-
BIẾN XỨ MÀU TRẮNG:
Muốn tu tập thiền biến xứ trắng này, trước hết hành giả cũng lập lại thiền hơi thở cho đến khi đạt đến tứ thiền. Xuất khỏi tứ thiền, hành giả lại phân biệt thiền quán bất tịnh 32 thân phần, lúc bên trong, lúc bên ngoài. Sau đó, hành giả định tâm trên tướng bất tịnh của bộ xương cho đến khi đạt đến sơ thiền, rồi hành giả mở rộng tướng bộ xương ra từ gần đến xa theo mười phương hướng. Tiếp theo, hành giả hướng tâm vào phía mặt sau xương sọ của một người ngồi ở phía trước. Hành giả chỉ chú ý đến một khía cạnh là màu trắng của bộ xương ấy và niệm là “trắng, trắng…”.
Cứ tiếp tục duy trì định tâm trên màu trắng của bộ xương sọ phía trước và niệm “trắng, trắng…” như vậy, chẳng bao lâu sau, hình tướng của bộ xương sọ sẽ biến mất và một vòng tròn màu trắng sẽ hiện ra ngay trước mặt. Đó chính là học tướng của biến xứ trắng. Lúc này, hành giả cần giữ tâm ổn định, vững vàng và cứ tiếp tục niệm “trắng, trắng…”. Càng lúc thì học tướng ấy càng trở nên trắng và tỏa sáng hơn.
Khi tướng còn là hình dáng của bộ xương sọ thì đó là chuẩn bị tướng (parikamma nimitta). Khi tướng bộ xương biến mất và một vòng tròn trắng xuất hiện, thì đó là học tướng (uggaha nimitta). Khi tướng trở nên tỏa chiếu, rực sáng như sao mai thì đó là tợ tướng (pāṭibhāga nimitta).
Khi đã duy trì được định tâm trên tợ tướng kasiṇa trắng liên tục từ 1 đến 2 giờ, hành giả cần mở rộng tướng ấy ra.
Muốn mở rộng tợ tướng, trước hết, hành giả xuất ra khỏi định rồi tác ý đến kích cỡ mà mình dự định sẽ mở rộng. Hành giả cần mở rộng dần dần từ nhỏ đến lớn.
Ví dụ, hành giả tác ý đến kích cỡ sẽ mở rộng ra bằng một ngón tay, rồi nhập thiền trở lại. Đặt tâm vào tợ tướng, hành giả tác ý rằng: Mong cho tướng này hãy mở rộng ra bằng một ngón tay. Tướng sẽ được mở rộng ra theo như tác ý của hành giả. Theo cùng phương pháp ấy, hành giả cứ tiếp tục mở rộng ra bằng một gang tay, một sải tay, rồi cứ tiếp tục mở rộng ra xa hơn nữa đến mức mà hành giả có thể, cho đến khắp vũ trụ vô biên.
Trong khi đang mở rộng, nếu tợ tướng trở nên không ổn định hoặc mờ đi thì hành giả nên chú tâm lại một điểm. Khi tướng đã vững chắc và ổn định trở lại thì hành giả cứ tiếp tục mở rộng dần ra.
Khi tướng đã được mở rộng ra xa đến mức có thể rồi, hành giả lại đưa tâm trở về chú vào một điểm ở trước mặt và phát triển định cho đến khi đạt đến các tầng thiền.
Phương pháp phân biệt thiền chi và hành 5 pháp thuần thục với mỗi tầng thiền đã được trình bày trong phần niệm hơi thở anapanasati.
2. BIẾN XỨ MÀU VÀNG:
Để tu tập thiền biến xứ vàng, hành giả cũng thiết lập lại tứ thiền, sau đó phân biệt 32 thân phần; rồi hành giả hướng tâm đến màu vàng của nước tiểu hoặc phân ở bên trong hoặc bên ngoài và niệm “vàng, vàng…”. Nhờ sự trợ giúp của tứ thiền hơi thở và thiền 32 thân phần, chẳng bao lâu sau, học tướng màu vàng sẽ xuất hiện. Khi đã an trú trên tợ tướng được từ 1 đến 2 giờ thì hành giả áp dụng phương pháp mở rộng tợ tướng như đã làm với biến xứ trắng và phát triển định cho đến khi đạt đến các tầng thiền.
3. BIẾN XỨ ĐỎ:
Hành giả cũng phát triển định vào tứ thiền, rồi phân biệt 32 thân phần, sau đó lấy màu đỏ của máu làm đối tượng và niệm “đỏ, đỏ…” cho đến khi học tướng màu đỏ xuất hiện. Rồi hành giả phát triển định vào các tầng thiền tương tự như với biến xứ trắng.
4. BIẾN XỨ ĐEN:
Lấy màu đen của tóc trong thiền 32 thân phần và niệm “đen, đen…” cho đến khi học tướng xuất hiện. Sau đó, hành giả tiếp tục phát triển định cho đến khi chứng đắc các tầng thiền.
Trên đây là bốn biến xứ màu được dựa vào thiền quán bất tịnh 32 thân phần để tu tập. Tuy nhiên nếu muốn, hành giả cũng có thể lấy bất cứ màu nào trong bốn màu này ở một vật bên ngoài để làm đề mục tu tập và cũng đều có thể chứng đắc các tầng thiền.
Chẳng hạn như với biến xứ trắng, hành giả có thể chú tâm vào một bức tường có sơn màu trắng, hoặc tấm vải trắng, một bông hoa màu trắng để tu tập biến xứ trắng. Cũng vậy, một bông hoa đỏ để tu tập biến xứ đỏ, một bông hoa màu vàng để tu tập biến xứ vàng, một bông hoa màu đen để tu tập biến xứ đen.
5. BIẾN XỨ ĐẤT:
Muốn tu tập biến xứ đất, hành giả nên lấy một ít đất mềm thật sạch, có màu nâu hơi đỏ để làm một biến xứ vòng tròn với đường kính rộng chừng 30cm.
Hành giả để biến xứ đất ở trước mặt, cách xa chừng 1,5m, sau đó ngồi thiền mở mắt nhìn chăm chú vào biến xứ ấy, rồi nhắm mắt lại mường tượng đến biến xứ và niệm “đất, đất,…” cho đến khi định tướng xuất hiện. Dựa trên định tướng ấy, hành giả có thể tu tập phát triển định tâm và chứng đắc thiền.
Tuy nhiên, nếu hành giả đã tu tập thành công với thiền niệm hơi thở rồi thì nhờ sự trợ giúp của tứ thiền hơi thở, hành giả có thể tu tập biến xứ đất thật dễ dàng theo phương pháp sau:
Hành giả chỉ việc đi đến một nơi có mặt đất bằng phẳng, sạch sẽ, không có sỏi rác, dùng một dụng cụ vẽ một vòng tròn trên mặt đất với đường kính khoảng 30cm. Sau đó hành giả đứng hoặc ngồi tại chỗ và nhập vào tứ thiền hơi thở, rồi xuất ra khỏi tứ thiền, mở mắt nhìn vào vòng tròn ấy, rồi lại nhắm mắt lại với tâm ghi nhớ hình tướng vòng tròn ấy và niệm “đất, đất…”. Chẳng bao lâu sau, hình tướng vòng tròn sẽ biến mất và học tướng sẽ xuất hiện. Lúc ấy, hành giả có thể trở về chỗ hành thiền của mình và phát triển định vào các tầng thiền theo cùng phương pháp với thiền biến xứ màu trắng.
6. BIẾN XỨ NƯỚC:
Dùng một cái chậu đổ đầy nước trong và sạch đến sát miệng chậu. Rồi hành giả chỉ nhìn vào nước mà không cần chú ý đến cái chậu, sau đó nhắm mắt lại và mường tượng đến tính chất của nước và niệm “nước, nước…”. Chẳng bao lâu sau, học tướng nước sẽ xuất hiện. Dựa trên tướng ấy, hành giả tu tập thiền biến xứ nước theo cùng phương pháp đã trình bày.
7. BIẾN XỨ LỬA:
Thắp lên một ngọn lửa rồi nhìn vào tâm điểm của ngọn lửa ấy. Không nên để ý đến khói và chất liệu đang cháy. Sau đó, hành giả nhắm mắt lại với tâm ghi nhớ tướng lửa và niệm “lửa, lửa…”.
Hành giả cũng có thể tưởng nhớ lại một ngọn lửa đã từng thấy và niệm “lửa, lửa…”. Khi định tướng xuất hiện, hành giả có thể tiếp tục tu tập để chứng đắc các tầng thiền.
8. BIẾN XỨ GIÓ:
Hành giả đứng tại chỗ nào có gió đang thổi xúc chạm trên da mặt của mình, hãy bắt tướng gió ấy và niệm “gió, gió…”. Hoặc hành giả hãy nhìn tướng gió thổi làm rung động cành lá cây và niệm “gió, gió…” rồi phát triển định vào các tầng thiền.
9. BIẾN XỨ ÁNH SÁNG:
Muốn tu tập biến xứ ánh sáng, hành giả phải đến một nơi nào có ánh sáng chiếu đến. Ví dụ như một tia sáng mặt trời rọi qua khe cửa và tỏa sáng trên sàn nhà, trên tường vách; hoặc hành giả đến dưới một lùm cây có những tia sáng xuyên qua các tán lá và tỏa chiếu trên mặt đất. Hành giả quan sát ánh sáng ấy và niệm “ánh sáng, ánh sáng…” cho đến khi học tướng xuất hiện. Sau đó, hành giả trở về tu tập cho đến khi chứng đắc các tầng thiền.
10. BIẾN XỨ HƯ KHÔNG:
Để tu tập biến xứ này, hành giả nên dùng một tờ giấy bìa, khoét một lỗ tròn trên tờ giấy, rồi đứng một nơi nào trống vắng để có thể nhìn lên bầu trời mà không bị che khuất bởi cây cối hay nhà cửa. Hành giả nhìn xuyên qua vòng tròn trên tờ bìa, nhìn vào giữa khoảng không trên trời và niệm “hư không, hư không…”. Khi định tướng hư không xuất hiện, hành giả trở về và tu tập cho đến khi chứng đắc các tầng thiền.
Đến đây, hành giả đã tu tập xong với 10 biến xứ là đất, nước, lửa, gió, đen, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, hư không, và đã chứng đạt đến tứ thiền sắc giới với mỗi biến xứ. Công việc tiếp theo của hành giả là tu tập tứ thiền vô sắc giới.