2. Hành duyên thức

Sư Thanh Minh

Do hành sinh nên thức sinh.
Hành là nhân, thức là quả.

Hành saṅkhārā là những hành động được tạo ra bởi tâm sở tư cetanā (cố ý tạo nghiệp).
• Tư cetanā sinh với 12 tâm bất thiện thì sẽ tạo ra ác nghiệp;
• Tư cetanā sinh với 8 tâm thiện dục giới thì sẽ tạo ra thiện nghiệp dục giới;
• Tư cetanā sinh với 5 tâm thiền sắc giới thì sẽ tạo ra thiện nghiệp sắc giới;
• Tư cetanā sinh với 4 tâm thiền vô sắc giới thì sẽ tạo ra thiện nghiệp vô sắc giới.

Những hành bất thiện sẽ là nhân sinh ra các tâm thức hạ liệt, sầu khổ. Những hành thiện sẽ là nhân sinh ra các tâm thức cao thượng, an vui.

Thức viññāṇaṃ là tâm thức, là quả của các hành động tạo nghiệp trong quá khứ nên còn gọi là tâm quả.

1. Tâm quả đầu tiên được gọi là tâm tục sinh (paṭisandhi). Nó chỉ sinh lên trong sát-na đầu tiên trong kiếp sống mới khi đi tái sinh.
• Nếu là quả của hành bất thiện thì sẽ tái sinh về 4 cõi khổ: Địa ngục – ngã quỷ – súc sinh – A tu la.
Vì hành saṅkhārā bất thiện sinh nên thức tục sinh vào cõi khổ sinh. Hành sankhārā bất thiện là nhân, thức tục sinh vào cõi khổ là quả.

• Nếu hành saṅkhārā là các thiện nghiệp dục giới như bố thí, giữ giới, cung kính, phục vụ,… thì tâm quả tục sinh sẽ sinh làm người hoặc chư Thiên Dục Giới.
Vì hành saṅkhārā thiện dục giới sinh nên thức tục sinh tái sinh cõi chư Thiên và nhân loại sinh. Hành saṅkhārā thiện dục giới là nhân, thức tục sinh vào cõi chư Thiên và nhân loại là quả.

• Nếu saṅkhārā là tâm thiền sắc giới của người đã tu chứng từ sơ thiền đến tứ thiền hoặc ngũ thiền thì thức tục sinh sẽ tái sinh về 16 cõi Phạm Thiên Sắc Giới.
Vì saṅkhārā thiền sắc giới sinh nên thức tục sinh về cõi Phạm Thiên Sắc Giới sinh. Saṅkhārā thiền sắc giới là nhân, thức tục sinh về cõi Phạm Thiên Sắc Giới là quả.

• Nếu saṅkhārā là tâm thiền vô sắc giới của người đã tu chứng từ không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng xứ thì thức tục sinh sẽ tái sinh về 4 cõi Phạm Thiên Vô Sắc Giới.
Vì saṅkhārā thiền vô sắc giới sinh nên thức tục sinh về cõi Phạm Thiên Vô Sắc Giới sinh, saṅkhārā thiền vô sắc giới là nhân, thức tục sinh về cõi Phạm Thiên Vô Sắc là quả.

Sau khi tái sinh, các hành vẫn tiếp tục cho quả.

2. Bởi sự sinh của hành saṅkhārā, tâm hữu phần bhavaṅga sinh.
Hành saṅkhārā là nhân, tâm hữu phần bhavaṅga là quả.

3. Bởi sự sinh của hành, tâm tử cuti sinh.
Hành saṅkhārā là nhân, tâm tử cuti là quả.

4. Bởi sự sinh của hành saṅkhārā, nhãn thức sinh.
Hành saṅkhārā là nhân; nhãn thức tiếp thâu, suy xét là quả,…
Tương tự với nhĩ thức, nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức, ý thức.

Hỏi: 32 tâm quả hiệp thế là gì?

Đáp:
Người tạo những hành saṅkhārā bất thiện sẽ sinh ra 7 tâm quả sau:
1. Nhãn thức thọ xả: Thấy những cảnh xấu, không ưa thích;
2. Nhĩ thức thọ xả: Nghe những âm thanh khó chịu, không ưa thích;
3. Tỉ thức thọ xả: Ngửi những mùi hôi khó chịu, không ưa thích;
4. Thiệt thức thọ xả: Nếm những vị khó chịu, không ưa thích;
5. Thân thức thọ xả: Đụng chạm những vật khó chịu, không ưa thích;
6. Tiếp nhận thọ xả: Tiếp nhận những cảnh khó chịu, không ưa thích;
7. Suy xét thọ xả: Suy xét những cảnh khó chịu, không ưa thích.

Do hành saṅkhārā bất thiện sinh nên 7 tâm thức luôn phải thấy cảnh khó chịu, không ưa thích sinh. Hành saṅkhārā bất thiện là nhân, 7 tâm thức phải thấy cảnh khó chịu không ưa thích là quả.

Người tạo những hành saṅkhārā thiện sẽ sinh ra 8 tâm quả sau:
1. Nhãn thức thọ xả: Thấy cảnh đẹp đáng ưa thích;
2. Nhĩ thức thọ xả: Nghe âm thanh dễ chịu;
3. Tỉ thức thọ xả: Ngửi mùi thơm dễ chịu;
4. Thiệt thức thọ xả: Nếm vị ngon dễ chịu;
5. Thân thức thọ xả: Đụng chạm vật dễ chịu;
6. Tiếp nhận thọ xả: Tiếp nhận cảnh dễ chịu;
7. Suy xét thọ xả: Suy xét những cảnh dễ chịu;
8. Suy xét thọ hỉ: Suy xét những cảnh đáng ưa thích.

Do hành saṅkhārā thiện sinh nên 8 tâm thức thường thấy cảnh thích thú dễ chịu sinh. Hành saṅkhārā thiện là nhân, 8 tâm thức thường thấy cảnh thích thú dễ chịu là quả.

■ Người tạo những hành saṅkhārā thiện dục giới sẽ sinh ra 8 tâm đại quả dục giới:
1. Tâm thọ hỉ có trí vô trợ: Hoan hỉ làm việc thiện đi kèm trí tuệ không cần hỗ trợ;
2. Tâm thọ hỉ có trí hữu trợ: Hoan hỉ làm việc thiện đi kèm trí tuệ cần hỗ trợ;
3. Tâm thọ hỉ ly trí vô trợ: Hoan hỉ làm việc thiện nhưng không đi kèm trí tuệ không cần hỗ trợ;
4. Tâm thọ hỉ ly trí hữu trợ: Hoan hỉ làm việc thiện nhưng không đi kèm trí tuệ cần hỗ trợ;
5. Tâm thọ xả ly trí vô trợ: Thản nhiên làm việc thiện không đi kèm trí tuệ không cần hỗ trợ;
6. Tâm thọ xả ly trí hữu trợ: Thản nhiên làm việc thiện không đi kèm trí tuệ cần hỗ trợ;
7. Tâm thọ xả có trí vô trợ: Thản nhiên làm việc thiện đi kèm trí tuệ không cần hỗ trợ;
8. Tâm thọ xả có trí hữu trợ: Thản nhiên làm việc thiện đi kèm với trí tuệ cần sự hỗ trợ.

Do saṅkhārā thiện dục giới sinh nên 8 tâm thức đại quả dục giới sinh. Saṅkhārā thiện dục giới là nhân, 8 tâm đại quả dục giới là quả.

Người tạo saṅkhārā thiện tu chứng 5 tầng thiền sắc giới sẽ sinh ra 5 tâm quả sắc giới:

  1. Tâm quả sơ thiền và nhị thiền, sinh ở cõi:
    • Phạm Chúng Thiên;
    • Phạm Phụ Thiên;
    • Đại Phạm Thiên
  2. Tâm quả tam thiền, sinh ở cõi:
    • Thiểu Quang Thiên;
    • Vô Lượng Quang Thiên;
    • Quang Âm Thiên;
  3. Tâm quả tứ thiền, sinh ở cõi:
    • Thiểu Tịnh Thiên;
    • Vô Lượng Tịnh Thiên;
    • Biến Tịnh Thiên.
  4. Tâm quả ngũ thiền, sinh ở cõi:
    • Quảng Quả Thiên;
    • Vô Tưởng Thiên;
    • Ngũ Tịnh Cư Thiên:
    • Vô Phiền Thiên;
    • Vô Nhiệt Thiên;
    • Thiện Hiện Thiên;
    • Thiện Kiến Thiên;
    • Sắc Cứu Cánh Thiên.

Do tu chứng 5 bậc thiền sắc giới sinh nên 5 tâm quả sắc giới sinh. Saṅkhārā 5 bậc thiền sắc giới là nhân, 5 tâm quả sắc giới là quả.

Người tạo saṅkhārā thiện tu chứng bốn tầng thiền vô sắc giới sẽ tạo ra 4 tâm quả vô sắc giới:

  1. Hư không vô biên xứ: Sinh ở cõi Không Vô Biên;
  2. Thức vô biên xứ: Sinh ở cõi Thức Vô Biên;
  3. Vô sở hữu xứ: Sinh ở cõi Vô Sở Hữu;
  4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Sinh ở cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

Do saṅkhārā thiện vô sắc giới sinh nên 4 tâm quả vô sắc sinh. Saṅkhārā thiện vô sắc là nhân, 4 tâm quả vô sắc là quả.

Như vậy:
• Có 7 tâm quả bất thiện vô nhân;
• Có 8 tâm quả thiện vô nhân;
• Có 8 tâm đại quả;
• Có 5 tâm quả sắc giới;
• Có 4 tâm quả vô sắc.
Tổng Cộng: 32 tâm quả hiệp thế được sinh lên do hành nghiệp quá khứ đã tạo.

Hỏi: Có bao nhiêu hành bất thiện trợ duyên cho thức tục sinh?

Đáp: Có 11 hành bất thiện:
• 8 tham;
• 2 sân;
• 1 si hoài nghi (ngoại trừ si phóng dật);
trợ duyên cho tâm thức thọ xả quả bất thiện vô nhân đưa chúng sinh tái sinh vào cõi khổ.

Hỏi: Có bao nhiêu hành thiện trợ duyên cho thức tục sinh vào cõi lành?

Đáp: Có 18 tâm trợ duyên cho thức tục sinh tái sinh vào các cõi lành, bao gồm:
• 17 tâm thiện trợ duyên cho thức tục sinh:
• 8 đại thiện dục giới;
• 5 sắc giới;
• 4 vô sắc giới.
• 1 tâm suy xét thọ xả quả thiện vô nhân.

Tổng cộng có 19 tâm hành làm phận sự tái tục:
• 1 tâm quan sát thọ xả quả bất thiện;
• 1 tâm quan sát thọ xả quả thiện;
• 8 tâm đại thiện dục giới;
• 5 tâm thiền sắc giới;
• 4 tâm thiền vô sắc giới.

19 tâm đều có thể làm nhân trợ duyên cho thức tục sinh tái sinh sang một kiếp sống mới. Khi tái sinh rồi 12 tâm hành bất thiện và 17 tâm hành thiện lại tiếp tục trợ duyên để sinh ra các tâm quả thiện và tâm quả bất thiện.

Hỏi: Thời gian từ khi hành động tạo nghiệp đến khi thọ quả báo là bao lâu?

Đáp: Hành saṅkhārā có thể cho quả ở cả hiện tại và tương lai. Ví dụ: Một người tạo nghiệp thiện bố thí.
• Hiện tại tâm luôn vui vẻ vì được nhiều người yêu quý: Là quả của tốc hành tâm thứ nhất.
• Kiếp sau sinh ra tâm muốn gì về vật chất cũng được như ý: Là quả của tốc hành tâm thứ bảy.
• Nhiều kiếp sau vẫn được gặp những cảnh ưa thích hài lòng: Là quả của tốc hành tâm thứ hai đến thứ sáu.
Như vậy hành có thể làm duyên cho thức sinh khởi ở cả hiện tại, ở tương lai gần và tương lai xa.

Hỏi: Tâm quả siêu thế do hành saṅkhārā nào sinh ra?

Đáp: Tâm quả siêu thế do hành đạo siêu thế sinh ra. Vì hành đạo magga siêu thế sinh nên thức quả siêu thế sinh. Hành đạo magga siêu thế là nhân, thức siêu thế là quả.

Bởi sự sinh của hành sơ đạo: Sơ thiền – nhị thiền – tam thiền – tứ thiền – ngũ thiền nên tâm sơ quả sơ thiền – nhị thiền – tam thiền – tứ thiền – ngũ thiền sinh.
Sơ đạo là nhân, sơ quả là quả. Cũng như vậy với nhị đạo – nhị quả, tam đạo – tam quả, tứ đạo – tứ quả.

Hỏi: Súc sinh cũng có tâm thức nhưng tại sao nó lại ngu si ám độn?

Đáp: Do hành saṅkhārā bất thiện hỗ trợ cho thức tục sinh thọ xả quả bất thiện tái sinh làm súc sinh. Vì tâm tục sinh thọ xả quả bất thiện quá yếu nên căn tính của súc sinh mới ngu si ám độn.

Hỏi: Tại sao có người căn tính lanh lợi? Có người căn tính ám độn? Có người không lanh lợi cũng không ám độn?

Đáp: Do hành saṅkhārā thiện tâm hợp trí tuệ trợ duyên cho thức tục sinh tái sinh làm người có đủ 3 nhân: Vô tham – vô sân – vô si nên người đó thường có căn tính lanh lợi, trí tuệ sắc bén. Hành saṅkhārā thiện tâm hợp trí tuệ là nhân, thức tục sinh có ba nhân vô tham – vô sân – vô si và người có căn tính lanh lợi là quả.

Do hành saṅkhārā thiện tâm nhưng không kết hợp với trí tuệ trợ duyên cho thức tục sinh tái sinh làm người có 2 nhân vô tham – vô sân nên người đó có căn tính trung bình, không lanh lợi, cũng không ám độn. Hành saṅkhārā thiện tâm không kết hợp với trí tuệ là nhân, thức tục sinh có hai nhân vô tham – vô sân và người có căn tính trung bình không lanh lợi, không ám độn là quả.

Do hành saṅkhārā thiện tâm yếu ớt, hời hợt, không kèm trí tuệ trợ duyên cho thức tục sinh bằng tâm suy xét thọ xả quả thiện vô nhân tái sinh làm người vô nhân. Vì tâm vô nhân yếu ớt nên căn tính của người vô nhân thường ám độn, ngu dốt. Hành saṅkhārā thiện tâm yếu ớt, hời hợt không có trí tuệ là nhân, thức tục sinh vô nhân và người căn tính ám độn là quả.

Hỏi: Hành như thế nào là có trí tuệ? Hành như thế nào là không có trí tuệ?

Đáp: Khi mình làm việc thiện mà mình biết rõ rằng đây là việc thiện sẽ có quả báo thiện thì hành saṅkhārā đó sẽ là thiện tâm hợp trí tuệ.

Khi mình làm việc thiện nhưng mình không biết đó là việc thiện cũng không biết sẽ có quả báo ở tương lai thì saṅkhārā đó sẽ là thiện tâm không có trí tuệ.

Khi mình làm việc thiện nhưng làm với tâm hời hợt, yếu ớt không toàn tâm toàn ý thì saṅkhārā đó sẽ là thiện tâm yếu ớt không hợp trí tuệ.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên sinh ra người có tánh tham nổi trội?

Đáp: Do hành saṅkhārā đi kèm với vô tham yếu, vô sân – vô si mạnh hỗ trợ cho thức tục sinh nên sinh ra làm người có tánh tham nổi trội.

Hỏi: Người tánh tham thường có biểu hiện như thế nào?

Đáp:
• Ham vui;
• Sợ khổ;
• Thích hưởng thụ;
là biểu hiện của người có tánh tham.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên sinh ra người có tánh sân nổi trội?

Đáp: Do hành saṅkhārā vô tham – vô si mạnh, vô sân yếu trợ duyên cho thức tục sinh sinh làm người có tánh sân nổi trội.

Hỏi: Người tánh sân thường có biểu hiện như thế nào?

Đáp:
• Nhăn nhó;
• Chê bai;
• Khó tính khó nết.
là biểu hiện của người có tánh sân.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên sinh ra người có tánh si nổi trội?

Đáp: Do hành saṅkhārā vô tham – vô sân mạnh, vô si yếu hoặc không đi kèm với trí tuệ trợ duyên cho thức tục sinh sinh ra làm người có tánh si nổi trội.

Hỏi: Biểu hiện của người có tánh si như thế nào?

Đáp:
• Vụng về;
• Ngơ ngác;
• Không có lập trường.
là biểu hiện của người có tánh si.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên khiến cho một người có tánh đức tin nổi trội?

Đáp: Do hành thiện đi kèm với niềm tin mạnh, trí tuệ yếu trợ duyên khiến cho một người có tánh đức tin nổi trội.

Hỏi: Biểu hiện của người tánh đức tin như thế nào?

Đáp:
• Nhẹ dạ;
• Cả tin;
• Hay bị lừa.
là biểu hiện của người có tánh đức tin.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên khiến cho một người có tánh phân tích nổi trội?

Đáp: Do hành thiện đi kèm với trí tuệ mạnh, niềm tin yếu trợ duyên khiến cho một người có tánh phân tích nổi trội.

Hỏi: Biểu hiện của người có tánh phân tích như thế nào?

Đáp:
• Lý trí;
• Săm soi;
• Tìm tòi sự thật.
là biểu hiện của người có tánh phân tích.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên khiến cho một người có tánh tư duy nổi trội?

Đáp: Do hành thiện có tầm mạnh, định yếu (tâm dao động hay hướng đến chuyện này, chuyện khác…) trợ duyên khiến cho một người có tánh tư duy nổi trội. Tánh tư duy thường suy nghĩ liên miên không ngừng nghỉ.

Hỏi: Biểu hiện của người có tánh tư duy như thế nào?

Đáp:
• Mơ hồ;
• Ảo tưởng;
• Tính cách thất thường.
là biểu hiện của người có tánh tư duy.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên khiến cho một người lúc còn trẻ thì hiền lành, lương thiện nhưng khi lớn lên thì hung dữ, bất thiện? Ngược lại có người lúc còn trẻ thì hung dữ, bất thiện nhưng khi lớn lên thì hiền lành, lương thiện?

Đáp: Do hành nghiệp trong quá khứ vô sân mạnh hỗ trợ thức tục sinh sinh ra vốn là người lành, nhưng khi lớn lên lại thân cận với những người bất thiện và tạo tác nghiệp bất thiện nên dần dần trở thành người hung dữ, bất thiện.

Ngược lại do hành nghiệp trong quá khứ vô sân yếu hỗ trợ thức tục sinh sinh ra vốn là người hung dữ, nhưng khi lớn lên lại thân cận với những người hiền lành, lương thiện tạo tác nghiệp thiện nên dần dần trở thành người hiền thiện.

Hỏi: Do hành gì trợ duyên khiến cho một người lúc còn trẻ thì ám độn nhưng khi lớn lên lại lanh lợi? Ngược lại có người lúc còn trẻ thì lanh lợi nhưng khi lớn lên lại ám độn?

Đáp: Do hành nghiệp trong quá khứ vô si yếu trợ duyên cho thức tục sinh sinh ra hơi ám độn, nhưng khi lớn lên được thân cận học tập với những bậc có trí tuệ, siêng năng phát triển trí tuệ nên lâu ngày trở thành người có trí tuệ.

Do hành nghiệp trong quá khứ có trí tuệ mạnh trợ duyên cho thức tục sinh sinh ra làm người từ nhỏ đã lanh lợi, nhưng khi lớn lên lại thân cận với những người ám độn, không siêng năng phát triển trí tuệ nên càng ngày càng trở lên u mê, ám độn.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại