Nếu hành giả đã tu tập và chứng đắc tứ thiền hơi thở thì tứ thiền hơi thở sẽ là nền tảng trợ giúp cho việc tu tập thân hành niệm được dễ dàng, nhanh chóng.
I. Phương pháp tu tập:
Trước tiên, hành giả lập lại tứ thiền hơi thở cho đến khi ánh sáng trở nên rực rỡ, tỏa chiếu và xuyên thấu. Sau đó hành giả xuất ra khỏi tứ thiền, rồi phân biệt và nhận biết các thân phần từng cái một. Mỗi thân phần phải được nhận biết đủ bốn yếu tố là: Màu sắc, hình dáng, vị trí, giới hạn.
- Thân phần tóc:
• Màu sắc: Đen, hoặc trắng hoặc vàng;
• Hình dáng: Là hình dáng sợi tóc;
• Vị trí: Ở trên đầu;
• Giới hạn: Từ chân tóc bên trong da đến ngọn tóc. - Thân phần lông: Lông có nhiều loại. Ngoại trừ hai bàn tay, hai bàn chân ra, khắp toàn thân đều có lông bao phủ. Dưới ánh sáng của định, hành giả cần phải nhận biết màu sắc, hình dáng, vị trí, giới hạn của lông một cách chung chung ở toàn thân.
- Móng: Mười móng tay, mười móng chân, một phần móng mọc sâu trong da, cả mặt trong và mặt ngoài của móng cũng cần được phân biệt.
- Răng: Tất cả các răng của hàm trên, hàm dưới, một phần răng mọc bên dưới, hay là chân răng, một phần bên trên, cả mặt trong, mặt ngoài của răng cần được ghi nhận.
- Da: Da như một lớp vỏ bao bọc toàn thân. Hành giả dùng trí tuệ để tách rời da ra khỏi thịt và ghi nhận cả hai bề mặt bên trong và bên ngoài của da.
- Thịt: Thịt bên trong da bao bọc lấy xương. Thịt chiếm một khối lượng lớn trên thân, hành giả nên ghi nhận từng mảng thịt trên thân.
- Gân: Gân có màu trắng như những sợi dây chằng, có nhiệm vụ liên kết các khớp xương lại. Có các đường gân lớn nhỏ đan xen, bắt nguồn từ xương hộp sọ xuống đến các ngón chân ngón tay.
- Xương: Hành giả nên ghi nhận từng phần của cả bộ xương từ xương hộp sọ, xương mặt, xương quai hàm, xương cổ, xương sống lưng, xương bả vai, xương sườn, xương chậu, xương đùi, xương ống chân, ống tay, xương ngón chân, ngón tay cho đến khi hành giả có thể thấy nguyên khối cả bộ xương.
- Tủy: Tủy là chất dung dịch nằm trong các ống xương. Đưa tâm đi theo các ống xương để ghi nhận chất tủy này. Bất cứ chỗ nào có xương thì đều có tủy ở trong nó.
- Thận: Hai quả thận như hai trái xoài trên một cái cọng, nằm hai bên quả tim.
- Tim: Tim nằm bên trái cơ thể, phía trong có một lỗ hổng nhỏ xíu có chứa một chút máu. Nó là điểm tựa cho tâm ý thức phát sinh.
- Gan: Là hai lá gan bên dưới ngực.
- Lá lách: Nó là một miếng thịt giống cái lưỡi, nằm bên trái của tim.
- Phổi: Là hai lá phổi bên trong ngực.
- Ruột: Ruột được cuộn lại thành từng khúc, bắt đầu từ cửa yết hầu cho đến hậu môn.
- Màng ruột: Là một lớp màng mỏng bao bọc xung quanh ruột.
- Bao tử: Như một cái túi treo lơ lửng, bên trong là nơi chứa đựng những thức ăn đã được nuốt vào.
- Phân: Là vật thực đã được tiêu hóa, nằm ở dưới gần hậu môn.
- Vật thực: Thức ăn chưa được tiêu hóa.
- Não: Là một khối tủy lớn nằm trong xương sọ.
- Mật: Một túi mật nằm cạnh lá gan, ở giữa tim và phổi. Một lượng mật đi luân lưu khắp toàn thân.
- Đàm: Nằm trong bề mặt của màng ruột, bao phủ những thức ăn mới ăn vào cho khỏi bốc mùi hôi thối lên trên miệng.
- Mủ: Chỗ nào có thương tích mà máu bị thối thì trở thành mủ.
- Máu: Máu chảy khắp toàn thân theo một mạng lưới các đường gân máu.
- Mồ hôi: Là những giọt nước rỉ ra từ các lỗ chân lông.
- Mỡ: nằm ở giữa da và thịt. Người càng béo thì mỡ càng nhiều.
- Mỡ nước: Là chất dầu bóng đã tan, thỉnh thoảng xuất hiện ở một số nơi trên thân như bàn chân, bàn tay, chóp mũi, trán, vai,…
- Nước mắt: Là chất nước chảy ra từ con mắt.
- Nước mũi: Là chất dịch dơ từ trong não chảy ra hai lỗ mũi.
- Nước miếng: Nước bọt ở trong miệng.
- Nước khớp xương: Là chất nhờn ở nơi những khớp xương trong thân thể.
- Nước tiểu: Nước tiểu được tìm thấy trong bàng quang.
Hành giả cần phải phân biệt từng thân phần một, khởi đầu từ tóc. Khi đã thấy rõ rồi mới qua đến thân phần lông, móng, răng, da… cho đến nước tiểu; rồi lại từ nước tiểu quán ngược trở lại đến thân phần tóc qua màu sắc, hình dáng, trú xứ, ranh giới.
Thực hành không quá nhanh, cũng không quá chậm. Vì nhanh quá thì các thân phần sẽ không rõ ràng, còn chậm quá thì sẽ mất thời gian. Vừa quán vừa tác ý đến tính chất bất tịnh của các thân phần. Khi đã trở lên thiện xảo thì vượt qua cả khái niệm danh từ.
II. Mở rộng 32 thân phần:
Sau khi đã tu tập thuần thục 32 thân phần khởi đầu từ tóc cho đến nước tiểu rồi, quán ngược lại từ nước tiểu trở về tóc. Quán ngược, quán xuôi được dễ dàng rồi thì lúc này hành giả chuyển sang quán 32 thân phần ở bên ngoài.
Trước hết, hành giả quán một thân phần ở bên trong khởi đầu từ tóc. Sau đó, hành giả dùng ánh sáng của định hướng về một người ở phía trước và quán thân phần ấy trên người đó. Khi đã thành công rồi, hành giả cũng quán như vậy với thân phần thứ hai, thứ ba cho đến cả 32 thân phần. Quán ngược, quán xuôi cho đến khi thuần thục.
Tiếp theo, hành giả lại mở rộng ánh sáng sang một người bên trái, một người bên phải, một người ở phía sau. Bắt đầu từ những người ở gần nhất, rồi hành giả mở rộng ánh sáng đến những người ở xa hơn một chút, từ những người ở trong cùng tu viện đến những người ở trong làng, người ở ngoài làng. Cùng cách thức ấy, hành giả dần dần mở rộng ánh sáng ra theo 10 phương hướng: hướng đông, hướng tây, hướng nam, hướng bắc, hướng đông nam, hướng tây bắc, hướng đông bắc, hướng tây nam, hướng trên và hướng dưới.
Hành giả quán lần lượt từng hướng một, mỗi lần một hướng, lấy bất cứ chúng sinh nào xuất hiện trong ánh sáng của định làm đối tượng, không phân biệt đó là người hay chư Thiên, ngã quỷ hay súc sinh,…
Tu tập thân hành niệm để ta nhận biết về thân thể con người không có gì khác ngoài 32 thể trược ô uế, bất tịnh. Nó cũng giống như một cỗ máy đang hoạt động, luôn cần được cung cấp nhiên liệu thực phẩm vào cửa trên và bài tiết chất phế thải dơ bẩn ra cửa dưới. Tất cả chúng sinh chỉ là sự cấu thành của 32 thân phần bất tịnh mà thôi. Thân hành niệm được tu tập, được làm cho thuần thục để dứt trừ tham ái đối với xác thân của mình và xác thân người khác.