Hỏi: Chúng sinh thì nương tựa vào Phật, vậy Phật nương tựa vào ai?
Đáp: Phật nương tựa vào pháp.
Hỏi: Pháp mà Phật nương tựa là pháp gì?
Đáp: Là pháp giải thoát và pháp giải thoát tri kiến.
Hỏi: Pháp gì là pháp giải thoát? Pháp gì là pháp giải thoát tri kiến?
Đáp: Thiền định là pháp giải thoát. Thiền quả là pháp giải thoát tri kiến.
Hỏi: Ngài cảm thấy tâm tính của chúng sinh như thế nào?
Đáp: Tâm tính chúng sinh bị tham dục quá sâu nặng.
Hỏi: Hoa sen ra khỏi nước tượng trưng cho hạng chúng sinh nào?
Đáp: Tượng trưng cho hạng chúng sinh có trí tuệ sắc bén.
Hỏi: Hoa sen còn trong nước tượng trưng cho hạng chúng sinh nào?
Đáp: Tượng trưng cho hạng chúng sinh có trí tuệ trung bình.
Hỏi: Hoa sen trong bùn tượng trưng cho hạng chúng sinh nào?
Đáp: Tượng trưng cho hạng chúng sinh có trí tuệ yếu kém.
Hỏi: Pháp có những ân đức gì?
Đáp: Có 6 ân đức:
• Svākkhāto – Khéo thuyết giảng;
• Sandiṭṭhiko – Thiết thực hiện tại;
• Akāliko – Không có thời gian;
• Ehipassiko – Đến để mà thấy;
• Opaneyyiko – Có khả năng hướng thượng;
• Paccattaṃ veditabbo viññūhī – Được người có trí chứng ngộ.
Hỏi: Khéo thuyết giảng là làm sao?
Đáp: Là Đức Thế Tôn thuyết giảng giáo pháp một cách hoàn hảo viên mãn.
Hỏi: Hoàn hảo như thế nào?
Đáp:
■ Pháp học hoàn hảo:
• Đoạn đầu: Mở đầu hoàn hảo;
• Đoạn giữa: Nội dung hoàn hảo – Có nghĩa, có văn, phạm hạnh thanh tịnh, hoàn toàn trong sạch;
• Đoạn cuối: Kết thúc hoàn hảo;
■ Pháp hành hoàn hảo:
• Đoạn đầu: Hoàn hảo về giới;
• Đoạn giữa: Hoàn hảo về định;
• Đoạn cuối: Hoàn hảo về tuệ;
■ Pháp thành tựu:
• Sơ quả – Nhị quả: Giới hoàn hảo;
• Tam quả: Định hoàn hảo;
• Tứ quả: Tuệ hoàn hảo.
Hỏi: Thiết thực hiện tại là làm sao?
Đáp: Thiết thực = sự thật (Hay chân lý).
■ Đức Thế Tôn chỉ thuyết giảng sự thật:
• Sự thật về khổ;
• Sự thật nguồn gốc của khổ;
• Sự thật về sự diệt khổ;
• Sự thật về con đường thoát khổ;
Hiện tại: Những sự thật ấy luôn hiện hữu trong hiện tại.
Hỏi: Không có thời gian là sao?
Đáp: Là cho quả ngay lập tức. Ví dụ:
• Người không biết tu thì tham – sân – si = Khổ đau.
• Người biết tu vô tham, vô sân, vô si = An vui.
Hỏi: Đến để mà thấy là thấy cái gì?
Đáp: Là thấy các sự thật:
• Chấp thủ 5 uẩn là khổ;
• Vô minh tham ái là nhân của khổ;
• Niết Bàn là hết khổ;
• Bát chánh đạo là con đường thoát khổ.
Hỏi: Thế nào là hướng thượng?
Đáp: Là từ những chúng sinh thấp kém nhờ thực hành giáo pháp mà trở thành những bậc cao thượng.
• Tham – sân – si là thấp kém; Vô tham – vô sân – vô si là cao thượng.
• Ác giới là thấp kém; Trì giới là cao thượng.
• Nhiễm ô là thấp kém; Thanh tịnh là cao thượng.
• Tà kiến là thấp kém; Chánh kiến là cao thượng.
• Sinh tử là thấp kém; Niết Bàn là cao thượng.
Hỏi: Thế nào là người có trí sẽ giác ngộ?
Đáp:
• Trí do học mà có là văn tuệ;
• Trí do suy luận mà có là tư tuệ;
• Trí do thực hành thiền tuệ là tu tuệ.
Loại trí thứ ba này mới có thể đạt được sự giác ngộ.
Hỏi: Làm sao để phân biệt được chánh pháp với tà pháp?
Đáp: Pháp trừ diệt được nhân sinh ra khổ là chánh pháp. Pháp không trừ diệt được nhân sinh ra khổ là tà pháp.
Hỏi: Thế nào là thực hành đúng pháp? Thế nào là thực hành sai pháp?
Đáp: Hành theo bát chánh đạo (Giới – định – tuệ) là hành đúng pháp. Không hành theo bát chánh đạo (Giới – định – tuệ) là hành sai pháp.
Hỏi: Thế nào là sống như pháp? Thế nào là không phải sống như pháp?
Đáp:
• Học pháp không phải sống như pháp;
• Giảng pháp không phải sống như pháp;
• Thực hành pháp là sống như pháp.
Hỏi: Pháp học là học những gì?
Đáp: Học Kinh; học Luật; học Luận.
Hỏi: Pháp hành là hành những gì?
Đáp: Pháp hành thì hành:
• Giữ giới;
• Thiền chỉ;
• Thiền quán.
Hỏi: Pháp thành thì thành những gì?
Đáp: Là thành Đạo và Quả:
• Sơ đạo – Sơ quả;
• Nhị đạo – Nhị quả;
• Tam đạo – Tam quả;
• Tứ đạo – Tứ quả.
Hỏi: Tụng kinh thì thuộc về pháp gì?
Đáp: Pháp học.
Hỏi: Nghe pháp thuộc về pháp gì?
Đáp: Pháp học.
Hỏi: Ngồi thiền thuộc về pháp gì?
Đáp: Pháp hành.
Hỏi: Sau khi thành Đạo, Đức Phật nhập thiền quả dưới gốc cây Bồ Đề suốt một tuần thì đó là pháp gì?
Đáp: Là pháp thành.
Hỏi: Pháp học để làm gì?
Đáp: Để biết sự thật.
Hỏi: Pháp hành để làm gì?
Đáp: Để thấy sự thật.
Hỏi: Pháp thành để làm gì?
Đáp: Để liễu tri sự thật.
Hỏi: Biết sự thật thì có lợi ích gì?
Đáp: Thì có niềm tin đúng.
Hỏi: Thấy sự thật thì có lợi ích gì?
Đáp: Thì dứt được hoài nghi.
Hỏi: Liễu tri sự thật thì có lợi ích gì?
Đáp: Thì thể nhập chánh trí.
Hỏi: Pháp tục đế là pháp gì?
Đáp: Là kiến thức thế gian và những luật lệ do thế gian quy định.
Hỏi: Pháp chân đế là pháp gì?
Đáp: Là những quy luật của tự nhiên, là chân lý, là sự thật tối hậu.
Hỏi: Pháp tục đế có ý nghĩa gì?
Đáp: Có ý nghĩa tưởng tri.
Hỏi: Pháp chân đế có ý nghĩa gì?
Đáp: Có ý nghĩa tuệ tri.
Hỏi: Có bao nhiêu pháp tục đế?
Đáp: Vô số.
Hỏi: Có bao nhiêu pháp chân đế?
Đáp: Có 4 pháp: Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn.
Hỏi: Thế nào là nương tựa pháp?
Đáp: Thực hành pháp là nương tựa pháp.
Hỏi: Thế nào là cúng dàng pháp?
Đáp:
• Cúng dàng Phật vì Phật đã nói ra pháp;
• Cúng dàng Tăng vì Tăng đã gìn giữ pháp;
• Cúng dàng tất cả những ai thực hành pháp.
Đó là cúng dàng pháp.
Hỏi: Phật – Pháp – Tăng, ngôi nào có trước?
Đáp: Phật rồi đến Pháp rồi đến Tăng.
Hỏi: Phật – Pháp – Tăng: ngôi nào diệt trước?
Đáp: Phật rồi đến Pháp rồi đến Tăng.
Hỏi: Phật – Pháp – Tăng: ngôi nào cao thượng nhất?
Đáp: Phật rồi đến Pháp rồi đến Tăng.
Hỏi: Pháp có bao nhiêu vị?
Đáp: Có 1 vị. Đó là vị giải thoát.
Hỏi: Muốn giải thoát thì phải làm gì?
Đáp: Phải thực hành pháp.
Hỏi: Muốn hành pháp thì phải làm gì?
Đáp: Phải hiểu pháp.
Hỏi: Muốn hiểu pháp thì phải làm gì?
Đáp: Phải tầm sư học đạo.
Hỏi: Đức Phật đã tuyên bố sự chứng đắc của mình với người đầu tiên là ai? Người đó có tin không?
Đáp: Với đạo sĩ Upaka. Ông ta hoài nghi.
Hỏi: Đức Phật tuyên bố Ngài đã thành Phật lần thứ hai với ai? Họ có tin không?
Đáp: Với 5 anh em Kiều Trần Như. Ba lần đầu họ không tin. Đức Phật quả quyết đến lần thứ tư thì họ mới tin.
Hỏi: Tại sao 5 anh em Kiều Trần Như lại không tin Ngài đã thành Phật?
Đáp: Vì họ nghĩ rằng phải tu khổ hạnh thì mới có thể đắc đạo.
Hỏi: Tu như thế nào thì gọi là cực đoan?
Đáp: Khổ hạnh ép xác hoặc hưởng thụ dục lạc.
Hỏi: Tu như thế nào thì sẽ giác ngộ?
Đáp: Trung đạo.
Hỏi: Như thế nào thì được gọi là giác ngộ?
Đáp: Thấy được bốn sự thật: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế → thì được gọi là giác ngộ.