17. CHÁNH ĐỊNH

Sư Thanh Minh

Hỏi: Chánh định là gì?

Đáp: Chánh định là nhất tâm chân chánh.
• Chánh là chân chánh;
• Định là nhất tâm.

Hỏi: Định có những tính chất gì?

Đáp: Định có:
• Đặc tính: không lang thang;
• Nhiệm vụ: gom tâm lại;
• Biểu hiện: bình yên lặng lẽ;
• Nhân gần: lạc.

Hỏi: Nhất tâm như thế nào thì gọi là chánh định?

Đáp: Nhất tâm trên những đối tượng có thể đè nén được 5 triền cái làm cho tâm trở nên thanh tịnh thì được gọi là chánh định.

Hỏi: Có bao nhiêu đối tượng để phát triển định?

Đáp: Có 40 đối tượng để phát triển định:
• 10 kasiṇa;
• 10 tùy niệm;
• 10 tử thi;
• 4 vô lượng;
• 4 vô sắc;
• Niệm hơi thở;
• Quán 32 thể trược.
Tổng cộng: 40 đề mục.

Hỏi: Có bao nhiêu loại định?

Đáp: Có nhiều loại định:
■ Theo mức độ:
• Sát na định;
• Cận hành định;
• An chỉ định.
■ Theo cõi:
• Định dục giới;
• Định sắc giới;
• Định vô sắc giới.
■ Theo thế:
• Định hiệp thế;
• Định siêu thế.

Hỏi: Thế nào là sát na định?

Đáp: Là sự nhất tâm trên đối tượng trong một chốc lát.

Hỏi: Thế nào là cận hành định?

Đáp: Cận hành định là đã gần sát với định an chỉ nhưng thỉnh thoảng tâm còn bắt sang những đối tượng khác.

Hỏi: Thế nào là an chỉ định?

Đáp: Là sự nhất tâm trọn vẹn. Tâm an trú trên một đối tượng liên tục.

Hỏi: Thế nào là định dục giới?

Đáp: Sát na định và cận hành định sinh khởi lên ở lộ tâm dục giới nên gọi là định dục giới.

Hỏi: Thế nào là định sắc giới?

Đáp: An chỉ định sơ thiền đến tứ thiền là lộ tâm của sắc giới nên gọi là định sắc giới.

Hỏi: Thế nào là định vô sắc giới?

Đáp: An chỉ định của 4 tầng thiền vô sắc là lộ tâm vô sắc nên gọi là định vô sắc giới.

Hỏi: Thế nào là định hiệp thế?

Đáp: Tất cả các thiền dục giới – sắc giới – vô sắc giới đều là thiền hiệp thế.

Hỏi: Tại sao gọi là thiền hiệp thế?

Đáp: Vì nó là những thiện nghiệp, là nhân để sinh về các cõi sống trong tam giới.

Hỏi: Thế nào là thiền siêu thế?

Đáp: Là thiền của những bậc đã giác ngộ, giải thoát khỏi tam giới.

Hỏi: Thiền siêu thế lấy gì làm đối tượng?

Đáp: Lấy Niết Bàn làm đối tượng.

Hỏi: Thiền siêu thế có làm nhân để sinh về đâu không?

Đáp: Không. Thiền siêu thế là kết quả của trí tuệ giải thoát, không để lại nghiệp nhân.

Hỏi: Những đề mục thiền nào có thể chứng đắc định cận hành?

Đáp: Có 10 đề mục:
• Niệm Phật;
• Niệm Pháp;
• Niệm Tăng;
• Niệm Niết Bàn;
• Niệm giới;
• Niệm thí;
• Niệm Thiên;
• Niệm sự chết;
• Niệm vật thực;
• Niệm tứ đại.

Hỏi: Những đề mục nào đắc được an chỉ định?

Đáp: 30 đề mục còn lại đắc được an chỉ định.

Hỏi: Muốn thực hành thiền định thì cần có những điều kiện gì?

Đáp: Cần những điều kiện sau:

  1. Giữ giới:
    • Giới căn bản: 5 giới, 8 giới, 10 giới,…
    • Giới thu thúc: tránh ngoại cảnh không thích hợp;
    • Giới nuôi mạng: kiếm ăn chân chánh;
    • Giới tri túc: biết đủ với những vật dùng hằng ngày.
  2. Viễn ly:
    • Tránh xa chỗ ở ồn ào không thích hợp;
    • Tránh xa hội chúng không thích hợp;
    • Tránh xa người thô lỗ, người quá thân thiết, người khác phái.
  3. Buông xả:
    Buông bỏ đời sống hưởng thụ dục lạc như:
    • Ưa thích sự sang trọng;
    • Ưa thích ăn ngon, ngủ nhiều;
    • Ưa thích tụ tập bạn bè, nói chuyện thế tục;
    • Ưa thích vui chơi, giải trí, xem nghe ca kịch;
    • Ưa thích giàu sang quyền lực, danh vọng;
    • Ưa thích hẹn hò đôi lứa;
    • Ưa thích những việc lặt vặt như: nấu ăn, dọn dẹp, trồng cây, nuôi thú, đọc báo, nghe đài,…
  4. Cần hỗ trợ:
    • Người thầy: có kinh nghiệm về pháp hành thiền định tận tình chỉ dạy.
    • Người hộ độ: có người hộ độ những vật dụng cần dùng như sàng tọa, y phục, thuốc men, vật thực khi cần.
  5. Niềm tin:
    • Tin vào sự hành thiền đã đạt được sự giác ngộ của Đức Phật;
    • Tin vào sự thực hành thiền nên đã đạt được sự giải thoát của các đệ tử Đức Phật;
    • Tin vào sự thực hành thiền của mình cũng sẽ đi đến giải thoát.
  6. Tinh tấn:
    • Dù thân này có mệt mỏi cũng không lo sợ;
    • Dù thân này có đau đớn cũng không lo sợ;
    • Dù thân này có bệnh tật cũng không lo sợ;
    • Dù phải thực hành nhiều năm tháng cũng không lo sợ;
    • Dù thân này có kiệt sức cũng không lo sợ;
    • Dù thân này có gặp nguy hiểm cũng không lo sợ;
    • Dù thân này có phải chết cũng không lo sợ.
  7. Chánh niệm:
    • Giữ chánh niệm trên đề mục thiền trong khi ngồi thiền;
    • Giữ chánh niệm trong lúc đi thiền hành;
    • Giữ chánh niệm ở mọi lúc, mọi nơi.
  8. Định tập trung tâm trên đề mục:
    • Nhất tâm trên đề mục;
    • Định tĩnh trên đề mục;
    • Không suy tư sang những chuyện khác như: Tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối, hoài nghi.
  9. Tuệ hiểu rõ mục đích của việc hành thiền:
    • Hiểu rõ lợi ích của việc hành thiền;
    • Hiểu biết rõ đề mục, cách nhận biết và duy trì đề mục đó.

Hỏi: Mục đích của thiền định là gì?

Đáp: Mục đích của thiền định để làm nền tảng phát triển thiền tuệ.

Hỏi: Lợi ích của thiền định là gì?

Đáp:
• Định làm cho tâm được thanh tịnh;
• Thoát khỏi những cấu uế của 5 triền cái;
• Trú trong sự an lạc tối thượng;
• Phát triển được thắng trí, các năng lực thần thông.

Hỏi: Muốn thực hành thiền hơi thở thì phải như thế nào?

Đáp: Thực hành thiền hơi thở thì phải:
• Tư thế ngồi thoải mái;
• Giữ lưng thẳng, đầu thẳng;
• Mắt nhắm lại hoàn toàn;
• Để tâm ở điểm xúc chạm;
• Nhận biết hơi thở đi vào và đi ra.

Hỏi: Có cần phải ngồi theo tư thế kiết già hay bán già không?

Đáp: Ngồi tư thế nào cũng được, không quan trọng.

Hỏi: Khi đau chân thì phải làm sao?

Đáp: Thì trở chân một cách nhẹ nhàng.

Hỏi: Mỗi lần ngồi bao nhiêu thời gian thì đủ?

Đáp: Không giới hạn thời gian, nên cố gắng ngồi càng lâu càng tốt: 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ,…

Hỏi: Mỗi ngày ngồi mấy thời thì đủ?

Đáp: Không giới hạn số lần. Ngồi càng nhiều càng tốt.

Hỏi: Có nên mở mắt một chút để khỏi bị hôn trầm không?

Đáp: Không. Mở mắt một chút cũng khó phát triển được định.

Hỏi: Để tâm ở điểm xúc chạm là ở đâu?

Đáp: Ở chóp mũi, ở môi trên, ở cánh mũi. Khi hơi thở đi vào đi ra đều chạm vào da của 3 chỗ đó nên gọi là điểm xúc chạm.

Hỏi: Có được quan sát hơi thở ở những chỗ khác như: ở lồng ngực; ở bụng, ở đan điền không?

Đáp: Không. Theo hơi thở vào trong người thì tâm sẽ bắt vào tứ đại chứ không còn là hơi thở nữa.

Hỏi: Hành thiền khoảng bao lâu thì sẽ đắc định?

Đáp: Nếu chánh niệm mạnh thì một thời gian ngắn là đắc định. Nếu chánh niệm yếu thì mất nhiều thời gian hơn.

Hỏi: Làm sao để biết là đắc định?

Đáp: Khi đắc định thì tâm sẽ thấy được quang tướng. Đó là một loại ánh sáng, là sắc do tâm sinh.

Hỏi: Quang tướng đó như thế nào?

Đáp: Quang tướng có 3 loại:
• Chuẩn bị tướng: Ánh sáng màu xám mờ mờ;
• Học tướng: Ánh sáng trở nên trắng hơn;
• Tợ tướng: Ánh sáng trong suốt và tỏa sáng rực rỡ.

Hỏi: Như thế nào là chánh niệm mạnh?

Đáp: Là tâm tập trung trên hơi thở liên tục 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ,… không gián đoạn.

Hỏi: Như thế nào là chánh niệm yếu?

Đáp: Là tâm tập trung không được lâu, thường hay bị quên đối tượng chú tâm và hay hướng sang đối tượng khác.

Hỏi: Người có chánh niệm yếu thì phải khắc phục như thế nào?

Đáp: Phải để ý xem tâm hay hướng đến cái gì trong 5 triền cái:
• Tham dục;
• Sân hận;
• Hôn trầm;
• Trạo hối;
• Hoài nghi.
Cố gắng dứt bỏ cái ô nhiễm đó đi thì chánh niệm sẽ tăng lên.

Hỏi: Khi thấy quang tướng xuất hiện rồi thì phải làm gì tiếp theo?

Đáp: Khi mới xuất hiện, quang tướng còn rất yếu nên đừng chú tâm vào nó:
• Đừng quan tâm đến màu sắc;
• Đừng quan tâm đến hình dáng;
• Đừng quan tâm đến kích cỡ…
Mà vẫn quan sát hơi thở vào ra bình thường.

Hỏi: Khi nào thì biết được quang tướng đã vững mạnh?

Đáp: Khi nào quang tướng đó dính liền với hơi thở và duy trì được suốt cả thời thiền từ 2 giờ đến 3 giờ là đã vững mạnh.

Hỏi: Việc tiếp theo là phải làm gì?

Đáp: Khi quang tướng duy trì liên tục từ 2 giờ đến 3 giờ thì chuyển tâm sang quan sát quang tướng đó.

Hỏi: Quan sát quang tướng như thế nào?

Đáp: Tập trung tâm vào một điểm sáng ở ngay trước mặt rồi cố gắng duy trì càng lâu càng tốt.

Hỏi: Duy trì trên quang tướng đó bao lâu thì được?

Đáp: Duy trì quang tướng được từ 2 giờ đến 3 giờ liên tục, không gián đoạn là đã vào được an chỉ định.

Hỏi: Nếu quang tướng thường xuyên bị gián đoạn thì phải làm sao?

Đáp: Thì phải quân bình 5 căn: tín – tấn – niệm – định – tuệ.

Hỏi: Quân bình 5 căn đó như thế nào?

Đáp: Quân bình là giữ cho các căn quyền đó ở mức cân bằng không để nó quá mạnh hoặc quá yếu.
• Quân bình tín với tuệ;
• Quân bình tấn với định;
• Quân bình định với tuệ.

Hỏi: Khi tâm trở nên lười biếng thì phải làm sao?

Đáp: Khi tâm lười biếng thì phải tác ý đến 3 giác chi:
Trạch pháp (trí tuệ) – Tinh tấn – Hỷ.

Hỏi: Làm thế nào để phát sinh được trạch pháp?

Đáp: Có 7 pháp phát sinh trạch pháp (trí tuệ):
• Đặt câu hỏi;
• Làm sạch nội – ngoại xứ;
• Quân bình các căn;
• Tránh những kẻ thiếu trí tuệ;
• Thân cận người có trí;
• Ôn lại lĩnh vực tri kiến sâu xa;
• Quyết định đối với trạch pháp.

Hỏi: Làm thế nào để phát sinh tinh tấn?

Đáp: Có 11 pháp đưa đến phát khởi tinh tấn (Xem phần chánh tinh tấn).

Hỏi: Làm thế nào để phát sinh hỷ?

Đáp: 11 pháp phát sinh hỷ:
• Niệm Phật;
• Niệm Pháp;
• Niệm Tăng;
• Niệm giới;
• Niệm thí;
• Niệm Thiên;
• Niệm Niết Bàn;
• Tránh người thô lỗ;
• Gần người thanh cao;
• Đọc lại những khích lệ;
• Quyết định đối với hỉ.

Hỏi: Khi tâm trở nên tinh tấn thái quá thì phải làm sao?

Đáp: Khi tinh tấn mạnh quá thì phải tác ý đến 3 giác chi: Khinh an – Định – Xả.

Hỏi: Làm thế nào để phát sinh được khinh an?

Đáp: Bảy pháp làm sinh khởi khinh an:
• Dùng thực phẩm bậc thượng;
• Ở trong khí hậu tốt;
• Giữ tư thế thoải mái;
• Làm theo trung đạo;
• Tránh kẻ hung hăng;
• Gần người có thân hành an tịnh;
• Quyết tâm đối với khinh an.

Hỏi: Làm thế nào để phát sinh được định?

Đáp: Mười một pháp sinh khởi định:
• Làm sạch nội – ngoại xứ;
• Thiện xảo về tướng;
• Quân bình các căn;
• Chế ngự tâm đúng lúc;
• Tu tập tâm đúng lúc;
• Khích lệ tâm đúng lúc;
• Nhìn mọi sự với tâm xả;
• Tránh xa người không định tĩnh;
• Thân cận người định tĩnh;
• Ước muốn chứng thiền và giải thoát;
• Quyết tâm đối với định.

Hỏi: Làm thế nào để phát sinh được xả?

Đáp: Năm pháp sinh khởi xả:
• Giữ tâm xả đối với các hữu tình;
• Giữ tâm xả đối với các hành;
• Tránh người nhiều tình cảm;
• Thân cận người có tâm xả;
• Quyết tâm đối với xả.

Hỏi: Trong khi hành thiền thì cái gì là quan trọng nhất?

Đáp: Chánh niệm là quan trọng nhất.
• Có chánh niệm thì tâm thiền sẽ được quân bình;
• Có chánh niệm thì các triền cái sẽ không khởi lên;
• Có chánh niệm thì vọng tưởng sẽ hết;
• Có chánh niệm thì sẽ đạt được chánh định.

Hỏi: Làm sao để biết mình đã đạt được sơ thiền?

Đáp: Thiền giả cần quan sát tâm hữu phần (bhavaṅga) và nimitta (quang tướng). Nếu thấy nimitta xuất hiện trong tâm hữu phần thì thiền giả đã đắc sơ thiền.

Hỏi: Phân biệt tâm hữu phần như thế nào?

Đáp: Thiền giả trú tâm trong quang tướng từ 1 giờ đến 2 giờ rồi hướng tâm xuống vùng trái tim, một dòng tâm sáng rực hướng lên mạnh mẽ. Đó là tâm hữu phần.

Hỏi: Thế nào là nimitta xuất hiện ở hữu phần?

Đáp: Nimitta là một nhóm tổng hợp sắc của hơi thở, nó sáng chói ở gần điểm xúc chạm. Khi hướng tâm xuống trái tim thiền giả sẽ thấy nó phản chiếu sâu xuống dưới vùng ánh sáng của tâm hữu phần. Đó là nimitta xuất hiện ở bhavaṅga.

Hỏi: Cần hướng tâm xuống trái tim bao lâu để thấy nimitta xuất hiện ở bhavaṅga?

Đáp: Trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 3 – 5 giây.

Hỏi: Quan sát nimitta xuất hiện ở bhavaṅga để làm gì?

Đáp: Để hiểu cách phân biệt 5 thiền chi.

Hỏi: Phân biệt 5 thiền chi như thế nào?

Đáp: Mỗi lần phân biệt 1 chi, khi đã thuần thục thì có thể phân biệt cả 5 chi 1 lần.
• Tầm: Hướng và đặt tâm vào tợ tướng (nimitta);
• Tứ: Duy trì và bám sát tợ tướng;
• Hỉ: Thích thú với tợ tướng;
• Lạc: Thoải mái, dễ chịu với tợ tướng;
• Nhất tâm: Tâm lặng lẽ an trú trên tợ tướng.

Hỏi: Nếu chưa đắc sơ thiền thì có thể phân biệt được 5 thiền chi không?

Đáp: Nếu chưa đắc sơ thiền thì nimitta sẽ không phản chiếu rõ ràng dưới bhavaṅga và các thiền chi cũng rất yếu ớt, không rõ ràng.

Hỏi: Muốn lên nhị thiền thì phải làm sao?

Đáp:
• Phải trải qua 5 pháp thuần thục trước:
• Thuần thục nhập thiền;
• Thuần thục xuất thiền;
• Thuần thục quyết định thời gian nhập thiền;
• Thuần thục quan sát thiền chi;
• Thuần thục phản khán thiền chi.
• Tác ý đến sự bất lợi của sơ thiền:
• Sơ thiền còn gần với 5 triền cái;
• Hai thiền chi tầm – tứ thô thiển;
• Ở nhị thiền, 3 thiền chi hỉ – lạc – nhất tâm an tịnh hơn.
• Tác ý từ bỏ tầm – tứ để lên nhị thiền.
• Xuất khỏi sơ thiền, tác ý như trên rồi nhập vào tợ tướng. Thiền giả sẽ đắc nhị thiền.

Hỏi: Muốn lên tam thiền thì phải làm sao?

Đáp: Sau khi đã thực hành 5 pháp thuần thục với nhị thiền, hành giả:
• Xuất ra khỏi nhị thiền đã quen thuộc.
• Tác ý đến bất lợi của nhị thiền:
• Còn gần với sơ thiền, có thiền chi hỷ dao động, thô thiển;
• Ở tam thiền, 2 thiền chi lạc – nhất tâm an tịnh hơn;
• Tác ý từ bỏ hỷ để lên tam thiền;
• Nhập tợ tướng trở lại thiền giả sẽ đắc tam thiền.

Hỏi: Muốn lên tứ thiền thì phải làm sao?

Đáp: Sau khi đã thực hành 5 pháp thuần thục với tam thiền, hành giả:
• Xuất ra khỏi tam thiền đã quen thuộc.
• Tác ý đến bất lợi của tam thiền: còn gần với nhị thiền, có thiền chi lạc dao động, thô thiển;
• Ở tứ thiền, hai thiền chi xả – nhất tâm an tịnh hơn;
• Tác ý từ bỏ lạc để lên tứ thiền.
• Nhập tợ tướng trở lại, thiền giả sẽ đắc tứ thiền.

Hỏi: Sau khi đắc tứ thiền rồi thì nên hành đến thiền gì tiếp theo?

Đáp: Nên quán 32 thể trược, rồi lần lượt thực hành hết cả 40 đề mục thiền. Muốn hiểu thêm thì hãy học luận “Thanh tịnh đạo”.

Hỏi: Tại sao lại hành 32 thể trược trước?

Đáp: Vì hành 32 thể trược xong, thiền giả sẽ hành được 4 kasiṇa màu:
• Kasiṇa trắng từ màu trắng của xương;
• Kasiṇa vàng từ màu vàng của nước tiểu;
• Kasiṇa đen từ màu đen của tóc;
• Kasiṇa đỏ từ màu đỏ của máu.

Hỏi: Muốn tu tập thần thông thì phải hành thiền gì?

Đáp: Phải hành 8 thiền chứng của 10 kasiṇa và thực hành 14 pháp thuần thục (đọc thêm Thanh tịnh đạo).

Hỏi: Muốn thực hành vào thiền tuệ thì phải hành thiền gì?

Đáp: Nếu phân biệt danh trước thì nhập vào các tầng thiền rồi xuất ra và phân biệt các tâm hành của nó (phải học bảng danh và phải được hướng dẫn chi tiết).
Nếu phân biệt sắc trước thì phải thực hành qua thiền tứ đại và phân biệt 28 loại sắc hiện hữu ở 6 căn và 32 thân phần. Phải học 28 loại sắc và phải được hướng dẫn chi tiết.

Hỏi: Thế nào là tà định?

Đáp: Là sự thực hành không đúng rồi sinh ra sự ngộ nhận sai lầm.

Hỏi: Như thế nào là thực hành không đúng?

Đáp: Hành giả không biết cách nhận biết đề mục thiền rồi chú tâm sai đối tượng, hoặc hiểu sai lời Phật dạy trong kinh điển rồi thực hành sai. Ví dụ:
• Hành thiền hơi thở nhưng không quan sát hơi thở ở điểm xúc chạm là hành sai.
• Hơi thở dài – ngắn là dài ngắn về thời gian, nếu quan sát chiều dài – ngắn về không gian là hành sai.
• Cảm giác toàn thân hơi thở là quan sát hơi thở toàn diện từ thời gian đầu – giữa – cuối. Nếu quan sát trên thân mình là sai.
• Chú tâm vào một điểm nào đó trên tứ đại là sai:
• Quan sát tính nóng – lạnh là sai;
• Quan sát tính cứng – mềm – nặng – nhẹ – thô – mịn là sai;
• Quan sát tính đẩy, hỗ trợ là sai;
• Quan sát tính chảy, dính là sai;
Quan sát những đối tượng khác ngoài hơi thở là sai.

Hỏi: Như thế nào là sự ngộ nhận?

Đáp:
• Khi chưa đắc định mà tưởng đã đắc định là ngộ nhận;
• Khi chưa đắc thiền mà tưởng đã đắc thiền là ngộ nhận;
• Chưa đắc thắng trí mà tưởng có thắng trí là ngộ nhận;
• Khi chưa hành thiền quán mà tưởng đã đắc đạo là ngộ nhận.

Hỏi: Thế nào là đắc định? Thế nào là ngộ nhận đã đắc định?

Đáp: Khi đắc định thì có sự xuất hiện của quang tướng.
• Ánh sáng trí tuệ sinh khởi từ sắc trái tim;
• Ánh sáng nimitta sinh khởi từ hơi thở.
Cả hai ánh sáng này cùng tập trung ở hơi thở thì hành giả đã đắc 1 trong 3 loại định:
• Sát na định;
• Cận hành định;
• An chỉ định.
■ Ngộ nhận đắc định:
• Chưa xuất hiện quang tướng;
• Chú tâm sai đối tượng vẫn có ánh sáng xuất hiện;
• Tâm rơi vào hữu phần nửa tỉnh nửa mê.
Hành giả nghĩ mình đã đắc định là ngộ nhận.

Hỏi: Thế nào là đắc thiền? Thế nào là ngộ nhận đắc thiền?

Đáp: Khi tâm nhận biết nimitta liên tục không gián đoạn thì sẽ xuất hiện 5 thiền chi và chế ngự được hoàn toàn 5 triền cái:
• Tầm đè nén hôn trầm;
• Tứ đè nén hoài nghi;
• Hỉ đè nén sân hận;
• Lạc đè nén trạo cử;
• Định đè nén tham dục;
Như vậy là đã đắc sơ thiền.
• Khi tâm an trú trên nimitta chưa được liên tục nhiều giờ;
• Định còn non yếu;
• Tâm còn nhận biết các cảm thọ trên thân hoặc các cảnh khác;
• Các thiền chi chưa mạnh;
• Các triền cái chưa được đè nén;
Hành giả nghĩ mình đã đắc thiền là ngộ nhận.

Hỏi: Thế nào là đắc thần thông? Thế nào là ngộ nhận đắc thần thông?

Đáp: Muốn đắc thần thông phải thực hành 10 kasiṇa và 14 pháp thuần thục trên 8 kasiṇa.
• Trước khi thực hiện thần thông, vị đó cần xuất khỏi tầng thiền căn bản;
• Quyết định thực hiện thần thông;
Nếu đắc thần thông thì lộ tâm thần thông sẽ khởi lên.
■ Ngộ nhận đắc thần thông:
Một số người hành thiền sau một thời gian thì xuất hiện quang tướng. Tùy theo cái tưởng mà quang tướng sẽ biến hiện nhiều cảnh tưởng khác nhau.
Hành giả tưởng đến cảnh gì thì cảnh đó xuất hiện. Hành giả nghĩ rằng những cảnh đó là thật rồi ngộ nhận rằng mình đã đắc thần thông. Thực ra đó chỉ là tưởng tượng.

Hỏi: Thế nào là đắc đạo? Thế nào là ngộ nhận đắc đạo?

Đáp: Đắc đạo là kết quả của pháp thiền quán vô thường – khổ – vô ngã trên danh sắc chân đế:
• Khi nào thấy được sự diệt tận của danh sắc;
• Thấy được Niết Bàn;
• Thấy được sự đoạn trừ phiền não;
• Thấy được đạo quả mà mình chứng đắc.
■ Ngộ nhận đắc đạo:
• Chưa quán tam tướng vô thường – khổ – vô ngã trên danh sắc chân đế;
• Chưa thấy sự diệt tận của danh sắc;
• Chưa thấy Niết Bàn hoặc nhận nhầm quang tướng trên thân là Niết Bàn;
• Chưa đoạn diệt được các phiền não;
• Vẫn còn tà kiến tham ái với 5 uẩn là: thường – lạc – ngã – tịnh.
Vị đó tưởng mình đắc đạo là đang ngộ nhận sai lầm.

Hỏi: Quán vô thường – khổ – vô ngã trên danh sắc chân đế là như thế nào?

Đáp: Danh – sắc chân đế là sự thật tột cùng, luôn có tính sinh diệt không ngừng. Muốn thấy được nó phải có định thật sâu làm nền tảng và phải có tuệ sắc bén để quan sát:
• Vì nó luôn sinh diệt nên nó vô thường;
• Vì nó vô thường nên nó khổ;
• Vì nó khổ nên nó không có tự ngã = vô ngã.

Hỏi: Thế nào là sự diệt tận của danh sắc?

Đáp: Khi quán tam tướng trên danh sắc hành giả sẽ sinh tâm nhàm chán dẫn đến từ bỏ tham ái, chấp thủ:
• Còn tham ái – chấp thủ thì danh sắc còn sinh lên;
• Hết tham ái – chấp thủ thì danh sắc sẽ diệt đi mà không sinh trở lại = diệt tận.
• Danh sắc không sinh lên cũng đồng nghĩa với chứng ngộ Niết Bàn – giải thoát sinh tử.

Hỏi: Tại sao lại nhận nhầm quang tướng trên thân là Niết Bàn?

Đáp: Một số thiền sinh khi hành thiền có được một chút tâm thanh tịnh, ánh sáng phát sinh. Nếu không được hướng dẫn nghiêm túc, vị đó sẽ đi theo sự suy tưởng sai lầm cho rằng mình đã chứng ngộ đạo quả rồi, nhận nhầm quang tướng là Niết Bàn.

Hỏi: Thế nào là tham ái, chấp thủ 5 uẩn? Thế nào là hết tham ái, chấp thủ 5 uẩn?

Đáp: Nếu còn là phàm phu thì còn tà kiến cho rằng 5 uẩn là: thường – lạc – ngã – tịnh. Một người giác ngộ ở bước đầu tiên đã đoạn trừ được tà kiến này: 5 uẩn mãi mãi là vô thường – khổ – vô ngã – bất tịnh.

Hỏi: Có người không thực hành thiền định cũng không quán chiếu danh sắc chân đế nhưng vẫn tự cho mình đã ngộ đạo. Như thế thì họ có giác ngộ thật không?

Đáp:
• Có người nghe một bài kệ là giác ngộ;
• Có người nghe một bài kinh là giác ngộ;
• Có người thực hành thuần pháp thiền tuệ là giác ngộ;
• Có người thực hành chỉ – quán và giác ngộ;
• Có người thực hành vẫn phải chờ nhiều kiếp sau mới giác ngộ.
Có nhiều Tam Tạng giác ngộ như thế. Nhưng sự giác ngộ chỉ có một. Đó là giác ngộ bốn sự thật:
• Khổ đế = thấy 5 uẩn luôn sinh diệt cần phải thấy – đã thấy;
• Tập đế = phiền não bất thiện, cần phải đoạn – đã đoạn;
• Diệt đế = Niết Bàn tịch diệt, cần phải chứng – đã chứng;
• Đạo đế = Bát chánh đạo, cần phải tu – đã tu.
Nếu chưa tuệ tri bốn sự thật này mà nghĩ mình đã đắc đạo thì sẽ rơi vào ngộ nhận.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại