Do có tái sinh nên có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Tái sinh là nhân, già-chết-sầu-bi-khổ-ưu-não là quả.
• Jāti (sinh): là sát-na tục sinh, cũng là thời điểm bắt đầu của một kiếp sống. Nó chỉ sinh lên một lần trong một kiếp sống.
• Jarā maraṇa (già – chết): Là danh sắc sinh lên trong suốt kiếp sống đó.
• Sinh: Là sát-na sinh lên;
• Già: Là sát-na an trú;
• Chết: Là sát-na hoại diệt.
Bởi sự sinh của jāti sát-na tục sinh nên có jāra maraṇa sát-na trụ và diệt của danh sắc. Jāti tục sinh là nhân, jāra maraṇa già (trụ) – chết (diệt) là quả.
• Soka (sầu): Bực bội;
• Parideva (bi): Khóc than;
• Dukkha (khổ): Đau đớn;
• Domanassa (ưu): ưu phiền;
• Upāyāsa (não): oán hận.
Sầu – bi – khổ – ưu – não: Là những nỗi thống khổ của thân và của tâm thường diễn ra trong kiếp sống.
• Do có sinh nên có sầu muộn. Sinh là nhân, sầu là quả.
• Do có sinh nên có ưu bi than khóc. Sinh là nhân, bi là quả.
• Do có sinh nên có đau khổ. Sinh là nhân, khổ là quả.
• Do có sinh nên có ưu phiền. Sinh là nhân, ưu là quả.
• Do có sinh nên có não hại. Sinh là nhân, não là quả.
Hỏi: Các vị chư Thiên và Phạm Thiên từ lúc sinh ra đến khi chết đi luôn có thân hình trẻ đẹp. Vậy sinh duyên già chết như thế nào?
Đáp: Già chết diễn ra trong từng sát-na trên danh và sắc.
• Một sát-na sinh lên = sinh;
• Một sát-na an trú = già;
• Một sát-na tan rã = chết.
Sinh–già–chết cứ liên tục như vậy trong suốt kiếp sống. Vì có sinh nên có già chết. Sinh là nhân, già chết là quả.
Hỏi: Ở cõi nhân loại có ai không có sầu – bi – khổ – ưu – não không?
Đáp: Các vị Thánh A La Hán chỉ còn 1 loại thân thọ khổ, còn lại tâm hoàn toàn hết sầu – bi – ưu – não.