TỔNG QUAN VỀ THIỀN ĐỊNH

Sư Thanh Minh

Đức Phật dạy hai phương pháp thiền cần phải được tu tập để đi đến giải thoát chứng ngộ Niết Bàn, đó là thiền chỉ và thiền quán.

Một hành giả có thể tu tập thiền chỉ Samatha trước rồi sau đó dùng chính năng lực của các tầng thiền đó làm nền tảng để tu tập thiền tuệ. Vị ấy được gọi là chỉ thừa hành giả.

Một hành giả cũng có thể tu tập trực tiếp vào thiền tuệ, không trải qua quá trình tu tập thiền định. Vị ấy được gọi là thuần quán hành giả.

Cả hai phương pháp đều có thể đi đến đoạn trừ phiền não chứng ngộ Niết Bàn. Tuy nhiên một hành giả nên tu tập cả hai loại thiền chỉ và thiền quán vì vị ấy sẽ được trải nghiệm những trạng thái tâm linh cao thượng và thù thắng hơn. Cuốn sách nhỏ này nói về phương pháp thực hành một số pháp thiền định căn bản của Phật giáo Nguyên Thủy. Khi thực hành thành công pháp môn thiền định rồi, hành giả sẽ có một nền tảng vững chắc để bước vào con đường thực hành thiền minh sát, để hướng đến sự giác ngộ các sự thật và giải thoát khổ đau.

Thiền chỉ, hay còn được gọi là thiền định, là sự tập trung tâm trên một đề mục, sự chuyên tâm và nhất tâm liên tục trên đề mục ấy cho đến khi nào xuất hiện định tướng nimitta, rồi tiếp tục phát triển định tâm cho đến khi đạt đến định cận hành hoặc định an chỉ. Trong số 40 đề mục thiền định của Phật giáo Nguyên thủy, có 10 đề mục hành giả chỉ có thể đạt đến cận định, đó là:

  • Thiền niệm Phật;
  • Thiền niệm Pháp;
  • Thiền niệm Tăng;
  • Thiền niệm giới;
  • Thiền niệm thí;
  • Thiền niệm Thiên;
  • Thiền niệm sự chết;
  • Thiền niệm Niết Bàn;
  • Thiền tứ đại;
  • Thiền quán vật thực bất tịnh.

Những đề mục có thể đạt đến sơ thiền Là:

  • 10 pháp quán tử thi bất tịnh;
  • Thiền thân hành niệm (32 thân phần).

Những đề mục có thể chứng đắc tam thiền là:

  • Thiền tâm từ;
  • Thiền tâm bi;
  • Thiền tâm hỷ.

Những đề mục có thể chứng đắc tứ thiền là:

  • Thiền tâm xả;
  • Thiền niệm hơi thở;
  • 10 biến xứ – kasiṇa (Đất – Nước – Lửa – Gió – Đen – Vàng – Đỏ – Trắng – Ánh sáng – Hư không).

Bốn đề mục vô sắc giới là:

  • Không vô biên xứ;
  • Thức vô biên xứ;
  • Vô sở hữu xứ;
  • Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hành giả muốn khởi sự tu tập thiền thì trước tiên phải lựa chọn cho mình một đề mục thiền thích hợp trong số các đề mục thiền này.

Ví dụ như một hành giả có tánh sân nhiều thì có thể khởi đầu tu tập với thiền tâm từ. Một hành giả có tánh tham dục nhiều thì nên khởi đầu với thiền quán bất tịnh về xác chết hoặc thiền thân hành niệm quán bất tịnh trên 32 thân phần. Một hành giả có nhiều tín tâm thì tu tập thiền niệm Phật. Một hành giả có tuệ nhạy bén thì tu tập thiền tứ đại. Một hành giả nhiều tạp niệm thì nên bắt đầu với thiền niệm hơi thở.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022