Hỏi: Chánh tư duy là gì?
Đáp: Là suy nghĩ chân chánh.
Hỏi: Tư duy có những tính chất gì?
Đáp: Tư duy là một tâm sở tầm:
• Đặc tính của nó là hướng đến đối tượng;
• Nhiệm vụ của nó là tác động vào đối tượng;
• Biểu hiện của nó là dẫn tâm đến đối tượng;
• Nhân gần của nó là đối tượng để tư duy.
Hỏi: Thế nào là chánh tư duy? Thế nào là tà tư duy?
Đáp: Tư duy đúng sự thật là chánh tư duy.
Tư duy không đúng sự thật là tà tư duy.
Hỏi: Tư duy về cái gì là đúng sự thật? Tư duy về cái gì là sai sự thật?
Đáp: Tư duy đúng sự thật là:
• Tư duy về nỗi khổ đau trong sinh tử;
• Tư duy về nguyên nhân dẫn chúng sinh vào sinh tử;
• Tư duy về đạo quả giải thoát;
• Tư duy về con đường đi đến giải thoát.
→ Nói chung, tư duy đi kèm với trí tuệ là chánh tư duy.
Tư duy không đúng là:
• Tư duy về dục lạc thế gian: ở quá khứ – hiện tại – tương lai;
• Tư duy về phương pháp tầm cầu dục lạc;
→ Nói chung, tư duy đi kèm với tâm tham – sân – tà kiến là tà tư duy.
Hỏi: Muốn có chánh tư duy thì phải làm gì?
Đáp: Phải nghe pháp và thực hành pháp. Nghe pháp rồi suy nghĩ đến những nghĩa lý sâu xa của bài pháp đó là chánh tư duy về pháp học.
• Suy tư về sự trong sạch của giới để hoan hỉ;
• Suy tư về những giới đã phạm để sám hối;
• Suy tư về sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi để ngăn ngừa không tái phạm trong tương lai.
→ Đó là chánh tư duy về giới.
• Hướng tâm trên đề mục thiền và nhận biết đề mục đó liên tục. → Đó là chánh tư duy về thiền định.
• Quán chiếu các pháp chân đế để giác ngộ ra sự thật của các pháp. → Đó là chánh tư duy về thiền tuệ.
Hỏi: Có người suy nghĩ rằng ta muốn làm ra nhiều tiền để đi bố thí cúng dàng thì là tư duy gì?
Đáp: Muốn có nhiều tiền = tham → tà tư duy.
Muốn bố thí = vô tham → chánh tư duy.
Hỏi: Có người suy nghĩ ta sẽ giữ giới thật nghiêm để được mọi người cung kính thì đó là tư duy gì?
Đáp: Tà tư duy.
Hỏi: Tại sao lại là tà tư duy?
Đáp: Vì mục đích không cao thượng.
Hỏi: Như thế nào mới là mục đích cao thượng?
Đáp: Giữ giới để giải thoát khổ đau mới là mục đích cao thượng.
Hỏi: Có người suy nghĩ ta sẽ học thông kinh điển để trở thành pháp sư nổi tiếng thì là tư duy gì?
Đáp: Tà tư duy.
Hỏi: Tại sao?
Đáp: Vì ham sự nổi tiếng.
Hỏi: Như thế nào thì là chánh tư duy?
Đáp: Ta sẽ giảng pháp cho mọi người hiểu và hành theo lời Phật dạy để giải thoát khổ đau.
Hỏi: Có người suy nghĩ ta sẽ xây chùa thật đẹp để mọi người đến xem thì đó là tư duy gì?
Đáp: Tà tư duy.
Hỏi: Tư duy thế nào mới là chánh?
Đáp: Xây chùa to để nhiều người đến tu học và giải thoát.
Hỏi: Có người suy nghĩ ta sẽ tu tập giới – định – tuệ để cầu mong kiếp sau sinh về Thiên giới hưởng phước báu lâu dài thì đó là chánh tư duy hay tà tư duy?
Đáp: Khi mong muốn tu tập giới-định-tuệ là chánh tư duy; mong muốn hưởng phước báu lâu dài là tà tư duy.
Hỏi: Có người suy nghĩ giờ ta đang làm người thì ta cứ hưởng thụ những niềm vui ở cõi người đi, còn kiếp sau thì cũng là một cái thân khác chứ có phải thân mình nữa đâu mà phải lo. Như vậy là chánh tư duy hay tà tư duy?
Đáp: Tà tư duy.
Hỏi: Tại sao?
Đáp: Vì người đó bị chấp thủ vào sắc thân: còn thân thì còn ta, thân mất thì ta hết.
Hỏi: Như thế nào mới là chánh tư duy?
Đáp: Giờ ta đang làm người, nhưng trước kia ta cũng đã từng trải qua tất cả các cõi sống rồi. Từ những vui thú trên Thiên đường đến những khổ đau nơi địa ngục ta đã nếm trải hết rồi. Vậy ta phải tận dụng kiếp người này mà tích lũy Ba-la-mật để sớm chứng ngộ Niết Bàn.
Hỏi: Có người suy nghĩ ta sẽ đi chùa lễ Phật cầu cho gia đình được bình an, tăng phúc – lộc – thọ là tư duy chánh hay tà?
Đáp: Là tham tà kiến.
Hỏi: Như thế nào là chánh tư duy?
Đáp: Ta lễ Phật là để tăng trưởng niềm tin vào giáo pháp giải thoát mà Phật đã giảng dạy để tinh tấn thực hành theo cho sớm thoát khổ.
Hỏi: Tư duy về thế gian thì sẽ như thế nào? Tư duy về đạo thì sẽ như thế nào?
Đáp: Tư duy về thế gian thì sẽ sinh tham ái, chấp thủ sâu nặng vào đời sống thế gian, chìm đắm trong sinh tử. Tư duy về đạo thì sẽ dần dần giác ngộ được chân lý và đi đến giải thoát.
Hỏi: Làm thế nào để luôn tư duy về đạo?
Đáp:
• Học kinh điển;
• Đàm luận về giáo pháp;
• Khuynh hướng về con đường giải thoát.
Hỏi: Làm thế nào để giảm bớt tư duy về đời?
Đáp:
• Không ưa thích thế sự;
• Không đàm luận thế sự;
• Không thân cận người đam mê thế sự;
• Không chấp thủ kiến thức thế gian.
Hỏi: Người tu đạo mà hay tư duy về thế sự thì sẽ như thế nào?
Đáp: Vị đó sẽ muốn bỏ đạo để theo đời.
Hỏi: Một người ở thế gian thường hay tư duy về đạo thì sẽ như thế nào?
Đáp: Vị đó sẽ muốn bỏ đời để tu đạo.