8. DIỆT ĐẾ

Sư Thanh Minh

Hỏi: Diệt Đế là gì?

Đáp: Là Niết Bàn.

Hỏi: Niết Bàn có những tính chất gì?

Đáp: Niết Bàn có những tính chất như:
• Tịch diệt;
• Vắng lặng;
• Chân thường;
• Chân lạc;
• Chân tịnh.

Hỏi: Niết Bàn đối lập với cái gì?

Đáp: Niết Bàn đối lập với các pháp hữu vi. Pháp hữu vi có những tính chất:
• Sinh diệt;
• Dao động;
• Vô thường;
• Khổ;
• Vô ngã;
• Bất tịnh.

Hỏi: Diệt đế là diệt cái gì?

Đáp:
• Diệt tận các pháp ô nhiễm: Hết tham – sân – si;
• Diệt tận các hành: Hết tạo nghiệp;
• Diệt tận 5 uẩn: Hết tái sinh.

Hỏi: Niết Bàn có mấy loại?

Đáp: Niết Bàn có 2 loại:
• Niết Bàn hữu dư y: Hết nhiễm ô, hết tạo nghiệp nhưng còn 5 uẩn.
• Niết Bàn vô dư y: Đại bát Niết Bàn, diệt tận 5 uẩn.

Hỏi: Tu đến khi nào thì sẽ thấy được Niết Bàn?

Đáp: Khi nào chứng đắc đạo quả:
• Sơ đạo – Sơ quả;
• Nhị đạo – Nhị quả;
• Tam đạo – Tam quả;
• Tứ đạo – Tứ quả;
→ thì sẽ thấy được Niết Bàn.

Hỏi: Người tu chứng Niết Bàn rồi vẫn nguyện ở lại trong sinh tử lâu dài thì có được không?

Đáp: Không.
• Sơ quả: Còn 7 kiếp ở cõi dục giới;
• Nhị quả: Còn 1 kiếp ở cõi dục giới;
• Tam quả: Còn 1 kiếp ở cõi sắc giới;
• Tứ quả: Chấm dứt tái sinh.

Hỏi: Chứng Sơ quả thì diệt được cái gì?

Đáp: Diệt được 3 phiền não:
• Thân kiến;
• Hoài nghi;
• Giới cấm thủ.

Hỏi: Thân kiến là gì?

Đáp: Là dứt được 20 loại tà kiến về thân 5 uẩn, đó là:
• Ta là sắc;
• Sắc là ta;
• Ta ở trong sắc;
• Sắc ở trong ta.
Cũng như vậy với: Thọ; tưởng; hành; thức.

Hỏi: Dứt hoài nghi là gì?

Đáp: Là dứt hoài nghi về hiện hữu hay không hiện hữu:
• Ta có mặt hay không có mặt trong quá khứ?
• Ta có mặt trong quá khứ như thế nào?
• Trước kia ta là ai?
Cũng như vậy với hiện tại và tương lai:
• Dứt hoài nghi về nghiệp và quả của nghiệp ;
• Dứt hoài nghi về ân Đức Phật – Đức Pháp – Đức Tăng;
• Dứt hoài nghi về khổ và con đường thoát khổ.

Hỏi: Giới cấm thủ là gì?

Đáp: Không chấp thủ các pháp tu khổ hạnh sai lầm; không chấp thủ vào các pháp tà kiến như tế lễ, tôn thờ hạ liệt.

Hỏi: Chứng Nhị quả diệt được cái gì?

Đáp: Không diệt thêm được gì, nhưng làm suy yếu những phiền não tham – sân – si.

Hỏi: Tam quả diệt được gì?

Đáp: Tam quả diệt được: tham dục và sân.

Hỏi: Tứ quả diệt được gì?

Đáp: Diệt được ngã mạn và phóng dật (Diệt hết những phiền não nào còn lại).

Hỏi: Một vị đã nhập Niết Bàn vô dư rồi còn làm được lợi ích gì cho chúng sinh nữa không?

Đáp: Nếu chúng sinh còn tưởng nhớ đến ân đức của các ngài và cung kính lễ bái, cúng dường bảo tháp xá lợi của các ngài thì vẫn được lợi ích, công đức và phước báu.

Hỏi: Nếu như chúng sinh không chán sinh tử, không mong Niết Bàn thì phải làm sao?

Đáp: Thì cũng giống như côn trùng ưa phân thối, không chịu từ bỏ thì không thoát khổ được.

Hỏi: Chúng sinh vừa muốn chứng Niết Bàn, vừa ham hưởng dục thì sẽ ra sao?

Đáp: Thì cũng giống như thanh gỗ tốt nhưng bị dính phân nên sẽ không làm được gì.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào có thể tu chứng Niết Bàn? Chúng sinh ở cõi nào không thể tu chứng Niết Bàn?

Đáp: Chúng sinh ở 4 cõi khổ không thể tu chứng Niết Bàn. Chúng sinh ở những cõi khác thì có thể tu chứng Niết Bàn.

Hỏi: Muốn cái khổ, già, chết, sầu, bi, ưu, não diệt thì cái gì phải diệt?

Đáp: Thì tái sinh phải diệt.

Hỏi: Muốn tái sinh diệt thì cái gì phải diệt?

Đáp: Hữu phải diệt.

Hỏi: Muốn hữu diệt thì cái gì phải diệt?

Đáp: Chấp thủ phải diệt.

Hỏi: Muốn chấp thủ diệt thì cái gì phải diệt?

Đáp: Ái phải diệt.

Hỏi: Muốn tham ái diệt thì cái gì phải diệt?

Đáp: Thì thọ phải diệt.

Hỏi: Muốn thọ diệt thì phải làm sao?

Đáp: Thì xúc phải diệt.

Hỏi: Muốn xúc diệt thì phải làm sao?

Đáp: Thì căn – trần phải diệt.

Hỏi: Muốn căn – trần diệt thì phải làm sao?

Đáp: Thì danh – sắc phải diệt.

Hỏi: Muốn danh – sắc diệt thì phải làm sao?

Đáp: Thì thức phải diệt.

Hỏi: Muốn thức diệt thì phải làm sao?

Đáp: Thì hành phải diệt.

Hỏi: Muốn hành diệt thì phải làm sao?

Đáp: Thì vô minh phải diệt.

Hỏi: Vô minh diệt thì cái gì sinh?

Đáp: Vô minh diệt thì minh sinh.

Hỏi: Minh là cái gì?

Đáp: Minh là ánh sáng trí tuệ thấy được các sự thật.

Hỏi: Thấy các đời sống quá khứ là minh gì?

Đáp: Túc mạng minh.

Hỏi: Thấy chúng sinh chết chỗ này sinh về chỗ kia là minh gì?

Đáp: Thiên nhãn minh.

Hỏi: Thấy các phiền não đã đoạn trừ là minh gì?

Đáp: Lậu tận minh.

Hỏi: Thấy được tâm, tâm sở, sắc, Niết Bàn là minh gì?

Đáp: Thiền tuệ minh.

Hỏi: Vô minh – hành – thức – danh sắc – lục nhập – xúc – thọ – ái – thủ – hữu – sinh – lão – tử – sầu – bi – khổ – ưu – não diệt hết thì 5 uẩn sẽ đi về đâu?

Đáp: Sẽ nhập Niết Bàn.

Hỏi: Cái gì là chân thường mãi mãi không thay đổi?

Đáp: Niết Bàn.

Hỏi: Cái gì là chân lạc mãi mãi hết khổ đau?

Đáp: Niết Bàn.

Hỏi: Cái gì là chân tịnh mãi mãi hết nhiễm ô?

Đáp: Niết Bàn.

Hỏi: Cái gì là vắng lặng mãi mãi không dao động?

Đáp: Niết Bàn.

Hỏi: Cái gì là tịch diệt mãi mãi không sinh khởi?

Đáp: Niết Bàn.

Hỏi: Niết Bàn là có tồn tại hay không tồn tại? Hay vừa có vừa không tồn tại? Hay vừa không vừa không không tồn tại?

Đáp: Đức Thế Tôn không trả lời câu hỏi này.

Hỏi: Khi bố thí cúng dàng mà phát nguyện chứng Niết Bàn thì có ý nghĩa gì

Đáp: Thì quả của nghiệp bố thí đó sẽ hỗ trợ cho mình gặp thuận duyên tu tập để chứng Niết Bàn.

Hỏi: Muốn tạo được nhiều Ba-la-mật nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải hành thiền. Khi hành thiền thì:
• Các căn được thu thúc – Giữ giới Ba-la-mật;
• Xa lánh trần tục – Xuất gia Ba-la-mật;
• Luôn như lý tác ý – Trí tuệ Ba-la-mật;
• Luôn tinh cần – Tinh tấn Ba-la-mật;
• Chịu đựng sự khó chịu ở thân tâm – Kham nhẫn Ba-la-mật;
• Quán sát pháp chân đế – Chân thật Ba-la-mật;
• Chưa hết giờ thì chưa xả thiền – Quyết định Ba-la-mật;
• Không tức giận với ai – Từ tâm Ba-la-mật;
• Không dính mắc với ai – Xả tâm Ba-la-mật;
• Chia phước lành này đến tất cả chúng sinh – Bố thí Ba-la-mật.

Hỏi: Khi bố thí cúng dường mà nguyện chứng Niết Bàn thì có được hưởng phước báu giàu sang nữa không?

Đáp: Có. Khi chưa chứng Niết Bàn thì vẫn hưởng phước báu giàu sang.

Hỏi: Khi làm phước mà không phát nguyện chứng Niết Bàn thì có hỗ trợ cho sự tu chứng Niết Bàn không?

Đáp: Vị đó sẽ say đắm hưởng dục lạc không chịu buông xả nên không tu chứng Niết Bàn.

Hỏi: Người hành thiền mà không nguyện chứng Niết Bàn thì có chứng Niết Bàn không?

Đáp: Không nguyện chứng Niết Bàn thì pháp hành thiền đó sẽ là những công đức thế gian.

Hỏi: Phát nguyện chứng Niết Bàn nhưng không hành thiền thì có chứng Niết Bàn không?

Đáp: Như người không gieo hạt giống mà cầu mong hái quả thì sẽ uổng công.

Hỏi: Chỉ hành một Ba-la-mật thì có chứng Niết Bàn được không?

Đáp: Phải đủ 10 Ba-la-mật.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại