THIỀN NIỆM HƠI THỞ ĀNĀPĀNASATI

Sư Thanh Minh

Thiền niệm hơi thở có tính phổ quát nhất đối với mọi căn cơ và nó có tính chất phổ thông nhất đối với các hành giả Phật giáo trên thế giới. Vì vậy khi đến với các trung tâm thiền, hành giả thường được hướng dẫn thực hành thiền hơi thở trước tiên.

Thiền niệm hơi thở được Đức Phật đề cập đến trong nhiều bài kinh Nikaya, như trong bài kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng:
“Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt.
Tỉnh giác vị ấy thở vô, tỉnh giác vị ấy thở ra.
Thở vô dài vị ấy tuệ tri tôi thở vô dài;
Hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri tôi thở ra dài;
Hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri tôi thở vô ngắn;
Hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri tôi thở ra ngắn.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô vị ấy tập;
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra vị ấy tập.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô vị ấy tập;
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra vị ấy tập.

Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân. Có thân đây, vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời”.

1. Nhận biết hơi thở vào ra:

Có ba vị trí cho hành giả để tâm là: da ở cửa mũi, da ở chóp mũi, da ở môi trên. Hành giả phải chọn một trong ba điểm ấy để làm điểm tựa cho sự nhận biết hơi thở được dễ dàng.

Với điểm xúc chạm ở vùng cửa mũi, khi hơi thở vào ra sẽ có sự tiếp xúc với điểm xúc chạm này, hành giả sẽ dễ dàng nhận thấy hơi thở. Để tâm ở điểm xúc chạm đồng thời ghi nhận hơi thở vào ra, nhưng hành giả không nên để cho tâm theo hơi thở đi sâu vào trong mũi, đi xuống ngực hay xuống bụng. Hành giả cũng không được để tâm đi theo hơi thở ra quá xa khỏi điểm xúc chạm. Hành giả chỉ nên nhận biết hơi thở ở ngay cửa mũi ấy mà thôi. Điều này cũng tương tự như để tâm ở chóp mũi và môi trên.

Hành giả cứ duy trì sự nhận biết hơi thở vào ra như vậy trong suốt thời gian hành thiền, khi đi kinh hành và trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi khác. Sự tu tập được duy trì miên mật, không gián đoạn cho đến khi tâm trở nên nhu nhuyễn, thiện xảo, thuần thục và hợp nhất với hơi thở thì định tướng (nimitta) có thể xuất hiện.

Lúc đầu hành giả sẽ thấy hơi thở có màu xám như khói. Nếu vẫn giữ được tâm một cách bình thản và ổn định trên hơi thở thì không bao lâu sau màu xám như khói ấy sẽ trở nên trắng như bông gòn. Nếu hành giả vẫn giữ tâm thiền ổn định trên hơi thở thì màu trắng ấy sẽ trở nên rực sáng và tỏa chiếu. Hành giả cần lưu ý rằng, dù ánh sáng có thể xuất hiện như vậy nhưng ta không được vội chuyển tâm sang quan sát ánh sáng mà vẫn phải để tâm nhận biết hơi thở vào ra để cho ánh sáng ấy càng lúc càng tỏa sáng rực rỡ và mạnh mẽ hơn. Nhưng nếu như trong trường hợp nimitta vẫn không xuất hiện thì hành giả chuyển sang nhận biết hơi thở dài, ngắn.

2. Nhận biết hơi thở dài, ngắn:

Thở vô dài, vị ấy tuệ tri tôi thở vô dài;
Hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri tôi thở ra dài;
Hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri tôi thở vô ngắn;
Hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri tôi thở ra ngắn.

Vẫn để tâm ở một điểm xúc chạm, chóp mũi hoặc môi trên, rồi hành giả nhận biết hơi thở đang đi vào, đi ra, có khi dài, có khi ngắn. Đó là vì khoảng thời gian của hơi thở vào ra có khi nhanh khi chậm, khi thô khi tế không đồng đều. Tập trung, chú ý quan sát, hành giả sẽ nhận biết được hơi thở vào ra có khi ngắn, có khi dài.

Duy trì định tâm trên hơi thở một cách an ổn và đều đặn như vậy trong mỗi thời ngồi từ một giờ đến hai giờ hoặc càng lâu càng tốt. Khi ấy, nimitta tướng có thể xuất hiện. Nếu nimitta xuất hiện, hành giả vẫn cứ tiếp tục chú tâm vào hơi thở để cho tướng ấy càng lúc càng trở nên mạnh mẽ và vững chắc. Nếu định tướng chưa xuất hiện thì hành giả có thể chuyển sang nhận biết toàn thân hơi thở.

3. Nhận biết toàn thân hơi thở:

“Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập”.

Mỗi hơi thở vào hay ra đều có ba giai đoạn là giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. Vì có sự tỉnh giác được tăng cường để quan sát hơi thở vào ra một cách trọn vẹn từ đầu đến cuối, nên được gọi là cảm giác toàn thân hơi thở.

Cứ tu tập như vậy trong mỗi thời ngồi cho đến khi tâm được thuần thục, tạp niệm lắng xuống, tâm không còn đi lang thang sang các đối tượng khác thì nimitta tướng có thể xuất hiện. Cũng như trước, hành giả không nên chuyển tâm sang ánh sáng vội, mà vẫn duy trì sự nhận biết hơi thở thì ánh sáng ấy sẽ được ổn định và phát triển.

4. Nhận biết hơi thở vào ra an tịnh:

“An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập”.

Khi chánh niệm được duy trì liên tục trên đối tượng thì vọng tâm càng lúc càng giảm dần, tâm nhận biết đối tượng càng lúc càng chuyên nhất hơn và hơi thở cũng tự động trở nên nhẹ nhàng và an tịnh hơn. Lúc này, hành giả vẫn quan sát hơi thở vào ra, ngắn dài hoặc toàn thân hơi thở của hơi thở vi tế đó.

Trong khi hành thiền trên hơi thở, hành giả cũng không nên niệm đến các khái niệm như “vào-ra”, “dài-ngắn”, “toàn thân” hay “an tịnh”. Hành giả chỉ cần hiểu được tính chất của nó rồi giữ vững định tâm trên hơi thở là được.

Nimitta tướng có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào khi mà tâm hành giả được khéo duy trì định tĩnh trên hơi thở. Khi thấy nó lần đầu tiên hành giả không nên quá phấn chấn, thích thú hay sợ hãi khiến cho tâm bị dao động. Tâm dao động thì định tướng ấy sẽ không tồn tại lâu được. Nếu hành giả vẫn định tĩnh duy trì định tâm đều đặn trên hơi thở, nimitta ấy sẽ càng trở nên rực sáng hơn rồi hòa nhập làm một với hơi thở. Lúc ấy, hành giả sẽ thành công.

5. Đếm hơi thở:

Có thêm một phương pháp khác cho việc tu tập niệm hơi thở, đó là đếm hơi thở. Phương pháp này dành cho người có quá nhiều tạp niệm, nhất là đối với một số hành giả mới bắt đầu tu tập có tâm còn nhiều vọng tưởng thô tháo thì áp dụng phương pháp đếm hơi thở vào ra:
• Khi hơi thở đi vào đi ra, đếm 1;
• Khi hơi thở đi vào đi ra, đếm 2;
• …

Đếm theo cách như vậy cho đến 10 thì quay trở lại đếm từ 1 đến 10 như trước. Cứ duy trì định tâm trên hơi thở như vậy trong suốt thời ngồi thiền và mọi oai nghi khác cho đến khi các vọng tưởng giảm dần, việc tu tập tiến bộ hơn thì hành giả nên chuyển sang các phương pháp nhận biết hơi thở khác như đã trình bày ở trên.

6. Nimitta (Định tướng):

Muốn chứng đắc được thiền thì hành giả nhất định phải phát khởi được nimitta (định tướng). Đó là ấn chứng của thiền định. Có nimitta thì hành giả mới phát triển được định tâm vào đến các tầng thiền và an trú trong các tầng thiền đó.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm Ánh Sáng, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, có bốn loại hào quang này: Hào quang của mặt trời, hào quang của mặt trăng, hào quang của lửa và hào quang của trí tuệ. Trong bốn loại hào quang ấy thì hào quang của trí tuệ là thù thắng hơn cả. Và này các Tỳ kheo, có bốn loại ánh sáng này: Ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của ngọn lửa và ánh sáng của trí tuệ. Trong bốn loại ánh sáng ấy thì ánh sáng của trí tuệ là thù thắng hơn cả.”

Khi tâm đã được khéo tu tập, an trú vững chắc trên bất cứ một đề mục thiền nào thì cũng đều tỏa ra một loại ánh sáng. Đó là một nhóm tổng hợp sắc do tâm sinh. Nó có đủ tám yếu tố là: Đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất. Hành giả sẽ phân biệt được các loại sắc này ở giai đoạn hành thiền tứ đại và phân biệt sắc pháp. Vì tâm thiền định tĩnh không có cấu uế, nên nó tạo ra các nhóm sắc trong sáng. Và vì trong các nhóm sắc có yếu tố hỏa đại và có màu sắc nên nó có ánh sáng. Ánh sáng ấy được gọi là nimitta hay định tướng.

6.1. Có 3 loại định tướng đó là:

• Chuẩn bị tướng;
• Học tướng;
• Tợ tướng.

Khi hành giả nhận biết hơi thở vào ra và tâm được định tĩnh trên hơi thở, hành giả có thể thấy hơi thở chuyển sang một loại màu xám, như một đám mây, hoặc như màu khói thuốc thì đó là chuẩn bị tướng.

Hành giả cứ tiếp tục hành thiền, không bao lâu sau, tướng màu xám ấy sẽ sáng dần lên, chuyển sang màu trong như nước đá, hoặc trắng như bông gòn thì đó là học tướng.

Hành giả tiếp tục hành thiền cho đến khi màu trắng ấy trở nên rực sáng và tỏa chiếu thì đó là tợ tướng.

6.2. Các hình dạng của định tướng:

Tùy theo sự suy tưởng của mỗi người mà định tướng sẽ có những hình dáng sai biệt. Có người thấy định tướng giống như những bông hoa, giống như trái núi, như ngọn tháp, như thảm vải, như mặt trời, mặt trăng, cây cối…

Tất cả những hình tướng khác biệt như vậy đều do sự suy tưởng khác biệt mà ra. Điều quan trọng là hành giả không nên suy xét đến những khía cạnh về màu sắc cũng như hình dáng của định tướng.

Định tướng ấy khi mới xuất hiện thì vẫn còn non yếu. Hành giả không nên chú tâm vào nó mà vẫn phải định tâm trên hơi thở thì định tướng sẽ dần dần sát nhập lại và hợp nhất với hơi thở. Lúc đó, định tướng sẽ tỏa sáng mạnh mẽ và vững chắc.

7. Chuyển tâm từ nhận biết hơi thở sang nhận biết tợ tướng:

Định tâm trên hơi thở được duy trì đều đặn thì định tướng càng trở nên tỏa sáng và bao trùm tâm hành giả. Lúc này, hơi thở càng trở nên vi tế vì định tướng đã lấn át và chiếm chỗ. Hành giả có thể chuyển tâm sang nhận biết tướng. Với tâm nhận biết trọn vẹn định tướng, việc tu tập thiền của hành giả sẽ tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, khi chuyển tâm sang tướng mà tướng ấy không ổn định, ánh sáng có vẻ dao động và mờ đi thì hành giả lại để tâm vào nhận biết hơi thở và phát triển định thêm nữa.

Tùy theo ba-la-mật (pāramī) và tùy theo sự nỗ lực đúng cách của mỗi người mà việc chứng đắc các tầng thiền có thể nhanh hay chậm khác nhau. Mặc dù vậy, cũng như bà chánh cung Hoàng hậu giữ gìn bào thai của vua Chuyển Luân Thánh Vương, hành giả phải giữ gìn, chăm sóc định tướng của mình, đừng để nó mất đi.

Ở giai đoạn này, một số hành giả có thể dễ dàng đạt đến an chỉ định, một số có thể rơi trở lại hữu phần. Khi tâm rơi vào hữu phần, hành giả cảm thấy như mình không còn biết gì cả, hoặc tâm hành giả bị gián đoạn sự nhận biết định tướng dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn. Một khi hành giả giữ vững niềm tin và nỗ lực tinh tấn đúng cách thì hành giả có thể chứng đắc các tầng thiền.

Vì vậy, để tránh rơi vào hữu phần, và để đạt đến các tầng thiền, hành giả cần có sự trợ giúp của các yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài như:

7.1/ Một nơi hành thiền thích hợp: Yên tĩnh, không ồn ào, phù hợp với sự độc cư, viễn ly. Điều đó cũng có nghĩa là hành giả cần phải tránh những nơi không thích hợp, những nơi ồn ào, tụ tập đông người, thiếu sự yên tịnh.

7.2/ Thời tiết thích hợp: Không quá lạnh, không quá nóng.

7.3/ Thức ăn phù hợp: Đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.

7.4/ Con người thích hợp: Đó là thân cận với các bậc trí, thường trao đổi trình pháp với vị thiền sư, những vị có kinh nghiệm về pháp hành.
Trong thời gian đang tu tập, hành giả được khuyến cáo phải giữ sự độc cư và im lặng, không nên tụ tập, luận bàn nói chuyện thế gian. Hành giả cũng không nên dùng các dụng cụ máy móc như điện thoại, vi tính, mạng internet,… vì đó là những thứ làm chướng ngại cho việc chứng đắc thiền của hành giả.

7.5/ Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Cắt bỏ râu tóc, móng tay; dọn dẹp phòng xá chỗ ở gọn gàng, thông thoáng.

7.6/ Quân bình 5 căn: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Nếu một trong năm căn này mà thái quá thì nó sẽ lấn át các căn khác khiến cho tâm bị mất thăng bằng. Ví dụ:
• Niềm tin mạnh quá sẽ tạo nên sự xúc động khiến cho định suy yếu.
• Tinh tấn mạnh quá thì hành giả sẽ chóng mỏi mệt dễ sinh chán nản không kéo dài định được lâu.
• Định mà thái quá thì tâm dễ rơi vào trạng thái thụ động, hôn trầm và trì trệ.
• Tuệ thái quá thì tâm sẽ phân tích và quan sát các đối tượng ngoài đề mục.

Vì thế, hành giả phải quân bình giữa tín căn và tuệ căn và quân bình giữa tinh tấn với định. Ví dụ, khi hành giả tin tưởng vào tợ tướng này sẽ là phương tiện để đạt đến các pháp thượng nhân là tín, hành giả cũng tuệ tri rõ ràng tợ tướng đang hiện diện là tuệ.

Khi tác ý đến tinh tấn thì tâm hành giả sẽ trở nên phấn chấn và dao động, vì vậy hành giả cũng phải tác ý đến an tịnh để tâm được quân bình lại.
Còn chánh niệm thì luôn cần thiết trong mọi trường hợp, khi chánh niệm có mặt thì các căn khác sẽ được đồng đều, đề mục cũng không bị lãng quên. Niệm sẽ giữ cho tâm không đi lang thang đến những chuyện quá khứ, vị lai. Vì vậy khéo duy trì chánh niệm trên đề mục thiền, hành giả sẽ đạt được mục đích.

7.7/ Quân bình bảy giác chi:
Bảy giác chi là:
  • Trạch pháp giác chi;
  • Tinh tấn giác chi;
  • Hỷ giác chi;
  • Khinh an giác chi;
  • Xả giác chi;
  • Định giác chi;
  • Niệm giác chi.

Khi tâm thiền của hành giả ở trạng thái thụ động, chán nản không tích cực thì cần tác ý đến ba giác chi đầu là trạch pháp, tinh tấn và hỷ để hỗ trợ và nâng đỡ tâm thiền. Ví dụ: hành giả thấy biết rõ ràng đề mục là trạch pháp; tinh tấn hướng tâm vào đề mục là tinh tấn; hân hoan thích thú với đề mục là hỷ.

Khi tâm thiền của hành giả trở nên dao động, đi lang thang, khó chế ngự thì cần tác ý đến khinh an, xả và định để chế ngự và an tịnh tâm. Ví dụ: Hành giả nhẹ nhàng, nới lỏng tâm với đề mục là khinh an; giữ tâm bình thản trung bình với đề mục là xả; gom tâm vào đề mục là định; không quên đề mục là niệm.

Năm căn và bảy giác chi này nếu được khéo huấn luyện, khéo quân bình, khéo tu tập, làm cho sung mãn thì hành giả có thể vượt qua cận định và tiến vào an chỉ định.

Định cận hành là giai đoạn gần sát với tầng thiền nên gọi là cận định, vì nó thường rơi vào hữu phần, định còn gián đoạn chưa được nhất tâm nên chưa phải tầng thiền.

Định an chỉ là tầng thiền Jhana. Khi hành giả đạt đến an chỉ định, tâm hành giả sẽ nhận biết tợ tướng liên tục không gián đoạn trong nhiều giờ. Nếu muốn, hành giả có thể an trú trong tầng thiền đó suốt đêm hoặc suốt ngày.

8. Phân biệt các thiền chi:

Muốn nhập vào các tầng thiền hay muốn tiến lên các tầng thiền cao hơn, hành giả cần phải phân biệt các thiền chi. Có 5 thiền chi của sơ thiền là:
Tầm (Vitakka): Hướng và đặt tâm vào tợ tướng.
Tứ (Vicāra): Duy trì và bám sát tâm trên tợ tướng.
Hỉ (Pīti): Hoan hỷ, thích thú với tợ tướng.
Lạc (Sukha): Thỏa mãn, dễ chịu với tợ tướng.
Nhất tâm (Ekaggatā): Hợp nhất tâm với tợ tướng, hay giữ tâm lặng lẽ trên tợ tướng.

Trước hết, hành giả hãy thiết lập lại định tướng cho đến khi ánh sáng của thiền rực rỡ và tỏa chiếu. Rồi hành giả hướng tâm xuống vùng bên trái, phía sâu dưới trái tim của hành giả. Đây là nơi tâm hữu phần bhavanga hay ý môn sáng trong an trú. Bằng trí tuệ của mình, hành giả nhận biết được tâm hữu phần bhavanga ấy đang sinh khởi liên tục. Mỗi lần kiểm tra bhavanga từ 3 giây đến giây, rồi lại trở về chú tâm trên đề mục.

Tiếp sau đó, hành giả sẽ kiểm tra tợ tướng xuất hiện trong ý môn bhavanga. Khi để tâm trên hơi thở, hành giả thấy tợ tướng cùng với hơi thở. Khi hướng tâm xuống ý môn bhavanga, hành giả cũng thấy tợ tướng trong ý môn. Bằng cách kiểm tra nhiều lần, hành giả sẽ phân biệt được tợ tướng và ý môn.

Sau khi đã phân biệt được tợ tướng xuất hiện trong ý môn rồi, hành giả hãy phân biệt các thiền chi, mỗi lần một chi.

a. Tầm (Vitakka): Hướng và đặt tâm trên tợ tướng.
Hành giả vừa quan sát trạng thái hướng tâm, vừa ghi nhận trạng thái tâm ấy là tầm (Vitakka). Nếu hành giả đã đạt đến an chỉ định thì sự hướng tâm là rõ ràng và mạnh mẽ. Trong trường hợp hành giả chưa đạt an chỉ định thì các chi thiền yếu ớt và không rõ ràng, hành giả cần phát triển định thêm.

b. Tứ (Vicāra): Duy trì và bám sát tợ tướng.
Do sự có mặt của tầm nên tứ phải có mặt. Tầm như con ong bay về phía bông hoa. Tứ như con ong đậu lại, bám sát lấy hoa và hút mật. Cần phải hiểu và thấy được đặc tính duy trì, bám sát của tâm trên tợ tướng, hành giả ghi nhận trạng thái tâm ấy là tứ (Viccara).

c. Hỉ (Pīti): Là hân hoan, thích thú với tợ tướng.
Hỉ là một trong năm thứ cảm thọ: khổ thọ, lạc thọ, hỉ thọ, ưu thọ và xả thọ. Hỉ thuộc về cảm thọ của tâm. Giống như con ong mừng rỡ, thích thú với mùi vị sắc hương của hoa, cũng vậy hành giả ghi nhận sự hoan hỷ, thích thú của tâm với tợ tướng là hỉ (Pīti).

d. Lạc (sukha): Là sự thoải mái, dễ chịu với tợ tướng.
Lạc cũng là một trong năm loại cảm thọ. Ở đây nó thuộc về cảm thọ của thân, ví như con ong đang thưởng thức mật hoa một cách thỏa mãn và dễ chịu. Cũng vậy, hành giả ghi nhận sự thoải mái, dễ chịu với tợ tướng ấy là lạc (Sukha).

e. Nhất tâm (Ekaggatā): Là sự hợp nhất tâm với tợ tướng.
Đó là trạng thái an tịnh, lặng lẽ, gom tâm lại, an trú tâm trên một đối tượng. Hành giả quan sát, phân biệt, nhận biết và ghi nhận trạng thái tâm ấy là nhất tâm (Ekaggatā).

Bằng cách phân biệt nhiều lần, mỗi lần thêm vào một chi cho đến khi hành giả có thể thấy cả năm chi trong một lần.

9. Tu tập các pháp thuần thục:

Sau khi đã phân biệt thành công cả năm thiền chi rồi hành giả sẽ thực hành năm pháp thuần thục đối với sơ thiền.
Năm pháp thuần thục đó là:
• Thuần thục trong nhập thiền;
• Thuần thục trong xuất thiền;
• Thuần thục trong việc quyết định thời gian nhập thiền;
• Thuần thục quan sát các thiền chi;
• Thuần thục phản khán các thiền chi.

Hành giả cần phải thuần thục trong việc nhập vào tầng thiền bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu mà hành giả muốn, cũng như việc xuất ra khỏi tầng thiền ấy.

Trước khi nhập thiền, hành giả phải tác ý đến thời gian mà mình sẽ an trú và hành giả phải xuất thiền đúng thời gian mà mình đã quyết định. Nhờ thực hành thuần thục việc quyết định thời gian nhập thiền, các thiền chứng của hành giả càng lúc càng tiến bộ hơn, định lực được an trú vững chắc hơn.

Sau mỗi lần xuất thiền, hành giả phải thực hành kiểm tra, phân biệt các thiền chi.

Chứng và an trú nhị thiền:

Sau khi đã hoàn toàn thuần thục với sơ thiền, hành giả có thể tiến lên nhị thiền. Tuy nhiên, nếu sơ thiền của hành giả vẫn chưa được tu tập thuần thục mà hành giả đã cố gắng tiến lên nhị thiền thì hành giả chẳng những không đạt được nhị thiền mà còn làm thối lui cả sơ thiền ấy.

Như Đức Phật đã nói về ví dụ con bò cái: Vì quen sống trong núi, chưa quen sống nơi đồng bằng, cho nên khi nó ra đồng bằng và thấy những đám cỏ non và nước mát, nó muốn thưởng thức thứ cỏ chưa từng được thưởng thức và muốn uống thứ nước chưa từng được uống ấy. Do nó bước đi không khéo nên bị thụt chân giữa đám bùn lầy. Nó chẳng những không được thưởng thức cái chưa từng được thưởng thức mà cũng không thể trở về chỗ cũ được.

Nếu sơ thiền của hành giả chưa được tu tập thuần thục mà hành giả đã cố gắng lên nhị thiền, hành giả có thể không đạt được nhị thiền mà cũng không trở lại được sơ thiền. Hành giả bị mắc kẹt giữa hai tầng thiền giống như con bò bị thụt chân giữa đám bùn lầy.

Vì vậy hành giả phải tu tập cho thuần thục 5 pháp với sơ thiền rồi mới cố gắng tiến lên nhị thiền.

Trước hết, hành giả hãy thiết lập lại sơ thiền cho đến khi định được sung mãn, ánh sáng đã trở nên rực rỡ, tỏa chiếu và xuyên thấu.

Xuất khỏi sơ thiền, hành giả suy xét đến những bất lợi của sơ thiền: Sơ thiền còn gần với trạng thái của định cận hành, còn gần với năm triền cái; hơn nữa, bản thân nó cũng có sự dao động của tầm và tứ; hai thiền chi này là thô tháo và không an tịnh. Hành giả mong muốn đạt được nhị thiền mà ở đó chỉ có hỉ, lạc, nhất tâm an tịnh hơn.

Rồi hành giả nhập lại sơ thiền, sau đó xuất ra khỏi sơ thiền, phân biệt các thiền chi, đồng thời tác ý loại bỏ hai thiền chi tầm và tứ rồi nhập vào nhị thiền chỉ có ba thiền chi là hỉ, lạc, nhất tâm.

Khi đã chứng đắc nhị thiền, hành giả sẽ thực hành năm pháp thuần thục với nhị thiền cũng như với sơ thiền.

Chứng và an trú tam thiền:

Sau khi đã tu tập thỏa mãn năm pháp thuần thục với nhị thiền, hành giả có thể tu tập lên tam thiền.

Muốn chứng đắc tam thiền, hành giả cũng thiết lập lại sơ thiền, rồi nhị thiền. Khi ánh sáng của định đã trở nên sung mãn, rực rỡ và tỏa chiếu, hành giả xuất ra khỏi nhị thiền và suy xét đến những bất lợi của nhị thiền: Tầng thiền này còn có hỉ là thô tháo, làm cho tâm dao động; nó không an tịnh như tam thiền chỉ có lạc với nhất tâm. Hành giả mong muốn chứng đắc tam thiền.

Rồi hành giả nhập vào nhị thiền, sau đó lại xuất ra khỏi nhị thiền, phân biệt các thiền chi, đồng thời tác ý loại bỏ thiền chi hỉ và nhập vào tam thiền chỉ có lạc với nhất tâm.

Sau khi chứng đắc tam thiền, hành giả cũng thực hành năm pháp thuần thục với tam thiền như với sơ thiền và nhị thiền.

Chứng và an trú tứ thiền:

Cũng như trước, hành giả cần thiết lập lại lần lượt sơ thiền, nhị thiền và tam thiền cho đến khi ánh sáng của định sung mãn, rực rỡ và tỏa chiếu.

Hành giả xuất ra khỏi tam thiền, suy xét đến những bất lợi của tam thiền: Tầng thiền này còn có thiền chi lạc là thô, không an tịnh bằng tứ thiền chỉ có xả với nhất tâm.

Sau đó hành giả nhập lại tam thiền, rồi xuất ra khỏi tam thiền, phân biệt các thiền chi, đồng thời với tác ý loại bỏ thiền chi lạc và nhập vào tứ thiền chỉ có xả với nhất tâm. Rồi hành giả thực hành 5 pháp thuần thục với tứ thiền cũng như với các tầng thiền khác.

Với sự chứng đắc tứ thiền, hơi thở hoàn toàn dừng lại. Đó cũng là sự chứng đắc cao nhất đối với thiền hơi thở.

Với nền tảng là tứ thiền của thiền hơi thở, hành giả có thể tu tập dễ dàng các đề mục thiền định khác trong số 40 đề mục thiền định, hoặc hành giả cũng có thể dùng tứ thiền hơi thở làm nền tảng để tu tập các đề mục thiền tuệ như phân biệt danh sắc, duyên khởi và tam tướng vô thường – khổ – vô ngã để chứng đắc tuệ đạo và tuệ quả ngay trong kiếp sống này.

10. Hỏi Đáp:

Hỏi: Tư thế ngồi như thế nào thì thích hợp với việc hành thiền? Việc co duỗi hay nhúc nhích thân thể có ảnh hưởng gì đến thiền không?

Đáp: Hành giả có thể ngồi kiết già, bán già hoặc hai chân xếp bằng trên đất cũng được. Khi nào cảm thấy đau nhức, mệt mỏi, hành giả có thể thay đổi sang một tư thế khác và điều chỉnh lại oai nghi của thân cho được dễ chịu hơn. Tuy nhiên, hành giả cũng không nên cử động thô tháo nhiều để không ảnh hưởng đến mình và người xung quanh.

Hỏi: Có nên hé mở mắt để nhìn hơi thở không?

Đáp: Hành giả phải nhắm mắt lại, dùng tâm theo dõi hơi thở thì tốt hơn.

Hỏi: Khi hành thiền, hành giả để tâm nhận biết khắp toàn thân và cảm giác rất an lạc. Như vậy có tốt không?

Đáp: Khi nhận biết toàn thân, tâm hành giả dễ bắt vào các đặc tính của tứ đại. Điều này làm trở ngại cho việc quan sát đối tượng là hơi thở. Hành giả không nên có tham ái với các cảm thọ của thân thì tốt hơn.

Hỏi: Một số kinh sách nói đến sự chứng đắc ngũ thiền là như thế nào?

Đáp: Muốn tu tập ngũ thiền, hành giả chỉ việc phân chia lại các tầng thiền như sau:
• Nhập vào sơ thiền, rồi xuất ra khỏi sơ thiền, tác ý loại bỏ thiền chi tầm (vitakka) rồi hướng lên nhị thiền có bốn thiền chi là: Tứ, hỉ, lạc và nhất tâm.
• Hành giả lại xuất ra khỏi nhị thiền, phân biệt và loại bỏ thiền chi tứ (vicara), hướng lên tam thiền có ba thiền chi là hỉ, lạc và nhất tâm.
• Hành giả lại xuất ra khỏi tam thiền, phân biệt và loại bỏ thiền chi hỉ (pīti) rồi hướng lên tứ thiền có hai thiền chi là lạc và nhất tâm.
• Hành giả lại xuất ra khỏi tứ thiền, phân biệt và loại bỏ thiền chi lạc (sukha), hướng lên ngũ thiền có hai thiền chi là xả và nhất tâm.
Như vậy việc tu tập ngũ thiền chỉ khác tứ thiền ở chỗ phân biệt và loại bỏ hai thiền chi tầm, tứ ra từng cái một.

Hỏi: Hành thiền hơi thở một thời gian mà không thấy xuất hiện ánh sáng nimitta, hành giả có thể định tâm vào hơi thở và chứng đắc bậc thiền được không?

Đáp: Hành giả không thể chứng đắc bất cứ bậc thiền nào nếu không có được nimitta vì nimitta mới thực sự là định tướng, là ấn chứng của định. Chỉ khi nào tâm của hành giả không bị các cấu uế của 5 triền cái (tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi) che lấp, lúc ấy các tâm cao thượng và trong sáng mới sinh khởi liên tục trên một đối tượng. Các nhóm tổng hợp sắc do tâm cao thượng ấy sinh ra sẽ sáng dần lên. Chú tâm trên ánh sáng và phát triển định một cách đúng phương pháp thì hành giả có thể chứng đắc các bậc thiền.

Hỏi: Phải làm sao để giảm bớt được 5 triền cái?

Đáp:
• Nếu có nhiều tham dục khởi lên thì phải tác ý đến bất tịnh để loại bỏ tham dục.
• Nếu có sân tâm mạnh thì tác ý đến từ tâm mà loại bỏ sân.
• Nếu giải đãi sinh hôn trầm-thụy miên thì tác ý đến sự chết. Có sự kinh cảm về cái chết, tâm sẽ gấp rút tu tập, nhờ đó hành giả vượt qua được giải đãi.
• Thường xuyên như pháp sám hối những lỗi lầm và cung kính, cúng dàng Tam Bảo để vượt qua trạo hối.
• Siêng năng nghe giảng giải giáo pháp, đặt câu hỏi với những bậc thiện tri thức để giải tỏa những thắc mắc hoài nghi.

Hỏi: Khi hành thiền, tâm thường xuyên nhớ về những chuyện đã diễn ra trong quá khứ và cả những dự định sẽ làm trong tương lai. Vậy phải làm sao để loại bỏ các vọng tưởng ấy?

Đáp: Vì có nhiều tham ái và chấp trước nên hành giả còn vướng mắc vào quá khứ và tương lai. Nó trở thành chướng ngại cho sự chứng thiền. Nếu hành giả ý thức được sự nguy hiểm của luân hồi, có khát vọng giải thoát, thấy cuộc đời chỉ là vô thường, giả tạm và nhàm chán nó, hành giả sẽ giảm bớt vọng tưởng về quá khứ và tương lai.

Hỏi: Sau khi chứng đắc tứ thiền hơi thở rồi thì thiền sinh nên tu tập thiền gì tiếp theo?

Đáp: Thiền tiếp theo nên tu tập là thiền quán 32 thể trược.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022