1. Vô minh duyên hành

Sư Thanh Minh

Do vô minh sinh nên hành sinh.
Vô minh là nhân, hành là quả.

Hỏi: Vô minh là gì? Hành là gì? Thế nào là vô minh duyên hành?

Đáp: Vô minh (Avijjā) là sự thấy biết sai với sự thật, hay là sự không hiểu biết đúng chân lý nên sinh ra các loại phiền não, tạo các ác nghiệp và phải chịu khổ đau.

Hỏi: Thế nào là sự thật? Thế nào là chân lý? Thế nào là thấy đúng sự thật? Thế nào là thấy sai sự thật?

Đáp: 1. Sự thật về cái thân này chỉ là sắc pháp và danh pháp. Nó sinh ra và diệt đi rồi lại sinh lên và diệt đi theo quy luật của 12 chi phần nhân duyên.
• Chân lý về sự khổ luôn hiện hữu trên danh sắc vì danh sắc luôn luôn sinh diệt;
• Chân lý về nhân sinh ra khổ chính là sự tham ái, dính mắc với danh sắc: Bên trong – bên ngoài; Quá khứ – hiện tại – vị lai; Cao thượng – hạ liệt,…
• Chân lý về sự diệt tận của danh sắc hay giải thoát khỏi danh sắc khi tham ái được diệt trừ;
• Chân lý về con đường đưa đến sự diệt trừ tham ái với danh sắc là thực hành Bát Chánh Đạo.

2. Hiểu đúng sự thật là trí tuệ nhận biết được các pháp chân đế:
Sắc chân đế: 28 sắc;
Danh chân đế: 89 tâm vương và 52 tâm sở;
Tuệ tri nguồn gốc sinh ra sắc:
   • Do nghiệp;
   • Do tâm;
   • Do thời tiết;
   • Do vật thực
→ Là nhân sinh ra sắc.
Khi nào tuệ tri được: Nghiệp – tâm – thời tiết – vật thực có sinh lên thì cũng có diệt đi, sắc cũng sinh lên và diệt đi thì sẽ giác ngộ ra:
  • Sắc không phải là ta = vô thường;
  • Sắc không phải của ta = khổ;
  • Sắc không phải là tự ngã của ta = vô ngã.
Khi nào tuệ tri được sự vô thường – khổ – vô ngã trên sắc thì sẽ dứt bỏ được sự tham ái với sắc. Khi nào dứt bỏ được sự tham ái với sắc thì vị đó mới được tự tại, giải thoát khỏi sắc.

• Tuệ tri nguồn gốc sinh ra danh:
   • Nghiệp;
   • Căn;
  • Cảnh;
  • Thức;
→ Là nhân sinh ra danh.
Khi nào tuệ tri nghiệp – căn (6 căn) – cảnh (6 trần) – thức (6 thức) có sinh lên thì có diệt đi, nên danh cũng sinh lên và diệt đi thì sẽ giác ngộ ra:
• Danh không phải là ta = vô thường;
• Danh không phải của ta = khổ;
• Danh không phải là tự ngã của ta = vô ngã.
Khi nào tuệ tri được sự vô thường – khổ – vô ngã của danh thì sẽ dứt bỏ được sự tham ái với danh. Khi nào dứt bỏ được sự tham ái với danh thì sẽ tự tại giải thoát khỏi danh.

3. Hiểu sai sự thật là người không có trí tuệ thấy biết được danh sắc chân đế, nên sống với sự tưởng tri điên đảo về cái thân thể vật chất và cái tâm thức này:
• Vì chỉ thấy cái hình tướng bên ngoài, nên sinh sự so sánh đẹp xấu của ta, của người.
• Tưởng có cái ta ở trong sắc nhưng thực sự sắc luôn biến đổi không ngừng vì nó vô thường.
• Tưởng rằng sắc là của ta nhưng thực sự sắc luôn bị tan hoại vì sắc luôn chịu khổ.
• Tưởng rằng sắc có hình tướng, có tự thể nhưng thực sự sắc chỉ là giả tướng không có tự thể vì sắc là vô ngã;
• Tưởng rằng sắc đáng yêu, đáng để nương tựa, đáng để giữ gìn nhưng thực sự sắc đáng để nhàm chán, đáng để kinh sợ, đáng để giải thoát.
• Tưởng rằng danh (tâm) là một linh hồn nhưng thực sự nó chỉ là sự diễn tiến của tâm thức.
• Tưởng rằng hưởng thụ ngũ dục (sắc – thanh – hương – vị – xúc) là vui vẻ, thích thú nhưng thực sự trong ngũ dục luôn tiềm ẩn sự khổ đau, nguy hại, khiến cho tâm thức trở nên mê mờ, hạ liệt.
• Tưởng rằng những điều an vui, hạnh phúc của mình là do sự may mắn hay có sự giúp đỡ của những đấng bề trên, nhưng thực sự đó là kết quả của các nghiệp thiện mình đã làm trong quá khứ.
• Tưởng rằng những điều khổ đau-bất hạnh của mình là do kém may mắn hoặc do không biết phụng thờ các đấng bề trên, nhưng thực sự đó chỉ là kết quả của nghiệp bất thiện mà mình đã làm trong quá khứ.
Vì không biết, không thấy hoặc sự thấy biết sai với chân lý, sai với sự thật nên gọi là vô minh hoặc là ngu si, mê muội.

Hỏi: Vô minh có đồng nghĩa với tà kiến không?

Đáp: Tà kiến là sự thấy biết sai với sự thật và có sự chấp trước vào cái tri kiến sai đó mà cho nó là đúng. Ví dụ:
   • Cho là không có kết quả của nghiệp thiện – nghiệp ác;
   • Cho là không có sự tái sinh, không có những chúng sinh hóa sinh;
   • Hoặc cho là vạn vật trên thế gian là do đấng tạo hóa an bài…

Vô minh là sự ngu si, không phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là chánh, đâu là tà.
   • Khi thì nó đi với tham tà kiến;
   • Khi thì nó đi với tham ngã mạn;
   • Khi thì nó đi với các tâm sân;
   • Khi thì nó đi với các tâm si.

Nói chung là vô minh luôn đi kèm với 12 tâm bất thiện dục giới: 8 tâm tham, 2 tâm sân, 2 tâm si.

Hỏi: Tại sao trong tâm tham lại có vô minh?

Đáp: Vô minh = Si. Vì không thấy đúng sự thật sinh ra cái lầm tưởng:
• Cái vô thường tưởng là thường;
• Cái khổ tưởng là lạc;
• Cái giả tưởng là thật;
• Cái bất tịnh tưởng là tịnh.
Vì vậy mà sinh ra tham ái, ngã mạn. Nguyên nhân cũng từ sự ngu si mà ra.

Hỏi: Tại sao trong sân hận lại có vô minh?

Đáp: Vì sân hận sinh ra từ tham ái.
• Vì tham ái bản thân nên ai xúc phạm đến bản thân thì sinh ra sân hận;
• Vì tham ái với những người thân nên ai xúc phạm đến những người thân liền sinh ra sân hận;
• Vì tham ái với tài sản nên ai đụng chạm đến tài sản liền sinh ra sân hận;
• Vì tham ái sinh ra từ vô minh, ngu si, lầm tưởng nên vô minh cũng là gốc rễ của sân hận.

Hỏi: Vô minh thể hiện trong tâm si như thế nào?

Đáp:
• Si hoài nghi: Vì không thấy sự thật, nên khi tiếp xúc với sự thật, vị đó cũng không có niềm tin, mà hoài nghi do dự. Vì vậy, hoài nghi = không thấy sự thật = ngu si = vô minh.

• Si phóng dật: Là cái tâm lăng xăng không an định. Vì khi gặp cảnh tốt, nó cũng không biết đó là tốt, khi gặp cảnh xấu, nó cũng không biết là xấu, nên nó cứ lăng xăng tìm kiếm chỗ này, chỗ kia không lúc nào an phận. Không phân biệt được tốt xấu nên mới lăng xăng, tán loạn, cũng đồng nghĩa với sự dốt nát, ngu si = vô minh.
Vì vậy, từ vô minh mà sinh ra phóng dật.

Hỏi: Thế nào là hành?

Đáp: Hành (Sankhārā) cũng có nghĩa là tư (cetanā) hay nghiệp (kamma), là những hành động tạo nghiệp ở nơi thân – khẩu – ý.
• Những hành động đó nếu là bất thiện thì sẽ cho quả khổ đau;
• Nếu là hành động thiện thì sẽ cho quả an vui;
• Nếu là hành động duy tác thì không để lại quả.

Hỏi: Có bao nhiêu hành bất thiện?

Đáp: Có 12 tư (cetanā) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta):
• 8 tâm tham;
• 2 tâm sân;
• 2 tâm si.
Chúng hỗ trợ cho tâm quả bất thiện và sắc nghiệp sinh trong những cõi khổ.

Hỏi: Có bao nhiêu hành thiện?

Đáp: Có 17 cetanā hiện diện trong 17 tâm thiện hiệp thế:
• Có 8 cetanā hiện diện trong 8 tâm thiện dục giới;
• Có 5 cetanā hiện diện trong 5 tâm thiền sắc giới;
• Có 4 cetanā hiện diện trong 4 tâm thiền vô sắc giới.

Hỏi: Thế nào là vô minh duyên hành?

Đáp: Do vô minh sinh nên hành sinh (Avijjāpaccayā saṅkhārā). Vô minh là nhân, hành là quả. Do không giác ngộ sự thật nên tâm bị mê muội, khiến cho chúng sinh tham ái với cảnh trần rồi sinh ra các hành động tạo nghiệp khác nhau. Những nghiệp đó sẽ để lại quả báo ở đời này hoặc nhiều đời kiếp về sau.

Ví dụ: Do không biết sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu là có tội nên chúng sinh ưa thích làm những việc đó.
• Vô minh: Không biết là có tội;
• Hành: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu.
Đó là do vô minh sinh nên hành sinh. Vô minh là nhân, hành là quả.

Hỏi: Vậy những hành động thiện có bắt nguồn từ vô minh không?

Đáp: Những hành động thiện như: Bố thí, giữ giới, cung kính, phục vụ, nghe pháp, hành thiền, tùy hỷ và chia phước… sinh lên từ vô minh trong trường hợp tham ái-chấp thủ vào những hành động đó:

Ví dụ: Khi ta làm các thiện nghiệp này sẽ được mọi người yêu quý, kính nể.
• Vô minh: Không hiểu rằng vốn chẳng có cái ta (chỉ có danh và sắc) thì làm gì có cái yêu quý, kính nể.
• Hành: Làm việc thiện vì mục đích được yêu quý.

Ví dụ: Ta làm các thiện nghiệp để được phúc lạc ở cõi người hoặc các cõi trời Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.
• Vô minh: Không hiểu cõi trời là không thật sự hiện hữu, không có thật;
• Hành: Tạo các thiện nghiệp với mong muốn được hưởng phước.
Đó là do vô minh sinh nên hành sinh. Vô minh là nhân, hành là quả.

Hỏi: Một người làm việc thiện giúp đỡ mọi người mà không mong cầu báo đáp gì thì có phải vô minh duyên hành không?

Đáp: Nếu còn là phàm nhân thì vẫn có vô minh cho rằng ta giúp đỡ người này vì: đó là người thân của ta; hoặc đó là những chúng sinh đáng thương.
• Vô minh: Là cái ảo tưởng cho rằng có người thân của ta hoặc những chúng sinh đó có thật;
• Hành: Hành động giúp đỡ vì họ là người thân hoặc chúng sinh.
Còn tham ái với bất cứ điều gì thì hành động ấy vẫn là vô minh duyên hành.

Hỏi: Những người đang cố gắng tạo các thiện nghiệp như bố thí, giữ giới, nghe pháp, hành thiền… với ước muốn chứng ngộ Niết Bàn thì những hành đó có duyên với vô minh không?

Đáp: Phát nguyện chứng ngộ Niết Bàn khi làm thiện nghiệp thì đó là tâm thiện hợp với trí tuệ. Thiện nghiệp đó chưa đủ dứt được vô minh nhưng nó sẽ trợ duyên cho sự chứng ngộ Niết Bàn ở tương lai.

Ví dụ: Một người làm việc thiện cúng dàng Tam Bảo và phát nguyện: “Cầu mong cho con đời nào sinh ra cũng làm người đi xuất gia và chứng đắc Niết Bàn”.
• Thiện nghiệp cúng dàng là hành;
• Cầu mong trở lại làm người xuất gia là vô minh vì cho rằng có người thật.
→ Vô minh duyên hành.

• Cầu mong chứng ngộ Niết Bàn là trí tuệ, nhưng vì trí tuệ còn yếu chưa diệt được vô minh nên chưa chứng được Niết Bàn.

Vì vậy: Phải làm người tu tập thêm cho trí tuệ mạnh lên thì mới dứt được vô minh và chứng được Niết Bàn. Hành động thiện sẽ hỗ trợ cho ước nguyện chứng Niết Bàn đó.

Hỏi: Hành như thế nào thì không có duyên với vô minh?

Đáp: Chỉ có bậc A La Hán với trí tuệ như thật tri kiến thì hành mới không duyên với vô minh. Hành của các vị là hành duy tác.

Hỏi: Quán vô minh duyên hành để làm gì?

Đáp: Để không tham ái với các hành.
Ví dụ: Một người có tài năng làm được những việc khó mà nhiều người không làm được và người đó thích thú với năng lực của mình thì đó là sự tham ái với các hành (sự tạo tác).
• Tham ái lớn thì chấp thủ lớn;
• Chấp thủ lớn thì tái sinh nhiều;
• Tái sinh nhiều thì khổ cũng nhiều…

Trái lại, người có trí tuệ quán vô minh sinh thì hành sinh thì không tham ái với các hành.
• Không tham ái thì không chấp thủ;
• Không chấp thủ thì hết tái sinh;
• Không tái sinh thì hết khổ.

Một người làm được nhiều thiện nghiệp rồi sinh tâm thỏa mãn, thích thú với những thiện nghiệp đó, là tham ái với các hành, thì hành đó sẽ để lại nghiệp lực thôi thúc đi tái sinh.

Như vậy, những hành nào đi kèm với vô minh thì sẽ để lại nghiệp lực đi trong luân hồi sinh tử. Những hành nào đi kèm với trí tuệ thì sẽ trợ duyên cho sự chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát luân hồi sinh tử.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022