Hỏi: Chánh mạng là gì?
Đáp: Là nuôi mạng chân chánh.
Hỏi: Nuôi mạng chân chánh có ý nghĩa như thế nào?
Đáp: Là mình có được 4 thứ vật dụng hằng ngày một cách không có lỗi lầm:
• Chỗ ở;
• Vật thực;
• Y phục;
• Dược phẩm.
Những thứ đó có được bằng sự làm ăn lương thiện của chính mình chứ không phải bằng sự bất thiện mà có.
Hỏi: Như thế nào là có được những vật dụng chân chánh?
Đáp: Những vật dụng đó có được một cách chân chánh là:
• Không trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn hại đến chúng sinh khác;
• Không phải do sát sinh;
• Không phải do trộm cắp;
• Không phải do tà dâm;
• Không phải do nói dối;
• Không phải do buôn bán chất say nghiện, chất độc, vũ khí, trốn thuế, buôn lậu,…
Hỏi: Như thế nào là nuôi mạng không chân chánh?
Đáp: Là mình có được những vật dụng đó từ những hành động bất thiện như: Sát sinh; trộm cắp; tà dâm; nói dối; buôn bán chất say nghiện, vũ khí, chất độc,…
Hỏi: Chỗ ở đơn giản nhất là ở đâu?
Đáp: Ở dưới gốc cây, ở nghĩa địa, ở ngoài trời.
Hỏi: Y phục đơn giản nhất y gì?
Đáp: Là y phấn tảo (Nhặt vải ở bãi rác).
Hỏi: Vật thực đơn giản nhất là gì?
Đáp: Khất thực.
Hỏi: Nuôi sống bằng nghề xem bói, xem tướng, xem ngày tốt xấu, tế lễ cúng bái,… thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Là tà mạng.
Hỏi: Tại sao lại là tà mạng?
Đáp: Vì nó chẳng mang lại lợi ích gì cho ai mà còn khiến nhiều người sinh tâm mê tín tà kiến.
Hỏi: Người xuất gia phải nuôi mạng như thế nào mới là chánh mạng?
Đáp: Khất thực xin ăn.
Hỏi: Xin mà không ai cho thì phải làm sao?
Đáp: Thì phải đi chỗ khác mà xin.
Hỏi: Mọi người tự mang các vật dụng đến cúng dàng cho người xuất gia dùng thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Chánh mạng.
Hỏi: Các Phật tử mời vị Sa môn đến nhà tụng kinh rồi cúng dàng vật dụng thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Tự nguyện cúng dàng thì là chánh mạng; Hỏi giá trước thầy lấy bao nhiêu tiền công rồi trả thì là tà mạng.
Hỏi: Vị tỳ kheo tự trồng cấy để nuôi sống thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Trong Luật, Đức Phật không cho tỳ kheo trồng cấy.
Hỏi: Người tại gia sinh sống bằng nghề trồng cấy thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Chánh mạng.
Hỏi: Vị Sa môn tự làm ra sản phẩm bán lấy tiền nuôi sống là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Trong Luật, Đức Phật không cho vị tỳ kheo buôn bán.
Hỏi: Người tại gia kiếm sống bằng buôn bán thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Buôn bán chân chánh thì là chánh mạng; buôn bán bất chính thì là tà mạng.
Hỏi: Thế nào là buôn bán chân chính?
Đáp: Mua bán những thứ không có hại là chân chánh.
• Không mua bán hàng giả;
• Không mua bán hàng độc hại;
• Không mua bán chất say nghiện;
• Không mua bán người và súc sinh;
• Không mua bán vũ khí sát sinh.
Hỏi: Thế nào là buôn bán bất chính?
Đáp: Ngược lại với chánh là bất chánh.
Hỏi: Người tại gia sinh sống bằng nghề trồng cấy phải dùng thuốc độc diệt trừ các loài gây hại thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Trồng cấy thì không có lỗi gì, nhưng đã sát sinh thì vẫn để lại nghiệp bất thiện và vẫn phải chịu quả báo.
Hỏi: Người tại gia chăn nuôi gia súc rồi mang bán lấy tiền sinh sống thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Lúc chăn nuôi thì là thiện nghiệp. Khi mang bán cho người khác giết mổ thì phạm vào tà mạng vì cộng nghiệp sát sinh.
Hỏi: Làm cán bộ sống bằng tiền lương thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Làm cán bộ không ăn hối lộ thì là chánh mạng.
Hỏi: Sinh sống bằng nghề thầy thuốc thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Không lừa dối bệnh nhân thì là chánh mạng;
Lừa dối bệnh nhân để lấy thêm tiền thì là tà mạng.
Hỏi: Sinh sống bằng nghề giáo viên thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Giảng dạy những điều có lợi ích thì là chánh mạng; Giảng dạy những điều không có lợi ích thì là tà mạng.
Hỏi: Sinh sống bằng tiền lương công nhân thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Công nhân làm ra những sản phẩm có lợi ích, không tổn hại đến ai thì là chánh mạng; làm ra sản phẩm có hại cho người hoặc vật thì là tà mạng.
Hỏi: Sinh sống bằng nghề nghệ thuật như diễn viên, ca sĩ, nhạc công thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Tà mạng.
Hỏi: Tại sao lại là tà mạng?
Đáp: Vì nó khiến cho nhiều người sinh khởi tâm bất thiện như tham ái, sân hận, tà kiến, rối loạn, mông lung, phóng dật, ảo tưởng…
Hỏi: Làm nghề thầy bói, thầy cúng,… thì là chánh mạng hay tà mạng?
Đáp: Những nghề này khiến nhiều người bị mê tín, tà kiến trở thành cuồng tín, dị đoan là tà mạng.
Hỏi: Nhưng nếu xem mà đúng thì sao?
Đáp: Dù đúng cũng không có lợi ích gì, vì mọi chuyện vẫn diễn ra một cách tự nhiên theo luật nhân quả.
Hỏi: Có người nào sống tà mạng mà khi chết được sinh Thiên giới không?
Đáp: Đức Phật từng quán sát trong 91 đại kiếp mới có duy nhất 1 người tà mạng được sinh Thiên vì vị đó thường hay thuyết giảng giáo lý về nghiệp.
Hỏi: Có người sống tà mạng nhưng cuộc sống của họ vẫn an vui, sung túc là làm sao?
Đáp: Vì quả của nghiệp tà mạng đó chưa trổ. Khi nào quả của nghiệp đó chín mùi thì họ sẽ gặp nhiều bất hạnh giống như họ đã tạo ra sự bất hạnh cho những chúng sinh khác.
Hỏi: Tại sao người xuất gia phải sống bằng khất thực mới là chánh mạng?
Đáp:
• Vì muốn dứt hết lòng tham, nên không được tích trữ;
• Vì muốn dẹp bỏ ngã mạn, nên sống dựa vào sự bố thí;
• Vì muốn cho chúng sinh có cơ hội tạo phước thiện;
• Vì muốn gieo duyên giải thoát đến với chúng sinh;
• Vì lợi ích cho bản thân mình và các thí chủ nên người xuất gia sống bằng hạnh khất thực.
Hỏi: Người xuất gia nhưng tu hành không nghiêm túc mà sống bằng hạnh khất thực thì sao?
Đáp: Thì mắc nợ thí chủ, sau này phải trả giá bằng sự lao khổ.
Hỏi: Cúng dàng cho người xuất gia tu hành không nghiêm túc thì thí chủ có được phước không?
Đáp: Có phước nhưng không lớn.
Hỏi: Người xuất gia tu một thời gian rồi hoàn tục thì có mắc nợ thí chủ đã cúng dàng tứ vật dụng không?
Đáp: Nếu thực hành giới – định – tuệ nghiêm túc thì không mắc nợ. Nếu không nghiêm túc thì mắc nợ.
Hỏi: Người xuất gia sống tà mạng thì sẽ như thế nào?
Đáp: Thì sẽ không thể chứng được các pháp thượng nhân: Đắc thiền, thần thông và đạo – quả. Khi mạng chung sinh vào ác đạo.
Hỏi: Tại sao thời nay lại có rất ít người tu chứng được pháp thượng nhân?
Đáp: Vì rất ít người sống chánh mạng.
Hỏi: Thí chủ tự tay sát sinh rồi dâng cúng vật thực đó cho người xuất gia dùng thì người xuất gia có tà mạng không?
Đáp: Nếu người dùng:
• Không trông thấy con vật bị giết;
• Không nghe tiếng con vật kêu khi bị giết;
• Không nghi con vật đã bị giết cho mình dùng;
Thì không tà mạng; ngược lại thì tà mạng.
Hỏi: Người thí chủ sát sinh rồi cúng dàng thì có phước hay có tội?
Đáp: Có cả hai: Sát sinh là có tội; cúng dàng là có phước.
Hỏi: Vừa có tội vừa có phước thì khi trổ quả sẽ như thế nào?
Đáp: Quả lành: Là người có nhiều tài sản, danh vọng,…
Quả dữ: Thường sinh nhiều bệnh tật và gặp nhiều oan trái…
Hỏi: Người tại gia mà đóng giả người xuất gia rồi đi khất thực thì sẽ như thế nào?
Đáp: Thì sẽ đọa vào ác đạo.
Hỏi: Ở thế gian người sống chánh mạng nhiều hơn hay tà mạng nhiều hơn?
Đáp: Tà mạng nhiều hơn.
Hỏi: Tại sao phải sống chánh mạng?
Đáp:
• Để tránh những tội lỗi do nuôi mạng tạo ra;
• Để tránh sự vay trả nghiệp báo trong luân hồi;
• Để tránh kết oán gây thù với chúng sinh;
• Để sống hạnh thiểu dục tri túc;
• Để từ bỏ tham ái, dính mắc với các vật dụng;
• Để thành tựu được đạo quả, Niết Bàn.