20. THỌ UẨN

Sư Thanh Minh

Hỏi: Thọ là gì?

Đáp: Thọ là những cảm giác của thân và tâm.

Hỏi: Thân có những loại cảm thọ gì?

Đáp: Thân có 2 loại cảm thọ:
• Lạc thọ: Sự an lạc, dễ chịu của thân;
• Khổ thọ: Sự đau khổ, khó chịu của thân.

Hỏi: Tâm có những loại cảm thọ gì?

Đáp: Tâm có 3 loại cảm thọ:
• Hỷ: Sự vui vẻ, thích thú của tâm;
• Ưu: Sự buồn phiền, sầu muộn của tâm;
• Xả: Sự dửng dưng, không vui không buồn của tâm.

Hỏi: Nguyên nhân nào sinh ra các cảm thọ khác nhau như vậy?

Đáp: Khi các căn tiếp xúc với các trần, tâm có sự ưa thích, chán ghét hoặc dửng dưng mà sinh ra các cảm thọ khác nhau.

Hỏi: Khi mắt thấy cảnh sắc đẹp thì sinh ra thọ gì?

Đáp: Thọ hỷ.

Hỏi: Thấy cảnh chán ghét thì sinh ra thọ gì?

Đáp: Thọ ưu.

Hỏi: Thấy cảnh bình thường thì sinh ra thọ gì?

Đáp: Thọ xả.

Hỏi: Như thế nào thì sinh ra thọ khổ, thọ lạc?

Đáp: Khi thân xúc chạm vật thô, đau đớn thì sinh ra thọ khổ. Khi thân xúc chạm vật êm ái thì sinh ra thọ lạc.

Hỏi: Làm thế nào để thấy được các cảm thọ đó?

Đáp:
Phải thực hành thiền tuệ Vipassanā phân biệt danh ở sáu hàng:
• Hàng cảnh sắc: Thọ do nhãn xúc sinh;
• Hàng cảnh thanh: Thọ do nhĩ xúc sinh;
• Hàng cảnh hương: Thọ do tỉ xúc sinh;
• Hàng cảnh vị: Thọ do thiệt xúc sinh;
• Hàng cảnh xúc: Thọ do thân xúc sinh;
• Hàng cảnh pháp: Thọ do ý xúc sinh.

Quán duyên khởi thì phân biệt được các nhân quá khứ sinh ra thọ:
• Năm nhân quá khứ: Vô minh, tham ái, chấp thủ, hành, nghiệp là nhân, thọ là quả.
• Nhân hiện tại: Tưởng – Hành – Thức, Sắc căn, Sắc cảnh, Tác ý là nhân, thọ là quả.

Hỏi: Thọ nào sinh với tâm thiện? Thọ nào sinh với tâm bất thiện?

Đáp:
1. Thọ hỷ sinh với cả thiện và bất thiện.

■ Thọ hỷ sinh cùng với 4 tâm tham:
• Tham thọ hỷ hợp tà kiến cần hỗ trợ;
• Tham thọ hỷ hợp tà kiến không cần hỗ trợ;
• Tham thọ hỷ hợp ngã mạn cần hỗ trợ;
• Tham thọ hỷ hợp ngã mạn không cần hỗ trợ.

■ Thọ hỷ sinh cùng 4 tâm thiện dục giới:
• Thọ hỷ sinh cùng với trí tuệ cần hỗ trợ;
• Thọ hỷ sinh cùng với trí tuệ không cần hỗ trợ;
• Thọ hỷ ly trí cần hỗ trợ;
• Thọ hỷ ly trí không cần hỗ trợ.

■ Thọ hỷ sinh cùng 2 tâm thiện sắc giới:
• Tâm thiện sắc giới sơ thiền (Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh với tầm, với tứ);
• Tâm thiện sắc giới nhị thiền (Một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm).

2. Thọ ưu, sinh cùng với 2 tâm sân:
• Thọ ưu sinh cùng với sân cần hỗ trợ;
• Thọ ưu sinh cùng với sân không cần hỗ trợ.

3. Thọ xả: sinh với cả tâm thiện, bất thiện và vô ký:

■ Thọ xả sinh cùng với 4 tâm tham:
• Tham tà kiến thọ xả cần hỗ trợ;
• Tham tà kiến thọ xả không cần hỗ trợ;
• Tham ngã mạn thọ xả cần hỗ trợ;
• Tham ngã mạn thọ xả không cần hỗ trợ;

■ Thọ xả sinh cùng 2 tâm si:
• Si phóng dật thọ xả;
• Si hoài nghi thọ xả.

■ Thọ xả sinh cùng 4 tâm thiện dục giới:
• Tâm thiện thọ xả có trí cần hỗ trợ;
• Tâm thiện thọ xả có trí không cần hỗ trợ;
• Tâm thiện thọ xả ly trí cần hỗ trợ;
• Tâm thiện thọ xả ly trí không cần hỗ trợ.

■ Thọ xả sinh cùng tâm thiện sắc giới:
• Tâm tứ thiền sắc giới thọ xả;

■ Thọ xả sinh cùng tâm thiện vô sắc giới:
• Không vô biên xứ thọ xả;
• Thức vô biên xứ thọ xả;
• Vô sở hữu xứ thọ xả;
• Phi tưởng phi phi tưởng xứ thọ xả.

Hỏi: Cõi nào thuần thọ khổ? Cõi nào thuần thọ lạc? Cõi nào vừa khổ vừa lạc? Cõi nào thuần thọ xả?

Đáp:
• Cõi địa ngục thuần thọ khổ;
• Cõi tam thiền thuần thọ lạc;
• Cõi người vừa khổ vừa lạc;
• Cõi tứ thiền và 4 cõi vô sắc giới thuần thọ xả.

Hỏi: Cõi nào là cõi khổ? Cõi nào là cõi lạc? Cõi nào là cõi vừa khổ vừa lạc? Cõi nào là cõi không khổ không lạc?

Đáp:
• Địa ngục – ngạ quỷ – súc sinh – Atula là cõi khổ;
• Chư Thiên là cõi lạc;
• Nhân loại là cõi vừa khổ vừa lạc;
• Cõi Phạm Thiên tứ thiền và 4 cõi Vô Sắc Giới là cõi không khổ không lạc.

Hỏi: Tại sao có người hoan hỷ với việc thiện, có người lại hoan hỷ với việc bất thiện?

Đáp:
• Người có chánh kiến hiểu được lợi ích của việc thiện thì luôn hoan hỷ với việc thiện.
• Người có tà kiến không hiểu được sự nguy hiểm của việc bất thiện nên hoan hỷ với việc bất thiện.

Hỏi: Thế nào là thọ cao thượng, thế nào là thọ hạ liệt?

Đáp:
• Thọ sinh cùng với những tâm bất thiện: tham – sân – si thì là thọ hạ liệt.
• Thọ sinh cùng với các tâm thiện dục giới – sắc giới – vô sắc giới và siêu thế là thọ cao thượng.

Hỏi: Pháp thiền nào luôn luôn có thọ hỷ?

Đáp:

■ Sáu pháp tùy niệm:
• Tùy niệm Phật: Hoan hỷ với ân Đức Phật;
• Tùy niệm Pháp: Hoan hỷ với ân Đức Pháp;
• Tùy niệm Tăng: Hoan hỷ với ân Đức Tăng;
• Tùy niệm giới: Hoan hỷ với giới thanh tịnh;
• Tùy niệm thí: Hoan hỷ với hạnh bố thí;
• Tùy niệm Thiên: Hoan hỷ với hạnh chư Thiên.

■ Hai tầng thiền sắc giới:
• Sơ thiền: Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh;
• Nhị thiền: Một trạng thái hỷ lạc do định sinh.

Hỏi: Thọ hỷ có những mức độ nào?

Đáp: Hỷ có 5 mức độ:

  1. Tiểu hỷ: như dựng lông tóc;
  2. Hỷ chớp nhoáng: thỉnh thoảng loé lên;
  3. Hỷ như mưa rào: nổi lên liên tục như sóng vỗ bờ;
  4. Hỷ nâng người lên: thân thể như mất trọng lượng;
  5. Hỷ sung mãn: toàn thân được thấm nhuần hỉ lạc.
    • Năm loại hỷ khi chín mùi → Thân khinh an → Tâm khinh an;
    • Khinh an khi chín mùi → Thân lạc → Tâm lạc → Định chốc lát;
    • Lạc khi chín mùi → Định cận hành → Định an chỉ.

Hỏi: Pháp thiền nào luôn luôn có thọ lạc?

Đáp: Tam thiền: Thuần nhất hướng lạc.
Lạc-Sukha: là sự hài lòng dễ chịu.
• Đặc tính của nó là thỏa mãn;
• Nhiệm vụ của nó là tăng cường pháp tương ứng;
• Hiện tướng của nó là sự hỗ trợ;
• Nhân gần của nó là hỷ.

Hỏi: Pháp thiền nào thuần thọ xả?

Đáp: Tứ thiền và bốn thiền vô sắc giới: không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Hỏi: Xả có những biểu hiện như thế nào?

Đáp: Có 10 thứ xả:

  1. Xả thuộc 6 căn: 6 căn không còn bị hấp dẫn hay chán ghét với 6 trần cảnh nơi 1 vị đã đoạn tận lậu hoặc.
  2. Xả phạm trú: là tâm bình đẳng với mọi loài chúng sinh.
  3. Xả giác chi: xả giác chi liên hệ đến từ bỏ.
  4. Xả tinh tấn: không quá tinh cần – không quá biếng nhác.
  5. Xả hành uẩn: thản nhiên với các triền cái.
  6. Xả thọ uẩn: là không khổ, không lạc.
  7. Xả thuộc tuệ: trung lập với suy tư cái gì hiện hữu, cái gì trở thành.
  8. Xả trung lập đặc biệt: 1 trong 4 bất định pháp: dục, quyết định, tác ý, xả.
  9. Xả thuộc về thiền: thản nhiên với tối thượng lạc của thiền.
  10. Xả niệm thanh tịnh: xả thuộc tứ thiền.

Hỏi: Hành động sát sinh đi kèm với thọ gì?

Đáp: Thọ ưu. Khi cố ý sát sinh thì sẽ khởi lên tâm sân. Tâm sân thì luôn đi kèm với thọ ưu.

Hỏi: Hành động trộm cắp thường đi kèm với thọ gì?

Đáp: Vì lòng tham mà trộm cắp thì đi kèm với thọ hỷ hoặc thọ xả (tham thọ hỷ, tham thọ xả). Vì tức giận mà trộm cắp thì đi kèm với thọ ưu.

Hỏi: Hành động bố thí thường có thọ gì?

Đáp: Thọ hỷ hoặc thọ xả (đại thiện câu hữu hỷ, đại thiện câu hữu xả).

Hỏi: Khi ngủ có thọ gì?

Đáp: Khi tục sinh có thọ hỷ thì tâm hữu phần có thọ hỷ. Tâm tục sinh thọ xả thì tâm hữu phần thọ xả. Khi ngủ, tâm an trú ở hữu phần (thọ hỷ hoặc thọ xả).

Hỏi: Thế nào là thọ duyên cho ái?

Đáp: Khi các căn tiếp xúc với cảnh trần sinh ra các cảm giác vui, buồn, khổ, lạc hoặc không vui, không buồn thì gọi là cảm thọ. Từ cảm thọ lại sinh ra ưa thích. Chính những cảm thọ hỷ lạc đó nên chúng sinh luôn chạy theo trần cảnh hấp dẫn, trốn tránh cảnh không hấp dẫn để được thỏa mãn các cảm thọ.
Vì thế nên gọi là thọ duyên ái.

Hỏi: Khi gặp cảnh không ưa thích sinh ra thọ ưu, thọ khổ thì cảm thọ đó có làm duyên cho ái không?

Đáp: Nếu gặp cảnh không ưa thì tham ái sẽ hướng về những cảm thọ hỷ lạc ở quá khứ hoặc tương lai và mong sớm được thoát khỏi khổ thọ ở hiện tại.
Vì thế thọ vẫn làm duyên cho ái.

Hỏi: Thế nào là tính vô ngã của thọ?

Đáp: Thọ có tính sinh diệt không ngừng.
• Cái gì có tính sinh diệt thì nó là vô thường.
• Cái gì vô thường thì là khổ.
• Cái gì chịu sự vô thường, khổ thì cái đó là vô ngã.
Như vậy:
• Thọ không phải là ta = vô thường;
• Thọ không phải của ta = khổ;
• Thọ không phải là tự ngã của ta = vô ngã.

Hỏi: Tại sao phải quán chiếu thọ là vô thường – khổ – vô ngã?

Đáp:
• Quán thọ vô thường là để diệt trừ tà kiến cho rằng thọ là thường;
• Quán thọ là khổ để diệt trừ tà kiến cho rằng thọ là lạc;
• Quán thọ vô ngã để diệt trừ tà kiến cho rằng thọ là ta – của ta – tự ngã của ta.
Quán thọ là vô ngã:
• Để nhàm chán: nhàm chán đối với thọ;
• Để ly tham: ly tham đối với thọ;
• Để đoạn diệt: hết tham ái, chấp thủ đối với thọ;
• Để từ bỏ: đối với các hành nghiệp vì thọ;
• Để đạt được chánh trí: giác ngộ sự thật;
• Để chứng ngộ Niết Bàn: giải thoát tử sinh.

Như vậy quán tất cả thọ theo 11 cách ở: quá khứ – hiện tại – tương lai, bên trong – bên ngoài, cao thượng – hạ liệt, thô – tế, xa – gần đều là vô thường – khổ – vô ngã.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022