8. Ái duyên thủ

Sư Thanh Minh

Do tham ái sinh nên chấp thủ sinh.
Tham ái là nhân, chấp thủ là quả.

Có 6 loại ái:
• Sắc ái: Tham ái hình sắc;
• Thanh ái: Tham ái âm thanh;
• Hương ái: Tham ái mùi;
• Vị ái: Tham ái vị;
• Xúc ái: Tham ái xúc;
• Pháp ái: Tham ái pháp.

Có 4 loại thủ:
• Dục thủ: Chấp thủ với cảnh ngũ dục;
• Tà kiến thủ: Chấp thủ vào tà kiến, ví dụ: Không tin nghiệp và quả của nghiệp,…
• Giới cấm thủ: Chấp thủ vào các pháp môn khổ hạnh mê tín;
• Ngã chấp thủ:
• Chấp thủ có một linh hồn bất tử;
• Chấp thủ có đấng tạo hóa ra vạn vật;
• Chấp thủ 5 uẩn này là ta, của ta, là tự ngã của ta.

Ái = tham tà kiến: Vì hiểu sai sự thật nên tham ái.
Thủ = tham tà kiến: Không phải sự thật mà cố chấp cho là sự thật thì là chấp thủ.

Ái duyên thủ là từ lòng tham ái trở thành chấp thủ. Như khi khởi lên tâm tham ái với ngũ dục thì là dục ái. Lòng tham ái đó khởi lên nhiều lần thì trở thành dục thủ. Vì vậy do tham ái sinh nên chấp thủ sinh. Tham ái là nhân, chấp thủ là quả.

Hỏi: Có người nghĩ rằng sát sinh không có tội nên họ thản nhiên sát sinh để hưởng thụ món ăn ngon từ thịt của chúng sinh. Như vậy là chấp thủ cái gì?

Đáp: Vì tham ái với vị ngon đi kèm với chấp thủ tà kiến không có quả của nghiệp nên mới sát sinh. Tham ái hưởng thụ vị ngon là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng sát sinh không có tội là quả. Sự thật thì sát sinh là một tội lớn, mắc quả báo lớn.

Hỏi: Có người thích lấy trộm tài sản của người khác, họ chỉ sợ đi tù chứ không sợ vào địa ngục là nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái tài sản đi kèm với chấp thủ tà kiến chỉ có nhà tù chứ không có địa ngục nên mới đi ăn trộm. Tham ái lấy trộm tài sản là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng không có địa ngục là quả. Sự thật thì địa ngục còn khổ hơn nhà tù.

Hỏi: Có người phạm tội tà dâm. Họ chỉ sợ bị đánh ghen chứ không sợ quả báo là nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái sắc dục đi kèm chấp thủ tà kiến cho rằng không có nghiệp quả là nhân, phạm tà dâm mà không sợ quả báo là quả. Sự thật thì tà dâm là một tội lớn, chịu quả báo lớn.

Hỏi: Có người nói dối để được lợi ích từ người khác, chỉ sợ người khác biết mình nói dối chứ không sợ phạm tội nói dối là nguyên nhân gì?

Đáp: Vì tham ái với lợi ích của bản thân đi kèm với chấp thủ cho rằng nói dối không có tội nên cố tình nói dối. Tham ái với lợi ích bản thân là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng nói dối không có tội là quả. Sự thật thì nói dối cũng là một tội nặng.

Hỏi: Có người uống rượu lâu ngày thành nghiện rượu. Khi say rượu rồi thì không còn biết xấu hổ, tội lỗi hay sợ hãi tội lỗi gì nữa là nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái với mùi vị của rượu và chấp thủ tà kiến cho rằng: Tội lỗi không có gì đáng phải sợ hãi, ghê sợ. Tham ái với mùi vị của rượu là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng tội lỗi không có gì đáng phải sợ hãi, ghê sợ là quả. Sự thật thì tội lỗi là đáng ghê sợ, đáng xấu hổ.

Hỏi: Có một số người thường có suy nghĩ rằng những người xung quanh ta phần lớn là người xấu: Họ đã làm hại ta, đang làm hại ta hoặc sẽ làm hại ta, cho nên thường hay tức giận với mọi người là nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái quá nặng với bản thân cho nên luôn lo lắng bảo vệ bản thân rồi suy nghĩ tiêu cực về người khác đang có ý làm hại mình. Vì tham ái với bản thân nên chấp thủ ngã kiến phải nổi sân với người khác để bảo vệ bản thân. Tham ái với bản thân là nhân, chấp thủ ngã kiến bảo vệ bản thân là quả. Sự thật thì thân này là vô ngã, nó chẳng phải của ta thì việc gì phải sân hận.

Hỏi: Tại sao có người lúc nào cũng muốn phải thành công hơn người khác nên khi thấy người khác được thành công thì khởi lên tâm tức bực khó chịu?

Đáp: Vì tham ái với bản ngã của mình quá lớn nên sinh ra chấp thủ vào bản ngã, muốn ngã mình phải hơn ngã người khác, nên khi thấy người khác thành công thì khó chịu. Tham ái với bản ngã là nhân, chấp thủ bản ngã phải hơn người là quả. Sự thật thì bản ngã của ta với người đều là giả tạm chẳng có sự hơn thua.

Hỏi: Tại sao có người khi có nhiều tài sản, danh vọng, quyền lực thì chỉ muốn giữ cho riêng mình không muốn chia sẻ với ai?

Đáp: Vì quá tham ái với tài sản, danh vọng, quyền lực nên sinh ra chấp thủ, chỉ muốn giữ nó cho riêng mình mà không muốn chia sẻ với ai. Tham ái tài sản, danh vọng, quyền lực là nhân, chấp thủ cho riêng mình là quả. Sự thật thì tài sản, danh vọng, quyền lực chỉ là hư vọng, chẳng thể giữ gìn mãi được.

Hỏi: Tại sao có người khi làm một việc gì đó mà không thành tựu thì sinh tâm buồn phiền, khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên?

Đáp: Vì tham ái với một việc gì đó rồi sinh ra chấp thủ muốn có được thứ đó, nhưng khi không đạt được thì sinh ra thất vọng, buồn phiền, hối hận. Tham ái với một việc gì đó là nhân, chấp thủ phải có được thứ đó là quả. Sự thật thì muốn được cái gì cũng phải tạo nhân, không tạo nhân mà chỉ mong hưởng quả thì chỉ suốt đời thất vọng.

Hỏi: Tại sao có người siêng năng làm phước thiện với ước muốn được làm người có sức khỏe sống lâu, an vui, sắc đẹp?

Đáp: Vì người đó tham ái với tự ngã và những niềm vui ở cõi người nên làm phước thiện và ước nguyện có được thứ mình mong muốn. Vì tham ái với những niềm vui ở cõi người là nhân, chấp thủ cho rằng những niềm vui đó là thật rồi cố gắng làm phước thiện để cầu mong có nó là quả. Sự thật thì cõi người này vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm lại nhiều hơn.

Hỏi: Có người suy nghĩ niềm vui ở cõi người thật ngắn ngủi, giả tạm, lạc thú ở cõi trời mới cao quý nên siêng năng làm phước thiện và phát nguyện sinh về cõi Thiên giới là do nguyên nhân gì?

Đáp: Vì tham ái với lạc thú ở cõi trời nên tạo phước là nhân, chấp thủ cho rằng niềm vui đó mới quý báu là quả. Sự thật thì lạc thú ở cõi trời cũng chẳng có gì cao quý, hưởng hết phước rồi lại đọa xuống cõi khổ đau.

Hỏi: Có người cho rằng cõi Thiên giới là cõi vĩnh hằng, muốn sinh về đó thì phải cầu xin vị chúa tể ở cõi đó cho về mới được về là nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái đi kèm với chấp thủ tà kiến cho rằng có cõi sống vĩnh hằng nên tha thiết cầu nguyện được sinh về đó. Tham ái cõi sống vĩnh hằng rồi tha thiết cầu nguyện là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng có cõi vĩnh hằng thật là quả. Sự thật thì chẳng có cõi nào vĩnh hằng cả, còn sinh ra thì còn phải chết đi.

Hỏi: Có người nghĩ rằng người chết rồi vẫn còn linh hồn tồn tại nên người sống phải lập bàn thờ và cúng bái cho người chết được ăn là do nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái người thân đã chết nên chấp thủ tà kiến cho rằng người chết vẫn còn linh hồn tồn tại và sinh hoạt như người sống. Tham ái với người thân đã chết nên cúng bái cho họ ăn là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng họ vẫn tồn tại và ăn uống được là quả. Sự thật thì người chết sẽ tái sinh về các cõi khác nhau tùy theo nghiệp, cúng bái chỉ là tục lệ chứ chẳng có ai dùng.

Hỏi: Đa số mọi người cứ đến tuổi trưởng thành trên dưới 20 tuổi là sẽ kết hôn với một người khác phái, rồi sinh con cái và chung sống suốt đời với nhau. Họ cho rằng như vậy là hạnh phúc. Đó là do nguyên nhân gì?

Đáp: Do tham ái với sắc – thanh – hương – vị – xúc với người khác phái nên cứ đến tuổi trưởng thành là đa số mọi người kết hôn và xây dựng gia đình, vì họ chấp thủ cho rằng phải có gia đình mới hạnh phúc. Tham ái với người khác phái rồi đi xây dựng gia đình là nhân, chấp thủ rằng có gia đình mới hạnh phúc là quả. Sự thật thì gia đình là ổ dịch của những khổ đau-bất hạnh.

Hỏi: Có một số người thích đi cầu cúng, tế lễ để cầu xin các vị thần linh ban tài phát lộc cho bản thân và gia đình là chấp thủ cái gì?

Đáp: Do tham ái hưởng thụ tài lộc đi kèm với chấp thủ tà kiến cho rằng thần linh thiêng liêng phù hộ nên khiến cho một người thích tế lễ cầu xin thần thánh ban phát cho tài lộc. Do tham ái tài lộc sinh, nên chấp thủ tà kiến cho rằng có thần linh ban cho tài lộc sinh. Tham ái với tài lộc là nhân, chấp thủ vào tà kiến cho rằng có đấng ban cho tài lộc là quả. Sự thật thì tài lộc là do thiện nghiệp chín mùi cho quả. Các đấng thần linh cũng có quả của nghiệp như mình.

Hỏi: Tại sao có người nhàm chán tất cả sự vui buồn, khổ lạc ở cõi nhân – Thiên nên siêng năng thực hành thiền định chỉ với mục đích được sinh về cõi Phạm Thiên?

Đáp: Vì tham ái với cuộc sống an lạc ở cõi Phạm Thiên, nên sinh ra chấp thủ vào sự an lạc của Phạm Thiên. Tham ái với Phạm Thiên và thực hành thiền định với mục đích sinh về Phạm Thiên là nhân, chấp thủ tà kiến cho rằng cõi Phạm Thiên thực sự an lạc là quả. Thực sự thì cõi Phạm Thiên dù có thọ mạng và sự an lạc lâu dài nhưng khi năng lực của thiền định hết thì cũng vẫn còn phải đọa đày trong sinh tử.

Hỏi: Có tham ái nào mà không sinh ra chấp thủ không?

Đáp: Tham ái ở mức độ thấp thì không sinh ra chấp thủ.
Ví dụ: Một người ngắm trăng đẹp, có ưa thích với trăng, nhưng không có chấp thủ trăng là tôi, của tôi, là tự ngã của tôi. Vì vậy tham ái ở mức độ yếu thì sẽ không sinh ra chấp thủ.

Hỏi: Tại sao có người có tham ái mạnh, có người có tham ái yếu?

Đáp: Người có tà kiến mạnh thì có tham ái mạnh. Người có tà kiến yếu thì có tham ái yếu. Người có chánh kiến mạnh thì có tham ái yếu. Người có chánh kiến yếu thì có tham ái mạnh.

Hỏi: Tại sao ái lại là nhân của khổ đau?

Đáp: Vì ái tạo ra sự dính mắc, bám víu vào cảnh trần, vào các pháp hữu vi. Cảnh trần hay các pháp hữu vi thì luôn luôn sinh diệt. Vì vậy, còn tham ái thì còn phải chịu sự sinh diệt, tức là còn phải sinh ra và chết đi. Sinh ra và chết đi là khổ. Vì thế ái chính là khổ tập Thánh đế hay nguyên nhân của khổ.

Hỏi: Có người nhàm chán tất cả sự tái sinh trong tam giới nên đi xuất gia thực hành giới – định – tuệ rồi chứng đắc tứ Thánh đạo, tứ Thánh quả, Niết Bàn là do nguyên nhân gì?

Đáp: Do vị đó nhàm chám sự luân hồi sinh tử và thực hành giới – định – tuệ nên đoạn trừ được tham ái: Dục ái, hữu ái, phi hữu ái với sắc – thanh – hương – vị – xúc – pháp. Vì tham ái được đoạn trừ nên 4 loại chấp thủ gồm dục thủ – tà kiến thủ – giới cấm thủ – chấp ngã thủ đều được đoạn trừ. Do tham ái-chấp thủ được đoạn trừ nên vị ấy chấm dứt khổ đau, giải thoát luân hồi trong tam giới.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại