Có bốn thiền bảo hộ mà hành giả cần phải tu tập, đó là:
• Thiền tâm từ (bao gồm cả tâm bi, tâm hỷ và tâm xả);
• Thiền quán bất tịnh;
• Thiền niệm sự chết;
• Thiền niệm ân đức Phật.
Bốn thiền bảo hộ này sẽ giúp cho hành giả ngăn chặn được những pháp bất thiện khởi lên ở bên trong tâm, đồng thời cũng ngăn chặn cả những pháp bất thiện ở bên ngoài tác động, giúp cho hành giả giữ gìn được các tầng thiền đã chứng đắc. Vì vậy hành giả cần phải tu tập bốn thiền bảo hộ.
I.I THIỀN TÂM TỪ:
1. Phương pháp tu tập:
Muốn tu tập thiền tâm từ, trước hết hành giả hãy nhập vào một tầng thiền đã chứng đắc, tốt nhất là với tứ thiền biến xứ trắng, cho đến khi tâm thiền trở nên nhu nhuyễn, thuần thục. Sau đó, hành giả hãy xuất ra khỏi tứ thiền. Dưới ánh sáng mạnh mẽ của định, hành giả hãy hướng tâm đến một người cùng phái mà mình tôn kính nhất, để hình ảnh người đó ở phía trước, cách chỗ ngồi của mình khoảng chừng 1,5m, rồi hãy tác ý đến những khía cạnh khả ái thân thương, đáng kính đáng mến của người đó và niệm rằng:
• “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy”;
• Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ thân”;
• Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ tâm”;
• Cầu mong cho người hiền thiện này được an vui hạnh phúc.”
Hành giả hãy chọn một trong bốn câu đó để tu tập. Ví dụ như khi hành giả chọn câu: “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy” thì hành giả hãy cảm nhận như người đó vừa mới thoát khỏi một sự nguy hiểm nào đó, và hãy giữ cho hình ảnh của người đó được rõ ràng. Nhờ năng lực trợ giúp của tầng thiền đi trước, không bao lâu hành giả sẽ đắc sơ thiền tâm từ. Sau khi tu tập thuần thục sơ thiền, hành giả hãy phát triển lên nhị thiền và tam thiền. Với đề mục thiền tâm từ, hành giả có thể chứng đắc được đến tam thiền.
Sau đó, hành giả lại lấy một người cùng phái khác mà mình tôn kính và cũng tu tập như vậy cho đến khi đạt đến tam thiền. Cứ như vậy, hành giả hãy tu tập thiền tâm từ cho tới người thứ 10, là những người đáng tôn kính nhất.
Sau khi đã tu tập thành công thiền tâm từ với 10 người đáng tôn kính rồi, hành giả tiếp tục lấy 10 người khác mà mình không thương cũng không ghét và tu tập với từng người một cho đến khi đạt đến tam thiền.
Sau đó, hành giả lại lấy 10 người mà mình ghét nhất làm đề mục và tu tập tâm từ với từng người một cho đến khi chứng đắc tam thiền.
Với một người lần đầu tiên thực hành thiền tâm từ, hành giả nên tránh lấy các đối tượng như một người khác phái với mình, vì người khác phái có thể khuấy động đến tâm ái dục. Hành giả cũng không nên lấy một người thân trong huyết thống như cha mẹ, anh em vì sự lo lắng hay hân hoan thái quá khi thấy hình ảnh của người thân có thể sinh khởi, làm cho tâm bị dao động và không thể chứng thiền. Vì vậy trước hết, hành giả chỉ nên tu tập với những người mà mình tôn kính, rồi đến những người không thương không ghét. Khi năng lực tâm từ đã tăng trưởng và sung mãn, hành giả mới tu tập tâm từ đến những người đáng ghét nhất. Hãy gạt bỏ những tánh xấu ác của họ và cố gắng tưởng nhớ đến những đức tính tốt của họ thì hành giả sẽ chứng đắc được các tầng thiền.
2. Phá bỏ ranh giới:
Khi đã tu tập tâm từ đến 10 người đáng kính, 10 người không thương không ghét và 10 người đáng ghét nhất với cả 4 câu:
• “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy”;
• Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ thân”;
• Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ tâm”;
• Cầu mong cho người hiền thiện này được an vui hạnh phúc.”
Hành giả hãy tu tập để xóa bỏ ranh giới giữa những người thương kính, người không thương không ghét và người thù ghét như sau:
Nhập vào một tầng thiền cho đến khi định lực sung mãn, rồi xuất ra khỏi tầng thiền và rải tâm từ đến chính mình trong một vài giây như: “Cầu mong cho tôi thoát khỏi hiểm nguy”. Mặc dù khi rải tâm từ đến mình, hành giả không thể đắc thiền; nhưng để đồng hóa giữa mình với người, hành giả nên làm như vậy.
Sau đó, hành giả rải tâm từ đến một người tôn kính cho đến khi đắc tam thiền, rồi đến một người không thương không ghét và một người thù ghét và tất cả đều đắc đến tam thiền.
Hành giả lại rải tâm từ đến chính bản thân mình, rồi lại lấy một người tôn kính thứ hai tu tập đến tam thiền và một người không thương không ghét thứ hai, một người thù ghét thứ hai… Hành giả tu tập như vậy cho đến người thứ mười của cả ba hạng người và với cả bốn câu rải tâm từ mà hành giả đã tu tập và tất cả đều đắc đến tam thiền.
Khi tu tập như vậy thì khoảng cách giữa mình với người, giữa người thương và người ghét được phá bỏ, mọi người đều bình đẳng như nhau.
3. Mở rộng tâm từ:
Sau khi đã tu tập phá bỏ ranh giới giữa mình với người, giữa người thương và người ghét rồi, hành giả cần mở rộng tâm từ đến tất cả những người xung quanh từ gần đến xa, cho đến tất cả những chúng sinh trong vũ trụ vô biên.
Trước hết, hành giả hãy mở rộng tâm từ đến một nhóm người ở gần nhất nơi mình đang sống, như những người cùng trong tu viện hay những người hàng xóm láng giềng và cũng tu tập cho đến khi chứng đắc tam thiền với từng nhóm một và mỗi lần niệm một câu trong bốn câu sau:
• “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi hiểm nguy”;
• “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ thân”;
• “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ tâm”;
• “Cầu mong cho người hiền thiện này được an vui hạnh phúc.”
Hành giả cứ mở rộng tâm từ như vậy từ làng này sang làng khác, dần dần phát triển xa đến mức có thể, không kể đó là người hay những chúng sinh khác.
4. Mở rộng tâm từ theo mười phương hướng:
Hành giả mở rộng ánh sáng về hướng đông, lấy một lượng lớn chúng sinh làm đối tượng và tu tập tâm từ cho đến tam thiền. Hành giả cũng làm như vậy với chín phương còn lại, mỗi lần 10 phương. Khi đã thực hành thuần thục rồi, hành giả cũng có thể tu tập một lần với cả 10 phương.
Tu tập với mười hai phạm trù:
a. Năm phạm trù không nêu rõ:
• Tất cả chúng sinh;
• Tất cả loài có hơi thở;
• Tất cả sinh vật;
• Tất cả mọi loài;
• Tất cả chúng sinh có sự sống.
b. Bảy phạm trù có nêu rõ:
• Tất cả nữ nhân;
• Tất cả nam nhân;
• Tất cả Thánh nhân;
• Tất cả phàm nhân;
• Tất cả chư Thiên;
• Tất cả nhân loại;
• Tất cả chúng sinh ở cảnh giới thấp.
Hành giả hãy tu tập mỗi lần một phạm trù ở cả 10 phương hướng, và chứng đạt cho đến tam thiền.
5. Lợi ích của việc tu tập tâm từ:
Đức Phật dạy: Người tu tập từ tâm làm cho thuần thục, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa thì sẽ có 11 lợi ích như sau:
• Ngủ trong an lạc;
• Thức trong an lạc;
• Không thấy ác mộng;
• Được người kính mến;
• Được các hàng phi nhân kính mến;
• Được chư Thiên hộ trì;
• Lửa, chất độc, vũ khí không xâm hại được;
• Tâm dễ an tịnh;
• Gương mặt sáng sủa;
• Lúc lâm chung tâm không tán loạn
• Đề mục thiền tâm từ có khả năng chứng đắc từ sơ thiền, nhị thiền đến tam thiền. Nếu chưa chứng quả A La Hán, thì bậc thiền sắc giới ấy có khả năng cho quả tái sinh về cõi Phạm Thiên.
I.II. THIỀN TÂM BI:
Khi đã tu tập thành công với thiền tâm từ rồi thì việc tu tập với thiền tâm bi sẽ không còn khó khăn.
Muốn tu tập thiền tâm bi, hành giả cần hướng tâm đến một chúng sinh đang phải chịu nỗi khổ đau. Dưới ánh sáng của định sau khi vừa xuất khỏi một tầng thiền, hành giả hãy hành thiền tâm từ đến một chúng sinh đang đau khổ đó cho đến khi đắc tam thiền. Hành giả xuất ra khỏi thiền tâm từ và tu tập thiền tâm bi đến chúng sinh đang đau khổ đó với tác ý như sau: “Cầu mong cho người hiền thiện này thoát khỏi khổ đau”.
Lòng thương tưởng đến nỗi khổ đau mà chúng sinh đó đang phải gánh chịu, bi tâm sẽ sinh khởi. Hành giả tiếp tục tu tập cho đến khi chứng đắc sơ thiền. Tu tập thuần thục với sơ thiền ấy, rồi hành giả tiếp tục tu tập lên đến nhị thiền và tam thiền.
Khi đã tu tập thành công đến một chúng sinh đang đau khổ rồi, hành giả hãy tu tập thiền tâm bi đến 10 người đáng kính, 10 người không thương không ghét và 10 người đáng ghét, rồi phá bỏ ranh giới giữa ba hạng người ấy. Tiếp theo, hành giả cũng cần mở rộng tâm bi đến tất cả người xung quanh, từ gần đến xa cho đến khắp vũ trụ vô biên, không kể đó là người hay những chúng sinh khác trong 10 phương hướng cùng với 5 phạm trù có nêu rõ và 7 phạm trù không nêu rõ, tương tự như đã tu tập với thiền tâm từ.
I.III. THIỀN TÂM HỈ:
Trước hết, hành giả hãy hướng tâm đến một chúng sinh, đó là một người đã đạt được những thành công tốt đẹp. Sau khi xuất ra khỏi một tầng thiền rồi tu tập với người đó đến tam thiền tâm từ, tam thiền tâm bi, hành giả xuất ra khỏi tam thiền tâm bi và tu tập thiền tâm hỉ với tác ý như sau: “Cầu mong cho người hiền thiện này không phải xa lìa những thành công đã đạt được”.
Do liên tục tác ý đến sự thành công của người đó, không bao lâu sau, hỉ tâm sẽ sinh khởi. Hành giả hãy tu tập thuần thục với sơ thiền rồi lên nhị thiền và tam thiền.
Sau đó, hành giả hãy tu tập tâm hỉ đến 10 người tôn kính, 10 người không thương không ghét và 10 người thù ghét. Sau khi đã phá bỏ ranh giới giữa ba hạng người này rồi, hành giả lại mở rộng tâm hỉ ấy ra 10 phương hướng theo 5 phạm trù không nêu rõ, 7 phạm trù có nêu rõ, giống như đã tu tập với thiền tâm từ.
I.IV. THIỀN TÂM XẢ:
Khi đã tu tập một cách có hệ thống đối với các thiền của tâm từ, tâm bi và tâm hỉ rồi, hành giả có thể tu tập để đạt đến tứ thiền tâm xả. Khi tâm đã an trú với sự định tĩnh, sung mãn trên một tầng thiền thì hành giả xuất ra khỏi tầng thiền ấy. Dưới ánh sáng của định, hành giả hãy hướng tâm đến một chúng sinh và tu tập để đạt đến tam thiền tâm từ, tam thiền tâm bi, tam thiền tâm hỉ. Sau đó xuất ra khỏi tam thiền tâm hỉ, hành giả tác ý đến những bất lợi của cả ba thiền từ, bi, hỉ; đó là: Các tầng thiền này còn sinh khởi các trạng thái tình cảm vui buồn khiến cho tâm dao động; nó chưa được an tịnh như tứ thiền tâm xả vì chúng sinh đều là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc…
Với mong muốn vượt qua tam thiền và chứng đắc tứ thiền chỉ có xả với nhất tâm được an tịnh hơn, hành giả lại nhập vào tam thiền tâm từ, tam thiền tâm bi, tam thiền tâm hỉ, rồi xuất ra khỏi tam thiền tâm hỉ với tác ý loại bỏ thiền chi lạc, hướng lên tứ thiền chỉ có xả và nhất tâm. Hành giả niệm rằng: “Con người hiền thiện này là kẻ thừa tự của nghiệp mà vị đó đã tạo”.
Nhờ năng lực hỗ trợ của tam thiền tâm từ, tam thiền tâm bi, tam thiền tâm hỉ, chẳng bao lâu sau, hành giả sẽ chứng đắc tứ thiền tâm xả. Hành giả hãy tu tập cho thuần thục với tầng thiền này.
Sau đó, hành giả cũng lại tu tập thiền tâm xả đến 10 người đáng kính, 10 người không thương không ghét và 10 người đáng ghét, cùng với tất cả chúng sinh trong vũ trụ vô biên theo 5 phạm trù không nêu rõ và 7 phạm trù có nêu rõ, giống như đã tu tập với thiền tâm từ.
II. THIỀN QUÁN TỬ THI:
Vì mục đích đoạn trừ tham dục, thiền quán bất tịnh trên xác chết cần được tu tập.
Trước hết, hành giả hãy xuất ra khỏi một tầng thiền. Dưới ánh sáng của định, hành giả hãy nhớ lại một xác chết của một người cùng phái với mình mà hành giả đã từng trông thấy. Một xác chết đang phân hủy có nhiều giòi bọ, có mùi hôi thối, trông càng ghê gớm thì càng tốt.
Hình dung xác chết đó ở phía trước, cách hành giả chừng 1,5m và niệm “bất tịnh, bất tịnh…” hay “xác chết bất tịnh, xác chết bất tịnh…”. Chú tâm nhiều trên tính chất bất tịnh của tử thi, càng lúc nỗi kinh cảm về tính bất tịnh càng nổi bật và hình ảnh ghê rợn của xác chết càng hiện ra rõ hơn.
Với đề mục quán tử thi bất tịnh, hành giả có thể chứng đắc được đến sơ thiền. Sau đó, hành giả lại tu tập thiền quán bất tịnh này với một xác chết thứ hai, xác chết thứ ba, xác chết thứ tư… càng nhiều càng tốt.
III. THIỀN NIỆM SỰ CHẾT:
Muốn giảm bớt sự tham ái, dính mắc vào sự sống với một tâm lý chủ quan cho rằng ta sẽ còn sống lâu dài thì sẽ sinh ra những dự trữ và tích lũy về vật chất và sinh ra sự giải đãi, lơ đãng đối với sự nghiệp giải thoát cũng do sự thiếu ý thức về cái chết. Muốn có được sự khẩn trương, gấp rút tu hành thì thiền niệm sự chết cần được tu tập.
Trước hết, hành giả cũng nhập vào một tầng thiền, sau đó xuất ra khỏi tầng thiền ấy. Hành giả lại tu tập thiền quán bất tịnh trên một tử thi cho đến khi đạt đến sơ thiền. Xuất ra khỏi sơ thiền tử thi, hành giả hướng tâm vào chính thân thể mình với tác ý rằng: “Chắc chắn ta cũng sẽ chết như xác chết này, mạng sống là không chắc chắn, còn cái chết là chắc chắn”.
Rồi hành giả cứ niệm liên tục: “Chắc chắn ta sẽ chết, chắc chắn ta sẽ chết…” hoặc “Chết, chết…”. Cứ niệm như vậy cho đến khi nỗi kinh cảm về cái chết sinh khởi, hành giả sẵn sàng buông bỏ sự sống này thì hành giả sẽ chứng đắc được định cận hành. Đó là mức định cao nhất của thiền niệm sự chết.
IV. THIỀN NIỆM ÂN ĐỨC PHẬT:
Thiền bảo hộ thứ tư là thiền niệm ân đức Phật. Khi niềm tin của hành giả bị lung lay thì niệm ân đức Phật sẽ giúp hành giả củng cố lại đức tin. Khi niềm tin được tăng trưởng thì sự tinh cần, tinh tấn cố gắng trong tu tập cũng được tăng trưởng theo. Vì vậy thiền niệm ân đức Phật cần được tu tập.
Trước hết, hành giả hãy nhập vào một tầng thiền, sau đó xuất ra khỏi tầng thiền ấy. Dưới ánh sáng của định, hành giả hãy hướng tâm đến một hình tượng Đức Phật mà hành giả tôn kính nhất, để hình ảnh đó ở trước mặt và niệm đến chín ân đức Phật, mỗi lần niệm một ân.
- Ứng Cúng: Arahaṃ.
• Vì Đức Thế Tôn là Bậc đã đoạn trừ tất cả phiền não nên Ngài xứng đáng được cúng dường, Arahaṃ.
• Vì giới định tuệ của Ngài không ai sánh bằng nên Ngài được các hàng Phạm Thiên, Chư Thiên và nhân loại vô cùng kính trọng, nên Đức Phật là Bậc xứng đáng được cúng dàng, Arahaṃ.
• Vì Ngài đã nhổ tận gốc rễ của bánh xe duyên khởi mà bắt đầu là vô minh và tham ái, nên Đức Phật là Bậc xứng đáng được cúng dàng, Arahaṃ.
• Vì Ngài không bao giờ làm điều xấu ác bằng thân – khẩu – ý, dù ở nơi vắng vẻ, kín đáo nên Đức Phật là Bậc xứng đáng được cúng dàng, Arahaṃ. - Chánh Biến Tri: Sammāsambudho.
Ngài là Bậc Toàn Tri Diệu Giác. - Minh Hạnh Túc: Vijjācaraṇasampanno.
Ngài có đầy đủ cả minh lẫn hạnh. - Thiện Thệ: Sugato.
Ngài chỉ nói những gì đem lại sự lợi ích và chân chính. - Thế gian giải: Lokavidū.
Ngài hiểu rõ các pháp thế gian. - Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu: Anutaro Purisadammasārathi.
Ngài điều phục những kẻ đáng điều phục không ai sánh bằng. - Thiên nhân sư: Satthādevamanussānaṃ.
Ngài là Bậc Thầy của loài trời và người. - Phật: Buddho.
Ngài là Bậc Giác Ngộ. - Thế Tôn: Bhagavā.
Ngài là Bậc thừa hưởng may mắn nhất những nghiệp quả công đức đã làm trước đây.
Hành giả tưởng nhớ đến hình ảnh của chư Phật và niệm một ân đức. Khi tâm đã an trú trên các ân đức thì hình ảnh của Đức Phật sẽ chìm đi. Lúc này, hành giả chỉ việc duy trì câu niệm. Hành giả cần niệm từng ân một, mỗi lần niệm một ân.
Với phương pháp thiền niệm ân đức Phật, hành giả sẽ đạt đến định cận hành. vì là một người Phật tử nên khi chúng ta niệm Phật sẽ luôn có tâm hỉ khởi sinh.
Như vậy, hành giả đã hành xong bốn thiền bảo hộ. Trước khi chuyển sang giai đoạn thực hành thiền quán, các thiền bảo hộ này sẽ giúp cho định của hành giả luôn được vững vàng để ngăn chặn các tâm bất thiện khởi sinh, làm trở ngại cho việc tu tập của mình.
Với một người có nhiều sân tâm thì việc an trú trong thiền tâm từ, sân tâm sẽ được chế ngự. Người có tâm não hại, ưa làm khổ người, hoặc người có nhiều ác ý thì bi tâm cần được tu tập. Với người có tâm ganh tị, tật đố thì hỉ tâm cần được tu tập.
Với người có cả tâm tham ái lẫn sân hận thì xả tâm cần phải được tu tập.
Với người có tâm tham dục thì thiền quán bất tịnh, bao gồm cả thiền quán bất tịnh trên xác chết và thiền quán bất tịnh trên 32 thân phần cần được tu tập để đoạn trừ dục tham.
Với người có đức tin mạnh thì thiền niệm ân đức Phật nên được tu tập. Ngoài ra, đối với người có nhiều suy nghĩ lan man thì thiền niệm hơi thở cần được tu tập.