12. CHÁNH NGỮ

Sư Thanh Minh

Hỏi: Thế nào là chánh ngữ?

Đáp: Chánh ngữ là nói lời chân chánh.
• Chánh là chân chánh;
• Ngữ là lời nói.

Hỏi: Như thế nào là lời nói chân chánh?

Đáp: Là lời nói đúng với sự thật và có lợi ích cho người nghe.

Hỏi: Thế nào là tà ngữ?

Đáp: Là lời nói không đúng với sự thật và không có lợi ích.

Hỏi: Nói đúng sự thật nhưng không có lợi ích thì là chánh ngữ hay tà ngữ?

Đáp: Tà ngữ.

Hỏi: Nói đúng sự thật có lợi ích nhưng người ta không thích nghe thì là chánh ngữ hay tà ngữ?

Đáp: Nếu nói đúng thời thì là chánh ngữ.

Hỏi: Lời nói không có lợi ích mà người khác thích nghe thì là chánh ngữ hay tà ngữ?

Đáp: Tà ngữ.

Hỏi: Như thế nào là lời nói có lợi ích? Như thế nào là lời nói không có lợi ích?

Đáp:
■ Lời nói có lợi ích là:
• Khiến cho người nghe hiểu biết sự thật về nỗi khổ của sinh tử;
• Khiến cho người nghe nhàm chán dục lạc thế gian;
• Khiến cho người nghe mong muốn đạt được sự an vui giải thoát;
• Khiến cho người nghe tinh tấn thực hành giới-định-tuệ để sớm chấm dứt khổ đau.
■ Lời nói vô ích là:
• Khiến cho người nghe hiểu sai sự thật về nỗi khổ trong sinh tử.
• Khiến cho người nghe ưa thích dục lạc thế gian.
• Khiến cho người nghe không muốn giải thoát sinh tử.
• Khiến cho người nghe thực hành tà pháp.

Hỏi: Thế nào là tà ngữ?

Đáp: Tà ngữ là:
• Nói dối;
• Nói chia rẽ;
• Nói nhảm nhí;
• Nói thô tục.

Hỏi: Thế nào là nói dối?

Đáp: Nói dối là:
• Không thấy nói thấy. Thấy nói không thấy;
• Không nghe nói nghe. Nghe nói không nghe;
• Không biết nói biết. Biết nói không biết.

Hỏi: Thế nào là nói chia rẽ?

Đáp: Là lời nói đi kèm với ác tâm làm cho hai người đang thân thiết trở thành oán ghét nhau là nói chia rẽ.

Hỏi: Thế nào là nói nhảm nhí?

Đáp:
• Bàn luận những chuyện thế sự;
• Những câu chuyện không có lợi ích;
• Không liên hệ đến mục đích giải thoát.

Hỏi: Thế nào là nói thô tục?

Đáp:
• Chửi rủa;
• Mắng nhiếc;
• Vu khống;
• Chê bai;
• Chỉ trích.

Hỏi: Thế nào là thiện ngữ?

Đáp:
• Không nói dối;
• Không nói chia rẽ;
• Không nói nhảm nhí;
• Không nói thô tục.

Hỏi: Thế nào là không nói dối?

Đáp:
• Thấy nói thấy. Không thấy nói không thấy;
• Nghe nói nghe. Không nghe nói không nghe;
• Biết nói biết. Không biết nói không biết.

Hỏi: Thế nào là không nói chia rẽ?

Đáp: Là lời nói có đi kèm với tâm từ khiến cho mọi người trở nên đoàn kết, hòa hợp, thương yêu, gắn bó với nhau.

Hỏi: Thế nào là không nói nhảm nhí?

Đáp: Là chỉ nói những lời có lợi ích, có liên hệ đến mục đích giải thoát. Có 10 thứ lời nói thích hợp:
• Nói về ít dục;
• Về tri túc;
• Về viễn ly;
• Về không hội họp;
• Về tinh cần tinh tấn;
• Về giới;
• Về định;
• Về tuệ;
• Về giải thoát;
• Về giải thoát tri kiến.

Hỏi: Thế nào là không nói thô tục?

Đáp: Là nói những lời:
• Có văn hóa;
• Có giáo dục;
• Có từ ái;
• Có trí tuệ.

Hỏi: Viết sách vở để giảng giải về sự thật thì có phải chánh ngữ không?

Đáp: Có.

Hỏi: Ở đời dạy bảo, truyền đạt cho nhau những kiến thức, những hiểu biết về các pháp thế gian thì có phải chánh ngữ không?

Đáp: Nếu những kiến thức thế gian đó làm tăng trưởng tham – sân – si thì đó là tà ngữ; còn nếu làm giảm tham – sân – si thì đó là chánh ngữ.

Hỏi: Sự khác nhau giữa chánh ngữ thế gian và chánh ngữ giải thoát?

Đáp: Chánh ngữ thế gian là những lời nói có lợi ích, có sự an vui giới hạn ở kiếp này. Chánh ngữ giải thoát là những lời nói có lợi ích, hướng mọi người đến chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát luân hồi sinh tử.

Hỏi: Thế nào là tà ngữ thế gian? Thế nào là tà ngữ giải thoát?

Đáp: Tà ngữ thế gian là nói những lời sai trái với sự thật những quy định về đạo đức của thế gian. Tà ngữ giải thoát là những lời nói sai trái với 4 chân lý giác ngộ.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022