9. Thủ duyên hữu

Sư Thanh Minh

Vì chấp thủ sinh nên nghiệp hữu sinh.
Chấp thủ là nhân, nghiệp hữu là quả.

■ Upādāna – Chấp thủ có bốn loại:
• Dục thủ;
• Tà kiến thủ;
• Giới cấm thủ;
• Ngã chấp thủ.

■ Bhavo – Hữu: là sự hiện hữu. Hữu có 2 loại:
• Nghiệp hữu: Là nhân của sự tái sinh;
• Sinh hữu: Là sự tái sinh.

Các thiện nghiệp và ác nghiệp được tạo tác trong đời này với ước nguyện cho kiếp tương lai được gọi là nghiệp hữu. Đây là nhân của sự tái sinh, là nhân để sinh lên các tâm quả hiệp thế và các sắc do nghiệp sinh. Các tâm quả hiệp thế và sắc do nghiệp sinh đó được gọi là sinh hữu.

Hỏi: Có bao nhiêu nghiệp hữu? Có bao nhiêu sinh hữu? Chúng được trợ duyên bởi những chấp thủ gì?

Đáp:
• Có nghiệp hữu thuộc về dục giới;
• Có nghiệp hữu thuộc về sắc giới;
• Có nghiệp hữu thuộc về vô sắc giới;
• Có sinh hữu thuộc về dục giới;
• Có sinh hữu thuộc về sắc giới;
• Có sinh hữu thuộc về vô sắc giới;
• Có chấp thủ thuộc về dục giới;
• Có chấp thủ thuộc về sắc giới;
• Có chấp thủ thuộc về vô sắc giới.
Do chấp thủ sinh nên nghiệp hữu và sinh hữu sinh.
Chấp thủ là nhân, nghiệp hữu và sinh hữu là quả.

Nghiệp hữu thuộc về dục giới có 2 loại: Thiện và bất thiện.
• Nghiệp hữu bất thiện: Có 12 tâm bất thiện sẽ để lại nghiệp hữu và sinh hữu đó là 8 tâm tham, 2 tâm sân và 2 tâm si.
• Nghiệp hữu thiện dục giới: Có 8 tâm đại thiện dục giới sẽ để lại nghiệp hữu và sinh hữu.
• Nghiệp hữu sắc giới là từ 5 tâm thiền sắc giới.
• Nghiệp hữu vô sắc giới là từ 4 tâm thiền vô sắc giới.

Hỏi: Thế nào là thủ duyên hữu?

Đáp:

1. Khi một người chấp thủ tà kiến rằng: Không có nghiệp và quả của nghiệp nên vị đó tạo những ác nghiệp như: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… Những ác nghiệp đó được gọi là nghiệp hữu Kamma-bhava. Những nghiệp hữu đó khi có đủ duyên sẽ trở thành sinh hữu tái tục vào những cõi khổ như: Địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, A tu la, thì được gọi là sinh hữu.
Do thấp thủ tà kiến nên tạo các nghiệp hữu bất thiện. Chấp thủ tà kiến là nhân, tạo nghiệp hữu bất thiện là quả.

2. Khi một người chấp thủ phước báu ở cõi người như mạnh khỏe, giàu sang, sống lâu, sắc đẹp nên tạo các thiện nghiệp như: Bố thí, giữ giới, phục vụ,… rồi phát nguyện được hưởng những phước báu đó. Những thiện nghiệp này sẽ trở thành nghiệp hữu, khi đủ duyên sẽ trở thành sinh hữu cho quả tục sinh ở cõi người và hưởng phước báu.
Do chấp thủ phước báu ở cõi người nên tạo nghiệp hữu thiện dục giới. Chấp thủ phước báu cõi người là nhân, tạo nghiệp hữu thiện dục giới là quả.

3. Khi có người chấp thủ vào phước báu ở các cõi trời nên tạo thiện nghiệp rồi nguyện sinh về cõi trời thì thiện nghiệp đó là nghiệp hữu và sinh hữu là tái tục ở cõi trời.
Chấp thủ phước báu cõi trời là nhân, tạo nghiệp hữu để tục sinh về cõi trời là quả.

4. Khi có người chấp thủ vào phước báu lâu dài ở cõi Phạm Thiên nên chuyên tâm thực hành thiền định với ước nguyện được sinh về Phạm Thiên thì thiện nghiệp hành thiền định đó trở thành nghiệp hữu.
Do chấp thủ vào phước lạc lâu dài ở Phạm Thiên sinh nên tạo nghiệp hữu hành thiền định sinh. Chấp thủ phước lạc ở Phạm Thiên giới là nhân, tạo nghiệp hữu thiền định là quả.

5. Khi có người chấp thủ vào cõi sống không có sắc thân nên chuyên tâm hành thiền định vô sắc giới và nguyện sinh về cõi Vô Sắc, thì nghiệp hành thiền vô sắc đó trở thành nghiệp hữu.
Do chấp thủ vào cõi Vô Sắc sinh nên tạo nghiệp hữu hành thiền vô sắc sinh. Chấp thủ vào cõi Vô Sắc là nhân, nghiệp hữu thiền vô sắc là quả.

Hỏi: Có người chấp thủ tà kiến không có nghiệp và quả của nghiệp nhưng họ vẫn sống tốt, làm việc thiện và giúp đỡ mọi người thì nghiệp hữu sẽ như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến không có nghiệp và quả của nghiệp nên khi tạo nghiệp thiện họ không có chánh kiến với nghiệp thiện đó và nó sẽ trở thành nghiệp hữu thiện ly trí và sinh hữu sẽ là chúng sinh vô nhân hoặc nhị nhân.
Do chấp thủ tà kiến sinh nên tạo nghiệp hữu thiện không đi kèm trí tuệ. Chấp thủ tà kiến là nhân, nghiệp hữu ly trí là quả.

Hỏi: Một người có niềm tin về nghiệp và quả của nghiệp nhưng họ vẫn tạo ác nghiệp là tại sao?

Đáp: Do sự chấp thủ vào bản ngã còn quá mạnh nên một người dù có tin vào nghiệp và quả của nghiệp nhưng vẫn cố ý tạo ác nghiệp. Ác nghiệp đó là nghiệp hữu bất thiện. Do chấp thủ bản ngã sinh nên tạo nghiệp hữu bất thiện sinh. Chấp thủ bản ngã là nhân, nghiệp hữu bất thiện là quả.

Hỏi: Có người lúc còn trẻ thì có tà kiến nên tạo nhiều ác nghiệp, khi lớn tuổi thì lại có chánh kiến nên tạo nhiều thiện nghiệp thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp:
Khi chưa có chánh kiến thì chấp thủ tà kiến cho rằng không có nghiệp và quả của nghiệp nên tạo ác nghiệp. Chấp thủ tà kiến là nhân, tạo ác nghiệp là quả.

Khi có chánh kiến, tin nghiệp và quả của nghiệp thì chấp thủ vào phước thiện hữu lậu nên tạo thiện nghiệp để được hưởng phước hữu lậu. Chấp thủ phước thiện hữu lậu là nhân, tạo thiện nghiệp là quả.
Đến khi chết nghiệp hữu nào mạnh hơn thì sẽ cho quả sinh hữu trước, nghiệp nào yếu thì sẽ cho quả sau.

Hỏi: Một người chuyên tâm thực hành thiền định dẫn đến nhàm chán đối với với cuộc sống nhân gian thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ vào sự an lạc của thiền định nên một người chuyên tâm thiền định và nhàm chán thế gian thì nghiệp hữu của vị đó sẽ hướng về Phạm Thiên giới.

Hỏi: Một người không hành thiền định mà chuyên tu khổ hạnh ép xác với ước muốn sinh về Phạm Thiên giới thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến khổ hạnh ép xác để sinh về Phạm Thiên giới nên tạo nghiệp hữu tu khổ hạnh, sinh hữu của vị đó sẽ ở những cõi khổ đau. Chấp thủ tà kiến khổ hạnh để sinh về Phạm Thiên giới là nhân, nghiệp hữu tu khổ hạnh ép xác là quả.

Hỏi: Một người chuyên lễ Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới với ước nguyện chứng đắc niết bàn thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ vào con đường đi đến niết bàn là phải lễ Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới nên vị đó tạo những thiện nghiệp đó thuộc về thiện nghiệp dục giới.

■ Nếu tà kiến mạnh thì sinh hữu sẽ là ác thú.
Tà kiến mạnh là vị đó chấp thủ cho rằng chỉ có lễ Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới mới có thể chứng đắc Niết Bàn, những con đường khác là sai.

■ Nếu chánh kiến mạnh thì sinh hữu sẽ là thiện thú.
Chánh kiến mạnh là vị đó biết lễ Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới chỉ là những phước thiện hỗ trợ cho sự chứng đắc Niết Bàn.
→ Bát Chánh Đạo mới thực sự là con đường đi đến Niết Bàn.

Hỏi: Một người chuyên niệm Phật A Di Đà với ước nguyện vãng sinh cực lạc thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ vào cõi cực lạc là có thật và con đường đi đến cõi cực lạc là niệm tên vị Phật đang cai quản ở cõi đó, nên vị đó chuyên tâm niệm Phật.

■ Nếu khi niệm Phật, vị đó khởi lên tâm tà kiến mạnh thì sinh hữu sẽ là ác thú.
Tà kiến mạnh: Là chấp thủ sai lầm cho rằng chỉ có pháp môn niệm Phật mới đi đến giải thoát, các pháp môn khác không bằng.

■ Nếu khi niệm Phật, vị đó có chánh kiến mạnh thì sinh hữu sẽ là thiện thú.
Chánh kiến mạnh: Là niệm Phật với mục đích để cho tâm được thanh tịnh và hướng thiện mà thôi.

Hỏi: Một người chuyên tâm cầu nguyện với ước mong được sinh về cõi trời để sống ở đó đời đời vĩnh viễn thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ quan điểm cho rằng cõi trời là sống vĩnh viễn và muốn sinh về đó thì phải cầu mong vị chúa tể ở đó cho về, nên một người mới chuyên tâm cầu nguyện.
■ Nếu cầu nguyện với tâm tà kiến mạnh thì nghiệp hữu sẽ hướng về cõi khổ.
Tà kiến mạnh là cho rằng cõi trời thật sự là vĩnh hằng, con đường lên trời nhất định phải là cầu nguyện, các con đường khác là sai.

■ Nếu cầu nguyện với chánh kiến mạnh thì nghiệp hữu sẽ hướng về cõi lành.
Chánh kiến mạnh thì biết rằng cõi trời cũng chỉ là giả tạm, đường lên trời là tạo những phước thiện với ước muốn sinh Thiên.

Hỏi: Có người tin rằng: Tội lỗi có thể dùng nước để rửa, rửa tội rồi thì sẽ hết tội, nên họ dùng nước thiêng để rửa trôi tội lỗi. Như thế thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến cho rằng dùng nước thiêng rửa được tội, nên họ cứ tạo tội xong rồi đi rửa, rửa tội xong lại đi tạo tội nữa. Vì vậy tội lỗi càng ngày càng lớn, mỗi lần rửa tội thì tà kiến lại càng tăng thêm, nên nghiệp hữu của họ sẽ là ác nghiệp và sinh hữu sẽ là đọa xứ. Chấp thủ tà kiến cho rằng dùng nước rửa được tội là nhân, nghiệp hữu bất thiện đi kèm tà kiến cho rằng rửa được tội là quả.

Hỏi: Có người thực hành hạnh con chó: Ngồi chồm hổm, ăn đồ ăn quăng xuống đất thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến tin rằng thực hành khổ hạnh sống như chó sẽ được sinh lên trời nên tạo nghiệp hữu hạnh con chó.
• Nếu nghiệp hữu hạnh con chó thành tựu thì sinh hữu là cộng trú với chó.
• Nếu nghiệp hữu hạnh con chó không thành tựu thì sinh hữu sẽ vào địa ngục.
Chấp thủ giới cấm hạnh con chó là nhân, nghiệp hữu sẽ cộng sinh với chó là quả.

Hỏi: Có người cung kính, lễ bái bò, tôn thờ bò, ăn phân bò, uống nước tiểu bò thì thủ duyên hữu của người đó sẽ như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến cho rằng bò là thần linh nên cung kính, tôn thờ bò,… thì nghiệp hữu của người đó sẽ cộng trú với bò hoặc tái sinh địa ngục.
Chấp thủ tà kiến cho rằng bò là thần linh là nhân, nghiệp hữu cộng trú với bò là quả.

Hỏi: Có người tin rằng cuộc sống muốn được may mắn, hạnh phúc thì phải lễ bái cầu xin các đấng linh thiêng ban tài, ban lộc nên vị đó thường đi cầu xin tế lễ ở khắp nơi thì thủ duyên hữu sẽ như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến cho rằng có thể cầu xin được phước nên siêng năng tế lễ cầu phước.
■ Nếu tà kiến càng mạnh thì nghiệp hữu bất thiện càng lớn.
Tà kiến mạnh là cho rằng muốn được phước thì phải lễ bái cầu xin, không cầu xin thì vô phước.

■ Nếu có chánh kiến thì sẽ sinh ra nghiệp hữu thiện.
Có chánh kiến thì biết rằng lễ bái chỉ là bày tỏ lòng tôn kính các bậc thượng nhân, còn muốn có phước thì phải làm việc thiện để tạo phước.

Hỏi: Có người chuyên tâm bố thí và chỉ phát nguyện chứng đắc Niết Bàn. Thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Bố thí là thiện nghiệp thuộc về dục giới, vẫn còn chấp thủ. Niết Bàn là pháp siêu thế, không còn chấp thủ. Hai pháp này không tương ưng.

Vì vậy cần phải phát nguyện: Do sự phước thiện bố thí này cầu mong cho con khi nào chuyên tâm tu tập giới – định – tuệ thì sẽ có đầy đủ những vật dụng cần dùng để hỗ trợ cho việc tu tập và chứng ngộ Niết Bàn trong ngày vị lai.
Chấp thủ vào quả của sự bố thí là nhân, nghiệp hữu tu tập để chứng Niết Bàn là quả.

Hỏi: Có người sát hại sinh vật để lấy máu thịt tế lễ quỷ thần với mong muốn được hưởng phước mạnh khỏe, sống lâu thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Do chấp thủ tà kiến cho rằng có thần linh ban phước lành nên tạo ác nghiệp sát sinh cúng tế, tạo nghiệp hữu bất thiện thì sinh hữu sẽ là đọa xứ, nếu được làm người thì nhiều bệnh tật và phải chết non.
Chấp thủ tà kiến cho rằng có thần linh ban phước lành nên sát sinh tế lễ là nhân, nghiệp hữu bất thiện hướng về đọa xứ là quả.

Hỏi: Người có chấp thủ mạnh, người có chấp thủ yếu thì nghiệp hữu sẽ khác nhau như thế nào?

Đáp: Người có chấp thủ mạnh thì nghiệp hữu cũng mạnh, nghiệp hữu mạnh thì kiếp sống tương lai rất dài, còn ở trong sinh tử rất lâu, rất khó để giải thoát sinh tử. Người có chấp thủ yếu thì nghiệp hữu cũng yếu, nghiệp hữu yếu thì kiếp sống tương lai sẽ ít, việc giải thoát sinh tử dễ dàng hơn.

Hỏi: Tại sao có người có chấp thủ mạnh? Tại sao có người có chấp thủ yếu? Tại sao có người không có chấp thủ?

Đáp: Người có tham ái mạnh thì có chấp thủ mạnh. Người có tham ái yếu thì có chấp thủ yếu. Người không có tham ái hoặc tham ái rất yếu thì sẽ không có chấp thủ.

Hỏi: Một người chuyên tâm thực hành giới – định – tuệ dẫn đến nhàm chán 5 uẩn thì thủ duyên hữu như thế nào?

Đáp: Một người có chánh trí sẽ sinh ra nhàm chán 5 uẩn, khi nhàm chán 5 uẩn thì hết chấp thủ vào 5 uẩn. Không còn chấp thủ 5 uẩn thì sẽ hết nghiệp hữu. Hết nghiệp hữu thì sẽ chấm dứt tái sinh.

Hỏi: Trong một kiếp sống một người sẽ có rất nhiều chấp thủ khác nhau nên cũng sinh ra rất nhiều nghiệp hữu khác nhau. Vậy khi chết nghiệp hữu nào sẽ trở thành sinh hữu, những nghiệp hữu còn lại sẽ ra sao?

Đáp: Nghiệp hữu là nhân của sự hiện hữu ở tương lai, nó sẽ cho quả là đi tái sinh về một kiếp sống mới. Chỉ có một nghiệp hữu làm phận sự tục sinh, các nghiệp hữu còn lại sẽ trở thành nghiệp hỗ trợ cho sắc nghiệp và tâm quả hiệp thế trong suốt kiếp sống đó.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022