18. XUẤT GIA

Sư Thanh Minh

Hỏi: Đệ tử xuất gia đầu tiên của Đức Phật là ai?

Đáp: Là Kiều Trần Như – Koṇḍañña.

Hỏi: Nghi thức xuất gia của ông Kiều Trần Như như thế nào?

Đáp: Đức Phật nói: Hãy đến, này tỳ kheo! Giáo pháp đã được thuyết giảng viên mãn, hãy tinh tấn thực hành để chấm dứt khổ đau.

Hỏi: Ông Kiều Trần Như có cần phải cạo bỏ râu tóc và chuẩn bị y bát trước khi xuất gia không?

Đáp: Không. Râu tóc tự rụng, y bát và các vật dụng của người xuất gia tự hiện ra.

Hỏi: Tại sao lại như thế?

Đáp: Đó là quả phước của sự cúng dàng y bát và các vật dụng của người tu đến các vị Phật trong quá khứ.

Hỏi: Các vị tỳ kheo thời Đức Phật thường làm công việc gì?

Đáp: Nghe Đức Phật thuyết pháp và thực hành thiền là công việc chính của các vị tỳ kheo thời đó.

Hỏi: Tăng có những ân đức gì?

Đáp: Có 9 ân đức:
• Suppaṭipanno – Diệu hạnh;
• Ujupaṭipanno – Trực hạnh;
• Ñayapaṭipanno – Chánh hạnh;
• Sāmīcipaṭipanno – Ứng lý hạnh;
• Āhuneyyo – Đáng được cung kính;
• Pāhuneyyo – Đáng được tôn trọng;
• Dakkhiṇeyyo – Đáng được cúng dàng;
• Añjalikaranīyo – Đáng được chắp tay;
• Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassā – Là phước điền vô thượng ở thế gian này.

Hỏi: Thế nào là diệu hạnh?

Đáp: Là đời sống trong sạch tốt đẹp:
• Không đam mê thế sự;
• Không đắm nhiễm dục trần;
• Không lầm lỗi hận sân;
• Không dễ duôi, tà kiến.

Hỏi: Thế nào là trực hạnh?

Đáp: Là hạnh chánh trực:
• Thân chánh trực: Đi – đứng – nằm – ngồi trang nghiêm, giữ gìn, thu thúc;
• Khẩu chánh trực: Không nói đùa, nói giỡn, cười cợt nhảm nhí;
• Ý chánh trực: Tâm trí ngay thẳng, suy nghĩ điều thiện lành, an trú chánh niệm. Không suy nghĩ mông lung những điều bất thiện.

Hỏi: Thế nào là chánh hạnh?

Đáp: Là hạnh chân chánh thiện lành:
• Thân chánh hạnh: không làm việc bất thiện;
• Khẩu chánh hạnh: không nói lời bất thiện;
• Ý chánh hạnh: không tư duy bất thiện.

Hỏi: Thế nào là ứng lý hạnh?

Đáp: Là những người nỗ lực thọ trì giáo pháp:
• Có những bậc đã chứng đắc tứ Thánh đạo – tứ Thánh quả;
• Có những bậc đang nỗ lực hướng đến chứng đắc tứ Thánh đạo – tứ Thánh quả.

Hỏi: Tại sao chư Thánh Tăng lại đáng được cung kính?

Đáp: Bởi vì thế gian thường cung kính những bậc có đức hạnh:
• Giới đức: Giữ giới thanh tịnh;
• Định đức: Chứng đắc thiền định;
• Tuệ đức: Có chánh tri kiến;
• Giải thoát đức: Có tâm trong sạch;
• Giải thoát tri kiến đức: Có trí tuệ giác ngộ.

Hỏi: Tại sao chư Thánh Tăng lại đáng được tôn trọng?

Đáp: Vì các ngài là những bậc thầy:
• Giữ gìn và giảng dạy về pháp học;
• Giữ gìn và giảng dạy về pháp hành;
• Giữ gìn và giảng dạy về pháp thành tựu;
• Giữ gìn và truyền bá cho chánh pháp tồn tại lâu dài với thời gian.

Hỏi: Tại sao chư Thánh Tăng lại đáng được cúng dàng?

Đáp: Vì các ngài thọ nhận sự cúng dàng không phải để đam mê, không phải để trang sức… Mà chỉ để trợ duyên cho phạm hạnh mà thọ nhận với:
• Tâm từ: Mong cho chúng sinh được an vui;
• Tâm bi: Mong cho chúng sinh thoát khổ đau;
• Tâm hỉ: Mong cho chúng sinh không phải xa lìa những an vui, hạnh phúc;
• Tâm xả: Chúng sinh tạo nghiệp gì thì thọ quả của nghiệp đó.

Hỏi: Tại sao chư Thánh Tăng lại đáng được chắp tay?

Đáp: Chắp tay là thể hiện lòng cung kính, lễ bái đối với những bậc trong sạch và cao thượng:
• Giới cao thượng;
• Định cao thượng;
• Tuệ cao thượng;
• Giải thoát cao thượng;
• Giải thoát tri kiến cao thượng.

Hỏi: Tại sao chư Thánh Tăng lại là phước điền vô thượng ở thế gian?

Đáp: Vì hạt giống được gieo trên mảnh đất tốt thì dễ đơm hoa kết trái và thu lại được nhiều kết quả. Người cúng dàng đến những bậc có đức hạnh tốt thì cũng sẽ được hưởng nhiều phước báu về sau. Vì chư Thánh Tăng là những bậc có đức hạnh cao thượng nên cũng giống như mảnh ruộng phước điền tốt nhất để cho thế gian cung kính cúng dường.

Hỏi: Thế nào là Thánh Tăng? Thế nào là phàm Tăng?

Đáp: Vị nào đã chứng 4 Thánh đạo – 4 Thánh quả thì là Thánh Tăng. Vị nào chưa chứng đắc 4 Thánh đạo – 4 Thánh quả thì là phàm Tăng.

Hỏi: Các vị phàm Tăng có đáng được cung kính, tôn trọng, cúng dường, chắp tay, là phước điền của thế gian không?

Đáp: Có. Nếu vị đó có giới đức.

Hỏi: Làm sao biết được ai là Thánh Tăng, phàm Tăng; ai có giới đức; ai không có giới đức để cung kính cúng dường?

Đáp: Không cần phải biết ai là Thánh, ai là phàm. Khi cung kính cúng dường đến vị Tăng nào, mình cũng hướng tâm đến ân đức của chư Thánh Tăng là được.

Hỏi: Muốn trở thành một vị tỳ kheo, thì cần có những điều kiện gì?

Đáp:
• Đủ 20 tuổi;
• Cha mẹ đồng ý cho xuất gia;
• Không phải tội phạm;
• Không mắc nợ;
• Không mắc bệnh mãn tính đặc thù;
• Sáu căn không khiếm khuyết (không dị tật bẩm sinh);
• Không phải là người vô căn, lưỡng căn;
• Không phải phi nhân;
• Có thầy tế độ;
• Có hội đồng chư Tăng tác pháp yết ma truyền giới công nhận;
Thì vị ấy trở thành tỳ kheo.

Hỏi: Khi trở thành tỳ kheo vị ấy cần phải thực hiện những bổn phận gì?

Đáp:
■ Khi chưa trưởng thành thì có:
• Bổn phận với thầy tế độ: Hầu thầy;
• Bổn phận với chư Tăng: Làm việc Tăng giao phó;
• Bổn phận với pháp:
• Học tam tạng kinh điển;
• Thực hành giới – định – tuệ.
■ Khi trưởng thành thì có:
• Bổn phận với đệ tử: Dạy dỗ đệ tử.
• Bổn phận với Phật tử: Dạy bảo Phật tử.

Hỏi: Thế nào là thân xuất gia, tâm không xuất gia?

Đáp: Là người có đi xuất gia nhưng không thật lòng muốn tu tập, chỉ muốn hưởng thụ sự an nhàn nên trong lòng vẫn còn tham lam, sân hận, tà kiến như người thế tục.

Hỏi: Thế nào là thân tại gia, tâm xuất gia?

Đáp: Là người Phật tử tuy sống ở tại gia nhưng không đắm nhiễm dục trần.
• Siêng năng ngăn ngừa lòng tham;
• Siêng năng ngăn ngừa sân hận;
• Siêng năng ngăn ngừa tà kiến.

Hỏi: Thế nào là thân tâm đều xuất gia?

Đáp: Đó là người thật tâm xuất gia vì muốn cầu đạo giải thoát giác ngộ nên nỗ lực tu sửa thân tâm, thực hành giới – định – tuệ.

Hỏi: Thế nào là thân tâm đều không xuất gia?

Đáp: Là người phàm tục chỉ lo hưởng thụ ngũ dục ở đời này mà không biết nghĩ đến đời sau.

Hỏi: Người nào tự mình cạo đầu, đắp y cà sa và tuyên bố tôi là người xuất gia thì có trở thành người xuất gia không?

Đáp: Vị đó sẽ phạm tội ăn trộm Tăng tướng. Giống như người không phải công an mà mặc áo công an rồi nói tôi là công an thì sẽ vi phạm pháp luật.

Hỏi: Người xuất gia rồi có được về nhà sống cùng với gia đình không?

Đáp: Người thân và gia đình là sự chướng ngại cho sự thực hành pháp. Nên người xuất gia phải từ bỏ gia đình và sống ở nơi thanh tịnh, không vướng bận sự đời thì mới tu hành được.

Hỏi: Người có nhiều hành động xấu như: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… thì có thể đi xuất gia để trở thành người tốt được không?

Đáp: Được.
• Nếu người đó nhận thức được những hành động xấu đó là xấu;
• Muốn từ bỏ việc xấu và muốn trở thành người tốt;
• Gặp được một môi trường thuận lợi, có nhiều người tu hành nghiêm chỉnh, thường xuyên sách tấn nữa thì sẽ thay đổi dễ dàng.

Hỏi: Người có nhiều tính xấu như: Lười biếng, ham chơi, dễ tức giận… nếu đi xuất gia thì có thể thay tâm đổi tính trở thành người có tính tốt được không?

Đáp: Có.
• Nếu người đó có sự kinh cảm về nỗi khổ đau trong sinh tử và có ước muốn thoát khổ;
• Xa lánh môi trường xấu;
• Thân cận môi trường tốt;
• Tinh tấn hành thiền;
→ thì sẽ thay đổi được tâm tính.

Hỏi: Có người bản tính ám độn: Học trước quên sau, làm việc vụng về; nói năng dại dột. Nếu đi xuất gia có thể trở thành người thông minh hoạt bát được không?

Đáp: Vị đó phải tu hạnh kham nhẫn trong một thời gian dài, sẵn sàng làm nhiều việc thiện pháp để tích lũy thêm công đức. Khi có cơ hội hành thiền thì vị đó phải nỗ lực chấp nhận gian khổ để thực hành, lâu ngày thì cũng có thể thay đổi được.

Hỏi: Động lực gì có thể khiến cho một người từ bỏ được gia đình để đi xuất gia?

Đáp:
• Nguyện lực trong quá khứ là động lực chính;
• Gặp được giáo pháp trong hiện tại là duyên hỗ trợ;
• Có quyết định tâm mạnh mẽ nữa thì vị ấy sẽ đi xuất gia.

Hỏi: Động lực gì khiến cho một người có thể từ bỏ được những hành động xấu?

Đáp: Nhờ có tri kiến đúng và có niềm tin đúng;
• Hiểu về nghiệp: Tạo nghiệp gì thì thọ quả báo đó;
• Tin rằng những hành động tốt sẽ có kết quả an vui;
Đó là động lực khiến cho người ta từ bỏ hành động xấu.

Hỏi: Động lực gì khiến cho một người có thể thay đổi được tâm tính xấu thành tốt?

Đáp: Có ước muốn cao thượng và tinh tấn đúng thì sẽ thay đổi được:
• Ước muốn thoát khổ;
• Ước muốn giác ngộ;
• Ước muốn giúp những người đang khổ được thoát khổ;
• Ước muốn giúp những người đang mê lầm được giác ngộ;
• Tinh tấn giữ chánh niệm;
• Tinh tấn thực hành thiền chỉ – thiền quán;
Thì sẽ thay đổi được tâm tính.

Hỏi: Động lực gì khiến cho một người đang xuất gia rồi trở lại hoàn tục?

Đáp: Những động lực khiến một người xuất gia hoàn tục là:
• Nghiệp chướng: Tạo bất thiện nghiệp, xúc phạm đến các bậc Thánh,…
• Báo chướng: Quả của nghiệp quá khứ ngăn cản;
• Phiền não chướng: Thường xoi mói, chỉ trích những lỗi lầm của người tu, ưa thích đời sống thế tục,…

Hỏi: Động lực gì khiến cho một người xuất gia tu đến trọn cuộc đời?

Đáp:
• Có quyết định: Quyết tâm tu đến trọn đời;
• Có kham nhẫn: Dù gặp chướng ngại cũng cố gắng chịu đựng;
• Có viễn ly: Tránh xa quần chúng bất thiện, thân cận bậc thiện tri thức;
• Có xả ly: Tự tại với những đối tượng tốt và xấu;
• Có tinh tấn: Nỗ lực trong pháp học và pháp hành.

Hỏi: Muốn sống cuộc sống có ý nghĩa nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia. Vì xuất gia sẽ tạo tác được rất nhiều Ba-la-mật và sẽ không uổng phí kiếp sống này.

Hỏi: Muốn sống một đời cao thượng nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia:
• Ra khỏi ngôi nhà thế tục tầm thường;
• Ra khỏi phiền não hạ liệt;
• Ra khỏi tam giới khổ đau.

Hỏi: Muốn sống một cuộc đời thanh tịnh nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia:
• Giữ giới thanh tịnh: Không tạo lỗi lầm;
• Định tâm thanh tịnh: Ly dục và ác bất thiện pháp;
• Tri kiến thanh tịnh: Không nhiễm tham ái, si mê, tà kiến…

Hỏi: Muốn sống một đời thánh thiện nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia. Để chuyên tâm thực hành các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.

Hỏi: Muốn thoát khổ sớm nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia. Để thoát khỏi sự thiêu đốt của phiền não lợi, danh, ái, ố, hỉ, nộ ở hiện tại. Để thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết ở tương lai.

Hỏi: Muốn làm lợi ích cho nhiều người nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia. Vì người xuất gia có thể truyền bá giáo pháp cho đời này và lưu truyền giáo pháp cho đời sau giúp cho nhiều người được giác ngộ.

Hỏi: Muốn báo đáp công ơn cha mẹ và những người thân tốt nhất thì phải làm gì?

Đáp: Phải xuất gia. Vì người xuất gia có thể giúp được người thân giác ngộ chánh pháp và thoát khổ lâu dài.

Hỏi: Xuất gia có ý nghĩa gì? Có mục đích gì?

Đáp: Xuất gia có ý nghĩa là ra khỏi ngôi nhà thế tục. Xuất gia có mục đích là giải thoát luân hồi.

Hỏi: Nếu có nhiều người xuất gia thì xã hội này có bị nghèo đi không?

Đáp: Ngược lại sẽ làm cho xã hội này giàu hơn:
• Vì chánh pháp sẽ được thuyết giảng rộng rãi;
• Mọi người trong xã hội sẽ sống với tâm chân chánh;
• Mọi người sẽ hòa hợp giúp đỡ lẫn nhau, không ai phá hoại ai;
• Mặt tiêu cực trong xã hội sẽ giảm bớt;
• Đạo đức tinh thần sẽ phát triển mạnh mẽ;
• Xã hội sẽ bình yên hạnh phúc và giàu mạnh hơn.

Hỏi: Trong gia đình có người đi xuất gia thì gia đình đó có được lợi ích gì không?

Đáp: Được lợi ích lớn:
• Được thân cận chư Tăng;
• Được nghe chánh pháp;
• Hiểu được thiện – ác, chánh – tà;
• Có nhiều cơ hội để tạo phước thiện;
• Có cơ hội thực hành chánh đạo và giải thoát tử sinh.

QUÝ HÀNH GIẢ CÓ THỂ ĐẶT CÂU HỎI TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY:



    Trường hợp, câu hỏi của hành giả đã được hỏi và trả lời bởi một hành giả khác, chúng tôi sẽ gửi tới quý vị phần trả lời này qua phương thức liên lạc bạn để lại

    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    14/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022
    Hỏi đáp Phật pháp căn bản
    Sư Thanh Minh
    17/09/2022