tăng chi bộ
Chương mười một pháp
11.1-11

I. Phẩm Y Chỉ

Dịch giả

Hòa thượng Thích Minh Châu

11.1. Có Lợi Ích Gì

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc.

—Nhưng bạch Thế Tôn, không hối tiếc có ý nghĩa gì? Có lợi ích gì?

—Này Ananda, không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.

—Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.

—Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.

—Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc.

—Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.

—Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.

—Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán.

—Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán có ý nghĩa gì, có lợi ý gì?

—Này Ananda, nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham.

—Nhưng bạch Thế Tôn, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?

—Này Ananda ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.

Như vậy, này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc. Không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan. Hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ. Hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an. Khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc. An lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định. Định có ý nghĩa gì như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến. Như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, có lợi ích nhàm chán. Nhàm chán có ý nghĩa ly tham, có lợi ích ly tham. Ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến. Như vậy, này Ananda, các thiện giới thứ lớp dẫn đến tối thượng.

11.2. Nghĩ Với Dụng Ý

(Giống như kinh số 2, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp)

11.3. Sở Y, Do Bậc Đạo Sư Thuyết

(Tương tự kinh số 3, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).

11.4. Sở Y, Do Tôn Giả Sariputta Thuyết

(Tương tự kinh số 4, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).

11.5. Sở Y, Do Tôn Giả Ananda Thuyết

(Tương tự kinh số 5, Chương Mười Pháp, chỉ khác “nibbidà viràgatthà”, nhàm chán ly tham, chia 2 nên thành 11 pháp).

11.6. Tai Họa

Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những vị đồng Phạm hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong mười một tai họa. Thế nào là mười một?

Không chứng điều chưa chứng, đã chứng được thời mất đi, diệu pháp không được tỏ rõ, hay là tự kiêu trong diệu pháp, hay là không hoan hỷ sống Phạm hạnh, hay phạm một tội ô uế, hay từ bỏ Phạm hạnh và hoàn tục, hay là thọ bệnh nặng, hay là đạt đến điên cuồng loạn tâm, hay là bất tỉnh khi mệnh chung, sau khi thân hoại mạng chung rơi vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nào mắng nhiếc, chỉ trích, quở trách các bậc Thánh là những đồng Phạm hạnh, thời không có sự kiện, không có cơ hội rằng người ấy không gặp một trong mười một tai họa này.

11.7

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định, như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau, và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

Nhưng bạch Thế Tôn, như thế nào một vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy có thể không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo tưởng như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất, không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Thế Tôn, rồi đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:

—Thưa Tôn giả Sàriputta, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất, trong nước không tưởng đến nước, trong lửa không tưởng đến lửa, trong gió không tưởng đến gió, trong Không vô biên xứ, không tưởng đến Không vô biên xứ, trong Thức vô biên xứ không tưởng đến Thức vô biên xứ, trong Vô sở hữu xứ không tưởng đến Vô sở hữu xứ, trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tưởng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong thế giới hiện tại không tưởng đến thế giới hiện tại, trong thế giới đời sau không tưởng đến thế giới đời sau. Và phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, trong ấy vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

Này Ananda, có thể như vậy, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy… được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

Nhưng thưa Tôn giả Sàriputta, như thế nào, một Tỷ-kheo, khi chứng được Thiền định như vậy… được ý suy nghĩ đến, vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng?

Ở đây, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo tưởng như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Hiền giả Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể trong đất không tưởng đến đất… trong thế giới đời sau, không tưởng đến thế giới đời sau… vị ấy không có tưởng đến. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tưởng.

Thật vi diệu thay, thưa Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa Hiền giả! Sự giải thích của Đạo Sư và đệ tử tương hợp, tương hội, không tương phản nhau, nghĩa với nghĩa, lời với lời, tức là đối với câu tối thượng. Thưa Hiền giả, vừa rồi tôi đã đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này, Thế Tôn với những câu thế này với những lời thế này, đã trả lời về ý nghĩa này, giống như Tôn giả Sàriputta. Thật vi diệu thay, Hiền giả! Thật hy hữu thay, Hiền giả! Sự giải thích của Đạo Sư và đệ tử sẽ tương hợp, sẽ tương hội, không tương phản nhau tức là về câu tối thượng.

11.8. Tác Ý

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, có thể chăng một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc, có thể không tác ý đến tai, có thể không tác ý đến tiếng, có thể không tác ý đến mũi, có thể không tác ý đến hương, có thể không tác ý đến lưỡi, có thể không tác ý đến vị, có thể không tác ý đến thân, có thể không tác ý đến xúc, có thể không tác ý đến đất, có thể không tác ý đến nước, có thể không tác ý đến lửa, có thể không tác ý đến gió, có thể không tác ý đến Không vô biên xứ, có thể không tác ý đến Thức vô biên xứ, có thể không tác ý đến Vô sở hữu xứ, có thể không tác ý đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, có thể không tác ý đến đời này, có thể không tác ý đến đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý?

Này Ananda, có thể như vậy: Một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc… (như trên, 9.1)… được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý.

Bạch Thế Tôn, nhưng thế nào, một Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc… được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý?

Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tác ý như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn”. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo khi chứng được Thiền định như vậy, vị ấy có thể không tác ý đến mắt, có thể không tác ý đến sắc… được ý suy nghĩ đến, vị ấy có thể không có tác ý. Tuy vậy, vị ấy vẫn có tác ý.

11.9. Sandha

Một thời Thế Tôn trú ở Nàtika, tại ngôi nhà có lợp ngói. Rồi Tôn giả Sandha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sandha đang ngồi một bên:

Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có với Thiền định của con ngựa chưa thuần thục. Và này Sandha, thế nào là Thiền định của con ngựa chưa thuần thục?

Con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, liền Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn”. Vì sao? Này Sandha, con ngựa chưa thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có nghĩ như sau: “Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp? “ Con ngựa bị cột vào máng ăn, chỉ Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn! “ Cũng vậy, này Sandha, ở đây có hạng người chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng, hay khi đi đến gốc cây, hay khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán, trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối… trú với tâm bị hôn trầm thụy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối… trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối… trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh, bị nghi hoặc chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong, rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán. Người ấy Thiền tư, y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, Thiền tư y chỉ vào lửa, Thiền tư y chỉ vào gió, Thiền tư y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư y chỉ vào đời này, Thiền tư y chỉ vào đời sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều ý chỉ vào đấy người ấy Thiền tư. Như vậy, này Sandha là người Thiền tư không thuần thục. Và này Sandha, như thế nào là Thiền tư như con ngựa thuần thục?

Con ngựa hiền lương, này Sandha, con ngựa được thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn! “ Vì sao? Này Sandha, con ngựa đã thuần thục, khi bị cột vào máng ăn, suy nghĩ như sau: “Không biết hôm nay, người đánh xe điều phục ngựa sẽ bảo ta làm việc gì? Nay ta có thể làm gì để báo đáp? “ Con ngựa bị cột vào máng ăn, không có Thiền tư: “Cỏ ăn, cỏ ăn! “ Con ngựa hiền lương, này Sandha, được thuần thục, nhìn sự áp dụng cây gậy thúc ngựa hiền lương như là món nợ, như là trói buộc, như là một thiệt hại, như là một điềm xấu. Cũng vậy, này Sandha, con người hiền thiện, thuần thục, khi đi đến khu rừng, khi đi đến gốc cây, khi đi đến ngôi nhà trống, trú với tâm không bị dục tham ám ảnh, không bị dục tham chinh phục, như thật quán tri sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Vị ấy an trú với tâm không bị sân ám ảnh… Vị ấy an trú với tâm không bị si ám ảnh… Vị ấy an trú với tâm không bị hôn trầm thụy miên ám ảnh… Vị ấy an trú với tâm không bị trạo hối ám ảnh… Vị ấy an trú với tâm không bị nghi hoặc ám ảnh, không bị nghi hoặc chinh phục, như thật rõ biết sự xuất ly ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy, vị ấy vẫn có Thiền tư. Lại nữa, này Sandha, với vị ấy Thiền tư như vậy, chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên, dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:

Chúng tôi đảnh lễ Ngài,

Con người hiền, thuần thục,

Chúng tôi đảnh lễ Ngài,

Con người bậc Thượng thủ,

Y chỉ gì Ngài Thiền,

Chúng tôi không được biết.

Khi nghe nói như vậy, Tôn giả Sandha bạch Thế Tôn:

—Thiền tư như thế nào, bạch Thế Tôn là con người hiền thiện thuần thục Thiền tư? Vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau, và phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý suy tư, vị ấy Thiền tư, không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy vị ấy vẫn thiền tư. Thiền tư như thế nào, bạch Thế Tôn là con người hiền thiện thuần thục, khiến chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:

Chúng tôi đảnh lễ Ngài,

Con người hiền, thuần thục,

Chúng tôi đảnh lễ Ngài,

Con người bậc Thượng thủ,

Y chỉ gì Ngài Thiền,

Chúng tôi không được biết?

Ở đây này Sandha, với con người hiền thiện thuần thục, tưởng đất trong đất được sáng tỏ, tưởng nước trong nước được sáng tỏ, tưởng gió trong gió được sáng tỏ, tưởng lửa trong lửa được sáng tỏ, tưởng Không vô biên xứ trong Không vô biên xứ được sáng tỏ, tưởng Thức vô biên xứ trong Thức vô biên xứ được sáng tỏ, tưởng Vô sở hữu xứ trong Thức vô sở hữu xứ được sáng tỏ, tưởng Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ được sáng tỏ, tưởng thế giới này trong thế giới này được sáng tỏ, tưởng thế giới sau trong thế giới sau được sáng tỏ, phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được tầm cầu, được đạt đến, được ý suy tư, tưởng ấy được sáng tỏ. Thiền tư như vậy, này Sandha là người đã hiền thiện thuần thục, vị ấy Thiền tư không y chỉ vào đất, Thiền tư không y chỉ vào nước, Thiền tư không y chỉ vào lửa, Thiền tư không y chỉ vào gió, Thiền tư không y chỉ vào Không vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Thức vô biên xứ, Thiền tư không y chỉ vào Vô sở hữu xứ, Thiền tư không y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thiền tư không y chỉ vào thế giới này, Thiền tư không y chỉ vào thế giới sau. Phàm cái gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý suy tư, Thiền tư không y chỉ vào cái ấy. Tuy vậy vẫn có Thiền tư. Do Thiền tư như vậy, này Sandha, là con người hiền thiện thuần thục, khiến chư Thiên với Thiên chủ, các Phạm thiên với chúng Phạm thiên dầu từ xa, đảnh lễ con người hiền thiện thuần thục:

Chúng tôi đảnh lễ Ngài,

Con người hiền, thuần thục,

Chúng tôi đảnh lễ Ngài,

Con người bậc Thượng thủ,

Y chỉ gì Ngài Thiền,

Chúng tôi không được biết.

11.10. Rừng Khổng Tước

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại chỗ nuôi dưỡng khổng tước ở khu vườn các du sĩ. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

—Này các Tỷ-kheo.

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh Phạm hạnh, cứu cánh mục đích, bậc tối thượng giữa chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?

Vô học giới uẩn, vô học định uẩn, vô học tuệ uẩn.

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh, cứu cánh an ổn khỏi các khổ ách, cứu cánh Phạm hạnh, cứu cánh mục đích, bậc tối thượng giữa chư Thiên và loài Người.

Lại thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh… chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?

Thần biến thần thông, ký tâm thần thông, giáo hóa thần thông.

Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh… chư Thiên và loài Người.

Lại thành tựu ba pháp khác, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt được cứu cánh của cứu cánh… chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?

Với chánh tri kiến, với chánh trí, với chánh giải thoát.

Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh… chư Thiên và loài Người.

Thành tựu với hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh… chư Thiên và loài Người. Thế nào là hai?

Với minh và với hạnh.

Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đạt đến cứu cánh của cứu cánh… chư Thiên và loài Người.

Này các Tỷ-kheo, đây là những bài kệ do Phạm thiên Sanamkumàra nói lên:

Sát-lỵ, chúng tối thắng,

Với người tin chủng tánh,

Bậc Minh Hạnh đầy đủ,

Tối thắng giữa Nhân, Thiên.

Này các Tỷ-kheo, những bài kệ này được khéo hát lên, không phải vụng hát, được khéo nói lên, không phải vụng nói, liên hệ đến mục đích, không phải không liên hệ đến mục đích, và được Ta chấp nhận. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng nói lên như vậy:

Sát-lỵ, chúng tối thắng,

Với người tin chủng tánh,

Bậc Minh Hạnh đầy đủ,

Tối thắng giữa chư Thiên.

11.11. Mahànàma (1)

Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: “Y làm xong, sau ba tháng, Thế Tôn sẽ bộ hành ra đi”. Họ Thích Mahànàma được nghe: “Nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn, nghĩ rằng: “Y làm xong, sau ba tháng, Thế Tôn sẽ bộ hành ra đi”. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

—Con nghe như sau, bạch Thế Tôn: Có nhiều Tỷ-kheo đang may y cho Thế Tôn nghĩ rằng: “Y làm xong, sau ba tháng, Thế Tôn sẽ bộ hành ra đi”. Bạch Thế Tôn, giữa các người an trú với những an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú nào?

Lành thay, lành thay, này Mahànàma! Như vậy thật xứng đáng cho thiện nam tử các người, sau khi đến Thế Tôn đã hỏi, đã thưa như vậy: “Bạch Thế Tôn, giữa các người an trú với những an trú khác nhau, chúng con nên an trú với an trú nào? “—“Hãy nhập cuộc, này Mahànàma với lòng tin, không phải với không lòng tin. Hãy nhập cuộc với tinh cần tinh tấn, không với biếng nhác. Hãy nhập cuộc với trú niệm, không với thất niệm. Hãy nhập cuộc với định, không với không định. Hãy nhập cuộc với trí tuệ, không với liệt tuệ”.

Sau khi an trú trong năm pháp này, này Mahànàma, hãy tu tập thêm sáu pháp nữa.

Ở đây, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh, trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Như Lai. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Phật tùy niệm.

Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Pháp: “Khéo thuyết là pháp Thế Tôn thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu”. Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh, trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Pháp. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp; khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ, khi có cảm giác lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Pháp tùy niệm.

Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Tăng: “Thiện hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Tịnh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời”. Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, tâm không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Tăng. Vị Thánh đệ tử, này Mahànàma, với tâm chánh trực, có được nghĩa tín thọ, có được pháp tín thọ, có được hân hoan liên hệ đến pháp. Khi có hân hoan, hỷ sanh; khi có hỷ, thân được khinh an; khi thân khinh an, cảm giác lạc thọ; khi có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Này Mahànàma, như vậy gọi là bậc Thánh đệ tử sống đạt được bình đẳng với chúng sanh không bình đẳng, sống đạt được vô sân với chúng sanh có sân, nhập được pháp lưu, tu tập Tăng tùy niệm.

Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Giới của mình: “Không có bể vụn, không có cắt xén, không có vết nhơ, không có chấm đen, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đi đến Thiền định”. Này Mahànàma, khi nào bậc Thánh đệ tử tùy niệm Giới… trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Giới… nhập được pháp lưu, tu tập Giới tùy niệm.

Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Thí của mình: “Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta! Vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng, để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí”. Này Mahànàma, khi nào bậc Thánh đệ tử tùy niệm Thí… Trong khi ấy, tâm được chánh trực nhờ duyên Thí… nhập được pháp lưu, tu tập tùy niệm Thí.

Lại nữa, này Mahànàma, Ông hãy tùy niệm Thiên: Có bốn Thiên vương thiên, có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusita (Đâu-suất), có chư Thiên Hóa lạc, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Đầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia, giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Đầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, đựợc sanh tại chỗ kia. Nghe như Pháp vậy cũng đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với thí như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia, thí như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta. Đầy đủ với tuệ như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ nơi Ta”. Trong khi vị ấy tùy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham ám ảnh, tâm không bị sân ám ảnh, không bị si ám ảnh; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ duyên chư Thiên… nhập được pháp lưu, tu tập chư Thiên tùy niệm.

Một số bài viết khác

MỤC LỤC

Danh sách các bài kinh

tăng chi bộ