21. TƯỞNG UẨN

Sư Thanh Minh

Hỏi: Tưởng có nghĩa là gì?

Đáp: Tưởng là những tư tưởng, sự nhận thức, sự ghi nhớ.

Hỏi: Tưởng thường làm phận sự gì?

Đáp: Tưởng làm phận sự ghi nhớ, tưởng tượng.

Hỏi: Có bao nhiêu tưởng?

Đáp:
• Sắc tưởng: Tưởng nhớ đến cảnh sắc;
• Thanh tưởng: Tưởng nhớ đến âm thanh;
• Hương tưởng: Tưởng nhớ đến mùi;
• Vị tưởng: Tưởng nhớ đến thức ăn;
• Xúc tưởng: Tưởng nhớ đến đụng chạm;
• Pháp tưởng: Tưởng nhớ đến bất cứ thứ gì.

Hỏi: Khi mình gặp một người lạ một lần rồi 1 năm sau mới gặp lại lần nữa nhưng mình vẫn nhớ rõ họ là ai thì đó là tưởng gì?

Đáp: Pháp tưởng.

Hỏi: Tại sao mình lại nhận ra người đó?

Đáp: Vì mình đã ghi nhớ hình ảnh người đó trong tâm.

Hỏi: Khi gặp một người mà mình vẫn nhớ được tên tuổi của họ thì đó là tưởng gì?

Đáp: Đó là thanh tưởng và các tưởng còn lại cũng tương tự như thế.

Hỏi: Những nguyên nhân nào sinh ra tưởng?

Đáp:
5 nhân quá khứ:
Vô minh, Tham ái, Chấp thủ, Hành, Nghiệp là nhân → tưởng là quả.


Nhân hiện tại:
Thọ – Hành – Thức, Sắc căn (Ý vật), Sắc cảnh
 là nhân → tưởng là quả.

Hỏi: Tư tưởng có nghĩa là gì?

Đáp: Tư là tư duy – suy nghĩ. Tưởng là trí nhớ và tưởng tượng. Tư tưởng là nhớ, nghĩ, hình dung ra những chuyện đã diễn ra trong quá khứ hoặc sẽ diễn ra trong tương lai, hoặc những chuyện không có thật.

Hỏi: Thế nào là tưởng thiện? Thế nào là tưởng bất thiện?

Đáp: Tưởng khởi lên cùng với tâm tham – sân – tà kiến là tưởng bất thiện. Tưởng khởi lên cùng với tâm vô tham – vô sân – chánh kiến là tưởng thiện.

Hỏi: Thế nào là tưởng khởi lên cùng với tham – sân – tà kiến?

Đáp:
Tham tưởng: Tưởng nhớ đến những cảnh trần của sắc – thanh – hương – vị – xúc khả ái, khả hỷ, khả lạc, hấp dẫn liên hệ đến dục theo 11 cách: quá khứ – hiện tại – tương lai – bên trong – bên ngoài – thô – tế – cao thượng – hạ liệt – xa – gần thì đó là tham tưởng.
Sân tưởng: Tưởng nhớ đến những đối tượng chán ghét liên hệ đến tức giận – ghen tị – bỏn xẻn – hối hận – sầu bi – ưu não… theo 11 cách thì đó là sân tưởng.
Tà kiến tưởng: Tưởng nhớ đến những đối tượng không đúng với sự thật chân lý Tứ Thánh Đế theo 11 cách thì đó là tà kiến tưởng.

Hỏi: Thế nào là tưởng khởi lên cùng với vô tham – vô sân và chánh kiến?

Đáp:
Tưởng vô tham – vô sân:
Tưởng nhớ đến những đối tượng làm cho tâm được thanh tịnh – ly dục, ly ác pháp bất thiện như khi thực hành 40 đề mục thiền định:
• 10 đề mục chứng định cận hành;
• 10 kasiṇa;
• 10 pháp quán tử thi;
• 4 thiền vô lượng tâm;
• 4 thiền vô sắc;
• 1 thiền quán 32 thể trược;
• 1 thiền niệm hơi thở.
làm cho tâm được vô tham – vô sân.

Tưởng sinh cùng tuệ (chánh kiến):
Tuệ tri các pháp chân đế:
• Tâm;
• Tâm sở;
• Sắc pháp;
• Niết Bàn.
Bằng sự thực hành thiền tuệ thì đó là tưởng sinh cùng chánh kiến.

Hỏi: Thế nào là tính vô ngã của tưởng?

Đáp: Vì tưởng có tính sinh diệt liên tục:
• Cái gì sinh lên rồi diệt đi thì cái đó là vô thường;
• Vì vô thường, chịu bức bách nên nó khổ;
• Cái gì vô thường, khổ thì cái đó là vô ngã.
Vậy:
• Tưởng không phải là ta = vô thường;
• Tưởng không phải của ta = khổ;
• Tưởng không phải là tự ngã của ta = vô ngã.

Hỏi: Quán sát tính vô ngã của tưởng để làm gì?

Đáp:
• Để nhàm chán: nhàm chán đối với tưởng;
• Để ly tham: ly tham đối với tưởng;
• Để đoạn diệt: diệt tham ái, chấp thủ vào tưởng;
• Để từ bỏ: từ bỏ hành nghiệp vì tưởng;
• Để đạt được chánh trí: giác ngộ các sự thật;
• Để chứng Niết Bàn: giải thoát khổ đau.
Như vậy quán tất cả tưởng theo 11 cách ở:
Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, Bên trong – Bên ngoài, Thô – Tế, Cao thượng – Hạ liệt, Ở xa – Ở gần;
Đều vô thường, khổ, vô ngã.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào thân sai biệt, tưởng sai biệt?

Đáp: Cõi người và một số chư Thiên, một số chúng sinh ở các cõi đọa xứ.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào thân sai biệt, tưởng đồng nhất?

Đáp: Phạm Chúng Thiên khi mới tái sinh.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào thân đồng nhất, tưởng sai biệt?

Đáp: Cõi Quang Âm Thiên.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào thân đồng nhất, tưởng đồng nhất?

Đáp: Cõi Tịnh Cư Thiên.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào không có tưởng, không có thọ?

Đáp: Cõi Vô Tưởng.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào có tưởng là hư không, không có giới hạn?

Đáp: Cõi Không Vô Biên Xứ.

Hỏi: Chúng sinh nào có tưởng là tâm không có giới hạn?

Đáp: Cõi Thức Vô Biên Xứ.

Hỏi: Chúng sinh nào có tưởng là không có gì cả?

Đáp: Cõi Vô Sở Hữu Xứ.

Hỏi: Chúng sinh ở cõi nào không có tưởng, cũng chẳng phải không có tưởng?

Đáp: Chúng sinh ở cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Hỏi: Làm sao biết được tư tưởng của mình là tốt hay xấu?

Đáp: Khi nào tâm nhớ đến những đối tượng hạ liệt như: Dục tưởng; sân tưởng; hại tưởng thì là tưởng xấu.
Khi nào tâm nhớ đến những đối tượng cao thượng như: Vô thường tưởng; khổ tưởng; vô ngã tưởng; bất tịnh tưởng thì là tưởng tốt.

Hỏi: Làm sao biết được tư tưởng của người khác là tốt hay xấu?

Đáp: Để biết được tư tưởng người khác thì cần phải:
• Có thời gian thân cận;
• Có đàm luận trao đổi;
• Có sự quan sát lời nói và hành động;
• Có tác ý;
• Có trí tuệ;
thì mới biết được tư tưởng của người khác.

Hỏi: Tư tưởng ảnh hưởng đến hành động như thế nào?

Đáp: Người có tư tưởng cao thượng thì cũng có hành động cao thượng. Người có tư tưởng hạ liệt thì cũng có hành động hạ liệt, ví dụ:
• Một người có tư tưởng thành Phật thì thường tạo tác tích lũy các Ba-la-mật.
• Một người muốn giải thoát sinh tử thì thích thực hành giới – định – tuệ.
• Một người muốn hưởng phước thì thích tạo phước.
• Một người muốn giàu có thì thích kiếm tiền.
• Một người muốn quyền lực thì thích làm việc chính trị.
• Người có tư tưởng thường kiến (tin vào cõi vĩnh hằng) thì thích cầu nguyện.
• Người có tư tưởng đoạn kiến (bác nhân quả) thích hưởng thụ dục lạc.

Hỏi: Tưởng tri là gì?

Đáp: Là sự hiểu biết dựa trên cái tưởng, ví dụ:
• Một bà mẹ nghe thấy tiếng trẻ con khóc tưởng là con mình liền chạy đến bế nó lên thì mới phát hiện ra là con người khác.
• Như một người mò cá nắm phải con rắn tưởng là cá đưa lên khỏi mặt nước mới biết là rắn.
• Như một người đàn ông ở với con Dạ Xoa mà cứ tưởng là vợ hiền, cho đến khi phát hiện người phụ nữ này thường ra nghĩa địa ăn xác chết mới biết là Dạ Xoa.

■ Tưởng tri về cái thân 5 uẩn:
• Sắc này là vô thường mà tưởng là thường;
• Sắc là khổ mà tưởng là lạc;
• Sắc là vô ngã mà tưởng là ngã;
• Sắc là bất tịnh mà tưởng là tịnh;
Cũng như vậy với thọ – tưởng – hành – thức.
Chính vì cái tưởng sai lầm sinh ra tham ái, chấp thủ tạo nghiệp và đi tái sinh trong tam giới.

Hỏi: Thế nào là vọng tưởng?

Đáp: Cứ tưởng nhớ hết chuyện này sang chuyện khác không chịu ngừng nghỉ thì là vọng tưởng.
• Nhớ đến những chuyện đã qua trong quá khứ;
• Nhớ đến những chuyện chưa đến ở tương lai;
• Những chuyện vui buồn đang diễn ra trong hiện tại.

Hỏi: Thế nào là tưởng tượng?

Đáp: Tưởng tượng cũng là một loại vọng tưởng. Tưởng tượng là tưởng ra những cái không có thực. Như:
• Lông rùa, sừng thỏ;
• Những câu chuyện thần thoại;
• Phim hoạt hình, phim viễn tưởng,…
đều là sản phẩm của tưởng tượng.

Hỏi: Thế nào là ảo tưởng?

Đáp: Ảo tưởng cũng là sự lầm tưởng. Khi mong muốn điều gì thì luôn cố gắng tưởng tượng ra cái đó. Khi sợ hãi cái gì thì cũng luôn tưởng tượng đến cái đó. Bỏ quên thực tại mà luôn sống với cái tưởng như vậy thì là ảo tưởng.

Hỏi: Môi trường sống có tác động đến tư tưởng như thế nào?

Đáp: Nếu thân cận với môi trường tốt, có nhiều người tốt, có giáo dục, tu dưỡng đạo đức, trí tuệ thì sẽ phát sinh nhiều tư tưởng thiện. Nếu thân cận với môi trường xấu, có nhiều người bất thiện, thường tiếp xúc với những văn hóa xấu thì sẽ sinh ra nhiều tư tưởng bất thiện.

Hỏi: Làm thế nào để luôn sinh khởi những tư tưởng thiện, tránh sinh khởi những tư tưởng bất thiện?

Đáp: Luôn luôn giữ chánh niệm thì sẽ phát sinh những tư tưởng thiện.

Hỏi: Làm sao để luôn luôn giữ được chánh niệm?

Đáp: Luôn như lý tác ý và hành thiền miên mật thì sẽ luôn giữ được chánh niệm.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022