Do xúc sinh nên thọ sinh.
Xúc là nhân, thọ là quả.
Bởi sự sinh của 6 loại xúc, 6 loại thọ sinh.
• Nhãn xúc: Mắt tiếp xúc với sắc sinh ra thọ;
• Nhĩ xúc: Tai tiếp xúc với âm thanh sinh ra thọ;
• Tỉ xúc: Mũi tiếp xúc với mùi sinh ra thọ;
• Thiệt xúc: Lưỡi tiếp xúc với vị sinh ra thọ;
• Thân xúc: Thân tiếp xúc với vật sinh ra thọ;
• Ý xúc: Ý tiếp xúc với pháp sinh ra thọ.
Có 5 loại thọ là:
• Thọ hỉ;
• Thọ ưu;
• Thọ xả;
• Thọ khổ;
• Thọ lạc.
Hỏi: Thế nào là xúc duyên cho thọ?
Đáp:
■ Khi mắt tiếp xúc với cảnh sắc:
• Gặp cảnh ưa thích thì sinh thọ hỉ;
• Gặp cảnh chán ghét thì sinh thọ ưu;
• Gặp cảnh bình thường thì sinh thọ xả.
Do mắt tiếp xúc với cảnh sắc nên cảm thọ do nhãn xúc sinh sinh. Mắt tiếp xúc với cảnh sắc là nhân, thọ do nhãn xúc sinh là quả. Tất cả các thọ trong các tâm đi cùng với lộ nhãn thức như:
• Ngũ môn hướng tâm;
• Nhãn thức;
• Tiếp nhận;
• Suy xét;
• Xác định;
• Javana;
• Đăng ký;
đều thuộc về thọ sinh lên từ nhãn xúc. Cũng tương tự như vậy với nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
■ Khi tai tiếp xúc với âm thanh:
• Gặp âm thanh ưa thích thì sinh thọ hỉ;
• Gặp âm thanh chán ghét thì sinh thọ ưu;
• Gặp âm thanh bình thường thì sinh thọ xả.
Bởi vì tai tiếp xúc với âm thanh nên cảm thọ do nhĩ xúc sinh sinh. Tai tiếp xúc với âm thanh là nhân, thọ do nhĩ xúc sinh là quả.
■ Khi mũi tiếp xúc với mùi:
• Gặp mùi ưa thích thì sinh thọ hỉ;
• Gặp mùi chán ghét thì sinh thọ ưu;
• Gặp mùi bình thường thì sinh thọ xả.
Bởi mũi tiếp xúc với mùi hương nên cảm thọ do tỉ xúc sinh sinh. Mũi tiếp xúc với hương là nhân, thọ do tỉ xúc sinh là quả.
■ Khi lưỡi tiếp xúc với cảnh vị:
• Gặp vị ưa thích thì sinh thọ hỉ;
• Gặp vị chán ghét thì sinh thọ ưu;
• Gặp vị bình thường thì sinh thọ xả.
Bởi lưỡi tiếp xúc với cảnh vị nên cảm thọ do thiệt xúc sinh sinh. Lưỡi tiếp xúc với vị là nhân, thọ do thiệt xúc sinh là quả.
■ Khi thân tiếp xúc với cảnh xúc:
• Gặp vật ưa thích thì sinh thọ hỉ.
• Gặp vật chán ghét thì sinh thọ ưu.
• Gặp vật bình thường thì sinh thọ xả.
Bởi thân tiếp xúc với cảnh xúc nên cảm thọ do thân xúc sinh sinh. Thân tiếp xúc với xúc là nhân, cảm thọ do thân xúc sinh là quả.
■ Khi ý tiếp xúc với cảnh pháp:
• Gặp pháp ưa thích thì sinh thọ hỉ.
• Gặp pháp chán ghét thì sinh thọ ưu.
• Gặp pháp bình thường thì sinh thọ xả.
Bởi ý tiếp xúc với cảnh pháp nên cảm thọ do ý xúc sinh sinh. Ý tiếp xúc với pháp là nhân, cảm thọ do ý xúc sinh là quả.
Hỏi: Khi khởi lên tâm tham thì đi với cảm thọ gì?
Đáp: Tham có 2 cảm thọ:
• Tham thọ hỉ;
• Tham thọ xả.
Hỏi: Tại sao tâm tham lại có thọ hỉ và thọ xả?
Đáp: Tham là khao khát có được cái này cái kia:
• Khi đạt được rồi thì thích thú nên phát sinh thọ hỉ.
• Khi tiếp xúc nhiều lần rồi thì thấy nó bình thường nên phát sinh thọ xả.
Hỏi: Tâm sân khởi lên thì có cảm thọ gì?
Đáp: Tâm sân có 1 cảm thọ đó là thọ ưu.
Hỏi: Tại sao tâm sân lại có cảm thọ ưu?
Đáp: Sân là chán ghét cái này, cái kia. Khi phải tiếp xúc với cái chán ghét thì cảm giác buồn phiền, khó chịu vì chán ghét luôn đi với cảm giác phiền muộn nên sân lúc nào cũng có cảm thọ sầu ưu.
Hỏi: Khởi lên tâm si thì có cảm thọ gì?
Đáp: Tâm si có 1 cảm thọ là thọ xả.
Hỏi: Tại sao tâm si lại luôn đi kèm thọ xả?
Đáp: Vì si là tâm trí mê mờ, khi tiếp xúc với cảnh vật thì thấy cảnh không rõ ràng, minh bạch nên không biết đó là cảnh tốt hay xấu, đúng hay sai, nên vui hay nên buồn. Vì vậy nó sinh ra thọ xả.
Hỏi: Khi khởi lên tâm thiện thì có cảm thọ gì?
Đáp: Tâm thiện có 2 cảm thọ là thọ hỉ và thọ xả.
Hỏi: Tại sao tâm thiện lại có thọ hỉ và thọ xả?
Đáp:
• Khi tiếp xúc với cảnh có tác ý đúng đi kèm với sự hoan hỷ nên sinh khởi thiện tâm có thọ hỉ.
• Khi tiếp xúc với cảnh có sự tác ý đúng đi kèm với sự thản nhiên nên sinh khởi thiện tâm có thọ xả.
Hỏi: Nếu mình có dự định ngày mai sẽ đi gặp mặt nói chuyện với một người mà mình chưa từng gặp, nhưng hôm nay đã thấy trong lòng rất vui mừng và phấn khích thì thọ hỉ đó là do cái gì tiếp xúc với cái gì mà phát sinh?
Đáp: Đó là thọ do ý tiếp xúc với cảnh pháp mà phát sinh. Ý bắt cảnh sắc và thanh ở tương lai và phát sinh thọ hỉ. Do ý tiếp xúc với cảnh sắc và thanh tương lai nên thọ hỉ phát sinh. Ý tiếp xúc với cảnh tương lai là nhân, thọ hỉ là quả.
Hỏi: Khi mới gặp mặt người đó thì thấy vui, nhưng khi nói chuyện với ngư2ời đó lại có cảm giác bình thường. Vậy đó là cảm thọ gì, do loại xúc gì sinh?
Đáp: Lần đầu thọ hỉ là do nhãn xúc sinh. Lần thứ hai là thọ xả là do nhĩ xúc sinh.
Hỏi: Sau buổi gặp mặt đó trở về, mỗi lần nhớ lại buổi nói chuyện đó đều cảm thấy khó chịu. Vậy cảm thọ đó là gì, do tiếp xúc với cái gì mà phát sinh?
Đáp: Đó là thọ ưu do ý tiếp xúc với cảnh pháp mà phát sinh. Ý bắt cảnh âm thanh ở quá khứ mà sinh thọ ưu.
Hỏi: Khi có người mời mình tuần sau đi dự một bữa tiệc ở một nhà hàng cao cấp, mình cảm thấy rất vui khi nghĩ đến những món ăn ngon. Đó là thọ gì? Do tiếp xúc với cảnh gì mà phát sinh?
Đáp: Là thọ hỉ do ý tiếp xúc với cảnh vị ở tương lai mà phát sinh.