8.21. Ugga Ở Vesali
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
—“Này các Tỷ-kheo!”.
—“Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
—Này các Tỷ-kheo, gia chủ Ugga, người Vesàli, thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có. Các Thầy hãy thọ trì như vậy.
Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
Rồi một Tỷ-kheo đắp y vào buổi sáng, cầm bát y, đi đến trú xá của gia chủ Ugga người Vesàli; sau khi đến, liền ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ Ugga người Vesàli, đi đến Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, đảnh lễ Tỷ-kheo ấy rồi ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo ấy nói với gia chủ Ugga, người Vesàli, đang ngồi xuống một bên:
—Này gia chủ, Thế Tôn có nói rằng: “Gia chủ Ugga người Vesàli này, thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có”. Này gia chủ, thế nào là tám pháp vi diệu chưa từng có ấy, mà Thế Tôn nói gia chủ là người được thành tựu?
—Thưa Tôn giả, tôi không biết Thế Tôn đã nói tôi thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có là gì. Nhưng thưa Tôn giả, tôi có tám pháp vi diệu chưa từng có này, hãy lắng nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
—Vâng, này gia chủ, Tỷ-kheo ấy vâng đáp gia chủ Ugga người Vesàli.
Gia chủ Ugga người Vesàli nói như sau:
—Thưa Tôn giả, khi tôi lần đầu tiên chỉ từ xa thấy Thế Tôn thôi, thưa Tôn giả, chỉ thấy Thế Tôn thôi, tâm tôi được tịnh tín. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu thứ nhất, được có ở nơi tôi. Rồi thưa Tôn giả, với tâm tịnh tín ấy, tôi hầu hạ Thế Tôn. Thế Tôn thuyết pháp thuận thứ cho tôi, như thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về cõi Trời, nói đến sự nguy hại, hạ liệt, nhiễm ô của các dục và sự lợi ích của viễn ly.
Khi Thế Tôn biết tôi tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Thế Tôn mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa, rất dễ thấm màu nhuộm. Cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên nơi tôi: “Phàm pháp gì được tập khởi, tất cả Pháp ấy đều bị đoạn diệt”. Rồi thưa Tôn giả, khi tôi thấy pháp, đạt pháp, biết pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ được vượt qua, do dự trù diệt, đạt được vô sở úy, không ý cứ người khác đối với pháp bậc Đạo sư. Tại đấy, tôi quy y Phật, quy y Pháp và chúng Tăng, tôi thọ lãnh năm học pháp về Phạm hạnh. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ hai, được có ở nơi tôi.
Thưa Tôn giả, tôi có bốn vợ đều còn trẻ tuổi. Rồi tôi đi đến các người vợ ấy; sau khi đến, tôi nói với các người vợ ấy như sau: “Này các vị, tôi đã thọ lãnh năm học pháp về Phạm hạnh. Ai muốn, hãy hưởng thọ tài sản ở chỗ này, hay làm các công đức, hay đi đến gia đình bà con của mình, hay ai có ưng ý người đàn ông nào, tôi sẽ cho các vị”. Được nói như vậy, thưa Tôn giả, người vợ lớn của tôi nói với tôi: “Thưa gia chủ Ugga, hãy cho tôi người đàn ông tên này”. Rồi thưa Tôn giả, tôi cho mời người ấy lại, với tay trái tôi cầm người vợ, với tay phải tôi cầm bình nước, rồi tôi rửa sạch người ấy. Thưa Tôn giả, từ khi bỏ người vợ trẻ, tâm tôi không có một chút đổi khác. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ ba, được có ở nới tôi.
Thưa Tôn giả, có những tài sản ở trong gia đình tôi, chúng được phân chia giữa những người có giới và những người tốt lành. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ tư, được có ở với tôi.
Khi tôi hầu hạ một Tỷ-kheo, tôi hầu hạ rất cẩn thận, không phải không cẩn thận. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ năm, được có ở với tôi.
Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả ấy thuyết pháp cho tôi, tôi nghe hết sức cẩn thận, không phải không cẩn thận. Nếu Tôn giả ấy không thuyết pháp cho tôi, thời tôi thuyết pháp cho vị ấy. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ sáu, được có ở nơi tôi.
Thật không phải là vi diệu, thưa Tôn giả, chư Thiên sau khi đến, bảo tôi: “Này gia chủ, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng!”. Khi được nói vậy, thưa Tôn giả, tôi nói với chư Thiên ấy như sau: “Dầu cho chư Thiên các người có nói như vậy hay không nói như vậy, pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng”. Thưa Tôn giả, tuy vậy tâm tôi không có tự hào về nhân duyên ấy, nghĩa là: “Chư Thiên đến với ta, ta cùng nói chuyện với chư Thiên”. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ bảy, được có ở nơi tôi.
Thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử này được Thế Tôn thuyết giảng, tôi thấy rõ không có một pháp nào không được đoạn tận ở nơi tôi. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ tám, được có ở nơi tôi.
Thưa Tôn giả, tám pháp vi diệu chưa từng có này có mặt. Nhưng tôi không biết Thế Tôn đã nói tôi thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này.
Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi nhận đồ ăn khất thực tại trú xứ của gia chủ Ugga, người Vesàli, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi ăn xong, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy đem tất cả câu chuyện nói với gia chủ Ugga người Vesàli thuật lại với Thế Tôn.
—Lành thay, lành thay! này Tỷ-kheo, gia chủ Ugga người Vesàli nếu có trả lời một cách chơn chánh, có thể trả lời như vậy. Này Tỷ-kheo, Ta đã nói gia chủ Ugga người Vesàli thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này. Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng gia chủ Ugga, người Vesàli, được thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này.
8.22. Ugga Người Hatthigama
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajji, tại làng Hatthi. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo … (như kinh 21.1) … Thế Tôn nói như sau:
—Này các Tỷ-kheo, gia chủ Ugga, người Hatthigama, thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có. Các Thầy hãy thọ trì như vậy.
Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
… (như kinh 21.3-4 ở trên, với các sửa đổi cần thiết ) …
—Thưa Tôn giả, khi tôi còn vui chơi ở rừng Nàga, lần đầu tiên, tôi thấy Thế Tôn từ đằng xa. Chỉ thấy Thế Tôn thôi, thưa Tôn giả, tâm tôi được tịnh tín, và say rượu được đoạn tận. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ nhất, được có ở nơi tôi. Rồi thưa Tôn giả, với tâm tịnh tín ấy, tôi hầu hạ Thế Tôn. Rồi Thế Tôn thuyết pháp thuận thứ cho tôi như thuyết pháp về bố thí, thuyết về giới, thuyết về cõi trời, nói lên sự nguy hại, sự hạ liệt, nhiễm ô của các dục và sự lợi ích của viễn ly.
—8. (Pháp vi diệu thứ hai, thứ ba, thứ tư giống như kinh 21.6-8 với những thay đổi cần thiết) … chưa từng có thứ tư, được có ở nơi tôi.
Khi tôi hầu hạ một Tỷ-kheo, tôi hầu hạ rất cẩn thận, không phải không cẩn thận. Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả ấy thuyết pháp cho tôi, tôi nghe hết sức cẩn thận, không phải không cẩn thận. Nếu Tôn giả ấy không thuyết pháp cho tôi, thời tôi thuyết pháp cho vị ấy. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ năm, được có ở tôi.
Thật không phải là vi diệu, thưa Tôn giả, khi tôi mời chúng Tăng, chư Thiên đến và bảo tôi: “Này gia chủ, Tỷ-kheo này là vị câu phần giải thoát; Tỷ-kheo này là vị Tuệ giải thoát; Tỷ-kheo này là vị Thân chứng; Tỷ-kheo này là vị Kiến chí; Tỷ-kheo này là vị Tín giải thoát; Tỷ-kheo này là vị Tùy pháp hành; Tỷ-kheo này là vị Tùy tín hành; vị này giữ giới, theo thiện pháp; vị này phá giới, theo ác pháp “. Nhưng khi tôi cúng dường chúng Tăng, tôi không cảm thấy có tâm như vậy khởi lên: “Vị này tôi cúng ít” hay “Vị này tôi cúng nhiều”. Nhưng thưa Tôn giả, tôi cúng với tâm bình đẳng. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ sáu, được có ở tôi.
Thật không phải là vi diệu, thưa Tôn giả, chư Thiên sau khi đến, bảo tôi: “Này gia chủ, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng!”. Khi được nói vậy, thưa Tôn giả, tôi nói với chư Thiên ấy như sau: “Dầu cho chư Thiên các người có nói như vậy hay không nói như vậy, pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng “. Thưa Tôn giả, tuy vậy tâm tôi không có tự hào về nhân duyên ấy, nghĩa là: “Chư Thiên đến với ta, ta cùng nói chuyện với chư Thiên”. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu, chưa từng có thứ bảy, được có ở nơi tôi.
Thưa Tôn giả, nếu tôi mệnh chung trước Thế Tôn, đây không có gì là vi diệu, nếu Thế Tôn nói về tôi như sau: “Không có một kiết sử nào, do kiết sử ấy, gia chủ Ugga người làng Hatthigàma có thể trở lui lại đời này”. Thưa Tôn giả, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám được có ở nơi tôi.
Thưa Tôn giả, tám pháp vi diệu chưa từng có này có mặt. Và tôi không biết Thế Tôn đã nói tôi thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có nào.
Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi nhận đồ ăn khất thực tại trú xứ của gia chủ Ugga, người làng Hatthigàma, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi ăn xong, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy đem tất cả câu chuyện nói với gia chủ Ugga người Hatthigàma thuật lại với Thế Tôn.
—Lành thay, lành thay! này Tỷ-kheo, gia chủ Ugga người Hatthigàma nếu có trả lời một cách chơn chánh, có thể trả lời như vậy. Này Tỷ-kheo, gia chủ Ugga người Hatthigàma thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này. Như Ta đã nói, này Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng gia chủ Ugga, người Hatthigàma, được thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này.
8.23. Hatthaka , Người Alavì (1)
Một thời, Thế Tôn trú ở Alavì, tại điện Phật Aggàlava. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
—Này các Tỷ-kheo, Hatthaka, người xứ Alavì thành tựu bảy pháp vi diệu chưa từng có. Hãy thọ trì như vậy. Thế nào là bảy?
Có lòng tin, này các Tỷ kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có giới, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có lòng xấu hổ, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có lòng sợ hãi, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có bố thí, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì.
Thành tựu bảy pháp vi diệu chưa từng có này, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì. Hãy thọ trì như vậy. Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, bậc Thiên Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
Rồi một Tỷ-kheo đắp y vào buổi sáng, cầm bát y, đi đến trú xá của gia chủ Hatthaka người Alavì; sau khi đến, liền ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ Hatthaka người Alavì, đi đến Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, đảnh lễ Tỷ-kheo ấy rồi ngồi xuống một bên. Tỷ-kheo ấy nói với Hatthaka, người xứ Alavì, đang ngồi xuống một bên:
—Thưa Hiền giả, Thế Tôn đã nói Hiền giả thành tựu bảy pháp vi diệu chưa từng có. Thế nào là bảy? “Có lòng tin, này các Tỷ-kheo là Hatthaka, người xứ Alavì … có giữ giới … có lòng xấu hổ … có lòng sợ hãi … nghe nhiều … có bố thí … có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka, người xứ Alavì “. Thưa Hiền giả, Hiền giả thành tựu bảy pháp vi diệu chưa từng có này như Thế Tôn đã nói.
—Thưa Tôn giả, ở đây không có người gia chủ bận áo trắng?
—Thưa Hiền giả, ở đây không có người gia chủ bận áo trắng.
—Lành thay, ở đây không có người gia chủ bận áo trắng.
Rồi Tỷ-kheo ấy, sau khi nhận đồ ăn khất thực tại trú xứ của Hatthaka, người xứ Alavì, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
—Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của Hatthaka, người Alavì; sau khi đến, con ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, bạch Thế Tôn, rồi con nói với Hatthaka, người xứ Alavì đang ngồi một bên:—“—Thưa Hiền giả, Thế Tôn đã nói Hiền giả thành tựu bảy pháp vi diệu chưa từng có này. Thế nào là bảy? “Có lòng tin, này các Tỷ-kheo là Hatthaka, người xứ Alavì … có giữ giới … có lòng xấu hổ … có lòng sợ hãi … nghe nhiều … có bố thí … có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka, người xứ Alavì “. Hiền giả thành tựu bảy pháp này, thưa Hiền giả, như Thế Tôn đã nói! “. Khi nghe nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hatthaka người xứ Alavì nói với con:
—“Thưa Tôn giả, ở đây không có người gia chủ bận áo trắng? “
—Thưa Hiền giả, ở đây không có người gia chủ bận áo trắng.
—Lành thay, ở đây không có người gia chủ bận áo trắng.
—Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Này Tỷ-kheo, thiện nam tử này là ít dục. Vị ấy không muốn các thiện pháp của mình được người khác biết đến. Do vậy, này Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng, Hatthaka người xứ Alavì, có thành tựu bảy pháp vi diệu chưa từng có này, tức là ít dục.
8.24. Hatthaka, Người Xứ ALavì (2)
Một thời, Thế Tôn trú ở Alavì, tại điện Phật Aggàlava. Rồi Hatthaka, người xứ Alavì cùng với năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Hatthaka, người xứ Alavì, đang ngồi xuống một bên:
—Này Hatthaka, hội chúng này thật lớn. Làm sao, này Hatthaka, Ông thâu nhiếp được hội chúng này?
—Bạch Thế Tôn, có bốn nhiếp pháp này được Thế Tôn thuyết giảng. Con thâu nhiếp hội chúng này với những nhiếp pháp ấy. Bạch Thế Tôn, khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ bố thí”, thời con thâu nhiếp người ấy với bố thí. Khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ ái ngữ”, thời con thâu nhiếp người ấy với ái ngữ. Khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ lợi hành”, thời con thâu nhiếp người ấy với lợi hành. Khi con biết rằng: “Người này cần phải thâu nhiếp nhờ đồng sự”, thời con thâu nhiếp người ấy với đồng sự. Vả lại, bạch Thế Tôn, trong gia đình con có tài sản, họ nghĩ rằng như vậy không thể được nghe như là một người bần cùng.
—Lành thay, lành thay, này Hatthaka! Đây là nguyên lý để thâu nhiếp đại chúng! Này Hatthaka, những ai trong quá khứ đã thâu nhiếp đại chúng, tất cả đều thâu nhiếp đại chúng với bốn nhiếp pháp này. Này Hatthaka, những ai trong tương lai sẽ thâu nhiếp đại chúng, tất cả sẽ thâu nhiếp đại chúng với bốn nhiếp pháp này. Này Hatthaka, những ai trong hiện tại thâu nhiếp đại chúng, tất cả họ đều thâu nhiếp đại chúng với bốn nhiếp pháp này.
Rồi Hatthaka, người xứ Alavì, được Thế Tôn với pháp thoại, giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi ra đi. Thế Tôn, sau khi Hatthaka, người xứ Alavì ra đi không bao lâu, bèn gọi các Tỷ-kheo:
—Này các Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng Hatthaka, người xứ Alavì thành tựu được tám pháp vi diệu chưa từng có này. Thế nào là tám pháp ?
Có lòng tin, này các Tỷ kheo, là Hatthaka người xứ Alavì, có giữ giới; này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có lòng xấu hổ, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có lòng sợ hãi, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; nghe nhiều, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có bố thí, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì; ít dục, này các Tỷ-kheo, là Hatthaka người xứ Alavì!
Này các Tỷ-kheo, hãy thọ trì rằng Hatthaka, người xứ Alavì thành tựu tám pháp vi diệu chưa từng có này.
8.25. Thích Tử Mahanama
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha. Rồi Thích tử Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Thích tử Mahànàma bạch Thế Tôn:
—Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là người nam cư sĩ?
—Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người nam cư sĩ.
—Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ giữ giới?
—Này, Mahànàma, khi nào người nam cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, cho đến như vậy, là người nam cư sĩ giữ giới.
—Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ thực hành, vì tư lợi chứ không vì lợi tha?
—Này Mahànàma, khi nào nam cư sĩ thành tựu lòng tin cho mình, không có khích lệ người khác thành tựu lòng tin; thành tựu giữ giới cho mình, không có khích lệ người khác thành tựu giữ giới, thành tựu bố thí cho mình, không khích lệ người khác thành tựu bố thí; muốn tự mình đi đến yết kiến các Tỷ-kheo, không có khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ kheo; chỉ tự mình muốn nghe diệu pháp, không khích lệ người khác nghe diệu pháp; tự mình thọ trì những pháp đã được nghe, không khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì, không khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện tùy pháp, đúng Chánh pháp, không khích lệ người khác thực hiện tùy pháp, đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi, không phải vì lợi tha.
—Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là nam cư sĩ thực hành vừa tự lợi, vừa lợi tha?
—Này Mahànàma, khi nào nam cư sĩ tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới; khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; khi nào tự mình muốn đi đến yết kiến các Tỷ-kheo và khích lệ người khác đi đến yết kiến các Tỷ-kheo; khi nào tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác nghe diệu pháp; khi nào tự mình thọ trì những pháp đã được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp đã được nghe; khi nào tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết nghĩa, biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp, khích lệ người khác sau khi biết nghĩa biết pháp, thực hiện pháp đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi và lợi tha.
8.26. Jìvaka Komàrabhacca
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá), tại rừng xoài Jìvaka. Rồi Jìvaka Komàrabhacca đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Jìvaka Komàrabhacca bạch Thế Tôn:
—Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là người nam cư sĩ?
—… (giống như kinh trước 25, chỉ khác là Thích tử Mahànàma, nay là Jìvaka Komàrabhacca) .
8.27. Sức Mạnh (1)
—Này các Tỷ-kheo, có tám sức mạnh này. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, sức mạnh của con nít là khóc; sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ; sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí; sức mạnh của các vua chúa là uy quyền; sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo; sức mạnh của bậc Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám sức mạnh.
8.28. Sức Mạnh (2)
Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
—Này Sàriputta, có bao nhiêu sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc? Thành tựu với những sức mạnh gì, Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận “?
—Bạch Thế Tôn, có tám sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Thành tựu với những sức mạnh gì, Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận “. Thế nào là tám?
Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng tất cả các hành là vô thường. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng tất cả các hành là vô thường. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận”.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng các dục ví như hố than hừng. Vì rằng, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc khéo thấy như thật với chánh trí tuệ rằng các dục ví như hố than hừng. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận”.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, với tâm thuận xuôi về viễn ly, hướng về viễn ly, thiên về viễn ly, trú ở viễn ly, hoan hỷ về xuất ly, đoạn tận hoàn toàn tất cả pháp có thể làm trú xứ cho lậu hoặc. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận”.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, Bốn niệm xứ được tu tập, được khéo tu tập. Bạch Thế Tôn, vì rằng Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, Bốn niệm xứ được tu tập, được khéo tu tập. Bạch Thế Tôn, đây là sức mạnh của vị Tỷ-kheo … “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận”.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, Bốn như ý túc được tu tập, được khéo tu tập… Năm căn được tu tập, được khéo tu tập … Năm lực được tu tập, được khéo tu tập … Bảy giác chi được tu tập, được khéo tu tập …Thánh đạo tám ngành được tu tập, được khéo tu tập … Đây là sức mạnh của vị Tỷ-kheo … “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận”.
Bạch Thế Tôn, đây là tám sức mạnh của Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, thành tựu với tám sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc. Do sức mạnh này, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tự nhận mình đã đoạn diệt các lậu hoặc: “Các lậu hoặc đã được ta đoạn tận”.
8.29. Không Phải Thời
—“Làm việc đúng thời là thế giới, làm việc đúng thời là thế giới “, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu nói như vậy, nhưng vị ấy không biết đúng thời và phi thời. Này các Tỷ-kheo, có tám phi thời, phi thời tiết cho đời sống Phạm hạnh. Thế nào là tám?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ nhất cho đời sống Phạm hạnh.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác … Phật, Thế Tôn và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này lại bị sanh vào loại bàng sanh … người này lại bị sanh vào cõi ngạ quỷ … người này lại bị sanh vào giữa chư Thiên giới có thọ mạng lâu dài … người này lại bị sanh vào các biên địa, giữa những kẻ vô trí mọi rợ, tại đây, không có hướng đi cho các Tỷ-kheo, cho các Tỷ-kheo—Ni, cho nam cư sĩ, nữ cư sĩ … và người này được sanh vào chánh địa, nhưng lại có tà kiến, có tri kiến đảo ngược: “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có loại hóa sanh, ở đời không có những Sa-môn, những Bà-la-môn chánh hướng chánh hạnh, đã tự mình chứng tri giác ngộ và truyền dạy lại đời này, đời khác …” và người này được sanh vào đây chánh địa, nhưng người ấy lại ác tuệ, si mê, câm điếc, không có thể hiểu rõ ý nghĩa của một lời nói khéo, nói hay, nói dở. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời, phi thời tiết thứ tám cho đời sống Phạm hạnh.
Này các Tỷ-kheo, có tám phi thời, phi thời tiết này cho đời sống Phạm hạnh.
Này các Tỷ-kheo, chỉ có một chánh thời, một chánh thời tiết này cho đời sống Phạm hạnh. Thế nào là một?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thế Tôn xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Và pháp được giảng đưa đến an tịnh, đưa đến tịch tịnh, đưa đến giác ngộ, được bậc Thiện Thệ tuyên bố. Và người này được sanh vào chánh địa, vị ấy có trí tuệ, không si mê, không câm điếc, có thể hiểu rõ ý nghĩa của một lời nói khéo, nói hay, nói dở. Này các Tỷ-kheo, đây là chánh thời, chánh thời tiết độc nhất cho đời sống Phạm hạnh.
Ai được sanh làm người
Khi diệu pháp được giảng
Lại không nắm được thời
Họ vượt qua khỏi thời
Nhiều phi thời được nói
Làm chướng ngại con người
Chỉ năm khi mười họa
Như Lai hiện ở đời
Được giáp mặt với Ngài
Rất khó được ở đời
Được sanh ra làm người
Và diệu pháp được giảng
Vừa đủ để tinh tấn
Với ai muốn lợi ích
Sao biết rõ diệu pháp
Lại để thời vượt qua!
Kẻ để thời gian qua
Sầu muộn tại địa ngục
Ở đây ai bỏ rơi
Quyết định tánh diệu pháp
Như kẻ buôn mất của
Sẽ sầu não lâu ngày
Người vô minh bao phủ
Vi phạm đến diệu pháp
Phải chịu đựng lâu ngày
Lưu chuyển trong sanh tử
Ai được sanh làm người
Trong thời pháp khéo giảng
Quá khứ, hiện, vị lai
Làm theo lời Đạo sư
Nắm được thời ở đời
Cho vô thượng Phạm hạnh
Ai đã bước con đường
Do Như Lai thuyết giảng
Những ai sống chế ngự
Do bậc pháp nhãn dạy
Như đã được thuyết giảng
Bậc bà con mặt trời
Hãy sống thường chánh niệm
Hộ trì không tham dục
Chặt đứt mọi tùy miên
Không chạy theo ma giới
Các vị ấy ở đời
Đến được bờ bên kia
Và họ cũng đạt được
Các lậu hoặc đoạn tận.
8.30. Tôn Giả Anuruddha
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, Tôn giả Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) sống giữa dân chúng Celì, tại Pàcìnavamsadàya, Rồi Tôn giả Anuruddha, trong khi sống độc cư … Thiền tịnh, tâm tư khởi lên như sau: “Pháp này để cho người ít dục, pháp này không phải để cho người nhiều dục; Pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; Pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; Pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; Pháp này để cho người Thiền định, pháp này không phải để cho người không Thiền định; Pháp này để cho người có trí tuệ, pháp này không phải để cho người ác tuệ”.
Rồi Thế Tôn với tâm của mình rõ biết tâm tư của Tôn giả Anuruddha, ví như người lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại; hay co lại bàn tay đang duỗi ra; cũng vậy, Thế Tôn biến mất ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, vườn Lộc Uyển, và hiện ra giữa dân chúng Celì, tại Pàcìnavamsadàya, trước mặt Tôn giả Anuruddha. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Anuruddha đang ngồi một bên:
—Lành thay, lành thay, này Anuruddha! Lành thay, này Anuruddha, Thầy đã suy nghĩ đến bảy niệm của bậc Đại nhân: “ Pháp này để cho người ít dục, pháp này không phải để cho người nhiều dục; Pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; Pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; Pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; Pháp này để cho người Thiền định, pháp này không phải để cho người không Thiền định; Pháp này để cho người có trí tuệ, pháp này không phải để cho người ác tuệ”.
Do vậy, này Anuruddha, hãy suy nghĩ đến niệm thứ tám này của bậc Đại nhân: “Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận “.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, thời nếu Thầy muốn, Thầy sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, thời nếu Thầy muốn, diệt tầm diệt tứ, Thầy sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Khi nào, này Anuruddha, khi nào Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, thời nếu Thầy muốn, Thầy sẽ ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú Thiền thứ ba.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, thời nếu Thầy muốn, Thầy sẽ xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, khi nào bốn Thiền này thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, thời này Anuruddha, tấm y lượm từ đống rác lên của Thầy sẽ giống như tủ áo đầy những vải có nhiều màu sắc của người gia chủ hay con người gia chủ, để được sống biết đủ, ưa thích, không có lo âu, được lạc trú, được bước vào Niết-bàn.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, thời nếu Thầy muốn, khi nào bốn Thiền này thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, thời này Anuruddha, các món ăn từng miếng Thầy khất thực được sẽ giống như món cơm bằng gạo trắng, các hạt đen đã được lượm sạch, với nhiều loại súp, với nhiều loại đồ ăn của người gia chủ, hay của con người gia chủ, để được sống biết đủ, ưa thích, không có lo âu, được lạc trú, được bước vào Niết-bàn.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, khi nào bốn Thiền này thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, thời này Anuruddha, chỗ nằm dưới gốc cây thầy sẽ giống như nhà có nóc nhọn, có trét hồ trong ngoài, cửa được cài then, cửa sổ được đóng lại ngăn chặn gió của người gia chủ, hay của con người gia chủ, để được sống biết đủ, ưa thích, không có lo âu, được lạc trú, được bước vào Niết-bàn.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, khi nào bốn Thiền này thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, thời này Anuruddha, giường nằm và chỗ ngồi trải với đệm cỏ của Thầy sẽ giống như ghế dài, nệm trải giường nằm bằng len, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm thảm với đầu che phía trên, ghế dài có đầu gối chân màu đỏ của các người gia chủ, hay của con người gia chủ, để được sống biết đủ, ưa thích, không có lo âu, được lạc trú, được bước vào Niết-bàn.
Khi nào, này Anuruddha, Thầy sẽ suy nghĩ đến tám tư niệm này của bậc Đại nhân, khi nào bốn Thiền này thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, thời này Anuruddha, dược phẩm nước tiểu hôi của Thầy sẽ giống như các loại dược phẩm của các người gia chủ, hay của con người gia chủ, như thục tô, sanh tô, dầu, mật, đường bánh, để được sống biết đủ, ưa thích, không có lo âu, được lạc trú, được bước vào Niết-bàn.
Vậy này Anuruddha, nhân kỳ an cư mùa mưa sắp đến, hãy trú giữa dân chúng Cetì ở Pàcìnavamsadàya.
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Anuruddha vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn sau khi khuyến giáo Tôn giả Anuruddha với lời khuyến giáo này, như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Ngài biến mất giữa dân chúng Cetì ở Pàcìnavamsadàya và hiện ra giữa dân chúng Bhagga, trên núi Sumsumàra trong rừng Bhesakalà, vườn Lộc Uyển. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, sau khi ngồi xuống, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết tám tư niệm của bậc Đại nhân cho các Thầy. Hãy lắng nghe và khéo tư niệm, Ta sẽ giảng:
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
—Này các Tỷ-kheo, thế nào là tám tư niệm của bậc Đại nhân?
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người ít dục, Pháp này không phải để cho người nhiều dục; Này các Tỷ kheo,Pháp này để cho người biết đủ, pháp này không phải để cho người không biết đủ; Này các Tỷ kheo, Pháp này để cho người sống thanh vắng, pháp này không phải để cho người ưa hội chúng; Này các Tỷ kheo, Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, pháp này không phải để cho người biếng nhác; Này các Tỷ kheo,Pháp này để cho người trú niệm, pháp này không phải để cho người thất niệm; Này các Tỷ kheo, Pháp này để cho người Thiền định, pháp này không phải để cho người không Thiền định; Này các Tỷ kheo, Pháp này để cho người có trí tuệ, Pháp này không phải để cho người ác tuệ; Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận.
Này các Tỷ-kheo, “Pháp này để cho người ít dục, Pháp này không để cho người có dục lớn”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo ít dục không muốn: “Mong người ta biết tôi là ít dục”; biết đủ, không muốn: “Mong người ta biết tôi là biết đủ”; sống viễn ly, không muốn: “Mong người ta biết tôi sống viễn ly”; tinh cần tinh tấn, không muốn: “Mong người ta biết tôi sống tinh cần tinh tấn”; trú niệm, không muốn: “Mong người ta biết tôi trú niệm”; có định, không muốn: “Mong người ta biết tôi có định”; có tuệ, không muốn: “Mong người ta biết tôi là người có tuệ “; không thích hý luận, không muốn: “Mong người ta biết tôi không thích hý luận”. Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người ít dục, Pháp này không để cho người có dục lớn”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Này các Tỷ-kheo, “Pháp này để cho người biết đủ, Pháp này không để cho người không biết đủ”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết đủ với bất cứ vật dụng gì như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỷ-kheo, “Pháp này để cho người biết đủ, Pháp này không phải để cho người không biết đủ”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người sống viễn ly, “Pháp này không phải để cho người ưa thích hội chúng”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Với Tỷ-kheo sống viễn ly, có nhiều người đến thăm như Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, vua chúa, đại thần, các ngoại đạo sư, đệ tử của các ngoại đạo sư. Ở đây, Tỷ-kheo với tâm thuận về viễn ly, hướng về viễn ly, nhập vào viễn ly, trú vào viễn ly, thích thú xuất ly, nói lời hoàn toàn liên hệ đến lánh xa. Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người viễn ly, “Pháp này không phải để cho người không ưa hội chúng”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, “Pháp này không phải để cho người biếng nhác”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, thành tựu các Pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người tinh cần tinh tấn, “Pháp này không phải để cho người biếng nhác”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người trú niệm, “Pháp này không phải để cho người thất niệm”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ niệm, thành tựu niệm tuệ tối thắng, ức nhớ tùy niệm những điều đã làm, nói đã lâu. Này các Tỷ-kheo, “Pháp này để cho người trú niệm, Pháp này không phải để cho người thất niệm”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người thiền định, “Pháp này không phải để cho người không thiền định”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp … chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người thiền định, “Pháp này không phải để cho người không thiền định”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người có trí tuệ, “Pháp này không phải để cho người không trí tuệ”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch), đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, “Pháp này để cho người có trí tuệ, Pháp này không phải để cho người không trí tuệ”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy
Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, “Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận”, như vậy đã được nói đến. Do duyên gì được nói như vậy?
Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo đối với đoạn diệt hý luận, tâm được phấn chấn, tịnh tín, an trú, hướng đến. Này các Tỷ-kheo, Pháp này để cho người không ưa hý luận, không thích hý luận, “Pháp này không phải để cho người ưa hý luận, thích hý luận”, đã được nói đến như vậy. Do duyên này được nói như vậy.
Rồi Tôn giả Anuruddha, mùa mưa an cư đến, đến trú ở giữa dân chúng Cetì, tại Pacìnavamsadàya. Rồi Tôn giả Anuruddha sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, do mục đích gì, các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong hiện tại, vị ấy tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng nhập và an trú. Vị ấy chứng rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa” và Tôn giả Anuruddha trở thành một vị A-la-hán nữa. Rồi Tôn Giả Anuruđha chứng được A-la-hán ngay trong thời gian ấy, nói lên những bài kệ này:
Thế gian vô thượng sư
Rõ biết tư tưởng ta
Với thân do ý tạo
Thần thông đến với ta
Tùy theo ta nghĩ gì
Ngài thuyết rõ tất cả
Phật không ưa hý luận
Ngài thuyết, không hý luận
Ngộ pháp, ta hoan hỷ
Trú trong giáo pháp ngài
Ba minh đã đạt được
Giáo pháp Phật làm xong.