Mở đầu

Sư Thanh Minh

KỆ KHẢI HOÀN ANEKAJĀTI
“Anekajātisaṃsāraṃ, Sandhāvissaṃ anibbisaṃ;
Gahakāraṃ gavesanto, Dukkhā jāti punappunaṃ. Gahakāraka diṭṭhosi, Puna gehaṃ na kāhasi. Sabbā te phāsukā bhaggā, Gahakūṭaṃ visaṅkhataṃ. Visaṅkhāragataṃ cittaṃ, Taṇhānaṃ khayamajjhagā.”

“Luân hồi bao kiếp sống, tìm người làm nhà này;
Tìm mãi mà không gặp, tái sinh hoài khổ thay;
Này hỡi người thợ kia, ngươi bị nhận diện rồi;
Nhà xây sao được nữa, rường cột ngươi bị gãy;
Rùi mè đã tiêu vong, tâm ta chứng vô vi, mọi tham ái diệt tận.”

Hỏi: Luân hồi là gì?

Đáp: Luân hồi là dòng sinh tử liên tục từ kiếp này sang kiếp khác. Mỗi chúng sinh sinh ra rồi lại phải chết đi. Khi chết cũng là thời điểm bắt đầu đi tái sinh sang một kiếp sống mới, cứ luân chuyển như vậy nên gọi là luân hồi.

Hỏi: Khi chết là đi tái sinh sang kiếp sống mới, vậy kiếp sống mới đó là ở đâu và cuộc sống sẽ như thế nào?

Đáp: Tùy thuộc vào những hành động thiện ác và trạng thái tâm thức cao thượng hay thấp kém của mỗi chúng sinh, sẽ sinh về các cõi sống cao thấp khác nhau:
Những chúng sinh thường làm những việc thiện lành như: Bố thí – cung kính – giữ giới – phục vụ – hành thiền, có chánh kiến… thì khi chết sẽ sinh vào các cõi lành như sinh lại làm người hoặc về các cõi trời Dục Giới.

Những chúng sinh nào thường làm các việc ác như: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, có tà kiến thì khi chết phải tái sinh vào các cõi khổ như: Địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula.
Người nào tu chứng đắc thiền định sắc giới thì sẽ sinh về các cõi Phạm Thiên Sắc Giới như:
• Phạm Chúng Thiên;
• Phạm Phụ Thiên;
• Đại Phạm Thiên;
• Thiểu Quang Thiên;
• Vô Lượng Quang Thiên;
• Quang Âm Thiên;
• Thiểu Tịnh Thiên;
• Vô Lượng Tịnh Thiên;
• Biến Tịnh Thiên;
• Quảng Quả Thiên;
• Vô Tưởng Thiên;
• Ngũ Tịnh Cư Thiên.

Tu chứng thiền vô sắc thì sinh về cõi Vô Sắc Giới:
• Không Vô Biên Xứ Thiên;
• Thức Vô Biên Xứ Thiên;
• Vô Sở Hữu Xứ Thiên;
• Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Có nhiều cõi để tái sinh như vậy. Nếu mình muốn sinh về cõi cao thượng thì phải tạo các thiện nghiệp cao thượng. Nếu mình tạo ác nghiệp hạ liệt thì phải sinh vào các cõi khổ đau hạ liệt.

Hỏi: Tại sao trong kinh Đức Phật không đề cập đến sự khởi đầu của dòng luân hồi?

Đáp: Điều đó vượt khỏi sự suy luận và nghĩ bàn của tất cả chúng sinh nên Đức Phật không đề cập đến.

Hỏi: Trong 31 cõi, có cõi nào mà chúng ta chưa từng tái sinh đến không?

Đáp: Có. Đó là cõi Ngũ Tịnh Cư Thiên là chắc chắn ta chưa từng sinh đến vì chỉ có những bậc Thánh Bất Lai mới sinh về đó và cũng nhập Niết Bàn tại đó không còn sinh trở lại nhân gian. Còn lại tất cả các cõi khác ta đã từng sinh ra và chết đi vô số lần.

Hỏi: Nếu người nào muốn chấm dứt dòng tái sinh đó thì phải làm gì?

Đáp: Muốn chấm dứt tái sinh thì phải có trí tuệ để tìm ra những nguyên nhân nào khiến cho chúng sinh phải đi tái sinh. Khi đã hiểu được nguyên nhân rồi thì cũng dùng trí tuệ đó để đoạn trừ tận gốc rễ những nguyên nhân đã khiến chúng sinh phải đi tái sinh.

Hỏi: Đâu là nguyên nhân của dòng tái sinh luân hồi bất tận đó?

Đáp: Muốn biết nguyên nhân thì phải truy tìm một cách tuần tự như:
• Tại sao lại có già, bệnh, chết? Vì có tái sinh.
• Tại sao lại có sự tái sinh? Vì có nghiệp hữu.
• Tại sao lại có nghiệp hữu? Vì có chấp thủ.
• Tại sao lại có chấp thủ? Vì có tham ái.
• Tại sao lại có tham ái? Vì có cảm thọ.
• Tại sao lại có cảm thọ? Vì có sự tiếp xúc.
• Tại sao lại có tiếp xúc? Vì có sáu căn, sáu trần.
• Tại sao lại có căn, trần? Vì có danh, sắc.
• Tại sao lại có danh, sắc? Vì có thức.
• Tại sao lại có thức? Vì có hành tạo nghiệp.
• Tại sao lại có các hành tạo nghiệp? Vì có vô minh.
• Tại sao lại có vô minh? Vì hiểu sai sự thật.

“Do cái này có cái kia hiện hữu, do cái này sinh cái kia sinh, tức là duyên vô minh có các hành, duyên các hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sinh, duyên sinh có lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này”.

Hỏi: Tại sao cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia cũng sinh?

Đáp: Cái này, cái kia là chỉ cho các pháp hữu vi. Các pháp hữu vi thì luôn có bản tính sinh lên và diệt đi. Các pháp hữu vi không thể nào tự sinh, tự diệt được mà nó phải có nhân, có duyên, có sự nương tựa, hỗ trợ cho nhau cùng sinh, cùng diệt. Vì vậy cho nên cái này có, cái kia hiện hữu, cái này sinh thì cái kia sinh.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022