, appekacce na paralokavajjabhayadassāvine viharante. Atha khvāhaṁ, rājakumāra, brahmānaṁ sahampatiṁ gāthāya paccabhāsiṁ:
‘Apārutā tesaṁ amatassa dvārā, Ye sotavanto pamuñcantu saddhaṁ; Vihiṁsasaññī paguṇaṁ na bhāsiṁ, Dhammaṁ paṇītaṁ manujesu brahme’ti.
Atha kho, rājakumāra, brahmā sahampati ‘katāvakāso khomhi bhagavatā dhammadesanāyā’ti maṁ abhivādetvā padakkhiṇaṁ katvā tatthevantaradhāyi.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘kassa nu kho ahaṁ paṭhamaṁ dhammaṁ deseyyaṁ? Ko imaṁ dhammaṁ khippameva ājānissatī’ti? Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘ayaṁ kho āḷāro kālāmo paṇḍito viyatto medhāvī dīgharattaṁ apparajakkhajātiko. Yannūnāhaṁ āḷārassa kālāmassa paṭhamaṁ dhammaṁ deseyyaṁ; so imaṁ dhammaṁ khippameva ājānissatī’ti. Atha kho maṁ, rājakumāra, devatā upasaṅkamitvā etadavoca: ‘sattāhakālaṅkato, bhante, āḷāro kālāmo’ti.
Ñāṇañca pana me dassanaṁ udapādi: ‘sattāhakālaṅkato āḷāro kālāmo’ti. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘mahājāniyo kho āḷāro kālāmo. Sace hi so imaṁ dhammaṁ suṇeyya, khippameva ājāneyyā’ti.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘kassa nu kho ahaṁ paṭhamaṁ dhammaṁ deseyyaṁ? Ko imaṁ dhammaṁ khippameva ājānissatī’ti? Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘ayaṁ kho udako rāmaputto paṇḍito viyatto medhāvī dīgharattaṁ apparajakkhajātiko. Yannūnāhaṁ udakassa rāmaputtassa paṭhamaṁ dhammaṁ deseyyaṁ; so imaṁ dhammaṁ khippameva ājānissatī’ti. Atha kho maṁ, rājakumāra, devatā upasaṅkamitvā etadavoca: ‘abhidosakālaṅkato, bhante, udako rāmaputto’ti.
Ñāṇañca pana me dassanaṁ udapādi: ‘abhidosakālaṅkato udako rāmaputto’ti. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘mahājāniyo kho udako rāmaputto. Sace hi so imaṁ dhammaṁ suṇeyya, khippameva ājāneyyā’ti.
Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘kassa nu kho ahaṁ paṭhamaṁ dhammaṁ deseyyaṁ? Ko imaṁ dhammaṁ khippameva ājānissatī’ti? Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘bahukārā kho me pañcavaggiyā bhikkhū ye maṁ padhānapahitattaṁ upaṭṭhahiṁsu. Yannūnāhaṁ pañcavaggiyānaṁ bhikkhūnaṁ paṭhamaṁ dhammaṁ deseyyan’ti. Tassa mayhaṁ, rājakumāra, etadahosi: ‘kahaṁ nu kho etarahi pañcavaggiyā bhikkhū viharantī’ti. Addasaṁ khvāhaṁ, rājakumāra, dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena pañcavaggiye bhikkhū bārāṇasiyaṁ viharante isipatane migadāye.
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, uruvelāyaṁ yathābhirantaṁ viharitvā yena bārāṇasī tena cārikaṁ pakkamiṁ.
Addasā kho maṁ, rājakumāra, upako ājīvako antarā ca gayaṁ antarā ca bodhiṁ addhānamaggappaṭipannaṁ. Disvāna maṁ etadavoca: ‘vippasannāni kho te, āvuso, indriyāni, parisuddho chavivaṇṇo pariyodāto. Kaṁsi tvaṁ, āvuso, uddissa pabbajito? Ko vā te satthā? Kassa vā tvaṁ dhammaṁ rocesī’ti?
Evaṁ vutte, ahaṁ, rājakumāra, upakaṁ ājīvakaṁ gāthāhi ajjhabhāsiṁ:
‘Sabbābhibhū sabbavidūhamasmi, Sabbesu dhammesu anūpalitto; Sabbañjaho taṇhākkhaye vimutto, Sayaṁ abhiññāya kamuddiseyyaṁ.
Na me ācariyo atthi, sadiso me na vijjati; Sadevakasmiṁ lokasmiṁ, natthi me paṭipuggalo.
Ahañhi arahā loke, ahaṁ satthā anuttaro; Ekomhi sammāsambuddho, sītibhūtosmi nibbuto.
Dhammacakkaṁ pavattetuṁ, Gacchāmi kāsinaṁ puraṁ; Andhībhūtasmiṁ lokasmiṁ, Variant: Andhībhūtasmiṁ → andhabhūtasmiṁ (bj, cck, pts1ed); andhabhūtasmi (sya1ed, sya2ed) Āhañchaṁ amatadundubhin’ti. Variant: Āhañchaṁ → āhaññiṁ (sya-all, km, mr)
‘Yathā kho tvaṁ, āvuso, paṭijānāsi arahasi anantajino’ti.
‘Mādisā ve jinā honti, ye pattā āsavakkhayaṁ; Jitā me pāpakā dhammā, tasmāhamupaka jino’ti. Variant: tasmāhamupaka → tasmāhaṁ upakā (bj, sya-all, km, pts1ed)
Evaṁ vutte, rājakumāra, upako ājīvako ‘hupeyyapāvuso’ti vatvā sīsaṁ okampetvā ummaggaṁ gahetvā pakkāmi. Variant: hupeyyapāvuso’ti → huveyya pāvusoti (bj, pts1ed); huveyyāvusoti (sya-all, km)
Atha khvāhaṁ, rājakumāra, anupubbena cārikaṁ caramāno yena bārāṇasī isipatanaṁ migadāyo yena pañcavaggiyā bhikkhū tenupasaṅkamiṁ. Variant: upasaṅkamiṁ → upasaṅkamāmi (bj, pts1ed) Addasaṁsu kho maṁ, rājakumāra, pañcavaggiyā bhikkhū dūratova āgacchantaṁ. Disvāna aññamaññaṁ saṇṭhapesuṁ: ‘ayaṁ kho, āvuso, samaṇo gotamo āgacchati bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya. So neva abhivādetabbo, na paccuṭṭhātabbo, nāssa pattacīvaraṁ paṭiggahetabbaṁ; api ca kho āsanaṁ ṭhapetabbaṁ—sace so ākaṅkhissati nisīdissatī’ti.
Yathā yathā kho ahaṁ, rājakumāra, pañcavaggiye bhikkhū upasaṅkamiṁ tathā tathā pañcavaggiyā bhikkhū nāsakkhiṁsu sakāya katikāya saṇṭhātuṁ. Appekacce maṁ paccuggantvā pattacīvaraṁ paṭiggahesuṁ. Appekacce āsanaṁ paññapesuṁ. Appekacce pādodakaṁ upaṭṭhapesuṁ. Api ca kho maṁ nāmena ca āvusovādena ca samudācaranti.
Evaṁ vutte, ahaṁ, rājakumāra, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṁ: ‘mā, bhikkhave, tathāgataṁ nāmena ca āvusovādena ca samudācaratha; Variant: samudācaratha → samudācarittha (bj, sya-all, km, pts1ed) arahaṁ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho. Odahatha, bhikkhave, sotaṁ. Amatamadhigataṁ ahamanusāsāmi, ahaṁ dhammaṁ desemi. Yathānusiṭṭhaṁ tathā paṭipajjamānā nacirasseva—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathā’ti.
Evaṁ vutte, rājakumāra, pañcavaggiyā bhikkhū maṁ etadavocuṁ: ‘tāyapi kho tvaṁ, āvuso gotama, iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṁ; kiṁ pana tvaṁ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesan’ti?
Evaṁ vutte, ahaṁ, rājakumāra, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṁ: ‘na, bhikkhave, tathāgato bāhulliko na padhānavibbhanto na āvatto bāhullāya. Arahaṁ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho. Odahatha, bhikkhave, sotaṁ. Amatamadhigataṁ ahamanusāsāmi, ahaṁ dhammaṁ desemi. Yathānusiṭṭhaṁ tathā paṭipajjamānā nacirasseva—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathā’ti.
Dutiyampi kho, rājakumāra, pañcavaggiyā bhikkhū maṁ etadavocuṁ: ‘tāyapi kho tvaṁ, āvuso gotama, iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṁ; kiṁ pana tvaṁ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesan’ti?
Dutiyampi kho ahaṁ, rājakumāra, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṁ: ‘na, bhikkhave, tathāgato bāhulliko na padhānavibbhanto na āvatto bāhullāya. Arahaṁ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho. Odahatha, bhikkhave, sotaṁ. Amatamadhigataṁ ahamanusāsāmi, ahaṁ dhammaṁ desemi. Yathānusiṭṭhaṁ tathā paṭipajjamānā nacirasseva—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathā’ti.
Tatiyampi kho, rājakumāra, pañcavaggiyā bhikkhū maṁ etadavocuṁ: ‘tāyapi kho tvaṁ, āvuso gotama, iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṁ; kiṁ pana tvaṁ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesan’ti?
Evaṁ vutte, ahaṁ, rājakumāra, pañcavaggiye bhikkhū etadavocaṁ: ‘abhijānātha me no tumhe, bhikkhave, ito pubbe evarūpaṁ pabhāvitametan’ti? Variant: pabhāvitametan’ti → vabbhāvitametanti (bj); bhāsitametanti (sya-all)
‘No hetaṁ, bhante’.
‘Arahaṁ, bhikkhave, tathāgato sammāsambuddho. Odahatha, bhikkhave, sotaṁ. Amatamadhigataṁ ahamanusāsāmi, ahaṁ dhammaṁ desemi. Yathānusiṭṭhaṁ tathā paṭipajjamānā nacirasseva—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathā’ti.
Asakkhiṁ kho ahaṁ, rājakumāra, pañcavaggiye bhikkhū saññāpetuṁ. Dvepi sudaṁ, rājakumāra, bhikkhū ovadāmi. Tayo bhikkhū piṇḍāya caranti. Yaṁ tayo bhikkhū piṇḍāya caritvā āharanti, tena chabbaggiyā yāpema. Variant: chabbaggiyā → chabbaggā (sya-all, km); chabbaggo (pts1ed) Tayopi sudaṁ, rājakumāra, bhikkhū ovadāmi, dve bhikkhū piṇḍāya caranti. Yaṁ dve bhikkhū piṇḍāya caritvā āharanti tena chabbaggiyā yāpema.
Atha kho, rājakumāra, pañcavaggiyā bhikkhū mayā evaṁ ovadiyamānā evaṁ anusāsiyamānā nacirasseva—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihariṁsū”ti.
Evaṁ vutte, bodhi rājakumāro bhagavantaṁ etadavoca: “kīva cirena nu kho, bhante, bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyā”ti? Variant: vināyakaṁ → nāyakaṁ (?)
“Tena hi, rājakumāra, taṁyevettha paṭipucchissāmi. Yathā te khameyya, tathā naṁ byākareyyāsi. Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, kusalo tvaṁ hatthārūḷhe aṅkusagayhe sippe”ti? Variant: aṅkusagayhe → aṅkusagaṇhe (sya-all, km) | hatthārūḷhe → hatthāruyhe (bj); haṭṭhārūyhe (pts1ed)
“Evaṁ, bhante, kusalo ahaṁ hatthārūḷhe aṅkusagayhe sippe”ti.
“Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, idha puriso āgaccheyya: ‘bodhi rājakumāro hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ jānāti; tassāhaṁ santike hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ sikkhissāmī’ti. So cassa assaddho; yāvatakaṁ saddhena pattabbaṁ taṁ na sampāpuṇeyya. So cassa bahvābādho; yāvatakaṁ appābādhena pattabbaṁ taṁ na sampāpuṇeyya. So cassa saṭho māyāvī; yāvatakaṁ asaṭhena amāyāvinā pattabbaṁ taṁ na sampāpuṇeyya. So cassa kusīto; yāvatakaṁ āraddhavīriyena pattabbaṁ taṁ na sampāpuṇeyya. So cassa duppañño; yāvatakaṁ paññavatā pattabbaṁ taṁ na sampāpuṇeyya. Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, api nu so puriso tava santike hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ sikkheyyā”ti?
“Ekamekenāpi, bhante, aṅgena samannāgato so puriso na mama santike hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ sikkheyya, ko pana vādo pañcahaṅgehī”ti.
“Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, idha puriso āgaccheyya: ‘bodhi rājakumāro hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ jānāti; tassāhaṁ santike hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ sikkhissāmī’ti. So cassa saddho; yāvatakaṁ saddhena pattabbaṁ taṁ sampāpuṇeyya. So cassa appābādho; yāvatakaṁ appābādhena pattabbaṁ taṁ sampāpuṇeyya. So cassa asaṭho amāyāvī; yāvatakaṁ asaṭhena amāyāvinā pattabbaṁ taṁ sampāpuṇeyya. So cassa āraddhavīriyo; yāvatakaṁ āraddhavīriyena pattabbaṁ taṁ sampāpuṇeyya. So cassa paññavā; yāvatakaṁ paññavatā pattabbaṁ taṁ sampāpuṇeyya. Taṁ kiṁ maññasi, rājakumāra, api nu so puriso tava santike hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ sikkheyyā”ti?
“Ekamekenāpi, bhante, aṅgena samannāgato so puriso mama santike hatthārūḷhaṁ aṅkusagayhaṁ sippaṁ sikkheyya, ko pana vādo pañcahaṅgehī”ti.
“Evameva kho, rājakumāra, pañcimāni padhāniyaṅgāni. Katamāni pañca? Idha, rājakumāra, bhikkhu saddho hoti; saddahati tathāgatassa bodhiṁ: ‘itipi so bhagavā arahaṁ sammāsambuddho vijjācaraṇasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā devamanussānaṁ buddho bhagavā’ti; appābādho hoti appātaṅko samavepākiniyā gahaṇiyā samannāgato nātisītāya nāccuṇhāya majjhimāya padhānakkhamāya; asaṭho hoti amāyāvī yathābhūtaṁ attānaṁ āvikattā satthari vā viññūsu vā sabrahmacārīsu; āraddhavīriyo viharati akusalānaṁ dhammānaṁ pahānāya kusalānaṁ dhammānaṁ upasampadāya, thāmavā daḷhaparakkamo anikkhittadhuro kusalesu dhammesu; paññavā hoti udayatthagāminiyā paññāya samannāgato ariyāya nibbedhikāya sammādukkhakkhayagāminiyā. Imāni kho, rājakumāra, pañca padhāniyaṅgāni.
Imehi, rājakumāra, pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya satta vassāni. Tiṭṭhantu, rājakumāra, satta vassāni. Imehi pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya chabbassāni … pañca vassāni … cattāri vassāni … tīṇi vassāni … dve vassāni … ekaṁ vassaṁ. Tiṭṭhatu, rājakumāra, ekaṁ vassaṁ. Imehi pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya satta māsāni. Tiṭṭhantu, rājakumāra, satta māsāni. Imehi pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya cha māsāni … pañca māsāni … cattāri māsāni … tīṇi māsāni … dve māsāni … ekaṁ māsaṁ … aḍḍhamāsaṁ. Tiṭṭhatu, rājakumāra, aḍḍhamāso. Imehi pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya satta rattindivāni. Tiṭṭhantu, rājakumāra, satta rattindivāni. Imehi pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno—yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṁ pabbajanti, tadanuttaraṁ—brahmacariyapariyosānaṁ diṭṭheva dhamme sayaṁ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya cha rattindivāni … pañca rattindivāni … cattāri rattindivāni … tīṇi rattindivāni … dve rattindivāni … ekaṁ rattindivaṁ. Tiṭṭhatu, rājakumāra, eko rattindivo. Imehi pañcahi padhāniyaṅgehi samannāgato bhikkhu tathāgataṁ vināyakaṁ labhamāno sāyamanusiṭṭho pāto visesaṁ adhigamissati, pātamanusiṭṭho sāyaṁ visesaṁ adhigamissatī”ti.
Evaṁ vutte, bodhi rājakumāro bhagavantaṁ etadavoca: “aho buddho, aho dhammo, aho dhammassa svākkhātatā. Yatra hi nāma sāyamanusiṭṭho pāto visesaṁ adhigamissati, pātamanusiṭṭho sāyaṁ visesaṁ adhigamissatī”ti.
Evaṁ vutte, sañjikāputto māṇavo bodhiṁ rājakumāraṁ etadavoca: “evameva panāyaṁ bhavaṁ bodhi: ‘aho buddho, aho dhammo, aho dhammassa svākkhātatā’ti ca vadeti; Variant: vadeti → vadesi (si); pavedeti (sya-all, km) atha ca pana na taṁ bhavantaṁ gotamaṁ saraṇaṁ gacchati dhammañca bhikkhusaṅghañcā”ti.
“Mā hevaṁ, samma sañjikāputta, avaca; mā hevaṁ, samma sañjikāputta, avaca. Sammukhā metaṁ, samma sañjikāputta, ayyāya sutaṁ, sammukhā paṭiggahitaṁ”. “Ekamidaṁ, samma sañjikāputta, samayaṁ bhagavā kosambiyaṁ viharati ghositārāme. Atha kho me ayyā kucchimatī yena bhagavā tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bhagavantaṁ abhivādetvā ekamantaṁ nisīdi. Ekamantaṁ nisinnā kho me ayyā bhagavantaṁ etadavoca: ‘yo me ayaṁ, bhante, kucchigato kumārako vā kumārikā vā so bhagavantaṁ saraṇaṁ gacchati dhammañca bhikkhusaṅghañca. Upāsakaṁ taṁ bhagavā dhāretu ajjatagge pāṇupetaṁ saraṇaṁ gatan’ti.
Ekamidaṁ, samma sañjikāputta, samayaṁ bhagavā idheva bhaggesu viharati susumāragire bhesakaḷāvane migadāye. Atha kho maṁ dhāti aṅkena haritvā yena bhagavā tenupasaṅkami; upasaṅkamitvā bhagavantaṁ abhivādetvā ekamantaṁ aṭṭhāsi. Ekamantaṁ ṭhitā kho maṁ dhāti bhagavantaṁ etadavoca: ‘ayaṁ, bhante, bodhi rājakumāro bhagavantaṁ saraṇaṁ gacchati dhammañca bhikkhusaṅghañca. Upāsakaṁ taṁ bhagavā dhāretu ajjatagge pāṇupetaṁ saraṇaṁ gatan’ti.
Esāhaṁ, samma sañjikāputta, tatiyakampi bhagavantaṁ saraṇaṁ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅghañca. Upāsakaṁ maṁ bhagavā dhāretu ajjatagge pāṇupetaṁ saraṇaṁ gatan”ti.
Bodhirājakumārasuttaṁ niṭṭhitaṁ pañcamaṁ.
Bodhirājakumāra Sutta
Dịch giả