13. CHÁNH NGHIỆP

Sư Thanh Minh

Hỏi: Chánh nghiệp là gì?

Đáp:
• Chánh = chân chánh;
• Nghiệp = những hành động tạo nghiệp.
Chánh nghiệp = những hành nghiệp chân chánh.

Hỏi: Như thế nào là hành động tạo nghiệp?

Đáp: Khi thân – khẩu – ý có sự cố ý hành động một việc gì thì đó là đang tạo nghiệp.

Hỏi: Như thế nào là chánh nghiệp?

Đáp: Những hành động của thân – khẩu – ý đi kèm với tâm vô tham – vô sân – vô si thì tạo ra những hành nghiệp chân chánh = chánh nghiệp.

Hỏi: Có bao nhiêu thiện nghiệp dục giới?

Đáp: Có 8 thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Những thiện nghiệp nào đi kèm trí tuệ?

Đáp:

  1. Thiện nghiệp có hỷ, tương ưng trí cần hỗ trợ;
  2. Thiện nghiệp có hỷ, tương ưng trí không cần hỗ trợ;
  3. Thiện nghiệp không hỷ, tương ưng trí cần hỗ trợ;
  4. Thiện nghiệp không hỷ, tương ưng trí không cần hỗ trợ.

Hỏi: Những thiện nghiệp nào không có trí?

Đáp:

  1. Thiện nghiệp có hỷ, không có trí cần hỗ trợ;
  2. Thiện nghiệp có hỷ, không có trí không cần hỗ trợ;
  3. Thiện nghiệp không hỷ, không có trí cần hỗ trợ;
  4. Thiện nghiệp không hỷ, không có trí không cần hỗ trợ.

Hỏi: Thế nào là thiện nghiệp có hỷ có trí? Thế nào là thiện nghiệp không hỷ không trí?

Đáp:
• Khi làm việc gì mà mình thích thú với nó là có hỷ;
• Mình biết việc làm này có để lại quả báo là có trí;
• Khi làm mà tâm không thích thú là không hỷ;
• Khi làm mà không biết việc làm này sẽ để lại quả báo là không có trí.

Hỏi: Thế nào là cần hỗ trợ? Thế nào là không cần hỗ trợ?

Đáp: Có người khác thúc giục mới chịu làm là cần hỗ trợ. Mình tự giác làm không cần thúc giục là không cần hỗ trợ.

Hỏi: Có hỷ với không có hỷ sẽ khác nhau như thế nào?

Đáp: Có hoan hỷ với việc thiện thì quả phước sẽ mau trổ và thù thắng hơn là việc thiện mà không hoan hỷ.

Hỏi: Có trí và không có trí thì khác nhau như thế nào?

Đáp:
• Có hiểu biết về việc thiện mình đang làm thì quả phước là: vật chất + trí tuệ.
• Không hiểu biết về việc thiện mình đang làm thì quả phước là: vật chất + ngu dốt.

Hỏi: Có hỗ trợ và không hỗ trợ thì khác nhau như thế nào?

Đáp:
• Có sự thúc giục mới làm thì quả phước cũng cần hỗ trợ mới trổ thành công nhờ có người giúp đỡ.
• Không cần thúc giục thì quả phước đến tự nhiên, không cần trợ giúp.

Hỏi: Như thế nào thì là tà nghiệp?

Đáp: Những hành động của thân – khẩu – ý đi kèm với tâm tham – sân – si thì tạo ra tà nghiệp.

Hỏi: Có mấy tâm tham?

Đáp: Có 8 tâm tham.

Hỏi: Tham thì tương ưng với gì?

Đáp: Với tà kiến và ngã mạn.

Hỏi: Thế nào là tham với tà kiến?

Đáp:
• Tham thọ hỷ tương ưng tà kiến không cần hỗ trợ;
• Tham thọ hỷ tương ưng tà kiến cần hỗ trợ;
• Tham thọ xả tương ưng tà kiến không cần hỗ trợ;
• Tham thọ xả tương ưng tà kiến cần hỗ trợ.

Hỏi: Thế nào là tham tương ưng ngã mạn?

Đáp:
• Tham thọ hỷ tương ưng ngã mạn cần hỗ trợ;
• Tham thọ hỷ tương ưng ngã mạn không cần hỗ trợ;
• Tham thọ xả tương ưng ngã mạn cần hỗ trợ;
• Tham thọ xả tương ưng ngã mạn không cần hỗ trợ.

Hỏi: Có mấy tâm sân?

Đáp: Có 2 tâm sân:
• Sân có trợ;
• Sân không trợ.

Hỏi: Có mấy tâm si?

Đáp: Có 2 tâm si:
• Si phóng dật;
• Si hoài nghi.

Hỏi: Thân tạo được những chánh nghiệp gì?

Đáp: Thân tạo được 3 chánh nghiệp:
• Không sát sinh;
• Không trộm cắp;
• Không tà dâm;

Hỏi: Khẩu tạo được những chánh nghiệp gì?

Đáp: Khẩu tạo được 4 chánh nghiệp:
• Không nói dối;
• Không nói chia rẽ;
• Không nói tạp thoại;
• Không nói thô tục;

Hỏi: Ý tạo được những chánh nghiệp gì?

Đáp: Ý tạo được 3 chánh nghiệp:
• Không tham lam;
• Không sân hận;
• Không tà kiến;

Hỏi: Thân tạo được mấy tà nghiệp?

Đáp: 3 tà nghiệp:
• Sát sinh;
• Trộm cắp;
• Tà dâm.

Hỏi: Khẩu tạo được mấy tà nghiệp?

Đáp: 4 tà nghiệp:
• Nói dối;
• Nói chia rẽ;
• Nói thô tục;
• Nói nhảm nhí.

Hỏi: Ý tạo được mấy tà nghiệp?

Đáp: 3 tà nghiệp:
• Tham lam;
• Sân hận;
• Tà kiến.

Hỏi: Hành động bố thí thường đi kèm với tâm gì?

Đáp: Vô tham, vô sân, vô si.

Hỏi: Có người bố thí nhưng họ không tin rằng có quả báo của việc bố thí đó thì đi kèm với tâm gì?

Đáp: Vô tham, vô sân.

Hỏi: Hành động sát sinh thường đi kèm với tâm gì?

Đáp: Tâm sân.

Hỏi: Giữ giới thường đi kèm với tâm gì?

Đáp: Vô tham, vô sân, vô si.

Hỏi: Cung kính đi kèm với tâm gì?

Đáp: Vô tham, vô sân, vô si.

Hỏi: Cung kính nhưng không hiểu biết về đối tượng cung kính thì đi kèm tâm gì?

Đáp: Vô tham và vô sân.

Hỏi: Như thế nào là thân hành bố thí?

Đáp: Là tự tay mình làm việc bố thí.

Hỏi: Như thế nào là khẩu hành bố thí?

Đáp: Là sai bảo, khuyến khích, tán thán người khác bố thí.

Hỏi: Như thế nào là ý hành bố thí?

Đáp: Là hoan hỉ với việc bố thí của mình hoặc người khác.

Hỏi: Thế nào là thân hành sát sinh?

Đáp: Tự mình sát sinh.

Hỏi: Thế nào là khẩu hành sát sinh?

Đáp: Sai khiến người khác sát sinh.

Hỏi: Thế nào là ý hành sát sinh?

Đáp: Là tâm thỏa mãn khi thấy người khác sát sinh.

Hỏi: Khi hành thiền thì đi kèm với tâm gì?

Đáp: Vô tham; Vô sân; Vô si.

Hỏi: Hành thiền là chánh nghiệp của thân, của khẩu hay của ý?

Đáp: Của ý.

Hỏi: Thế nào là nghiệp nhân?

Đáp: Nghiệp nhân là hành động tạo nghiệp.

Hỏi: Thế nào là nghiệp quả?

Đáp: Nghiệp quả là thọ quả báo.

Hỏi: Khi nào thì nghiệp mới cho quả?

Đáp: 3 giai đoạn cho quả:
• Ở kiếp này;
• Ở kiếp sau;
• Ở nhiều kiếp về sau.

Hỏi: Khi thiện nghiệp cho quả thì sẽ như thế nào?

Đáp:
• Mắt thấy cảnh hài lòng;
• Tai nghe âm thanh hài lòng;
• Mũi ngửi hương hài lòng;
• Lưỡi nếm vị hài lòng;
• Thân xúc chạm hài lòng;
• Ý biết cảnh hài lòng;
• Tiếp nhận cảnh hài lòng;
• Suy xét cảnh hài lòng.

Hỏi: Khi ác nghiệp cho quả thì như thế nào?

Đáp:
• Mắt thấy cảnh không hài lòng;
• Tai nghe âm thanh không hài lòng;
• Mũi ngửi hương không hài lòng;
• Lưỡi nếm vị không hài lòng;
• Thân xúc chạm không hài lòng;
• Ý biết cảnh không hài lòng;
• Tiếp nhận cảnh không hài lòng;
• Suy xét cảnh không hài lòng.

Hỏi: Được sinh làm người là quả của nghiệp gì?

Đáp: Quả của dục giới thiện nghiệp.

Hỏi: Sinh làm súc sinh là quả của nghiệp gì?

Đáp: Là quả của dục giới bất thiện nghiệp.

Hỏi: Trong một kiếp sống mình tạo ra bao nhiêu nghiệp?

Đáp: Tạo ra vô số nghiệp.

Hỏi: Khi chết sẽ có bao nhiêu nghiệp dẫn đi tái sinh?

Đáp: Chỉ có một nghiệp duy nhất.

Hỏi: Những nghiệp còn lại thì làm gì?

Đáp: Những nghiệp còn lại trở thành trì nghiệp – duy trì hỗ trợ cho kiếp sống đó.

Hỏi: Nghiệp bất thiện có trổ quả được ở cõi trời không?

Đáp: Không.

Hỏi: Nghiệp thiện có trổ quả được ở cõi địa ngục không?

Đáp: Không.

Hỏi: Ở cõi trời có tạo được bất thiện nghiệp không?

Đáp: Có.

Hỏi: Ở cõi địa ngục có tạo được thiện nghiệp không?

Đáp: Chủ yếu là không; có thể tạo được ý nghiệp nếu đủ nhân duyên.

Hỏi: Nghiệp thiện và nghiệp bất thiện có trổ quả ở cõi người không?

Đáp: Có.

Hỏi: Cõi người có tạo được nghiệp thiện và nghiệp bất thiện không?

Đáp: Có.

Hỏi: Tà nghiệp lớn nhất là nghiệp gì?

Đáp: Là nghiệp tà kiến cố định:
• Vô nhân tà kiến;
• Vô quả tà kiến;
• Vô hành tà kiến.

Hỏi: Chánh nghiệp lớn nhất là nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp siêu thế:
• Tứ Thánh đạo;
• Tứ Thánh quả.

Hỏi: Cực trọng ác nghiệp là nghiệp gì?

Đáp: Ngũ nghịch trọng tội.

Hỏi: Cực trọng thiện nghiệp là nghiệp gì?

Đáp: Ngũ thiền đáo đại.

Hỏi: Khi chết nghiệp nào sẽ ưu tiên trổ quả trước?

Đáp: Nghiệp nào nặng nhất sẽ trổ quả trước.

Hỏi: Thứ tự nặng nhẹ của nghiệp như thế nào?

Đáp:

  1. Cực trọng nghiệp;
  2. Cận tử nghiệp;
  3. Tích lũy nghiệp;
  4. Thường nghiệp.

Hỏi: Nếu có cả cực trọng thiện nghiệp và cực trọng ác nghiệp thì nghiệp nào sẽ trổ quả trước?

Đáp: Cực trọng ác nghiệp trổ quả trước.

Hỏi: Tại sao ác nghiệp cực trọng lại trổ quả trước?

Đáp: Vì ác nghiệp cực trọng cắt đứt quả của thiện nghiệp.

Hỏi: Nghiệp thiện nào có thể cắt đứt được quả của ác nghiệp?

Đáp: Nghiệp thiện siêu thế Thánh đạo – Thánh quả có thể cắt đứt quả của ác nghiệp.

Hỏi: Một người đắc thiện nghiệp siêu thế rồi thì có thể tạo cực trọng ác nghiệp nữa không?

Đáp: Vị đó không thể tạo được ác nghiệp cực trọng nữa.

Hỏi: Cận tử thiện nghiệp và cận tử ác nghiệp thì nghiệp nào trổ quả lúc tái sinh?

Đáp:
• Tâm ô nhiễm nặng thì ác nghiệp trổ quả;
• Tâm thanh tịnh thì thiện nghiệp trổ quả.

Hỏi: Tích lũy thiện nghiệp và tích lũy ác nghiệp bằng nhau thì nghiệp nào trổ quả lúc cận tử?

Đáp:
• Tâm ô nhiễm nặng thì ác nghiệp trổ quả;
• Tâm thanh tịnh thì thiện nghiệp trổ quả.

Hỏi: Nghiệp loại thường thiện và nghiệp loại thường ác như nhau thì nghiệp nào trổ quả lúc cận tử?

Đáp:
• Tâm ô nhiễm nặng thì ác nghiệp trổ quả;
• Tâm thanh tịnh thì thiện nghiệp trổ quả.

Hỏi: Khi nào thì mới hết tạo nghiệp?

Đáp: Khi nào hết vô minh thì mới hết tạo nghiệp.

Hỏi: Một người hành thiền nhận biết hơi thở vào ra thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Một hành giả đang niệm ân Đức Phật– Đức Pháp – Đức Tăng thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Một Phật tử cố gắng giữ giới thanh tịnh thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Một người chú tâm nghe giảng pháp thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Thấy người khác làm thiện phước mình tùy hỷ theo thì tạo được nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Một thiền giả đang nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp sắc giới.

Hỏi: Một hành giả đang nhập vào các tầng thiền vô sắc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp vô sắc giới.

Hỏi: Một hành giả nhập thiền diệt thọ tưởng định thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Không tạo nghiệp.

Hỏi: Một hành giả đang thực hành thiền tuệ Vipassanā thì đang tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Nghiệp thiện dục giới khi trổ quả sẽ như thế nào?

Đáp: Là được hưởng những cảnh hài lòng tốt đẹp ở các cõi thiện dục giới (nhân – Thiên).

Hỏi: Quả của thiện nghiệp sắc giới khi trổ quả sẽ như thế nào?

Đáp: Hóa sinh về cõi Phạm Thiên Sắc Giới.

Hỏi: Quả của nghiệp vô sắc khi trổ quả thì như thế nào?

Đáp: Hoá sinh vào cõi Phạm Thiên Vô Sắc.

Hỏi: Muốn an vui hạnh phúc ở cõi nhân-Thiên thì tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp dục giới.

Hỏi: Muốn sinh về Phạm Thiên giới thì tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp sắc giới.

Hỏi: Muốn sinh về cõi vô sắc thì tạo nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp vô sắc.

Hỏi: Muốn giải thoát tam giới thì phải tạo thiện nghiệp gì?

Đáp: Thiện nghiệp siêu thế.

Hỏi: Tạo thiện nghiệp siêu thế như thế nào?

Đáp: Hành thiền tuệ Vipassanā đến mức thuần thục chín mùi thì sẽ chứng đắc Đạo – Quả thì đó là thiện nghiệp siêu thế.

Hỏi: Một vị chứng đắc đạo quả A La Hán rồi thì thường tạo nghiệp gì?

Đáp: Không còn tạo bất cứ một nghiệp gì.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022