23. THỨC UẨN

Sư Thanh Minh

Hỏi: Thức là gì?

Đáp: Thức là tâm.
• Đặc tính của tâm là biết cảnh;
• Chức năng của tâm là đứng đầu các tâm sở;
• Thể hiện của tâm là diễn tiến liên tục;
• Nhân gần của tâm là danh và sắc.

Tâm tục sinh:
Tâm tục sinh là tâm đầu tiên của kiếp sống này.
• Đặc tính là nhận biết 3 đối tượng:
    • Nghiệp;
    • Nghiệp tướng;
    • Thú tướng.
• Chức năng: nối liền 2 kiếp sống;
• Biểu hiện: duy trì sự liên tục của các kiếp sống;
• Nhân gần: tâm sở và sắc tục sinh.

Hỏi: Tâm tục sinh sinh lên một lần hay nhiều lần?

Đáp: Tâm tục sinh chỉ sinh lên một lần lúc đi tái sinh.

Hỏi: Tại sao lại biết được cái tâm này?

Đáp: Nhờ thực hành thiền minh sát quán chiếu pháp duyên khởi: Tác ý về nhân quả.
• Nhân: Do đâu mà có cái thân 5 uẩn già, bệnh, chết này?
→ Quả: Vì có tái sinh nên có thân 5 uẩn già, bệnh, chết này.
• Tái sinh = tâm tục sinh: 34 danh pháp (thức + 7 tâm sở biến hành + 6 tâm sở biệt cảnh + 19 tâm sở tịnh hảo biến hành + trí tuệ = 34) là nhân.
→ Thân 5 uẩn già, bệnh, chết là quả.

Tâm hữu phần:
Còn gọi là tâm hộ kiếp bởi nó bảo hộ, duy trì sự sống từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi.
• Đặc tính: nhận biết đối tượng nghiệp cận tử;
• Chức năng: làm cho dòng tâm không bị đứt quãng;
• Biểu hiện: sự liên tục của tâm thức;
• Nhân gần: tâm sở và sắc trái tim.

Hỏi: Tâm hữu phần sinh lên lúc nào, mình có cảm nhận được nó không?

Đáp: Tâm hữu phần sinh lên khi tâm thức ở các căn: mắt – tai – mũi – lưỡi – thân – ý ngừng hoạt động. Khi một lộ tâm ngừng nghỉ thì tâm sẽ chìm vào dòng hữu phần, trước khi một lộ tâm khác sinh lên thì tâm hữu phần sẽ rung động và dứt dòng. Khi một người đang ngủ thì lúc đó thuần chỉ có lộ tâm hữu phần này sinh lên liên tục.

Hỏi: Tại sao tâm hữu phần lại bắt đối tượng là nghiệp cận tử?

Đáp: Vì tâm tục sinh làm phận sự tái sinh xong thì diệt đi, tâm tiếp theo sẽ duy trì dòng tâm thức của kiếp sống mới không bị gián đoạn là tâm hữu phần nên nó có cùng một đối tượng với tâm tục sinh, đó là nghiệp cận tử của kiếp trước.

Hỏi: Tại sao tâm tục sinh duy trì suốt kiếp sống mà người thường lại không thấy được đối tượng nghiệp cận tử của nó?

Đáp: Chỉ có trí tuệ quán chiếu duyên sinh nhân quả mới thấy được.
• Vô minh, tham ái, chấp thủ, hành, nghiệp là nhân; → tâm hữu phần là quả;
• Sắc trái tim, đối tượng: nghiệp cận tử, tâm sở là nhân;→  tâm hữu phần là quả.

Tâm hướng ngũ môn:
Là tâm hướng đến các cảnh trần.
• Đặc tính: Nhận biết cảnh trần;
• Chức năng: Hướng đến cảnh;
• Biểu hiện: Chạm đến cảnh;
• Nhân gần: Sự gián đoạn của hữu phần.

Nhãn thức:
Là cái tâm thấy được cảnh vật bằng mắt.
• Đặc tính: Nhận biết cảnh sắc;
• Chức năng: Hướng đến sắc;
• Biểu hiện: Thấy cảnh;
• Nhân gần: Sự rời đi của hướng ngũ môn.

Nhĩ thức – Tỷ thức – Thiệt thức – Thân thức:
Là những tâm nghe – ngửi – nếm – chạm.
• Đặc tính: Nhận biết thanh – hương – vị – xúc;
• Chức năng: Nghe – ngửi – nếm – chạm;
• Biểu hiện: Biết thanh – hương – vị – xúc;
• Nhân gần: Sự rời đi của hướng ngũ môn.

Tâm tiếp thâu:
Là tâm tiếp nhận cảnh trần.
• Đặc tính: Nhận biết cảnh;
• Chức năng: Thâu nhận cảnh;
• Biểu hiện: Thâu nhận cảnh;
• Nhân gần: Sự rời đi của nhãn thức.

Tâm quan sát:
Là tâm suy xét cảnh trần.
• Đặc tính: Nhận thức cả sáu cảnh;
• Chức năng: Thẩm tra, suy xét cảnh;
• Biểu hiện: Thẩm tra, suy xét cảnh;
• Nhân gần: Sắc trái tim.

Tâm quyết định:
Là tâm quyết định đối với cảnh và hướng ý môn.
• Đặc tính: Nhận thức sáu loại cảnh;
• Chức năng: Quyết định;
• Biểu hiện: Quyết định hướng đến;
• Nhân gần: Sự rời đi của ý thức giới.

Tốc hành tâm thiện:
Là 7 chặp Javana đi kèm với các tâm sở tịnh hảo.
• Đặc tính: Vô tội;
• Chức năng: Đối lập với cái ác;
• Biểu hiện: Thanh tịnh;
• Nhân gần: Như lý tác ý.

Tốc hành tâm bất thiện:
Là 7 chặp javana đi kèm với các tâm bất thiện.
• Đặc tính: Có lỗi;
• Chức năng: Mang đến sự khó chịu;
• Biểu hiện: Bất tịnh;
• Nhân gần: Phi lý tác ý.

■ Tâm đăng ký:
Là hai chặp tâm cuối của lộ tâm còn gọi là mót cảnh.
• Đặc tính: Nhận thức cả sáu loại đối tượng;
• Chức năng: Đăng ký;
• Biểu hiện: Mót cảnh;
• Nhân gần: Sự rời đi của tâm tốc hành.

Ví dụ về trái xoài:
• Một người đang ngủ dưới gốc cây xoài thì có một trái chín rơi xuống người.
• Người đó tỉnh dậy, mở mắt nhìn xem cái gì.
• Vị đó thấy trái xoài;
• Nhặt trái xoài lên;
• Xem xét nó thật kĩ;
• Quyết định sẽ ăn;
• Thưởng thức ngon lành;
• Còn lại cái hạt, liếm thêm vài cái nữa rồi bỏ đi;
• Lại nằm xuống ngủ tiếp.

Hỏi: Câu chuyện này có ẩn ý gì?

Đáp: Ẩn dụ cho một lộ trình tâm ngũ song thức.
• Một người đang ngủ: là tâm đang ở hữu phần;
• Trái xoài là cảnh trần, đập vào các căn;
• Người đó tỉnh dậy, mở mắt nhìn xem cái gì: tâm hướng ngũ môn;
• Vị đó thấy trái xoài: tâm nhãn thức;
• Nhặt trái xoài lên: tâm tiếp thâu;
• Xem xét nó thật kĩ: tâm suy xét;
• Quyết định sẽ ăn: tâm đoán định;
• Thưởng thức ngon lành: 7 chặp javana tốc hành;
• Còn lại cái hạt, liếm thêm vài cái nữa rồi bỏ đi: 2 tâm đăng ký;
• Lại nằm xuống ngủ tiếp: rơi trở lại hữu phần.
Câu chuyện này có ẩn ý như vậy.

■ Tâm hướng ý môn:
Là tâm hướng đến đối tượng ở lộ ý môn.
• Đặc tính: Nhận thức cảnh;
• Chức năng: Hướng về ý môn;
• Biểu hiện: Sự hướng về;
• Nhân gần: Sự rời đi của hữu phần.

Tâm tử:
Là tâm cuối cùng của kiếp sống.
• Đặc tính: Nhận biết đối tượng nghiệp;
• Chức năng, biểu hiện: Chuyển dời kiếp sống này sang kiếp sống khác;
• Nhân gần: Sự rời đi của tốc hành tâm trước.

Hỏi: Có tất cả bao nhiêu tâm?

Đáp: Ngắn gọn = 89 tâm. Chi tiết = 121 tâm.

8 TÂM THAM:
Tham tà kiến:
• Tham tà kiến thọ hỷ hữu trợ;
• Tham tà kiến thọ hỷ vô trợ;
• Tham tà kiến thọ xả hữu trợ;
• Tham tà kiến thọ xả vô trợ.

Tham ngã mạn:
• Tham ngã mạn thọ hỷ hữu trợ;
• Tham ngã mạn thọ hỷ vô trợ;
• Tham ngã mạn thọ xả hữu trợ;
• Tham ngã mạn thọ xả vô trợ.

THAM TÀ KIẾN:

Hỏi: Thế nào là tham tà kiến?

Đáp: Là do mình tác ý sai với sự thật mà sinh ra tâm tham. Ví dụ: Khi nhìn một cảnh sắc khởi lên tác ý: Cảnh này xinh đẹp quá thì sẽ khởi lên tâm ưa thích.
• Tác ý sai: Cảnh này xinh đẹp = tà kiến;
• Ưa thích = tham;
Nên gọi là tham tà kiến.

Hỏi: Tại sao tác ý cảnh đẹp lại là tà kiến?

Đáp: Vì bản chất của tất cả các cảnh đều là bất tịnh.

Hỏi: Thế nào là tham ngã mạn?

Đáp: Khi có tác ý so sánh giữa mình với người khác rồi khởi lên sự thích thú cho rằng ta hơn người thì sẽ là tham ngã mạn. Ví dụ:
• Ta bằng người, nhưng tự cho là ta hơn người;
• Ta không bằng người, nhưng tự nghĩ là ta bằng người;
• Ta không bằng người, nhưng tự nghĩ là ta hơn người;
• Ta chưa đắc đạo, nhưng tự nghĩ là ta đã đắc đạo.

Hỏi: Thế nào là tham hữu trợ? Thế nào là tham vô trợ?

Đáp: Khi có sự tác động, thúc giục của chính mình hoặc của người khác rồi mới khởi lên tâm tham thì gọi là hữu trợ. Khi không có sự tác động của mình hoặc của người khác mà tự động khởi lên tâm tham thì gọi là vô trợ.
Ví dụ: một đứa trẻ chưa biết tiêu tiền, khi cầm tiền nó tưởng là giấy và vứt đi. Khi có người nói cho nó biết đó là tiền, quý lắm thì nó mới biết. Từ đó nó mới sinh tâm tham đắm với tiền, đó là tham tà kiến hữu trợ. Những lần sau cứ thấy tiền là nó tham không cần nhắc bảo nữa, đó là tham tà kiến vô trợ.


THAM NGÃ MẠN:
Bình thường thì mình không để ý là mình có gì hơn người hay không. Nhưng khi có người khác xúi giục rằng:
• Mình có sức khỏe hơn người;
• Có trí tuệ hơn người;
• Có tài sản hơn người;
• Có sắc đẹp hơn mọi người;
khiến mình sinh tâm kiêu ngạo, thì đó là tham ngã mạn hữu trợ. Những lần sau không cần ai nhắc bảo nữa, lúc nào mình cũng tự cho là ta hơn người thì đó là tham ngã mạn vô trợ.

2 TÂM SÂN:
• Sân thọ ưu cần hỗ trợ;
• Sân thọ ưu không cần hỗ trợ.

Hỏi: Như thế nào thì được gọi là tâm sân?

Đáp: Tức giận vì tác ý đến khía cạnh không đáng ưa của người khác;
• Ghen tị vì cảm thấy người khác hơn mình;
• Bỏn xẻn vì không muốn chia sẻ những gì mình có với người khác;
• Hối hận vì đã làm những điều không nên làm hoặc đã không làm những điều nên làm.

Hỏi: Thế nào là sân hữu trợ? Thế nào là sân vô trợ?

Đáp: Sân hữu trợ là do tự mình thúc giục hoặc người khác xúi giục mà khởi lên tâm sân. Sân vô trợ là tự mình khởi lên tâm sân không cần người khác xúi giục. Ví dụ: Mình đang vui vẻ với người xung quanh thì có người khác nói mấy người này có ý đồ không tốt hay nói xấu sau lưng bạn đó khiến cho mình sinh tâm tức giận thì đó là sân hữu trợ. Từ lần sau, hễ thấy những người đó là mình tức giận thì đó là sân vô trợ.

■ 2 TÂM SI:
• Si thọ xả hợp hoài nghi;
• Si thọ xả hợp trạo cử.

Hỏi: Thế nào là si hoài nghi?

Đáp: Vì không có trí tuệ để phân biệt được đúng sai nên mới sinh ra hoài nghi, do dự. Ví dụ:
• Có người nói: có kiếp trước, có kiếp sau, có nhân quả của nghiệp thiện, nghiệp ác.
• Có người nói: không có kiếp trước, không có kiếp sau, không có nhân quả của nghiệp thiện, nghiệp ác…
Người có trí tuệ thì biết ai đúng, ai sai. Người không có tuệ thì nghi ngờ lưỡng lự, không biết ai đúng, ai sai.
Cho nên tâm nghi ngờ được gọi là si hoài nghi.

Hỏi: Thế nào là si phóng dật?

Đáp: Phóng dật là cái tâm lăng xăng, tán loạn, không yên tĩnh vì vậy mà mọi chuyện trở nên mơ hồ, thiếu sáng suốt nên gọi là si phóng dật.
18 TÂM VÔ NHÂN:
• Tâm quả bất thiện = 7 tâm;
• Tâm quả thiện = 8 tâm;
• Tâm duy tác vô nhân = 3 nhân;

TÂM QUẢ BẤT THIỆN TÂM QUẢ THIỆN TÂM DUY TÁC VÔ NHÂN
Nhãn thức Nhãn thức Khai ngũ môn
Nhĩ thức Nhĩ thức Khai ý môn
Tỉ thức Tỉ thức Tâm tiếu sinh
Thiệt thức Thiệt thức  
Thân thức Thân thức  
Tiếp thu Tiếp thu  
Suy xét (Thọ xả) Suy xét (Thọ xả)  
  Suy xét (Thọ hỷ)

Đáp:
• Vô tham – vô sân – vô si: là ba nhân thiện;
• Tham – sân – si: là ba nhân bất thiện;
Nếu lộ tâm nào không có: vô tham – vô sân – vô si, cũng không có: tham – sân – si, thì được gọi là tâm vô nhân. Ví dụ: Ở lộ nhãn thức có thức – xúc – thọ – tưởng – tư – nhất hành – mạng quyền – tác ý; không có: vô tham – vô sân – vô si; cũng không có: tham – sân – si, nên gọi là tâm vô nhân.

Hỏi: Tại sao tâm quả thiện lại có suy xét thọ hỷ mà quả bất thiện thì lại không có?

Đáp: Vì ở tâm quả thiện là được: thấy – nghe – ngửi – nếm – chạm – tiếp nhận – suy xét những cảnh hài lòng nên sinh hoan hỷ.
Còn ở quả bất thiện phải: thấy – nghe – ngửi – nếm – chạm – tiếp nhận – suy xét những cảnh không hài lòng nên không sinh hoan hỷ.

24 TÂM DỤC GIỚI TỊNH HẢO:

8 TÂM ĐẠI THIỆN 8 TÂM ĐẠI QUẢ 8 TÂM ĐẠI TỐ
Thọ hỷ có trí có trợ Thọ hỷ có trí có trợ Thọ hỷ có trí có trợ
Thọ hỷ có trí vô trợ Thọ hỷ có trí vô trợ Thọ hỷ có trí vô trợ
Thọ hỷ ly trí có trợ Thọ hỷ ly trí có trợ Thọ hỷ ly trí có trợ
Thọ hỷ ly trí vô trợ Thọ hỷ ly trí vô trợ Thọ hỷ ly trí vô trợ
Thọ xả có trí có trợ Thọ xả có trí có trợ Thọ xả có trí có trợ
Thọ xả có trí vô trợ Thọ xả có trí vô trợ Thọ xả có trí vô trợ
Thọ xả ly trí có trợ Thọ xả ly trí có trợ Thọ xả ly trí có trợ
Thọ xả ly trí vô trợ Thọ xả ly trí vô trợ Thọ xả ly trí vô trợ

Hỏi: Sự khác nhau giữa 3 tâm: tâm đại thiện, tâm đại quả, tâm duy tác như thế nào?

Đáp: Tâm đại thiện là tâm khởi lên lúc đang tạo thiện nghiệp. Tâm đại quả là tâm khởi lên lúc nghiệp đang cho quả. Tâm duy tác là tâm khởi lên ở thân-khẩu-ý trong các hoạt động hằng ngày của Đức Phật và các bậc A La Hán.

Hỏi: Thế nào là tâm thọ hỷ có trí có trợ?

Đáp: Là khi tạo thiện nghiệp với tâm hoan hỷ, có trí hiểu về nghiệp và quả của nghiệp nhưng làm một cách thụ động, khi có người khác thúc giục mới làm.

Hỏi: Thế nào là tâm thọ hỷ có trí vô trợ?

Đáp: Là khi làm việc thiện với tâm hoan hỷ, có trí hiểu về nghiệp và quả lại hăng hái, chủ động, không cần ai phải nhắc nhở.

Hỏi: Thế nào là ly trí?

Đáp: Ly trí là khi làm việc thiện nhưng không có trí hiểu về nghiệp và quả của nghiệp như những người không hiểu biết về giáo pháp thì gọi là ly trí.

Hỏi: Thế nào là câu hành xả?

Đáp: Là khi làm việc thiện với tâm thản nhiên, không hoan hỷ thì gọi là câu hành xả.
■ 15 tâm sắc giới:

5 TÂM THIỆN SẮC GIỚI 5 TÂM QUẢ THIỆN SẮC GIỚI 5 TÂM DUY TÁC SẮC GIỚI
Sơ thiền Sơ thiền Sơ thiền
Nhị thiền Nhị thiền Nhị thiền
Tam thiền Tam thiền Tam thiền
Tứ thiền Tứ thiền Tứ thiền
Ngũ thiền Ngũ thiền Ngũ thiền


■ 12 tâm vô sắc giới:

4 TÂM THIỆN VÔ SẮC GIỚI 4 TÂM QUẢ THIỆN VÔ SẮC GIỚI 4 TÂM DUY TÁC VÔ SẮC GIỚI
Không vô biên xứ Không vô biên xứ Không vô biên xứ
Thức vô biên xứ Thức vô biên xứ Thức vô biên xứ
Vô sở hữu xứ Vô sở hữu xứ Vô sở hữu xứ
Phi tưởng phi phi tưởng xứ Phi tưởng phi phi tưởng xứ Phi tưởng phi phi tưởng xứ


■ 20 tâm đạo:

SƠ ĐẠO NHỊ ĐẠO TAM ĐẠO TỨ ĐẠO
Sơ thiền Sơ thiền Sơ thiền Sơ thiền
Nhị thiền Nhị thiền Nhị thiền Nhị thiền
Tam thiền Tam thiền Tam thiền Tam thiền
Tứ thiền Tứ thiền Tứ thiền Tứ thiền
Ngũ thiền Ngũ thiền Ngũ thiền Ngũ thiền

Tổng cộng:
• 12 tâm bất thiện (8 tham, 2 sân, 2 si);

• 18 tâm vô nhân (7 quả bất thiện, 8 quả thiện, 3 duy tác);
• 24 tâm dục giới tịnh hảo (8 đại thiện, 8 đại quả, 8 duy tác);
• 15 tâm sắc giới (5 thiện, 5 quả, 5 duy tác);
• 12 tâm vô sắc giới (4 thiện, 4 quả, 4 duy tác);
• 20 tâm đạo (5 sơ, 5 nhị, 5 tam, 5 tứ đạo);
• 20 tâm quả (5 sơ, 5 nhị, 5 tam, 5 tứ quả);
=121 tâm.

Hỏi: Nhân nào sinh ra tâm?

Đáp:
Nhân quá khứ:
Vô minh, tham ái, chấp thủ, hành nghiệp là Nhân, → Tâm là quả;
Nhân hiện tại:
Tâm sở, sắc căn, cảnh, tác ý là nhân Tâm là quả.

Hỏi: Thế nào là tính vô ngã của tâm?

Đáp: Bản chất của tâm là luôn luôn sinh lên rồi diệt đi. Vì tâm sinh diệt nên tâm là vô thường;
• Vì chịu sự sinh diệt bức bách liên tục nên tâm là khổ;
• Vì vô thường, khổ nên tâm không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta nên tâm là vô ngã.
Như vậy quán tất cả các tâm theo 11 cách ở:
Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, Bên trong – Bên ngoài, Thô – Tế, Cao thượng – Hạ liệt, Ở xa – Ở gần → Đều vô thường, khổ, vô ngã.

Hỏi: Quán tâm vô ngã để làm gì?

Đáp: Quán tâm là vô ngã:
• Để nhàm chán: nhàm chán đối với tâm;
• Để ly tham: ly tham đối với tâm;
• Để đoạn diệt: hết tham ái, chấp thủ đối với tâm;
• Để từ bỏ: đối với các hành nghiệp vì tâm;
• Để đạt được chánh trí: giác ngộ sự thật;
• Để chứng ngộ Niết Bàn: giải thoát tử sinh.

Hỏi: Tâm của bậc Thánh nhân với phàm nhân có sự khác nhau như thế nào?

Đáp:

Tâm của bậc Thánh Dự Lưu khác với phàm nhân:

Thánh Dự Lưu Phàm nhân
• Hết tà kiến về thân 5 uẩn (Sắc – thọ – tưởng – hành – thức là vô thường – khổ – vô ngã – bất tịnh);
• Có niềm tin tuyệt đối về nghiệp và quả của nghiệp:
– Nghiệp thiện có quả báu thiện;
– Nghiệp ác có quả báo ác…
• Còn tham – sân – si (vi tế).
• Còn tà kiến về thân 5 uẩn (Sắc – thọ – tưởng – hành – thức là thường – lạc – ngã – tịnh);
• Còn hoài nghi về nghiệp và quả của nghiệp:
– Không biết nghiệp thiện có quả báu thiện hay không?
– Không biết nghiệp ác có quả báo ác hay không?
• Còn tham – sân – si (thô).

Tâm bậc Thánh Nhất Lai khác với phàm nhân:

Nhất lai Phàm nhân
• Hết tà kiến về thân 5 uẩn (Sắc – thọ – tưởng – hành – thức là vô thường – khổ – vô ngã – bất tịnh);
• Có niềm tin tuyệt đối về nghiệp và quả của nghiệp (Nghiệp thiện có quả báu thiện. Nghiệp ác có quả báo ác).
• Còn tham – sân – si nhưng
khó khởi lên và rất vi tế.
• Còn tà kiến về thân 5 uẩn (Sắc – thọ – tưởng – hành – thức là thường – lạc – ngã – tịnh);
• Còn hoài nghi về nghiệp và quả của nghiệp (Không biết nghiệp thiện có quả báu thiện hay không? Không biết nghiệp ác có quả báo ác hay không?…)
• Tham sân si dễ khởi lên và rất mạnh.

Tâm bậc Thánh Bất Lai khác với phàm nhân:

Bất lai Phàm nhân
Hết tham dục với trần cảnh:
• Mắt không tham sắc;
• Tai không tham tiếng;
• Mũi không tham hương;
• Lưỡi không tham vị;
• Thân không tham xúc;
Còn ngã mạn và phóng dật vi tế.
Tham dục rất mạnh với trần cảnh:
• Mắt tham sắc;
• Tai tham tiếng;
• Mũi tham hương;
• Lưỡi tham vị;
• Thân tham xúc;
Ngã mạn và phóng dật rất lớn.

Tâm bậc Thánh A La Hán khác với phàm nhân:

A la hán Phàm nhân
• Hết sạch cả 12 tâm bất thiện.
• Tham – sân – si đã được diệt trừ hoàn toàn không bao giờ còn sinh khởi trở lại được.
• Sinh đã tận;
• Phạm hạnh đã thành;
• Việc cần làm đã làm xong;
• Đã đặt gánh nặng xuống;
• Đã diệt trừ hết kiết sử (phiền não);
• Đã đạt chánh trí giải thoát;
• Đã diệt tận khổ đau.
• Còn nguyên cả 12 tâm bất thiện: Tham – sân – si khởi lên hằng ngày.
• Sinh bất tận;
• Phạm hạnh chưa thành;
• Việc cần làm chưa xong;
• Chưa đặt gánh nặng xuống
• Chưa diệt trừ kiết sử (phiền não);
• Còn vô minh tham ái trói buộc;
• Chưa diệt tận khổ đau.

Hỏi: Muốn chế ngự được tâm tham – sân – si thì phải làm sao?

Đáp: Thực hành thiền quán bất tịnh thì chế ngự được tâm tham;
• Thực hành thiền tâm từ thì chế ngự được tâm sân;
• Thực hành thiền niệm hơi thở vào ra thì chế ngự được tâm si phóng dật.

Hỏi: Muốn diệt trừ hoàn toàn tâm tham – sân – si thì phải làm sao?

Đáp: Phải thực hành thiền Vipassanā:
• Phân biệt được tâm và các tâm sở;
• Phân biệt được các nhân sinh ra và diệt đi của tâm;
• Giác ngộ sự thật về sự vô thường – khổ – vô ngã của tâm;
• Còn hiểu sai sự thật: tâm là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì tham – sân – si còn sinh lên. Khi nào giác ngộ sự thật: tâm không phải là ta, không phải của ta, không phải là tự ngã của ta thì tham – sân – si không sinh lên nữa.

Hỏi: Tại sao có người thì thông minh trí tuệ; có người thì ngu si đần độn?

Đáp: Người ngu si là do có những hiểu biết sai, thường có tác ý sai sự thật để cho những phiền não tham – sân – si khởi lên thường xuyên.
Người có trí tuệ là do có hiểu biết đúng và thường có tác ý đúng sự thật nên trí tuệ thường khởi lên.

Hỏi: Tại sao lại có người có tánh hung dữ; người có tánh hiền thiện; có người thì không hung dữ, cũng không hiền thiện?

Đáp:
■ Người có tánh hung dữ:
• Nhân quá khứ: ảnh hưởng tập khí từ những chúng sinh hung dữ như: chúng sinh dưới địa ngục, A-tu-la, quỷ thần Dạ Xoa, những loài sư tử, hổ, báo, mãng xà,… tái sinh trở lại.
• Nhân hiện tại:
• Thường có ác ý không muốn chúng sinh được an vui;
• Hay ghen tị không muốn chúng sinh hơn mình;
• Hay bỏn xẻn không muốn chúng sinh được lợi ích như mình;
• Hay trạo hối thường hay oán trách chúng sinh.

Người có tánh hiền thiện:
• Nhân quá khứ: Ảnh hưởng tập khí từ những chúng sinh cao thượng như: các vị Phạm Thiên, chư Thiên tái sinh, người có nhiều kiếp quá khứ tu hành tái sinh.
• Nhân hiện tại:
• Thường có tâm từ: Mong cho chúng sinh được an vui;
• Thường có tâm bi: Mong cho chúng sinh thoát khổ đau;
• Thường có tâm hỉ: Mong cho chúng sinh không phải xa lìa những thành công – hạnh phúc;
• Thường có tâm xả: Tự tại với những hành nghiệp của chúng sinh.

Người trung tính không hung dữ cũng không hiền thiện:
• Nhân quá khứ: Có nguồn gốc tái sinh từ những chúng sinh hung dữ.
• Nhân hiện tại:
• Không ác ý;
• Không ghen tị;
• Không bỏn xẻn;
• Không oán trách.
Hoặc
• Nhân quá khứ: Có nguồn gốc tái sinh từ những chúng sinh cao thượng;
• Nhân hiện tại:
• Không có tâm từ;
• Không có tâm bi;
• Không có tâm hỉ;
• Không có tâm xả.

Hỏi: Tại sao có người có tà kiến, có người có chánh kiến?

Đáp: Người có tà kiến là do được tiếp thu những kiến thức sai trái và vị đó chấp nhận cho những kiến thức đó là đúng.
Người có chánh kiến là do:
• Được tiếp thu những kiến thức đúng với sự thật;
• Hoặc do tư duy, phân tích mà hiểu được sự thật;
• Hoặc do tu tập giác ngộ chân lý mà thể nhập với sự thật.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022