Hỏi: Cái gì là nhân của khổ?
Đáp: Ái là nhân của khổ.
Hỏi: Tại sao ái là nhân của khổ?
Đáp:
• Vì ái sinh ra chấp thủ vào các hành;
• Vì chấp thủ các hành nên tạo tác nghiệp hữu;
• Vì có nghiệp hữu nên phải đi tái sanh;
• Vì tái sanh nên phải già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Vì thế ái là nguyên nhân của khổ.
Hỏi: Có bao nhiêu loại ái?
Đáp: Có ba loại ái:
• Dục ái: Tham ái với cảnh trần;
• Hữu ái: Tham ái với cõi sống;
• Vô hữu ái: Tham ái với sự ngộ nhận là không còn tồn tại gì sau khi chết.
Hỏi: Tại sao chúng sinh lại tham ái với cảnh trần?
Đáp: Vì khi tiếp xúc với cảnh trần khởi lên sự tác ý sai lầm cho rằng:
• Cảnh trần là bền vững (Chấp thường);
• Cảnh trần là an vui (Chấp lạc);
• Cảnh trần là thật tướng (Chấp ngã);
• Cảnh trần là tốt đẹp (Chấp tịnh).
Vì vậy mà chúng sinh tham ái với cảnh trần.
Hỏi: Muốn không tham ái với cảnh trần thì phải làm như thế nào?
Đáp: Khi tiếp xúc với cảnh trần thì cần tác ý như thật:
• Cảnh trần là không bền vững (Vô thường);
• Cảnh trần là khổ đau (Khổ);
• Cảnh trần là rỗng không (Vô ngã);
• Cảnh trần là ô uế (Bất tịnh);
thì chúng sinh sẽ không tham ái với cảnh trần.
Hỏi: Tại sao chúng sinh lại tham ái với cõi sống?
Đáp: Vì chúng sinh chấp thủ 5 uẩn:
• 5 uẩn là ta;
• 5 uẩn là của ta;
• 5 uẩn là tự ngã của ta;
nên chúng sinh tham ái với các cõi sống.
Hỏi: Tại sao chúng sinh lại tham ái với sự chấm dứt sau khi chết?
Đáp: Vì những chúng sinh này chỉ tin những gì họ có thể thấy được (Như ếch ngồi đáy giếng).
Hỏi: Tại sao thế gian lại chạy theo ái?
Đáp: Vì ái có vị ngọt.
Hỏi: Tại sao Đức Phật lại nói phải đoạn trừ ái?
Đáp: Vì ái có sự nguy hiểm.
Hỏi: Cái gì là vị ngọt của ái?
Đáp: Sắc – Thanh – Hương – Vị – Xúc: Khả ái, khả hỉ, khả lạc, hấp dẫn là vị ngọt của ái.
Hỏi: Cái gì là sự nguy hiểm của ái?
Đáp: Sắc – Thanh – Hương – Vị – Xúc sẽ bị biến dị, đổi khác không tồn tại mãi mãi. Đó là sự nguy hiểm của ái.
Hỏi: Ái có đặc tính gì?
Đáp: Ưa thích là đặc tính của ái.
Hỏi: Ái có nhiệm vụ gì?
Đáp: Chấp thủ là nhiệm vụ của ái.
Hỏi: Ái có biểu hiện gì?
Đáp: Không thoả mãn là biểu hiện của ái.
Hỏi: Nhân gần của ái là gì?
Đáp: Cảm thọ là nhân gần của ái.
Hỏi: Cái gì làm cho ái tăng trưởng?
Đáp: Tà kiến làm cho ái tăng trưởng.
Hỏi: Cái gì làm cho ái đoạn diệt?
Đáp: Chánh tri kiến làm cho ái bị đoạn diệt.
Hỏi: Thế nào là tình thương của tham ái? Thế nào là tình thương của lòng từ ái?
Đáp: Tình thương có chấp thủ là tham ái. Tình thương không có chấp thủ là từ ái.
Hỏi: Chấp thủ có nghĩa là gì?
Đáp: Là tâm lý cho rằng: Cái này, cái kia là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì đó là chấp thủ.
Hỏi: Chấp thủ thì sẽ như thế nào?
Đáp: Chấp thủ thì mọi hành động sẽ để lại nghiệp hữu. Nghiệp sẽ dẫn đến sự tái sinh ở tương lai.
Hỏi: Nếu không có chấp thủ thì các hành động ấy sẽ như thế nào?
Đáp: Sẽ là hành động không tạo thành nghiệp (Vô ký).
Hỏi: Vậy cái gì là nguyên nhân của sự tái sinh?
Đáp: Nghiệp hữu.
Hỏi: Cái gì là nhân tạo ra nghiệp hữu?
Đáp: Chấp thủ.
Hỏi: Cái gì sinh ra chấp thủ?
Đáp: Ái.
Hỏi: Cái gì sinh ra ái?
Đáp: Thọ.
Hỏi: Cái gì sinh ra thọ?
Đáp: Xúc.
Hỏi: Cái gì sinh ra xúc?
Đáp: Căn – trần.
Hỏi: Cái gì sinh ra căn – trần?
Đáp: Danh sắc.
Hỏi: Cái gì sinh ra danh sắc?
Đáp: Thức.
Hỏi: Cái gì sinh ra thức?
Đáp: Hành.
Hỏi: Cái gì sinh ra hành?
Đáp: Vô minh.
Hỏi: Cái gì là quả của khổ?
Đáp: Già, bệnh, chết, sầu bi, ưu não.
Hỏi: Cái gì là gốc rễ của khổ?
Đáp: Vô minh.
Hỏi: Vậy tại sao nói ái là nguyên nhân của khổ?
Đáp: Vì ái chiêu cảm các pháp bất thiện khiến cho chúng sinh bị cuốn hút trong sinh tử.
Hỏi: Vậy khổ có tất cả bao nhiêu nhân?
Đáp: Có 12 nhân:
1/ Vô minh;
2/ Hành;
3/ Thức;
4/ Danh-sắc;
5/ Lục nhập;
6/ Xúc;
7/ Thọ;
8/ Ái;
9/ Thủ;
10/ Hữu;
11/ Sinh;
12/ Lão tử.