22. HÀNH UẨN

Sư Thanh Minh

Hỏi: Thế nào là hành uẩn?

Đáp: Hành là hành động, sự tạo tác. Hành uẩn là cái tâm đốc thúc, điều hành tất cả những hành động tạo tác của thân – khẩu – ý.

Hỏi: Hành có những tính chất gì?

Đáp: Hành là tâm sở tư (Cetanā).
• Đặc tính: tình trạng sẵn sàng;
• Chức năng: tạo nghiệp;
• Biểu hiện: đốc thúc các tâm làm nhiệm vụ;
• Nhân gần: căn – cảnh – xúc.

Hỏi: Làm sao để nhận biết được hành uẩn?

Đáp: Bất cứ khi nào mình cố ý làm một việc gì đó thì đó là hành uẩn, ví dụ:
• Khi mình cố ý sát sinh thì đó là hành uẩn = tạo ác nghiệp sát sinh.
• Hoặc mình cố ý tránh xa sự sát sinh thì đó cũng là hành uẩn = tạo thiện nghiệp giữ giới.
Bất cứ hành động gì có sự chủ tâm, cố ý tạo tác đều là hành uẩn.

Hỏi: Nhân của hành là gì?

Đáp:
Nhân quá khứ:
Vô minh, Tham ái, Chấp thủ, Hành, Nghiệp là nhân → hành là quả.

Nhân hiện tại:
Thọ – Tưởng – Thức, Sắc căn, Sắc cảnh 
là nhân → hành là quả.

Hỏi: Hành có bao nhiêu loại?

Đáp: Hành có 3 loại: Thiện, bất thiện và duy tác.

Hỏi: Thế nào là hành thiện?

Đáp: Là hành sinh khởi cùng với tâm thiện thì là hành thiện.
• Hành thiện dục giới;
• Hành thiện sắc giới;
• Hành thiện vô sắc giới;
• Hành thiện siêu thế.

  1. Hành thiện dục giới có 36 tâm sở:
    ■ 7 tâm sở biến hành – 2 (thọ, tưởng) = 5 tâm sở.
    • 1. Xúc: sự xúc chạm giữa căn – trần – thức;
    • 2. Tư: cố ý, đốc thúc các tâm cùng làm nhiệm vụ;
    • 3. Định: sự tập trung tâm;
    • 4. Mạng quyền: hỗ trợ, duy trì mạng sống của các tâm;
    • 5. Tác ý: tác ý đến đối tượng.
    ■ Sáu biệt cảnh:
    • 1. Tầm: hướng tâm;
    • 2. Tứ: bám sát;
    • 3. Thắng giải: quyết định, không do dự;
    • 4. Cần: cố gắng;
    • 5. Hỉ: thích thú;
    • 6. Dục: ước muốn.
    ■ 25 tịnh hảo:
    • 1. Tín: niềm tin;
    • 2. Niệm: nhớ nghĩ;
    • 3. Tàm: hổ thẹn tội lỗi;
    • 4. Quý: ghê sợ tội lỗi;
    • 5. Vô tham: không dính mắc;
    • 6. Vô sân: không tức giận;
    • 7. Hành xả: tự tại;
    • 8. Tịnh thân: tâm sở bình an;
    • 9. Tịnh tâm: tâm bình an;
    • 10. Khinh thân: tâm sở nhẹ nhàng;
    • 11. Khinh tâm: tâm nhẹ nhàng;
    • 12. Nhu thân: tâm sở mềm mại;
    • 13. Nhu tâm: tâm mềm mại;
    • 14. Thích thân: tâm sở tinh luyện;
    • 15. Thích tâm: tâm tinh luyện;
    • 16. Thuần thân: tâm sở thuần thục;
    • 17. Thuần tâm: tâm thuần thục;
    • 18. Chánh thân: tâm sở chánh trực;
    • 19. Chánh tâm: tâm chánh trực;
    • 20. Chánh ngữ: Lời nói chân chánh;
    • 21. Chánh nghiệp: Hành động chân chánh;
    • 22. Chánh mạng: sự nuôi mạng chân chánh;
    • 23. Bi: thương xót;
    • 24. Hỉ: hoan hỉ;
    • 25. Tuệ: trí tuệ.
  2. Hành thuộc sắc giới:
    • Sơ thiền: 34 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức)
    = 31 danh pháp;
    • Nhị thiền: 32 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức) = 29 danh pháp;
    • Tam thiền: 31 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức) = 28 danh pháp;
    • Tứ thiền: 31 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức)
    = 28 danh pháp.
  3. Hành uẩn vô sắc giới:
    • Không vô biên xứ = 28 danh pháp;
    • Thức vô biên xứ = 28 danh pháp;
    • Vô sở hữu xứ = 28 danh pháp.
    • Phi tưởng phi phi tưởng xứ = 28 danh pháp.

Hỏi: Thế nào là hành bất thiện?

Đáp: Là hành sinh cùng với các tâm bất thiện:
7 tâm sở biến hành – 2 (thọ, tưởng) = 5 tâm sở: Xúc, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý.
6 tâm sở biệt cảnh: Tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, dục.
4 si phần (biến hành bất thiện):
• 1. Si: sự ngu dốt hiểu sai sự thật;
• 2. Vô tàm: không biết xấu hổ;
• 3. Vô quý: không biết ghê sợ;
• 4. Phóng dật: tâm tán loạn.
3 tham phần:
• 1. Tham: ham muốn, dính mắc;
• 2. Tà kiến: thấy sai;
• 3. Ngã mạn: kiêu ngạo.
4 sân phần:
Sân: tức giận;
Lận: Keo kiệt;
Tật: Ghen tỵ;
Hối: Hối hận.
2 hôn phần:
• 1. Hôn trầm: đờ đẫn;
• 2. Thụy miên: rã rượi.
Một nghi phần:
Hoài nghi.

BẢNG TỔNG HỢP CÁC TÂM HÀNH SINH CÙNG VỚI CÁC TÂM BẤT THIỆN:

■ Nhóm tâm tham:
• Tham tà kiến:

5 biến hành; 6 biệt cảnh; 4 si phần; 1 tham; 1 tà kiến; 2 hôn phần.
→ Tổng có 19 hành uẩn.
• Tham ngã mạn:
5 biến hành, 6 biệt cảnh, 4 si phần, 1 tham, 1 ngã mạn, 2 hôn phần.
→ Tổng có 19 hành uẩn.

■ Nhóm tâm sân:
• Tâm sân:
5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần.
→ Tổng có 17 hành uẩn.
• Sân tật: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần, tật.
→ Tổng có 18 hành uẩn.
• Sân lận: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần, lận.
→ Tổng có 18 hành uẩn.
• Sân hối: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần, hối.
→ Tổng có 18 hành uẩn.
Chú thích: 5 sở hữu biệt cảnh của tâm sân bao gồm: tầm, tứ, thắng giải, dục, cần.

■ Nhóm tâm si:
• Si phóng dật
: 5 biến hành, 4 biệt cảnh (không có hỷ, dục), 4 si phần.
→ Tổng có 13 hành uẩn.
• Si hoài nghi: 5 biến hành, 3 biệt cảnh (không có hỷ, dục,thắng giải), 4 si phần, hoài nghi.
→ Tổng có 13 hành uẩn.

Tổng số danh pháp trong các lộ trình tâm bất thiện:

• Tâm tham tà kiến: 19 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 22 danh pháp.
• Tâm tham ngã mạn: 19 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 22 danh pháp.
• Tâm sân: 17 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 20 danh pháp.
• Tâm sân tật: 18 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 21 danh pháp.
• Tâm sân lận: 18 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 21 danh pháp.
• Tâm sân hối: 18 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 21 danh pháp.
• Tâm si phóng dật: 13 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 16 danh pháp.
• Tâm si hoài nghi: 13 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 16 danh pháp.
Chú thích: Thọ, tưởng, thức là 3 danh pháp luôn có mặt trong mọi lộ tâm.

Hỏi: Thế nào là hành duy tác?

Đáp: Là hành sinh cùng với các tâm duy tác vô nhân và các tâm duy tác hữu nhân.

Hỏi: Thế nào là tính vô ngã của hành?

Đáp: Vì hành có tính sinh diệt liên tục:
• Cái gì sinh lên rồi diệt đi thì cái đó là vô thường;
• Vì vô thường, chịu bức bách nên nó khổ;
• Cái gì vô thường, khổ thì cái đó là vô ngã.
Vậy:
• Hành không phải là ta = vô thường;
• Hành không phải của ta = khổ;
• Hành không phải là tự ngã của ta = vô ngã.
Như vậy quán tất cả các hành theo 11 cách ở:
Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, Bên trong – Bên ngoài, Thô – Tế, Cao thượng – Hạ liệt, Ở xa – Ở gần → Đều vô thường, khổ, vô ngã.

Hỏi: Quán sát tính vô ngã của hành để làm gì?

Đáp:
• Để nhàm chán: nhàm chán đối với các hành;
• Để ly tham: ly tham đối với các hành;
• Để đoạn diệt: diệt tham ái, chấp thủ vào hành;
• Để từ bỏ: từ bỏ các hành tạo nghiệp;
• Để đạt được chánh trí: giác ngộ các sự thật;
• Để chứng Niết Bàn: giải thoát khổ đau.

Hỏi: Hành thiện sẽ có quả báo như thế nào?
Hành bất thiện sẽ có quả báo như thế nào?
Hành duy tác sẽ có quả báo như thế nào?

Đáp:
Hành thiện dục giới cho quả:
Trong hiện tại: được thấy – nghe – ngửi – nếm – xúc chạm – tiếp nhận và suy xét những cảnh hài lòng;
Lúc cận tử: sinh làm người, hoặc Thiên thần các cõi trời Dục Giới.
Sau khi tái sinh thì được phước báu: Sống lâu, mạnh khỏe, sắc đẹp, an vui, trí tuệ.

Hành thiện sắc giới và vô sắc giới (tức là chứng đắc tứ thiền bát định) cho quả:
Trong hiện tại: trú trong sự an lạc cao thượng;
Lúc cận tử: tái sinh về các cõi Phạm Thiên;
Sau khi tái sinh: hưởng phước báu của Phạm Thiên lạc, Phạm Thiên dung sắc, Phạm Thiên thọ mạng.

Hành thiện siêu thế cho quả:
Hiện tại: An lạc hữu dư y Niết Bàn;
Tương lai: Nhập đại bát Niết Bàn.

Hành bất thiện cho quả:
Trong hiện tại: được thấy – nghe – ngửi – nếm – xúc chạm, tiếp nhận và suy xét những cảnh không hài lòng;
Lúc cận tử thì tái sinh vào ác thú: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la.
Sau khi tái sinh: cảm thọ những sự thống khổ về thân tâm cho đến khi hết nghiệp bất thiện đó.

Hỏi: Hành duy tác (không thiện, không ác) cho quả như thế nào?

Đáp: Hành duy tác là hành vô hiệu quả, không cho quả gì hết.

Hỏi: Muốn phát triển được thiện hành thì phải làm sao?

Đáp: Phải có tác ý chân chánh:
• Mong rằng mình sẽ là người có từ tâm, không có sân tâm;
• Mong rằng mình sẽ là người hào phóng, không keo kiệt;
• Mong rằng mình sẽ là người chân thật, không gian dối;
• Mong rằng mình sẽ là người tạo phước, chứ không tạo tội;
• Mong rằng mình sẽ là người có nội tâm thanh tịnh, không ô nhiễm;
• Mong rằng mình sẽ là người có trí tuệ, chứ không si mê;
• Mong rằng mình sẽ là người theo chánh pháp, chứ không theo tà pháp;
• Mong rằng mình sẽ giải thoát sinh tử, chứ không chìm đắm trong luân hồi.
Nhờ có tác ý chân chánh sẽ có hành động chân chánh và tạo được nhiều thiện hành.

Hỏi: Khi ta ngủ thì có hành gì?

Đáp: Ngủ một cách tự nhiên thì có hành duy tác. Ngủ li bì tham đắm thì có hành bất thiện.

Hỏi: Khi ăn thì có hành gì?

Đáp:
• Ăn để thưởng thức vị ngon ngọt = hành bất thiện;
• Ăn trong chánh niệm, quán tưởng đến sự bất tịnh của vật thực = hành thiện.

Hỏi: Khi nói thì có hành gì?

Đáp: Lời nói đúng sự thật, có lợi ích = hành thiện.
Lời nói sai sự thật, không lợi ích = hành bất thiện.

Hỏi: Khi xem phim, đọc sách, nghe đài thì có hành gì?

Đáp: Xem nghe những cái gì mà khởi tâm tham – sân – si thì là hành bất thiện;
Xem nghe những cái gì mà khởi tâm vô tham – vô sân – vô si thì là hành thiện.

Hỏi: Khi nghe giảng Phật Pháp thì là hành gì?

Đáp:
• Nghe với tâm hoan hỷ có tín, có tuệ thì là hành thiện;
• Nghe với tâm hoài nghi: Chánh pháp thì cho là tà, tà pháp thì cho là chánh thì là hành bất thiện.

Hỏi: Khi đang lao động thì là hành gì?

Đáp: Trong khi lao động mà khởi lên tâm bất thiện thì là hành bất thiện. Khi lao động mà khởi lên tâm thiện thì là hành thiện.

Hỏi: Hành động gì sẽ khởi lên nhiều tâm thiện nhất?

Đáp: Hành thiền sẽ khởi lên nhiều tâm thiện nhất:
• Tâm thiện dục giới;
• Tâm thiện sắc giới;
• Tâm thiện vô sắc giới;
• Tâm thiện siêu tam giới;
đều có được khi thực hành thiền.

Hỏi: Hành động gì sẽ khởi lên nhiều tâm bất thiện nhất?

Đáp: Hành động:
• Sát sinh;
• Trộm cắp;
• Tà dâm;
• Nói dối;
• Uống rượu;
là những hành động khởi lên nhiều tâm bất thiện nhất.

Hỏi: Người có hành động thiện và tâm thiện thì thuộc hành uẩn gì?

Đáp: Hành thiện.

Hỏi: Người có hành động bất thiện cùng với tâm bất thiện thì thuộc hành uẩn gì?

Đáp: Hành bất thiện.

Hỏi: Người đang làm việc thiện cùng với tâm duy tác thì thuộc hành gì?

Đáp: Hành duy tác.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022