Hỏi: Như thế nào thì được gọi là chánh kiến?
Đáp: Chánh kiến có 2 loại:
■ Hiểu về sự thật – Chánh kiến tương đối:
• Có nghiệp thiện – ác;
• Có quả của nghiệp thiện – ác;
• Có khổ;
• Có nhân sinh ra khổ;
• Có giải thoát;
• Có con đường giải thoát.
■ Thấy sự thật – Chánh kiến pháp tuyệt đối:
• Tuệ tri được danh sắc;
• Tuệ tri nhân sinh ra danh sắc;
• Tuệ tri danh sắc đoạn diệt;
• Tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt.
Hỏi: Thế nào là tà kiến?
Đáp: Tà kiến có 2 loại:
■ Hiểu sai sự thật:
• Không có nghiệp thiện – ác;
• Không có quả của nghiệp thiện – ác;
• Không có khổ;
• Không có nhân sinh ra khổ;
• Không có sự giải thoát;
• Không có con đường đi đến giải thoát;
Không biết sự thật hoặc hiểu sai sự thật đều là tà kiến.
■ Không thấy được sự thật:
• Không tuệ tri được danh sắc;
• Không tuệ tri được pháp duyên khởi;
• Không tuệ tri được Niết Bàn;
• Không tuệ tri được con đường đi đến Niết Bàn.
Hỏi: Biết sự thật thì có lợi ích gì?
Đáp: Có niềm tin đúng, có sự tinh tấn đúng, có chánh niệm, có chánh định, có chánh trí.
Hỏi: Thấy sự thật thì có lợi ích gì?
Đáp: Thì sẽ nhàm chán – ly tham – đoạn diệt – từ bỏ – chánh trí – chứng ngộ Niết Bàn.
Hỏi: Tại sao có người chánh kiến? Có người tà kiến?
Đáp: Người có chánh kiến là do:
• Thân cận bậc chân nhân;
• Lắng nghe diệu pháp;
• Hỏi lại những điều chưa hiểu;
• Đàm luận về Phật Pháp;
Người có tà kiến là do:
• Thân cận người phi chân nhân;
• Nghe những lời phi pháp;
• Tin tưởng những điều sai trái;
• Đàm luận những điều vô ích.
Hỏi: Thế nào là người chân nhân? Thế nào là người phi chân nhân?
Đáp: Người chân nhân là người biết đúng và thấy đúng với bốn sự thật. Người phi chân nhân là người biết sai và thấy sai với bốn sự thật.
Hỏi: Một người học rộng biết nhiều, có rất nhiều kiến thức thế gian thì người đó chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Nếu chấp thủ những kiến thức đó cho rằng đó là chân lý thì là tà kiến. Học mà không chấp thủ thì không bị tà kiến.
Hỏi: Khoa học phát minh ra nhiều thứ. Vậy khoa học chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Khoa học còn tương đối chưa tuyệt đối. Người nào chấp thủ khoa học là chân lý thì tà kiến.
Hỏi: Nhiều người thích xem tử vi tướng số để biết những chuyện quá khứ, tương lai thì đó là chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Là tà kiến. Vì chỉ thấy quả mà không hiểu về nhân.
Hỏi: Một người hành thiền quán được các kiếp sống quá khứ và tương lai thì là chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Là chánh kiến. Vì tuệ tri được các nghiệp nhân sinh ra nghiệp quả.
Hỏi: Làm sao để biết được mình là người có tà kiến?
Đáp: Khi nào có tham ái khởi lên thì thường có tà kiến đi cùng. Tà kiến thường đi cùng với tham ái.
Hỏi: Một người không biết đến Phật Pháp nhưng thường làm các việc thiện mà không mong cầu quả báu thì có tà kiến không?
Đáp: Có tà kiến. Vì họ cho rằng không có đời sau nên không có quả báu – hiểu sai sự thật.
Hỏi: Có người tin rằng: Khi người chết đi thì sẽ có một linh hồn ra khỏi thân xác và vẫn sinh hoạt như người sống thì chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Tà kiến. Vì chết là đi tái sinh ngay, không có linh hồn tồn tại. Chấp có linh hồn là thường kiến.
Hỏi: Có người tin rằng chết rồi thì biến mất chẳng còn gì cả thì chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Tà kiến đoạn kiến.
Hỏi: Có người tin rằng chết rồi đi tái sinh thì người đó có chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Có chánh kiến.
Hỏi: Có người tin rằng có một cõi sống vĩnh hằng trên Thiên giới thì đó là chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Tà kiến. Cõi nào cũng vô thường, có sinh thì có tử.
Hỏi: Có người được nghe một pháp chân chánh nhưng vị đó không biết đây là chánh pháp thì vị đó có chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Tà kiến.
Hỏi: Một người được nghe một pháp không chân chánh và vị đó biết pháp đó không chân chánh thì vị đó có chánh kiến hay tà kiến?
Đáp: Có chánh kiến.
Hỏi: Một người có chánh kiến có phân biệt được: đây là chánh kiến, đây là tà kiến không?
Đáp: Có.
Hỏi: Một người tà kiến có phân biệt được: đây là tà kiến, đây là chánh kiến không?
Đáp: Không.
Hỏi: Một người tà kiến có thể trở thành người có chánh kiến được không?
Đáp: Có. Nếu người đó từ bỏ tà kiến và tiếp thu chánh kiến.
Hỏi: Một người có chánh kiến có thể trở thành người có tà kiến được không?
Đáp: Chánh kiến ở mức tương đối, biết mà chưa thấy thì vẫn có thể thay đổi. Chánh kiến là tuệ tri được pháp chân đế danh sắc và duyên khởi rồi thì sẽ không thay đổi cho đến hết kiếp này. Chánh kiến là tuệ tri được bốn sự thật rồi thì mới thể nhập vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.