15. CHÁNH TINH TẤN

Sư Thanh Minh

Hỏi: Chánh tinh tấn là gì?

Đáp: Chánh tinh tấn là siêng năng chân chánh.
• Chánh là chân chánh.
• Tinh tấn là siêng năng, tích cực.

Hỏi: Siêng năng như thế nào là chánh tinh tấn?

Đáp:
• Việc ác chưa sinh thì siêng năng ngăn ngừa;
• Việc ác đã sinh thì siêng năng dứt bỏ;
• Việc thiện chưa sinh thì siêng năng thực tập;
• Việc thiện đã sinh thì siêng năng giữ gìn.

Hỏi: Như thế nào là siêng năng ngăn ngừa việc ác chưa phát sinh?

Đáp: Ngăn ngừa việc ác chưa sinh là:
• Nếu mình chưa từng sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… thì phải siêng năng ngăn ngừa bằng cách thực hành giới – định – tuệ.
• Biết sợ hãi với những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học giới.

Hỏi: Như thế nào là việc ác đã sinh siêng năng dứt bỏ?

Đáp: Những ác nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… đã sinh khởi nơi thân – khẩu – ý thì phải siêng năng thực hành giới – định – tuệ để dứt trừ.

Hỏi: Thế nào là việc thiện chưa sinh thì siêng năng tu tập?

Đáp:
• Chưa biết giữ giới thì phải siêng giữ giới;
• Chưa biết hành thiền thì phải siêng hành thiền;
• Chưa được giải thoát thì phải siêng năng để được giải thoát.

Hỏi: Thế nào là thiện nghiệp đã phát sinh thì siêng năng giữ gìn?

Đáp:
• Như người đã thọ trì giới rồi thì phải siêng năng giữ gìn không để thoái chí;
• Đã tập thiền định rồi thì phải siêng năng thực hành không được giải đãi.

Hỏi: Thế nào là tà tinh tấn?

Đáp: Là tinh tấn được đi kèm với tâm tham – sân – tà kiến thì trở thành tà tinh tấn.

Hỏi: Tinh tấn đi kèm với tâm tham là làm sao?

Đáp:
• Siêng năng chạy theo sắc đẹp;
• Siêng năng chạy theo tiếng khen;
• Siêng năng chạy theo hương thơm;
• Siêng năng chạy theo thức ăn ngon;
• Siêng năng chạy theo xúc chạm êm ái.

Hỏi: Thế nào là tinh tấn đi kèm với tâm sân?

Đáp:
• Siêng năng uy hiếp;
• Siêng năng gây chiến;
• Siêng năng báo thù;
• Siêng năng phá hoại.

Hỏi: Thế nào là tinh tấn đi kèm với tâm tà kiến?

Đáp:
• Siêng năng học tập sách vở tà giáo không chân chánh, không có lợi ích;
• Siêng năng thực hành khổ hạnh ép xác;
• Siêng năng tế lễ, cầu xin;
• Siêng năng thực hành tà thuật: luyện âm binh, luyện bùa chú, luyện xuất hồn…

Hỏi: Tinh tấn có những tính chất gì?

Đáp:
• Đặc tính của nó là siêng năng – nỗ lực;
• Nhiệm vụ của nó là nâng đỡ – thúc đẩy;
• Biểu hiện của nó là không dễ duôi;
• Nhân gần của nó là sự khẩn trương gấp rút.

Hỏi: Tinh tấn thuộc về pháp thực hành giới – hay định – hay tuệ?

Đáp: Tinh tấn có mặt ở tất cả các pháp. Trong bát chánh đạo, tinh tấn được xếp vào pháp hành thiền định.

Hỏi: Tại sao?

Đáp: Vì khi tinh tấn thực hành thiền định thì giới sẽ được trong sạch. Khi tinh tấn hành thiền định thì trí tuệ phát sinh.

Hỏi: Làm thế nào để phát khởi được tinh tấn trong thực hành thiền định?

Đáp: Có 11 cách phát khởi tinh tấn:

  1. Tác ý đến nỗi khổ của các đọa xứ;
  2. Tác ý đến sự an lạc của các cõi lành;
  3. Tác ý đến quá trình hành đạo của chư Phật và các vị Thánh;
  4. Tác ý đến công lao của những người đã hộ trì;
  5. Tác ý đến sự may mắn được gặp giáo pháp;
  6. Tác ý đến bổn phận của ta phải giữ gìn và truyền trì giáo pháp;
  7. Từ bỏ hôn trầm, giải đãi bằng đi thiền hành;
  8. Không thân cận kẻ biếng nhác;
  9. Thân cận người tinh tấn;
  10. Ôn lại 4 chánh cần;
  11. Quyết định đối với tinh tấn.

Hỏi: Có mấy mức độ tinh tấn?

Đáp: Có 3 mức độ tinh tấn:
• Bậc thường;
• Bậc trung;
• Bậc thượng.

Hỏi: Thế nào là tinh tấn bậc thường?

Đáp: Là siêng năng hành thiền dù có tổn hại đến tài sản cũng không tiếc.

Hỏi: Thế nào là tinh tấn bậc trung?

Đáp: Là siêng năng hành thiền dù có tổn hại đến thân thể cũng không tiếc.

Hỏi: Thế nào là tinh tấn bậc thượng?

Đáp: Là tinh tấn hành thiền dù có tổn hại đến mạng sống cũng không tiếc.

Hỏi: Một người siêng năng lao động, làm ăn kiếm sống thì là chánh tinh tấn hay tà tinh tấn?

Đáp:
• Siêng năng lao động mà đi kèm với vô tham – vô sân – vô si thì là chánh tinh tấn;
• Siêng năng lao động mà đi kèm với tâm tham – tâm sân – tâm si thì là tà tinh tấn.

Hỏi: Thế nào là lao động vô tham – vô sân – vô si?

Đáp:
■ Vô tham:
• Là lao động bằng chính sức lực của mình, không lạm dụng sức lực của người khác;
• Dùng sản phẩm của mình làm ra, không cố ý chiếm đoạt của người khác;
• Không dùng thủ đoạn lừa dối để làm ít mà được hưởng nhiều,…
■ Vô sân:
• Là không làm việc có lợi mình mà gây hại cho người;
• Không làm việc có lợi trước, hại sau;
• Không làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp gây tổn hại đến những chúng sinh khác…
■ Vô si: Là làm việc mà có hiểu biết về việc mình đang làm
• Việc làm này là có lợi hay có hại;
• Việc làm này là thiện hay ác;
• Việc làm này là chánh hay tà;
• Việc nào nên làm, việc nào nên tránh;
• Việc nào nên duy trì, việc nào nên từ bỏ.

Hỏi: Lao động như thế nào là đi kèm với tham, sân, si?

Đáp: Ngược lại với vô tham – vô sân – vô si thì là tham – sân – si.

Hỏi: Vị Bồ Tát tu hạnh tinh tấn trải qua bao nhiêu kiếp thì thành Phật?

Đáp: 16 A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.

Hỏi: Bồ Tát tu hạnh đức tin trải qua bao nhiêu kiếp thì thành Phật?

Đáp: 8 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Hỏi: Bồ Tát tu hạnh trí tuệ trải qua bao nhiêu kiếp thì thành Phật?

Đáp: 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp.

Hỏi: Tại sao khi tu hạnh tinh tấn lại thành Phật chậm hơn tu hạnh niềm tin và trí tuệ?

Đáp:
• Vì tinh tấn nhiều khi thái quá trở thành phóng dật;
• Vì tinh tấn quá nhiều khi kiệt sức;
• Vì nhiều khi tinh tấn sai trở thành phá hoại, lãng phí thời gian công sức.

Hỏi: Tại sao khi tu hạnh trí tuệ lại nhanh hơn tu hạnh tinh tấn?

Đáp:
• Vì có trí tuệ thì biết cân nhắc cái gì nên làm, cái gì không nên làm, không tốn thời gian;
• Vì có trí tuệ thì biết dụng sức vừa phải nên không thái quá, không tốn sức;
• Vì có trí tuệ thì làm đến đâu được đấy không bị sai; không phải làm lại.

Hỏi: Tại sao tu hạnh đức tin lại cũng nhanh hơn tu hạnh tinh tấn?

Đáp:
• Vì người có đức tin thì luôn lấy người đi trước làm tấm gương noi theo;
• Rút kinh nghiệm từ cái sai của tiền bối nên không phạm sai lầm;
• Học hỏi những bí quyết thành công của tiền bối nên dễ thành công;
• Luôn kính trọng tiền bối nên không tự kiêu, tự mãn.

Hỏi: Khi gặp khó khăn thì phải làm gì?

Đáp: Phải tinh tấn vượt qua.

Hỏi: Cái gì là khó vượt qua nhất?

Đáp: Sinh tử là khó nhất.

Hỏi: Khi gặp nguy hiểm thì phải làm sao?

Đáp: Phải cố gắng giải thoát.

Hỏi: Cái gì là nguy hiểm nhất?

Đáp: Sinh tử là nguy hiểm nhất.

Hỏi: Muốn vượt qua sinh tử thì phải làm sao?

Đáp: Phải tinh tấn hành thiền.

Hỏi: Khi gặp kẻ thù thì phải làm sao?

Đáp: Phải dũng mãnh chiến đấu.

Hỏi: Cái gì là kẻ thù đáng sợ nhất?

Đáp: Ái là kẻ thù đáng sợ nhất.

Hỏi: Muốn diệt trừ ái thì phải làm sao?

Đáp: Phải tinh tấn hành thiền.

Hỏi: Muốn đạt được những điều mình mong muốn thì phải làm gì?

Đáp: Phải tinh tấn.

Hỏi: Điều gì là đáng mong muốn nhất?

Đáp: Thoát khổ là đáng mong muốn nhất.

Hỏi: Muốn thoát khổ thì phải làm sao?

Đáp: Phải tinh tấn hành thiền.

Hỏi: Khi mắc bệnh hiểm nghèo thì phải làm sao?

Đáp: Phải cố gắng chữa cho khỏi.

Hỏi: Bệnh gì là hiểm nghèo nhất?

Đáp: Tham – sân – si là bệnh hiểm nghèo nhất.

Hỏi: Rắn độc bò vào nhà thì phải làm sao?

Đáp: Phải cố gắng đuổi nó ra.

Hỏi: Cái gì ở trong tâm còn nguy hiểm hơn rắn độc?

Đáp: Tham – sân – si còn nguy hiểm hơn rắn độc.

Hỏi: Muốn đuổi được tham – sân – si thì phải làm sao?

Đáp: Phải tinh tấn hành thiền.

Hỏi: Muốn được trao giải thưởng thì phải làm gì?

Đáp: Phải tinh tấn.

Hỏi: Giải thưởng gì là cao thượng nhất?

Đáp: Niết Bàn là cao thượng nhất.

Hỏi: Muốn chứng Niết Bàn thì phải làm sao?

Đáp: Phải tinh tấn hành thiền.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại