Hỏi: Tại sao Bồ Tát có thể nhớ lại được rất nhiều đời sống quá khứ?
Đáp: Nhờ năng lực của Túc mạng trí.
Hỏi: Tại sao Bồ Tát quán thấy được sự chết và đi tái sinh của chúng sinh?
Đáp: Nhờ năng lực của Thiên nhãn trí.
Hỏi: Tại sao Ngài biết mình đã giải thoát khổ đau sinh tử?
Đáp: Nhờ năng lực của Lậu tận trí.
Hỏi: Đức Phật có những loại thần thông gì?
Đáp:
• Túc mạng thông;
• Thiên nhãn thông;
• Thiên nhĩ thông;
• Tha tâm thông;
• Thần túc thông;
• Lậu tận thông.
Hỏi: Từ khi thành Đạo, Ngài được thế gian tôn xưng là gì?
Đáp: Arahaṃ – Ứng Cúng;
• Sammāsambuddho – Chánh Biến Tri;
• Vijjācaranasampanno – Minh Hạnh Túc;
• Sugato – Thiện Thệ;
• Lokavidū – Thế Gian Giải;
• Anuttaro Purisadammasārathi – Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu;
• Purisadammasārathi – Thiên Nhân Sư;
• Buddho – Phật;
• Bhagavā – Thế Tôn.
Hỏi: Phải tu hành bao nhiêu kiếp mới trở thành một vị Phật?
Đáp: 4 A tăng kỳ kiếp và 100 ngàn đại kiếp.
Hỏi: Chúng sinh ở các cõi khác có thể tu thành Phật được không?
Đáp: Không. Chỉ cõi người mới tu thành Phật được.
Hỏi: Ở các cõi khác có thể tu đắc các Thánh quả khác được không?
Đáp: Có thể đắc bốn Thánh quả khác.
Hỏi: Súc sinh có thể tu Giới – Định – Tuệ được không?
Đáp: Có thể tu được giới. Không thể tu được định và tuệ.
Hỏi: Bữa ăn cuối cùng của Bồ Tát trước khi thành đạo do ai cúng dàng?
Đáp: Nàng Sujata.
Hỏi: Khi đắc đạo rồi, Đức Phật vẫn ngồi thiền là để làm gì?
Đáp: Để hưởng sự an lạc của Đạo quả giải thoát.
Hỏi: Khi đắc Đạo rồi, Ngài còn cảm thấy vui, buồn nữa không?
Đáp: Không.
Hỏi: Người khác thấy Ngài có biết Ngài đã thành Phật rồi không?
Đáp: Không.
Hỏi: Các vị chư Thiên có biết Ngài đã thành Phật rồi không?
Đáp: Vị nào có tha tâm thông thì mới biết Ngài đã thành Phật.
Hỏi: Tuần thứ nhất sau khi thành Đạo, Đức Phật đã đi đâu?
Đáp: Ngài nhập thiền quả dưới gốc cây Bồ Đề.
Hỏi: Tuần thứ hai Đức Phật đã hành thiền ở đâu?
Đáp: Ngài không hành thiền mà đứng nhìn cây Bồ Đề không chớp mắt.
Hỏi: Sau hai tuần từ khi thành Đạo, Ngài vẫn ở lại với cây Bồ Đề hay Ngài đã đi nơi khác?
Đáp: Ngài hóa ra con đường bằng châu báu ở bên cạnh cây Bồ Đề và đi thiền hành trên đó.
Hỏi: Vi diệu pháp thâm sâu mầu nhiệm đã được Đức Phật quán chiếu khi Ngài ở dưới cội cây Bồ Đề phải không?
Đáp: Không. Đức Phật quán chiếu Vi Diệu Pháp thâm sâu ở trong bảo cung Ratanaghara tuần lễ thứ tư sau khi thành đạo.
Hỏi: Khi Ngài thành Phật rồi ác ma còn dám đến quấy nhiễu nữa không? Tại sao
Đáp: Có. Vì ác ma không biết được khả năng siêu phàm của Đức Phật.
Hỏi: Vị chúa rồng đã che mưa cho Phật ở tuần thứ 6 là chúng sinh ở cõi nào?
Đáp: Là chư Thiên ở cõi Tứ Thiên Vương.
Hỏi: Đức Phật đã thực hành pháp thiền gì vào tuần thứ bảy?
Đáp: Ngài nhập thiền quả giải thoát.
Hỏi: Đức Phật có phải là bậc A La Hán không?
Đáp: Có. Đức Phật là bậc A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác.
Hỏi: A La Hán có nghĩa là gì?
Đáp: Có 3 nghĩa:
• Đã đoạn trừ hết phiền não.
• Xứng đáng được cung kính cúng dàng.
• Giải thoát khổ đau sinh tử.
Hỏi: Phiền não là gì?
Đáp: Phiền não là các tâm bất thiện sinh khởi ở trong tâm: 8 tâm tham; 2 tâm sân; 2 tâm si.
Hỏi: Khi diệt hết phiền não rồi thì tâm gì sẽ sinh khởi?
Đáp: Còn lại tâm Vô tham – Vô sân – Vô si sẽ sinh khởi.
Hỏi: Ngài xứng đáng được cúng dường là làm sao?
Đáp: Vì ai cúng dường Ngài thì sẽ nhận lại được những phước báu lớn, những công đức lớn.
Hỏi: Khi Đức Phật nhập Niết Bàn rồi, mọi người dâng lễ vật cúng dường thì Ngài có nhận được không?
Đáp: Không.
Hỏi: Mọi người cầu xin Ngài phù hộ, vậy Ngài có phù hộ được không?
Đáp: Không.
Hỏi: Mọi người tụng kinh, niệm Phật, Ngài có nghe được không?
Đáp: Không.
Hỏi: Vậy dâng lễ vật cúng dàng, tụng kinh lễ bái có công đức không?
Đáp: Có.
Hỏi: Vậy bây giờ Đức Phật đang ở đâu?
Đáp: Ngài đã nhập Niết Bàn.
Hỏi: Ngài nhập Niết Bàn rồi thì còn tâm thức nữa không?
Đáp: Không.
Hỏi: Chánh Đẳng Giác có ý nghĩa gì?
Đáp: Là trí tuệ thấy biết không bị ngăn che:
• Thấu suốt quá khứ;
• Thấu suốt hiện tại;
• Thấu suốt vị lai.
→ Toàn giác trí.
Hỏi: Đức Phật có những loại trí gì?
Đáp: Đức Phật có tám loại trí:
• Túc mạng trí;
• Thiên nhãn trí;
• Thiên nhĩ trí;
• Tha tâm trí;
• Lậu tận trí;
• Thần túc trí;
• Hóa tâm trí;
• Thiền tuệ trí.
Hỏi: Đức Phật có những đức hạnh gì?
Đáp: Đức Phật có 15 đức hạnh:
• Hạnh giữ giới thanh tịnh;
• Hạnh thu thúc 6 căn thanh tịnh;
• Hạnh tri túc trong vật thực;
• Hạnh thức tỉnh;
• Hạnh đức tin – tín;
• Hạnh chánh niệm – niệm;
• Hạnh hổ thẹn tội lỗi – tàm;
• Hạnh ghê sợ tội lỗi – quý;
• Hạnh đa văn;
• Hạnh tinh tấn;
• Hạnh trí tuệ;
• Hạnh sơ thiền;
• Hạnh nhị thiền;
• Hạnh tam thiền;
• Hạnh tứ thiền.
Hỏi: Đức Phật có nói ra tất cả những gì mà Ngài đã biết không?
Đáp: Không. Ngài chỉ nói ra sự thật có lợi ích cho chúng sinh mà thôi.
Hỏi: Cái gì là sự thật có lợi ích?
Đáp: Sự thật về khổ;
• Nguyên nhân của khổ;
• Sự thoát khổ;
• Con đường thoát khổ;
Là những sự thật có lợi ích.
Hỏi: Tại sao Đức Phật lại nói ra được những sự thật có lợi ích?
Đáp: Bởi vì Đức Phật đã thấy biết rõ ràng các pháp trên thế gian.
Hỏi: Đức Phật thấy biết các pháp gì về thế gian?
Đáp: Đức Phật thấy biết về:
■ Chúng sinh thế giới: Noãn – Thai – Thấp – Hóa.
■ Cõi thế giới: 31 cõi/1 thế giới.
■ Pháp hành thế giới:
• 1 pháp: Tất cả chúng sinh tồn tại nhờ vật thực.
• 2 pháp: Danh và sắc.
• 3 thọ: Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ.
• 4 pháp: Đoàn thực, thức thực, xúc thực, tư niệm thực.
• 5 uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
• 6 xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Hỏi: Đức Phật điều phục những hàng chúng sinh hung dữ bằng cách nào?
Đáp:
• Đức Phật dùng lòng từ bi để điều phục;
• Đức Phật dùng trí tuệ để điều phục;
• Đức Phật dùng thần thông để điều phục;
• Đức Phật dùng lời nói để điều phục.
Hỏi: Tại sao Đức Phật lại là Thầy của trời và người?
Đáp: Vì Đức Phật có thể giảng pháp cho cả các hàng chư Thiên và nhân loại được giác ngộ sự thật và giải thoát khổ đau.
Hỏi: Tại sao Đức Phật được gọi là Bậc Giác Ngộ?
Đáp: Vì Ngài tuệ tri được bốn sự thật:
• Tuệ tri 5 uẩn luôn phải chịu sự sinh diệt – Khổ Đế;
• Tuệ tri tham ái dính mắc nên phải chịu sinh diệt – Tập Đế;
• Tuệ tri Niết Bàn diệt trừ tham ái giải thoát khổ – Diệt Đế;
• Tuệ tri bát chánh đạo con đường tu tập thoát khổ – Đạo Đế.
Hỏi: Vì sao Đức Phật còn được gọi là Thế Tôn?
Đáp: Thế Tôn hay Bhagavā là người may mắn, người thừa tự những thiện nghiệp đã làm.