16. CHÁNH NIỆM

Sư Thanh Minh

Hỏi: Chánh niệm là gì?

Đáp: Chánh niệm là ghi nhớ những điều chân chánh.
• Chánh là chân chánh;
• Niệm là ghi nhớ.

Hỏi: Chánh niệm có đặc tính gì?

Đáp: Đặc tính của chánh niệm là ghi nhớ đối tượng.

Hỏi: Chánh niệm có nhiệm vụ gì?

Đáp: Nhiệm vụ của chánh niệm là canh giữ đối tượng.

Hỏi: Chánh niệm được thể hiện ra sao?

Đáp: Thể hiện của chánh niệm là không quên đối tượng.

Hỏi: Nhân gần của chánh niệm là gì?

Đáp: Nhân gần của chánh niệm là tưởng.

Hỏi: Tưởng nhớ cái gì thì được gọi là chánh niệm?

Đáp: Tưởng nhớ những đối tượng chân chánh khiến cho tâm trở nên vô tham, vô sân, vô si thì là chánh niệm.

Hỏi: Ghi nhớ những đối tượng gì thì tâm sẽ trở nên vô tham, vô sân, vô si?

Đáp: Ghi nhớ các đề mục thiền định và thiền quán như:
• Niệm Phật;
• Niệm Pháp;
• Niệm Tăng;
• Niệm giới;
• Niệm thí;
• Niệm Thiên;
• Niệm sự chết;
• Niệm Niết Bàn;
• Niệm hơi thở;
• Niệm xác chết;
• Niệm tứ đại;
• Niệm nhân duyên;
• Niệm sinh diệt;
• Niệm vô thường, khổ, vô ngã.

Hỏi: Chánh niệm thì có lợi ích gì?

Đáp:
• Từ chánh niệm sẽ có chánh định;
• Từ chánh định sẽ có chánh trí;
• Từ chánh trí sẽ có chánh giải thoát.

Hỏi: Thế nào là tà niệm?

Đáp: Tà niệm là ghi nhớ những điều sai trái.

Hỏi: Ghi nhớ cái gì thì là sai trái?

Đáp: Ghi nhớ những đối tượng làm sinh khởi những tâm dục tham, sân hận và tà kiến là tà niệm.

Hỏi: Ghi nhớ đối tượng gì thì sẽ sinh khởi dục tham?

Đáp: Ghi nhớ đối tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc khả ái, khả hỉ, khả lạc, hấp dẫn thì sẽ sinh dục tham.

Hỏi: Ghi nhớ đối tượng gì thì sẽ sinh sân hận?

Đáp: Ghi nhớ đối tượng chướng ngại như:
• Nó đã làm hại ta;
• Nó đang làm hại ta;
• Nó sẽ làm hại ta;
Hoặc
• Nó đã – đang – sẽ làm hại người ta yêu quý,…
Thì sẽ sinh tâm sân hận.

Hỏi: Ghi nhớ đối tượng gì thì sinh tâm tà kiến?

Đáp: Ghi nhớ những đối tượng không có thật như:
• Những nhân vật được tưởng tượng trong truyền thuyết.
• Hoặc ghi nhớ những điều sai sự thật như:
■ Sai sự thật = tà:
• Mọi thứ (tinh thần và vật chất) do ngẫu nhiên mà có hoặc do một vị thần linh tạo ra;
• Mọi thứ luôn luôn tồn tại;
• Còn sinh ra thì còn hạnh phúc;
• Mọi thứ đều là chân thật;
• Mọi thứ là thanh tịnh.

Hỏi: Một người tín đồ thường tưởng niệm đến vị giáo chủ mà mình tôn thờ thì là chánh niệm hay tà niệm?

Đáp:
• Nếu vị giáo chủ đó có thật thì là chánh niệm;
• Nếu vị giáo chủ đó không có thật thì là tà niệm.

Hỏi: Một người tín đồ thường tưởng nhớ đến một cõi Thiên giới mà mình mong muốn được sinh về đó thì là chánh niệm hay tà niệm?

Đáp:
• Nếu cõi Thiên giới đó có thật thì là chánh niệm;
• Nếu cõi Thiên giới đó không có thật thì là tà niệm.

Hỏi: Tại sao tưởng nhớ cái gì không có thật thì lại là tà niệm?

Đáp: Vì sinh ra niềm tin sai. Giống như có người nói dối mình là ở ngoài biển có một núi vàng. Người nào tin theo đi tìm vàng sẽ uổng công. Có nhiều kinh sách cũng nói sai như vậy ai tin thì cũng uổng công.

Hỏi: Làm sao mình biết được kinh sách nào đúng, kinh sách nào sai?

Đáp:
• Sách nào dạy tương ứng với bốn sự thật thì là đúng.
• Sách nào dạy trái với bốn sự thật thì là sai.

Hỏi: Có sách dạy: Tôn thờ vị giáo chủ Thiên giới để khi chết được sinh về đó sống với vị giáo chủ đó mãi mãi thì có tương ứng với bốn sự thật không?

Đáp: Không. Vì theo khổ đế: Là còn sinh ra thì còn phải chết đi, không có cõi nào sống mãi mãi được.

Hỏi: Tưởng nhớ đến những người thân như cha mẹ, con cái thì là chánh niệm hay tà niệm?

Đáp: Nhớ người thân mà đi kèm với tâm từ – bi – hỷ – xả thì là chánh niệm; đi kèm với tham ái, chấp thủ thì là tà niệm.

Hỏi: Thế nào là nhớ người thân đi kèm với tâm từ?

Đáp:
• Mong cho họ thoát hiểm nguy;
• Mong cho họ thoát khổ thân;
• Mong cho họ thoát khổ tâm;
• Mong cho họ được an vui.
Đó là nhớ người thân đi kèm với tâm từ.

Hỏi: Thế nào là nhớ đi kèm với tâm bi?

Đáp: Mong cho họ sớm giải thoát khổ đau sinh tử.

Hỏi: Thế nào là nhớ đi kèm với tâm hỷ?

Đáp: Mong cho họ không phải xa lìa những thành công tốt đẹp.

Hỏi: Thế nào là nhớ đi kèm với tâm xả?

Đáp: Họ là người thừa tự quả của nghiệp mà họ đã tạo.

Hỏi: Thế nào là nỗi nhớ đi kèm với tham ái?

Đáp: Nỗi nhớ đi kèm tham ái là khi:
• Mong cho người thân của tôi ở bên tôi mãi mãi không phải xa lìa;
• Mong cho tôi ở bên người thân mãi mãi không phải xa lìa.

Hỏi: Thế nào là nỗi nhớ đi kèm với chấp thủ?

Đáp:
• Tôi chỉ vui khi người thân vui;
• Tôi sẽ buồn khi người thân buồn;
• Người thân sẽ vui khi tôi vui;
• Người thân sẽ buồn khi tôi buồn.
→ Đó là chấp thủ, vì nghĩ là: “Có cái tôi ở người thân; Có cái người thân ở tôi”.

Hỏi: Nhớ bạn bè, những người quen biết thì là niệm gì?

Đáp:
• Nhớ mà đi kèm với tâm từ – bi – hỷ – xả thì là chánh niệm.
• Đi kèm với tham ái, chấp thủ thì là tà niệm.

Hỏi: Nhớ đến những người nổi tiếng thì là chánh niệm hay tà niệm?

Đáp:
• Nhớ đi kèm với trí là chánh niệm;
• Nhớ đi kèm với si là tà niệm.

Hỏi: Thế nào là nhớ đi kèm với trí?

Đáp: Là sự hiểu biết về người nổi tiếng đó:
• Có công đức gì cao thượng?
• Có trí tuệ gì cao thượng?
Nhớ đến công đức và trí tuệ của vị đó là chánh niệm.

Hỏi: Thế nào là tưởng nhớ đi kèm với si?

Đáp: Là tưởng nhớ mà không hiểu gì về họ:
• Hoặc người đó không có thật;
• Hoặc người đó còn tham – sân – si, nhưng được thế gian tôn xưng là thần thánh.
→ Đó là tưởng nhớ đi kèm với si = tà niệm.

Hỏi: Nhớ ơn những người đã giúp mình thì như thế nào?

Đáp:
• Nhớ ơn đi kèm với trí là chánh niệm;
• Nhớ ơn đi kèm với si là tà niệm.

Hỏi: Thế nào là nhớ ơn đi kèm với trí?

Đáp: Là nhớ ơn đi kèm với hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp. Ví dụ: Người này đã giúp đỡ ta; hoặc: Ta đã giúp đỡ người này:
• Nghiệp: Người giúp = đang tạo nghiệp;
• Quả: Người được giúp đỡ = đang thọ quả.

Hỏi: Niệm Phật là như thế nào?

Đáp: Là tưởng nhớ đến đức hạnh và trí tuệ của Phật.

Hỏi: Tưởng nhớ đức hạnh – trí tuệ của Phật để làm gì?

Đáp: Để làm tấm gương mà noi theo.

Hỏi: Niệm Pháp là niệm như thế nào?

Đáp: Là tưởng nhớ đến sự cao thượng của giáo pháp.

Hỏi: Tưởng nhớ đến sự cao thượng của giáo pháp để làm gì?

Đáp: Để tinh tấn thực hành theo.

Hỏi: Niệm Tăng là như thế nào?

Đáp: Là tưởng nhớ đến đức hạnh của chư Tăng.

Hỏi: Niệm Tăng để làm gì?

Đáp: Để noi theo tu tập.

Hỏi: Niệm thí là như thế nào?

Đáp: Là tưởng nhớ đến nghiệp thiện lúc làm bố thí.

Hỏi: Niệm thí để làm gì?

Đáp: Để hoan hỷ với phước thiện bố thí.

Hỏi: Niệm giới là làm sao?

Đáp: Là tưởng nhớ đến sự giữ gìn giới trong sạch.

Hỏi: Niệm giới để làm gì?

Đáp: Để ngăn ngừa những tội lỗi.

Hỏi: Niệm hơi thở là làm sao?

Đáp: Là nhận biết hơi thở vào ra ở cửa mũi.

Hỏi: Nhận biết hơi thở để làm gì?

Đáp: Để cho tâm định tĩnh, không tán loạn.

Hỏi: Khi tâm có nhiều dục tham thì nên niệm cái gì?

Đáp: Nên niệm về xác chết bất tịnh.

Hỏi: Niệm xác chết là làm sao?

Đáp: Là tưởng nhớ đến xác chết mà mình từng trông thấy.

Hỏi: Niệm xác chết để làm gì?

Đáp: Để đoạn trừ dục tham.

Hỏi: Khi tâm khởi lên tức bực, sân hận thì nên niệm cái gì?

Đáp: Nên niệm tâm từ.

Hỏi: Niệm tâm từ là làm sao?

Đáp: Cầu mong cho chúng sinh được an vui hạnh phúc.

Hỏi: Niệm tâm từ để làm gì?

Đáp: Để diệt trừ sân hận.

Hỏi: Khi tâm tán loạn, mông lung khởi lên thì phải niệm cái gì?

Đáp: Niệm hơi thở vào ra.

Hỏi: Niệm hơi thở vào ra để làm gì?

Đáp: Để cho tâm được định tĩnh, không tán loạn.

Hỏi: Một người ưa phân tích những pháp cao siêu thì nên niệm cái gì?

Đáp: Nên niệm tứ đại: Đất – nước – lửa – gió. Thân này chỉ là tứ đại.

Hỏi: Niệm tứ đại để làm gì?

Đáp: Để giác ngộ ra sự thật là cái thân này không phải của ta.

Hỏi: Khi tâm lười biếng khởi lên thì phải niệm cái gì?

Đáp: Thì nên niệm về sự chết.

Hỏi: Niệm sự chết như thế nào?

Đáp:
• Sự sống sẽ chấm dứt trong cái chết;
• Sự sống không chắc chắn;
• Cái chết thì chắc chắn;
• Chắc chắn ta sẽ chết;
• Chết, chết, chết…;
Đó là niệm sự chết.

Hỏi: Niệm sự chết để làm gì?

Đáp: Để kinh cảm sự chết mà tinh tấn hành thiền không lãng phí thời gian.

Hỏi: Muốn giác ngộ sự thật thì phải niệm gì?

Đáp: Phải niệm tứ niệm xứ:
• Niệm thân;
• Niệm thọ;
• Niệm tâm;
• Niệm pháp.

Hỏi: Thế nào là niệm thân?

Đáp: Thực hành những đề mục liên quan đến thân như:
• Niệm tứ đại: Phân tích 28 loại sắc pháp;
• Niệm 32 thân phần;
• Niệm xác chết;
• Niệm sự chết;
• Niệm hơi thở vào ra.

Hỏi: Thế nào là niệm thọ?

Đáp: Phải hành thiền minh sát quan sát 5 loại cảm thọ:
• Thọ hỷ;
• Thọ ưu;
• Thọ khổ;
• Thọ lạc;
• Thọ xả;
Được sinh ra từ sự tiếp xúc giữa 6 căn với 6 trần.

Hỏi: Thế nào là niệm tâm?

Đáp: Là hành thiền minh sát phân biệt các loại tâm thức gồm 89 tâm vương, 52 tâm sở do nhân duyên mà sinh lên, do nhân duyên mà diệt đi.

Hỏi: Thế nào là niệm Pháp?

Đáp:
• Niệm 1 pháp: Chúng sinh tồn tại nhờ vật thực;
• Niệm 2 pháp: Danh và sắc;
• Niệm 3 pháp: Thọ khổ – thọ lạc – thọ xả;
• Niệm 4 pháp: Bốn sự thật;
• Niệm 5 pháp: Năm triền cái – Năm thủ uẩn;
• Niệm 6 pháp: Sáu căn – Sáu trần;
• Niệm 7 pháp: Bảy giác chi;
• Niệm 8 pháp: Bát chánh đạo.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022