19. SẮC UẨN

Sư Thanh Minh

Hỏi: Vô ngã có nghĩa là gì?

Đáp: Là không có thực thể. Tức là mọi thứ trên đời này đều rỗng không, giả tạm, không có thực nên gọi là vô ngã.

Hỏi: Mọi thứ đều có hình dáng, màu sắc, kích cỡ. Như vậy, tại sao lại nói chúng không có thật?

Đáp: Vì tất cả những thứ đó đang sinh diệt liên tục mà mắt thường không nhìn thấy, chỉ có tuệ giác mới thấy.

Hỏi: Đức Phật dạy: “Sắc là vô ngã”. Vậy sắc là gì?

Đáp: Sắc là tất cả những thứ thuộc về vật chất bao gồm cả thân thể bên trong và vạn vật bên ngoài, là sự hợp thành của 4 đại: đất – nước – lửa – gió.

Hỏi: Từ đâu mà sắc sinh ra?

Đáp:
• Sắc sinh ra từ nghiệp: Hành động quá khứ;
• Sắc sinh ra từ tâm: Tinh thần tạo ra sắc;
• Sắc sinh ra từ thời tiết: Nhiệt độ nóng – lạnh;
• Sắc sinh ra từ vật thực: Thức ăn, nước uống.

Hỏi: Sắc do nghiệp sinh ra là những sắc gì?

Đáp:
• Nhãn tịnh sắc: Nhạy cảm với màu sắc;
• Nhĩ tịnh sắc: Nhạy cảm với âm thanh;
• Tỉ tịnh sắc: Nhạy cảm với mùi;
• Thiệt tịnh sắc: Nhạy cảm với vị;
• Thân tịnh sắc: Nhạy cảm với xúc chạm;
• Sắc trái tim: Hỗ trợ cho ý thức;
• Sắc giới tính nam: Biểu hiện tính mạnh mẽ của nam giới;
• Sắc giới tính nữ: Biểu hiện tính mềm mại của nữ giới;
• Sắc mạng căn: Duy trì mạng sống của sắc.

Hỏi: Sắc do tâm sinh là sắc gì?

Đáp:
• Sắc hư không: Ranh giới của sắc;
• Thân biểu tri: Cử chỉ biểu hiện – Gió trội;
• Khẩu biểu tri: Lời nói – Đất trội;
• Sắc khinh: Tính nhẹ nhàng;
• Sắc nhu: Tính mềm mại;
• Sắc thích nghiệp: Tính thích nghi;
• Sắc sinh: Sắc hình thành;
• Sắc diễn tiến: Tiếp tục kế thừa;
• Sắc dị: Sắc lão hóa;
• Sắc diệt: Sắc chấm dứt.

Hỏi: Thế nào là sắc do thời tiết sinh?

Đáp: Thời tiết là nhiệt độ hay hỏa đại:
• Trong sắc nghiệp, khi hỏa đại tác động vào dưỡng chất thì sinh ra 5 thế hệ.
• Trong sắc do tâm và vật thực thì hỏa đại sinh 3 thế hệ.
• Tất cả vật chất vô tri đều là sắc do thời tiết sinh.
Vật chất càng cứng rắn thì hỏa đại càng mạnh. Hỏa đại mạnh sinh khởi liên tục nên nó tồn tại lâu, ví dụ như kim loại.

Hỏi: Thế nào là sắc do vật thực sinh?

Đáp:
Thức ăn và nước uống vốn là sắc thời tiết. Khi vào đến bao tử, dưỡng chất của sắc thời tiết tác động với nhiệt tiêu hóa của sắc mạng căn tạo ra sắc vật thực rồi lan tỏa khắp toàn thân để nuôi dưỡng các loại sắc.
• Khi dưỡng chất của sắc vật thực gặp dưỡng chất sắc nghiệp và được tác động với tính lửa của sắc mạng căn thì tái tạo ra sắc vật thực thế hệ 1.
• Dưỡng chất của sắc vật thực thế hệ 1 gặp dưỡng chất sắc vật thực khác và tính lửa của sắc mạng căn tạo ra sắc vật thực thứ 2… liên tục cho đến 5 thế hệ.
• Khi gặp sắc tâm sinh thì tái tạo ra 3 thế hệ.
• Khi gặp sắc thời tiết thì tái tạo 10 thế hệ.
• Khi gặp sắc vật thực trước thì tái tạo ra 12 thế hệ.
Đó là sắc vật thực sinh.

Hỏi: Làm sao để thấy được các loại sắc đó?

Đáp: Phải thực hành thiền phân tích tứ đại:
• Đất có 6 đặc tính: Cứng – Thô – Nặng – Mềm – Mịn – Nhẹ;
• Nước có 2 đặc tính: Tan chảy – Kết dính;
• Lửa có 2 đặc tính: Nóng – Lạnh;
• Gió có 2 đặc tính: Đẩy – Hỗ trợ.
Phân biệt các đặc tính này cho đến khi đắc định cận hành của thiền tứ đại thì sẽ thấy được các hạt sắc rūpa kalāpa ở khắp 6 căn: Mắt – tai – mũi – lưỡi – thân – ý.

Hỏi: Mỗi căn có bao nhiêu loại sắc?

Đáp:
■ Trong mắt có 63 sắc:
• Nhãn tịnh sắc + 8 sắc bất ly (Đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất) + Sắc mạng căn = 10 sắc;
• Thân tịnh sắc + 8 sắc bất ly + Sắc mạng căn = 10 sắc;
• Sắc giới tính + 8 sắc bất ly + Sắc mạng căn = 10 sắc;
• Sắc mạng căn + 8 sắc bất ly = 9 sắc;
• Sắc vật thực = 8 sắc;
• Sắc thời tiết = 8 sắc;
• Sắc tâm sinh = 8 sắc.
Tổng: 10 + 10 + 10 + 9 + 8 + 8 + 8 = 63 sắc.
Ở tai – mũi – lưỡi cũng có 63 sắc.
■ Ở thân có 53 sắc:
• Thân tịnh sắc = 10 sắc;
• Sắc giới tính = 10 sắc;
• Sắc mạng căn = 9 sắc;
• Sắc vật thực = 8 sắc;
• Sắc tâm sinh = 8 sắc;
• Sắc thời tiết = 8 sắc.
Tổng: 10 + 10 + 9 + 8 + 8 + 8 = 53 Sắc.
■ Ở trái tim có 63 sắc:
• Sắc trái tim + 8 bất ly + mạng căn = 10 sắc;
• Sắc giới tính = 10 sắc;
• Thân tịnh sắc = 10 sắc;
• Sắc mạng căn = 9 sắc;
• Sắc vật thực = 8 sắc;
• Sắc tâm sinh = 8 sắc;
• Sắc thời tiết = 8 sắc.
Tổng: 10 + 10 + 10 + 9 + 8 + 8 + 8 = 63 sắc.

Hỏi: Làm sao để thấy được màu – mùi – vị – dưỡng chất của sắc?

Đáp: Phân biệt tứ đại ở trên thân cho đến khi đắc định cận hành rồi phân biệt tứ đại trên các căn cho đến khi thấy được các hạt tổng hợp sắc kalāpa rồi tác ý:
• Nhìn vào màu của một nhóm sắc sẽ thấy màu nhạy cảm với nhãn tịnh sắc. Đó là màu của sắc.
• Tác ý ngửi mùi thì sẽ thấy mùi. Mùi nhạy cảm với tỉ tịnh sắc.
• Tác ý nếm vị thì sẽ thấy vị. Vị nhạy cảm với thiệt tịnh sắc.
• Tác ý đến dưỡng chất – là nguồn gốc sinh ra sắc.
• Sắc do nghiệp thì có dưỡng chất do nghiệp sinh;
• Sắc do tâm thì có dưỡng chất do tâm sinh;
• Sắc do thời tiết thì có dưỡng chất do thời tiết sinh;
• Sắc do vật thực thì có dưỡng chất do vật thực sinh.

Hỏi: Làm sao để thấy được sắc mạng căn?

Đáp: Mạng căn có ở các loại sắc do nghiệp sinh. Nó có tính chất linh hoạt và có phận sự hỗ trợ và duy trì sự sống của sắc đó.

Hỏi: Làm sao để thấy được sắc giới tính?

Đáp: Có 2 loại sắc: sắc trong suốt và sắc mờ. Sắc giới tính thuộc loại sắc mờ.
• Nếu là giới tính nam thì nó có tính mạnh mẽ, thô thiển.
• Nếu là giới tính nữ thì nó có tính mềm mại, dịu dàng.

Hỏi: Làm sao để thấy được nhãn tịnh sắc và các sắc thần kinh khác (nhĩ, tỉ, thiệt, thân)?

Đáp:
• Nhãn tịnh sắc nhạy cảm với màu: Phân biệt tứ đại trên con mắt rồi tác ý nhìn vào màu của một nhóm tổng hợp sắc thì màu sẽ tác động vào nhãn tịnh sắc;
• Nhĩ tịnh sắc nhạy cảm với âm thanh thì lắng nghe âm thanh;
• Tỉ tịnh sắc nhạy cảm với mùi thì ngửi mùi của tổng hợp sắc;
• Thiệt tịnh sắc nhạy cảm với vị thì nếm vị của sắc;
• Thân tịnh sắc nhạy cảm với xúc chạm thì cho tác động vào các đặc tính của đất, lửa, gió.

Hỏi: Làm thế nào để thấy được sắc trái tim?

Đáp:
• Phân biệt tứ đại ở trái tim;
• Phân biệt thân tịnh sắc ở trái tim;
• Phân biệt sắc giới tính ở trái tim;
• Rồi hướng tâm sâu xuống bên dưới nơi an trú của tâm hữu phần, hành giả sẽ thấy sắc trái tim nổi trội. Sắc trái tim thuộc loại sắc mờ.

Hỏi: Hãy tổng hợp lại 28 loại sắc.

Đáp: 28 loại sắc bao gồm: 18 sắc thực và 10 sắc không thực.
18 sắc thực bao gồm:
Bốn đại chủng:
• Đất
• Nước
• Lửa
• Gió
Bốn sắc cảnh:
• Màu
• Thanh
• Hương
• Vị
Tổng cộng: 8 Sắc

Sắc thần kinh:
• Nhãn tịnh sắc
• Nhĩ tịnh sắc
• Tỉ tịnh sắc
• Thiệt tịnh sắc
• Thân tịnh sắc
Tổng cộng: 5 Sắc

• Sắc dưỡng chất
• Sắc mạng căn
• Sắc trái tim
• Sắc giới tính nam
• Sắc giới tính nữ
Tổng cộng: 5 Sắc

10 sắc không thực:
• Sắc hư không
• Thân biểu tri
• Khẩu biểu tri
• Sắc khinh
• Sắc nhu
• Sắc thích nghiệp
• Sắc sinh
• Sắc tiến
• Sắc dị
• Sắc diệt


Hỏi: Làm thế nào để thấy được các nhân sinh ra sắc?

Đáp: 1. Sắc do nghiệp sinh thì có nhân từ hành động tạo nghiệp trong quá khứ: Phải nương nhờ vào phiền não luân là danh sắc ở trái tim để đi ngược về quá khứ. Từ quá khứ gần cho đến thời điểm cận tử ở kiếp trước.
■ Quan sát nghiệp cận tử: Quan sát phiền não luân ở lúc cận tử đó gồm có: Vô minh (nhóm tâm tham tà kiến) – Tham ái (nhóm tâm tham tà kiến) – Chấp thủ (nhóm tâm tham tà kiến) – Hành (nhóm tâm đại thiện ) – Nghiệp (nhóm tâm đại thiện).
■ Rồi phân biệt:
• Vô minh sinh thì sắc nghiệp sinh; Vô minh là nhân, sắc nghiệp là quả.
• Tham ái sinh thì sắc nghiệp sinh; Tham ái là nhân, sắc nghiệp là quả.
• Chấp thủ sinh thì sắc nghiệp sinh; Chấp thủ là nhân, sắc nghiệp là quả.
• Hành sinh thì sắc nghiệp sinh; Hành là nhân, sắc nghiệp là quả.
• Nghiệp sinh thì sắc nghiệp sinh; Nghiệp là nhân, sắc nghiệp là quả.
Sắc nghiệp là: 5 sắc thần kinh, sắc trái tim và sắc giới tính.

2. Sắc do tâm sinh thì sinh ra từ tâm ở hiện tại:
Hướng tâm xuống ý môn rồi cử động một ngón tay, ngay lập tức hành giả sẽ thấy vô số các tổng hợp sắc do tâm sinh xuất hiện ở khắp toàn thân và sáu căn.

3. Sắc do thời tiết sinh thì được sinh ra từ hỏa đại trong các tổng hợp sắc:
• Sắc nghiệp sinh ra 5 thế hệ thời tiết;
• Sắc tâm sinh ra 3 thế hệ thời tiết;
• Sắc vật thực sinh ra 3 thế hệ thời tiết.

4. Sắc do vật thực sinh được quán sát bằng vật thực mới ăn vào:
• Phân biệt tứ đại nơi thức ăn ở trong miệng, rồi xuống cổ, rồi xuống bao tử.
• Khi vào bao tử thì nhiệt tiêu hóa (của sắc mạng căn) tác động vào dưỡng chất của vật thực liền tái tạo ra sắc vật thực lan tỏa khắp sáu căn.
• Khi gặp sắc nghiệp thì sinh ra 5 thế hệ;
• Khi gặp sắc tâm – thời tiết thì sinh ra 3 thế hệ;
• Khi gặp sắc vật thực trước thì sinh ra 12 thế hệ.

Hỏi: “Tóc, lông, móng, răng, da; Thịt, gân, xương, tủy, thận; Tim, gan, lá lách, phổi, ruột; Màng ruột, bao tử, vật thực, phân, não; Mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, mỡ; Mỡ nước, nước mắt, nước mũi, nước miếng, nước khớp xương, nước tiểu.”
32 thân phần thuộc về sắc gì?

Đáp:

  • Tóc, lông, móng, răng, da;
  • Thịt, gân, xương, tủy, thận;
  • Tim, gan, lá lách, phổi, ruột;
  • Màng ruột, bao tử, vật thực, phân, não;
  • Mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, mỡ;
  • Mỡ nước, nước mắt, nước mũi, nước miếng, nước khớp, xương, nước tiểu.
    giống như thân, có 53 sắc.
  • Vật thực, phân, mủ, nước tiểu, là sắc thời tiết, có 8 sắc.
  • Mồ hôi, nước mắt, nước mũi, nước miếng: là sắc tâm và thời tiết, có 16 sắc.

Hỏi: Thế nào là tính vô ngã của sắc?

Đáp: Sắc có tính sinh diệt không ngừng nghỉ:
Sinh diệt theo sát na:
• Vì sắc sinh lên rồi diệt đi nên nó vô thường. Cái gì vô thường thì là khổ. Cái gì khổ thì là vô ngã.
Vì vậy sắc:
• Không phải là ta = vô thường;
• Không phải của ta = khổ;
• Không phải tự ngã của ta = vô ngã.
Sinh diệt theo nhân duyên:

Vô minh, Tham ái, Chấp thủ, Hành, Nghiệp diệt thì Sắc diệt.

• Sắc sinh rồi diệt nên sắc vô thường;
• Vì chịu sự bức bách của vô thường nên sắc là khổ;
• Vì vô thường, khổ nên sắc là vô ngã;
Vậy:
• Sắc không phải là ta;
• Sắc không phải của ta;
• Sắc không phải là tự ngã của ta.
Như vậy quán tất cả sắc theo 11 cách ở: Quá khứ; hiện tại; tương lai; bên trong; bên ngoài; thô; tế; cao thượng; hạ liệt; ở xa; ở gần đều vô thường – khổ – vô ngã.

Hỏi: 11 cách quán đó là như thế nào? Tại sao phải quán sắc theo 11 cách đó?

Đáp:
• Sắc quá khứ: Là những sắc ở kiếp quá khứ kế cận ngay kiếp sống này và nhiều kiếp trước;
• Sắc tương lai: Là những sắc ở kiếp tương lai kế cận ngay kiếp sống này và nhiều kiếp sau;
• Sắc bên trong: Là sắc ở thân này;
• Sắc bên ngoài: Là sắc ở thân người khác;
• Sắc thô: Là những sắc hiển lộ rõ dễ thấy;
• Sắc tế: Là những sắc mờ khó thấy;
• Sắc cao thượng: Là sắc được sinh ra từ thiện nghiệp;
• Sắc hạ liệt: Là sắc được sinh ra từ nghiệp bất thiện;
• Sắc ở xa: Là sắc bên ngoài, sắc khó thấy, sắc quá khứ, tương lai,…
• Sắc ở gần: Là sắc ở hiện tại, dễ thấy, sắc cao thượng.
Tất cả các loại sắc ấy cần phải được tuệ tri như thực với chánh trí rằng:
• Sắc không phải là ta = vô thường;
• Sắc không phải của ta = khổ;
• Sắc không phải là tự ngã của ta = vô ngã.
Quán sắc theo 11 cách như vậy là để nhàm chán, ly tham đối với tất cả các sắc ở quá khứ – hiện tại – tương lai, bên trong – bên ngoài, cao thượng – hạ liệt, thô – tế, xa – gần.
Nhờ nhàm chán, ly tham mà đi đến đoạn diệt, từ bỏ, hướng đến chánh trí và chứng ngộ Niết Bàn.

Hỏi: Thế nào là nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn?

Đáp:
• Nhàm chán: Nhàm chán sắc;
• Ly tham: Hết tham ái, chấp thủ đối với sắc;
• Đoạn diệt: Diệt trừ phiền não vì sắc;
• Từ bỏ: Từ bỏ các hành tạo nghiệp vì sắc;
• Chánh trí: Giác ngộ các sự thật;
• Chứng ngộ Niết Bàn: Chấm dứt sinh tử.

Hỏi: Người có sắc đẹp; Người có sắc xấu; Người có sắc mạnh khỏe; Người có sắc yếu ớt. Đó là do nhân quá khứ hay do nhân hiện tại?

Đáp: Có cả 2 nhân quá khứ và hiện tại.
Người có sắc đẹp hoàn hảo:
• Nhân quá khứ: Là do phước thiện đi kèm với tâm từ – bi – hỉ – xả.
• Nhân hiện tại: Là biết cách chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn sắc.
Người có sắc đẹp trung bình:
• Nhân quá khứ: Làm phước đi kèm với sân – tật – lận – hối.
• Nhân hiện tại: Thường chăm sóc cho sắc.
Hoặc:
• Nhân quá khứ: Làm phước thiện với từ tâm;
• Nhân hiện tại: Không chăm sóc cho sắc.
Người có sắc xấu xí:
• Nhân quá khứ: Làm phước đi kèm với sân – tật – lận – hối.
• Nhân hiện tại: Không biết chăm sóc sắc.
Người có sức khỏe tốt:
• Nhân quá khứ: Tận tâm phục vụ;
• Nhân hiện tại: Thường chăm sóc, rèn luyện cho sức khỏe.
Người có sức khỏe trung bình:
• Nhân quá khứ: Phục vụ không chu đáo;
• Nhân hiện tại: Thường chăm sóc, rèn luyện.
Hoặc:
• Nhân quá khứ: Phục vụ chu đáo;
• Nhân hiện tại: Không chăm sóc, rèn luyện.
Người có sức khỏe yếu:
• Nhân quá khứ: Phục vụ không tận tâm;
• Nhân hiện tại: Không chăm sóc, rèn luyện.

Hỏi: Người có sắc đẹp mà không có trí tuệ;
Người không có sắc đẹp mà lại có trí tuệ;
Người vừa có sắc đẹp vừa có trí tuệ;
Người vừa không có sắc đẹp vừa không có trí tuệ.
Là do nguyên nhân gì?

Đáp:
• Có sắc đẹp mà không có trí tuệ: Là do có tạo phước đi kèm với tâm từ, nhưng lại không tạo phước trí.
• Có trí tuệ mà không có sắc đẹp: Là do có tạo phước trí, nhưng lại không có từ tâm khi tạo phước.
• Người vừa có sắc đẹp vừa có trí tuệ: Là do vừa tạo phước với từ tâm, vừa tạo phước trí.
• Người vừa không có sắc đẹp vừa không có trí tuệ: Là do vừa không tạo phước với từ tâm, vừa không tạo phước trí.

Hỏi: Thế nào là phước với từ tâm? Thế nào là phước trí?

Đáp: Phước với từ tâm là khi mình tạo các phước thiện luôn đi kèm với tâm hoan hỷ và lòng từ ái.
Phước trí là khi mình siêng năng trau dồi trí tuệ:
• Văn tuệ;
• Tư tuệ;
• Tu tuệ.

Hỏi: Người có sắc đẹp mà có ít tài sản;
Người không có sắc đẹp mà có nhiều tài sản;
Người vừa có sắc đẹp vừa có nhiều tài sản;
Người vừa không có sắc đẹp vừa không có nhiều tài sản; Là do nguyên nhân gì?

Đáp:
• Có sắc đẹp mà không có tài sản là do có tu từ tâm nhưng không bố thí.
• Không có sắc đẹp nhưng có tài sản là do không tu từ tâm nhưng có bố thí.
• Vừa có sắc đẹp, vừa có tài sản là do vừa bố thí, vừa tu từ tâm.
• Vừa không có sắc đẹp, vừa không có tài sản là do không bố thí cũng không tu từ tâm.

Hỏi: Chư Thiên, quỷ thần cũng có sắc thân. Vậy tại sao ta không nhìn thấy họ?

Đáp: Vì họ là những chúng sinh hóa sinh có sắc thân rất vi tế nên mắt thường không nhìn thấy.

Hỏi: Cái gì khiến cho chúng sinh tham ái sâu nặng nhất?

Đáp: Sắc là cái khiến cho chúng sinh tham ái nhất.

Hỏi: Cái gì ngự trị và chi phối tâm trí của người đàn ông nhiều nhất?

Đáp: Sắc của người đàn bà.

Hỏi: Cái gì ngự trị và chi phối tâm trí của người đàn bà nhiều nhất?

Đáp: Sắc của người đàn ông.

Hỏi: Sắc là tịnh hay bất tịnh?

Đáp: Là bất tịnh.

Hỏi: Tại sao sắc bất tịnh?

Đáp: Vì sắc hôi tanh, xú uế.

Hỏi: Tại sao chúng sinh lại tham đắm cái hôi tanh bất tịnh đó?

Đáp: Vì chúng sinh bị chi phối bởi cái tưởng điên đảo.

Hỏi: Thế nào là tưởng điên đảo?

Đáp:
• Cái vô thường lại tưởng là thường;
• Cái khổ lại tưởng là lạc;
• Cái vô ngã lại tưởng là ngã;
• Cái bất tịnh lại tưởng là thanh tịnh.
Vì vậy chúng sinh mới tham đắm chấp trước:
• Sắc là ta;
• Sắc là của ta;
• Sắc là tự ngã của ta.
Đó là điên đảo tưởng.

Hỏi: Muốn hết điên đảo tưởng thì phải làm gì?

Đáp: Phải thực hành thiền minh sát để:
• Phân biệt được sắc;
• Phân biệt nguyên nhân sinh ra sắc;
• Phân biệt sự vô thường – khổ – vô ngã của sắc;
• Phải diệt trừ tham ái đối với sắc.
Thì sẽ hết điên đảo tưởng.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại