Hỏi: Thế nào là hành uẩn?
Đáp: Hành là hành động, sự tạo tác. Hành uẩn là cái tâm đốc thúc, điều hành tất cả những hành động tạo tác của thân – khẩu – ý.
Hỏi: Hành có những tính chất gì?
Đáp: Hành là tâm sở tư (Cetanā).
• Đặc tính: tình trạng sẵn sàng;
• Chức năng: tạo nghiệp;
• Biểu hiện: đốc thúc các tâm làm nhiệm vụ;
• Nhân gần: căn – cảnh – xúc.
Hỏi: Làm sao để nhận biết được hành uẩn?
Đáp: Bất cứ khi nào mình cố ý làm một việc gì đó thì đó là hành uẩn, ví dụ:
• Khi mình cố ý sát sinh thì đó là hành uẩn = tạo ác nghiệp sát sinh.
• Hoặc mình cố ý tránh xa sự sát sinh thì đó cũng là hành uẩn = tạo thiện nghiệp giữ giới.
Bất cứ hành động gì có sự chủ tâm, cố ý tạo tác đều là hành uẩn.
Hỏi: Nhân của hành là gì?
Đáp:
■ Nhân quá khứ:
Vô minh, Tham ái, Chấp thủ, Hành, Nghiệp là nhân → hành là quả.
■ Nhân hiện tại:
Thọ – Tưởng – Thức, Sắc căn, Sắc cảnh là nhân → hành là quả.
Hỏi: Hành có bao nhiêu loại?
Đáp: Hành có 3 loại: Thiện, bất thiện và duy tác.
Hỏi: Thế nào là hành thiện?
Đáp: Là hành sinh khởi cùng với tâm thiện thì là hành thiện.
• Hành thiện dục giới;
• Hành thiện sắc giới;
• Hành thiện vô sắc giới;
• Hành thiện siêu thế.
- Hành thiện dục giới có 36 tâm sở:
■ 7 tâm sở biến hành – 2 (thọ, tưởng) = 5 tâm sở.
• 1. Xúc: sự xúc chạm giữa căn – trần – thức;
• 2. Tư: cố ý, đốc thúc các tâm cùng làm nhiệm vụ;
• 3. Định: sự tập trung tâm;
• 4. Mạng quyền: hỗ trợ, duy trì mạng sống của các tâm;
• 5. Tác ý: tác ý đến đối tượng.
■ Sáu biệt cảnh:
• 1. Tầm: hướng tâm;
• 2. Tứ: bám sát;
• 3. Thắng giải: quyết định, không do dự;
• 4. Cần: cố gắng;
• 5. Hỉ: thích thú;
• 6. Dục: ước muốn.
■ 25 tịnh hảo:
• 1. Tín: niềm tin;
• 2. Niệm: nhớ nghĩ;
• 3. Tàm: hổ thẹn tội lỗi;
• 4. Quý: ghê sợ tội lỗi;
• 5. Vô tham: không dính mắc;
• 6. Vô sân: không tức giận;
• 7. Hành xả: tự tại;
• 8. Tịnh thân: tâm sở bình an;
• 9. Tịnh tâm: tâm bình an;
• 10. Khinh thân: tâm sở nhẹ nhàng;
• 11. Khinh tâm: tâm nhẹ nhàng;
• 12. Nhu thân: tâm sở mềm mại;
• 13. Nhu tâm: tâm mềm mại;
• 14. Thích thân: tâm sở tinh luyện;
• 15. Thích tâm: tâm tinh luyện;
• 16. Thuần thân: tâm sở thuần thục;
• 17. Thuần tâm: tâm thuần thục;
• 18. Chánh thân: tâm sở chánh trực;
• 19. Chánh tâm: tâm chánh trực;
• 20. Chánh ngữ: Lời nói chân chánh;
• 21. Chánh nghiệp: Hành động chân chánh;
• 22. Chánh mạng: sự nuôi mạng chân chánh;
• 23. Bi: thương xót;
• 24. Hỉ: hoan hỉ;
• 25. Tuệ: trí tuệ. - Hành thuộc sắc giới:
• Sơ thiền: 34 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức)
= 31 danh pháp;
• Nhị thiền: 32 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức) = 29 danh pháp;
• Tam thiền: 31 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức) = 28 danh pháp;
• Tứ thiền: 31 danh pháp – 3 uẩn (thọ, tưởng, thức)
= 28 danh pháp. - Hành uẩn vô sắc giới:
• Không vô biên xứ = 28 danh pháp;
• Thức vô biên xứ = 28 danh pháp;
• Vô sở hữu xứ = 28 danh pháp.
• Phi tưởng phi phi tưởng xứ = 28 danh pháp.
Hỏi: Thế nào là hành bất thiện?
Đáp: Là hành sinh cùng với các tâm bất thiện:
■ 7 tâm sở biến hành – 2 (thọ, tưởng) = 5 tâm sở: Xúc, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý.
■ 6 tâm sở biệt cảnh: Tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, dục.
■ 4 si phần (biến hành bất thiện):
• 1. Si: sự ngu dốt hiểu sai sự thật;
• 2. Vô tàm: không biết xấu hổ;
• 3. Vô quý: không biết ghê sợ;
• 4. Phóng dật: tâm tán loạn.
■ 3 tham phần:
• 1. Tham: ham muốn, dính mắc;
• 2. Tà kiến: thấy sai;
• 3. Ngã mạn: kiêu ngạo.
■ 4 sân phần:
Sân: tức giận;
Lận: Keo kiệt;
Tật: Ghen tỵ;
Hối: Hối hận.
■ 2 hôn phần:
• 1. Hôn trầm: đờ đẫn;
• 2. Thụy miên: rã rượi.
■ Một nghi phần:
• Hoài nghi.
BẢNG TỔNG HỢP CÁC TÂM HÀNH SINH CÙNG VỚI CÁC TÂM BẤT THIỆN:
■ Nhóm tâm tham:
• Tham tà kiến:
5 biến hành; 6 biệt cảnh; 4 si phần; 1 tham; 1 tà kiến; 2 hôn phần.
→ Tổng có 19 hành uẩn.
• Tham ngã mạn:
5 biến hành, 6 biệt cảnh, 4 si phần, 1 tham, 1 ngã mạn, 2 hôn phần.
→ Tổng có 19 hành uẩn.
■ Nhóm tâm sân:
• Tâm sân: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần.
→ Tổng có 17 hành uẩn.
• Sân tật: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần, tật.
→ Tổng có 18 hành uẩn.
• Sân lận: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần, lận.
→ Tổng có 18 hành uẩn.
• Sân hối: 5 biến hành, 5 biệt cảnh, 4 si phần, 1 sân, 2 hôn phần, hối.
→ Tổng có 18 hành uẩn.
Chú thích: 5 sở hữu biệt cảnh của tâm sân bao gồm: tầm, tứ, thắng giải, dục, cần.
■ Nhóm tâm si:
• Si phóng dật: 5 biến hành, 4 biệt cảnh (không có hỷ, dục), 4 si phần.
→ Tổng có 13 hành uẩn.
• Si hoài nghi: 5 biến hành, 3 biệt cảnh (không có hỷ, dục,thắng giải), 4 si phần, hoài nghi.
→ Tổng có 13 hành uẩn.
Tổng số danh pháp trong các lộ trình tâm bất thiện:
• Tâm tham tà kiến: 19 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 22 danh pháp.
• Tâm tham ngã mạn: 19 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 22 danh pháp.
• Tâm sân: 17 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 20 danh pháp.
• Tâm sân tật: 18 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 21 danh pháp.
• Tâm sân lận: 18 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 21 danh pháp.
• Tâm sân hối: 18 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 21 danh pháp.
• Tâm si phóng dật: 13 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 16 danh pháp.
• Tâm si hoài nghi: 13 hành uẩn + thọ, tưởng, thức
→ Tổng có 16 danh pháp.
Chú thích: Thọ, tưởng, thức là 3 danh pháp luôn có mặt trong mọi lộ tâm.
Hỏi: Thế nào là hành duy tác?
Đáp: Là hành sinh cùng với các tâm duy tác vô nhân và các tâm duy tác hữu nhân.
Hỏi: Thế nào là tính vô ngã của hành?
Đáp: Vì hành có tính sinh diệt liên tục:
• Cái gì sinh lên rồi diệt đi thì cái đó là vô thường;
• Vì vô thường, chịu bức bách nên nó khổ;
• Cái gì vô thường, khổ thì cái đó là vô ngã.
Vậy:
• Hành không phải là ta = vô thường;
• Hành không phải của ta = khổ;
• Hành không phải là tự ngã của ta = vô ngã.
Như vậy quán tất cả các hành theo 11 cách ở:
Quá khứ – Hiện tại – Tương lai, Bên trong – Bên ngoài, Thô – Tế, Cao thượng – Hạ liệt, Ở xa – Ở gần → Đều vô thường, khổ, vô ngã.
Hỏi: Quán sát tính vô ngã của hành để làm gì?
Đáp:
• Để nhàm chán: nhàm chán đối với các hành;
• Để ly tham: ly tham đối với các hành;
• Để đoạn diệt: diệt tham ái, chấp thủ vào hành;
• Để từ bỏ: từ bỏ các hành tạo nghiệp;
• Để đạt được chánh trí: giác ngộ các sự thật;
• Để chứng Niết Bàn: giải thoát khổ đau.
Hỏi: Hành thiện sẽ có quả báo như thế nào?
Hành bất thiện sẽ có quả báo như thế nào?
Hành duy tác sẽ có quả báo như thế nào?
Đáp:
■ Hành thiện dục giới cho quả:
• Trong hiện tại: được thấy – nghe – ngửi – nếm – xúc chạm – tiếp nhận và suy xét những cảnh hài lòng;
• Lúc cận tử: sinh làm người, hoặc Thiên thần các cõi trời Dục Giới.
• Sau khi tái sinh thì được phước báu: Sống lâu, mạnh khỏe, sắc đẹp, an vui, trí tuệ.
■ Hành thiện sắc giới và vô sắc giới (tức là chứng đắc tứ thiền bát định) cho quả:
• Trong hiện tại: trú trong sự an lạc cao thượng;
• Lúc cận tử: tái sinh về các cõi Phạm Thiên;
• Sau khi tái sinh: hưởng phước báu của Phạm Thiên lạc, Phạm Thiên dung sắc, Phạm Thiên thọ mạng.
■ Hành thiện siêu thế cho quả:
• Hiện tại: An lạc hữu dư y Niết Bàn;
• Tương lai: Nhập đại bát Niết Bàn.
■ Hành bất thiện cho quả:
• Trong hiện tại: được thấy – nghe – ngửi – nếm – xúc chạm, tiếp nhận và suy xét những cảnh không hài lòng;
• Lúc cận tử thì tái sinh vào ác thú: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la.
• Sau khi tái sinh: cảm thọ những sự thống khổ về thân tâm cho đến khi hết nghiệp bất thiện đó.
Hỏi: Hành duy tác (không thiện, không ác) cho quả như thế nào?
Đáp: Hành duy tác là hành vô hiệu quả, không cho quả gì hết.
Hỏi: Muốn phát triển được thiện hành thì phải làm sao?
Đáp: Phải có tác ý chân chánh:
• Mong rằng mình sẽ là người có từ tâm, không có sân tâm;
• Mong rằng mình sẽ là người hào phóng, không keo kiệt;
• Mong rằng mình sẽ là người chân thật, không gian dối;
• Mong rằng mình sẽ là người tạo phước, chứ không tạo tội;
• Mong rằng mình sẽ là người có nội tâm thanh tịnh, không ô nhiễm;
• Mong rằng mình sẽ là người có trí tuệ, chứ không si mê;
• Mong rằng mình sẽ là người theo chánh pháp, chứ không theo tà pháp;
• Mong rằng mình sẽ giải thoát sinh tử, chứ không chìm đắm trong luân hồi.
Nhờ có tác ý chân chánh sẽ có hành động chân chánh và tạo được nhiều thiện hành.
Hỏi: Khi ta ngủ thì có hành gì?
Đáp: Ngủ một cách tự nhiên thì có hành duy tác. Ngủ li bì tham đắm thì có hành bất thiện.
Hỏi: Khi ăn thì có hành gì?
Đáp:
• Ăn để thưởng thức vị ngon ngọt = hành bất thiện;
• Ăn trong chánh niệm, quán tưởng đến sự bất tịnh của vật thực = hành thiện.
Hỏi: Khi nói thì có hành gì?
Đáp: Lời nói đúng sự thật, có lợi ích = hành thiện.
Lời nói sai sự thật, không lợi ích = hành bất thiện.
Hỏi: Khi xem phim, đọc sách, nghe đài thì có hành gì?
Đáp: Xem nghe những cái gì mà khởi tâm tham – sân – si thì là hành bất thiện;
Xem nghe những cái gì mà khởi tâm vô tham – vô sân – vô si thì là hành thiện.
Hỏi: Khi nghe giảng Phật Pháp thì là hành gì?
Đáp:
• Nghe với tâm hoan hỷ có tín, có tuệ thì là hành thiện;
• Nghe với tâm hoài nghi: Chánh pháp thì cho là tà, tà pháp thì cho là chánh thì là hành bất thiện.
Hỏi: Khi đang lao động thì là hành gì?
Đáp: Trong khi lao động mà khởi lên tâm bất thiện thì là hành bất thiện. Khi lao động mà khởi lên tâm thiện thì là hành thiện.
Hỏi: Hành động gì sẽ khởi lên nhiều tâm thiện nhất?
Đáp: Hành thiền sẽ khởi lên nhiều tâm thiện nhất:
• Tâm thiện dục giới;
• Tâm thiện sắc giới;
• Tâm thiện vô sắc giới;
• Tâm thiện siêu tam giới;
đều có được khi thực hành thiền.
Hỏi: Hành động gì sẽ khởi lên nhiều tâm bất thiện nhất?
Đáp: Hành động:
• Sát sinh;
• Trộm cắp;
• Tà dâm;
• Nói dối;
• Uống rượu;
là những hành động khởi lên nhiều tâm bất thiện nhất.
Hỏi: Người có hành động thiện và tâm thiện thì thuộc hành uẩn gì?
Đáp: Hành thiện.
Hỏi: Người có hành động bất thiện cùng với tâm bất thiện thì thuộc hành uẩn gì?
Đáp: Hành bất thiện.
Hỏi: Người đang làm việc thiện cùng với tâm duy tác thì thuộc hành gì?
Đáp: Hành duy tác.